Từ lời chỉ dạy, khuyên bảo của ông bà ngoại
Tâm sự 10/04/2024 10:09
Ông bà ngoại tôi sinh được 6 người con. Mẹ tôi lớn nhất, dưới mẹ tôi còn ba dì và hai cậu nữa. Sinh thời, ông bà tôi sống khổ cực lắm. Gia cảnh các cụ hai bên đều khó khăn nên khi ông bà lấy nhau, các cụ cho ra ở riêng ngoài căn nhà lá hai gian không có tài sản gì đáng giá. Âu cũng là cái duyên của ông bà tôi, nên ông bà tôi sống chung với nhau rất đầm ấm, yêu thương. Xưa các cụ có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, ông bà tôi nhờ sức khỏe và chăm chỉ, chịu thương chịu khó làm ăn, năm tháng qua đi, dần dần cái khó cũng lùi.
Do tục lệ của thời phong kiến, nên năm 1949, mới 15 tuổi, mẹ tôi đi lấy chồng. Năm 1952, ông ngoại tôi theo Việt Minh ra vùng giải phóng. Ở nhà còn bà ngoại tôi với 5 đứa con nhỏ lít nhít phải gồng gánh nuôi nhau. Các dì tôi không được học hành phải theo bà ra đồng làm ruộng. Riêng bà tôi ngoài việc làm ruộng còn tranh thủ ra chợ buôn thúng bán mẹt để kiếm đồng ra đồng vào. Hoà bình lập lại (năm 1954), sau những biến động của cải cách ruộng đất, rồi đến giảm tô, dồn ruộng vào thành lập hợp tác xã. Lúc này các dì, các cậu tôi đã lớn cuộc sống gia đình đổi thay, hai cậu với dì bé được đi học.
Đến năm 1959, ông ngoại tôi được phục viên, về tham gia công tác chính quyền xã. Các dì tôi lớn lên được dựng vợ gả chồng. Cậu lớn học xong cấp 2 cũng nghỉ học về làm quản trị điều hành hợp tác xã. Khi gia đình ông bà tôi được ổn định, cuộc sống đang “xuôi chèo mát mái” thì không ngờ vì một lí do rất ngớ ngẩn, cậu tôi (con trai trưởng của ông bà) đánh nhau với một người cùng làng, làm người đó bị gãy đùi, thế là cậu tôi bị phạt đi cải tạo 2 năm.
Sau hai năm, được trả lại tự do song cậu tôi như người mất hồn, suốt ngày giam mình trong nhà không muốn gặp mặt người thân và bạn bè. Cậu tôi bị làng xóm chê cười, người yêu xa lánh, cậu tôi đâm ra chán chường, bi quan, cuộc đời coi như bỏ đi. Ông bà tôi và các chị em động viên song ít có biến chuyển. Rồi có một đêm, ông bà tôi vào phòng riêng của cậu tâm sự. Ông bà tôi nói nhiều lắm, song có mấy câu mà cậu tôi còn nhớ mãi đến bây giờ: “Con ạ, chuyện của con trước kia là quá khứ, cuộc sống bây giờ của con mới bắt đầu. Con hãy hướng về tương lai, kiên trì rèn luyện, học hỏi. Bố mẹ tin con sẽ trưởng thành”. Sau mấy ngày suy nghĩ, cậu tôi đã xin ông, bà tôi đi học tiếp. Ông, bà tôi rất mừng, còn chủ động chuẩn bị các thứ cần thiết cho cậu tôi.
Mấy năm cậu tôi miệt mài học tập, cậu tôi đã thi đỗ vào trường đại học và ra trường với tấm bằng đỏ. Những năm tháng cậu tôi công tác, cống hiến cho đất nước đã được vinh danh trong ngành khoa học.
Sau này, đến ngày giỗ ông bà ngoại, cậu tôi vẫn thường nói với mọi người trong gia đình: “Nếu không có tấm lòng nhân hậu, vị tha của bố, mẹ, của anh chị em và những người thân yêu thì chắc cậu đã là người bỏ đi”. Câu chuyện cậu kể làm cha mẹ tôi và các chú, dì, cậu, mợ đều rơm rớm nước mắt. Để mọi người bớt bồi hồi, xúc động, cậu tôi đứng dậy nói: “Thôi đã hết tuần hương rồi, tất cả ngồi vào mâm nâng cốc vui mừng vì những đức tính nhân hậu, vị tha, chịu thương chịu khó của ông bà đã thấm sâu vào con cháu nên mới có hạnh phúc như ngày nay. Chắc ông, bà ở dưới suối vàng cũng mừng vì con cháu thành đạt trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, một gia đình có nhiều kĩ sư, bác sĩ”.
Còn cậu Đỗ Chí Nhân, con trai của ông bà, là quân nhân tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cậu anh dũng hi sinh ở chiến trường miền Nam năm 1967, khi mới tròn 22 tuổi.
Từ lời khuyên bảo, chỉ dạy của ông bà ngoại, cậu tôi đã vượt qua những mặc cảm, lỗi lầm trở thành người có ích cho xã hội. Không chỉ cậu tôi, tấm gương của ông bà luôn soi rọi cho cháu con, và tôi cảm ơn cuộc đời này đã cho tôi được làm cháu của ông bà.