Ông nội tôi là thế
Tâm sự 25/01/2024 11:02
Ông nội tôi mất năm 1991. Đến nay đã hơn 30 năm có lẻ. Những tưởng kí ức về ông nội theo thời gian sẽ phai nhòa trong tâm trí người ở lại. Thế nhưng đúng như bố nói: “Những gì đẹp đẽ sẽ luôn ở lại mãi với thời gian”. Ông nội tôi là như thế.
Thời của ông bà tôi ngày ấy, cuộc sống rất khó khăn, khổ nhục. Đất nước lầm than, đời sống nghèo khó. Ông nội lấy bà nội cũng là do mai mối chứ tình cảm nam nữ giữa ông và bà ban đầu không hề có. Chỉ khi về chung sống với nhau, khi bà lần lượt sinh cho ông 8 người con là các o (cô), các bác và bố tôi, tình yêu giữa ông bà mới dần nảy nở, từ đó gắn kết thủy chung, bền chặt. Những bữa cơm gia đình phần nhiều là cháo bầu ngô, rau má; thi thoảng mới có cơm độn sắn khoai… vậy nhưng ông đã cùng bà chèo lái con thuyền gia đình vững vàng vượt qua sóng gió.
Ảnh minh họa |
Ngày ấy, bà nội phải tất tả đi bộ từ quê Thanh Hóa ra tận Nam Định buôn gạo, ông thương lắm. Vậy nên mọi việc nhà cửa, đồng áng đến con cái, ông đều thay bà quán xuyến. Sau ngày thành lập hợp tác xã, ông được tín nhiệm giữ chức chủ nhiệm. Ai nấy mừng vì nghĩ rằng “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Vậy mà,... ông liêm khiết và nhất mực giữ mình. Ông “cúc cung tận tụy”, trước sau đều làm tròn nhiệm vụ được giao. Dẫu là cân gạo, lạng thịt,… bớt xén, cũng không bao giờ ông nghĩ tới.
Bà nội hờn trách ông chỉ biết nghĩ đến người khác, để mặc gia đình, con cái đói ăn. Thế nhưng dù có bị trách móc, giận hờn, ông nội vẫn cương quyết giữ vững đạo đức của một người cán bộ. Ai nói sao, ông cũng chỉ cười: Đảng tin tưởng mới giao nhiệm vụ cho mình. Cán bộ là nô bộc của dân. Cái gì của dân, dù là cái kim sợi chỉ, cũng không bao giờ được đụng tới dẫu mình có nghèo đến mấy.
Đức tính liêm khiết và lòng tự trọng của ông, đến bây giờ các bác, các o và bố tôi vẫn nhắc lại. Có lẽ vì thế, dù giữ chức chủ nhiệm hợp tác xã suốt hai nhiệm kì nhưng khi thôi chức, ông nội tôi cũng chỉ là một người bình thường. Vì thương ông lại xót con cái nên sau này, hễ mỗi lần nhắc tới chuyện ông được người trong làng trong xã yêu mến vì tận tâm tận tụy thì bà lại không khỏi chạnh lòng nói ông “Có tiếng mà không có miếng”. Những lúc như thế, ông chỉ cười trừ.
Dựng vợ gả chồng cho các bác, các o và bố tôi xong thì tuổi ông bà cũng đã ngoài 60. Ông bà nội tôi ở với bác trai cả trong nhà, nhưng chỉ ở gian nhà ngang (hồi ấy hãy còn là nhà tranh vách đất), còn dãy nhà chính 3 gian (lợp ngói), ông bà dành cho vợ chồng con cái hai bác ở. Tuy ở chung nhưng ông bà nấu cơm ăn riêng. Ông bảo: ông bà tuổi cao, răng yếu, thích ăn cơm nhão, thêm tuổi già nên việc ăn uống nghỉ ngơi cũng không trùng nhịp với con cháu nên sợ phiền. Vả lại, ông bà vẫn còn khỏe, còn có thể tự nấu nướng được. Khi nào không đủ sức đi lại, nấu nướng nữa, ông bà mới nhờ đến cháu con chăm sóc. Ông nói thì nói vậy, dù ăn riêng nhưng ông bà vẫn quan tâm giúp đỡ hai bác việc nhà. Hai bác và các anh chị tôi cũng quan tâm, chăm sóc, hiếu kính với ông bà. Đó chính là niềm vui lớn nhất của ông bà tuổi xế chiều.
Ông nội quan tâm, yêu thương tất cả con cháu như nhau, không thiên vị con trai hay con gái; cháu nội hay cháu ngoại. Ông lúc nào cũng bảo “Đứa nào cũng là con là cháu của ông cả”. Chính vì thế, dọc dài tuổi thơ của chị em chúng tôi, đứa nào cũng lưu giữ hình ảnh của ông. Đứa thì nhớ mãi những câu chuyện ông đã kể cho nghe; đứa thì nhớ những lần theo ông trèo núi hái sim, hái muồng; đứa thì được ông cho ra đồng cùng làm đất trồng khoai, trồng đậu; rồi thì được ông dạy cách bắt cua, be bờ tát cá; được ông dạy cách làm cào cào, châu chấu, con trâu bằng lá cây... Trong tâm trí mỗi đứa, ông nội thương quý vô cùng.
Ngày ông phát hiện ra mình bị bệnh nan y, giữa lúc gia đình đang khó khăn, ông không muốn phiền lụy đến cháu con, nên một mình chịu đựng. Khi căn bệnh trở nặng, dù đau đớn thể xác, nhưng trước mặt mọi người, ông vẫn gắng gượng như không có gì. Một năm sau, ông qua đời để lại muôn vàn tiếc thương cho toàn thể gia đình. Khi ấy, ông nội 66 tuổi.
Bố bảo cả đời ông, từ khi sinh ra đến khi trút hơi thở cuối cùng luôn sống trách nhiệm, liêm khiết, tự trọng, yêu thương, sẻ chia… Ông nội của các con là thế. Các con hãy học tập những phẩm chất đáng quý ấy từ ông để sống đẹp, sống tốt giữa cuộc đời này. Trong từng lời bố kể là tất cả niềm kính thương, tự hào về ông. Ông là người đáng kính, là tấm gương sáng để chúng tôi noi theo.