Nhớ hoa hành

Tâm sự 20/05/2025 09:08
Linh chợt bần thần, tấp xe vào lề đường, rút điện thoại bấm gọi cho anh Liên, Chủ tịch Hội đồng hương thông báo tình hình: “Anh ơi ! Ông Tò mất rồi - “Anh cả” khuất núi rồi anh ạ ! Em đang đi trên đường thì thấy cái xe phục vụ tang lễ chạy qua, trên đấy có ảnh ông Tò nhà mình đấy !”
Suốt buổi tối hôm ấy, Linh cứ nghĩ về ông Tò. Linh nhớ là năm nay ông Tò 86 tuổi - là người cao tuổi nhất hội đồng hương Kinh Bắc tại tỉnh này. Chính vì vậy mà Linh gọi ông Tò là “Anh cả”, và khi “lý sự” với ông Tò, Linh đã viện dẫn cả bản sắc văn hóa quê nhà ra: Nào là ông nhiều tuổi nhất Hội nên chắc chắn là anh cả của Hội, nào là ở miền Quan họ mọi người vẫn gọi nhau là Anh cả, Anh hai, Cô cả, Cô hai… Thế là ông Tò vui vẻ chấp nhận cái danh xưng “Anh cả” do Linh đặt, mặc cho Linh kém ông đến hơn bốn chục tuổi đời, hay Linh có cầm micro đứng trên sân khấu kính mời “Anh cả” lên giao lưu văn nghệ, hoặc gọi nheo nhéo “Anh cả ơi” giữa chốn đông người…
![]() |
Nhiều năm sống xa quê, nơi sâu thẳm tâm hồn ông Tò luôn nhớ về miền Quan họ, có bóng dáng thấp thoáng của liền chị, liền anh đi trẩy hội Xuân trên con đê đầu làng |
Linh vào sinh hoạt trong Hội được hơn mười năm nay. Người Linh được nói chuyện trực tiếp nhiều nhất là ông Tò, nghe hội viên khác kể chuyện nhiều nhất cũng chính là ông Tò. Và theo đúc kết từ những gì Linh được nghe, được thấy thì Linh nhận định chắc như đinh đóng cột rằng: Cuộc đời ông Tò tổng thể lại là một bức tranh mang màu sắc ảm đạm pha chua xót, pha cả sự buồn đau, thêm thật nhiều sự vất vả mà nếu đem “số hóa” thì cụ thể thế này: 75% là do sự lựa chọn của ông Tò, 15% là do sự bất hiếu của các con ông, 10% còn lại là do dòng đời xô đẩy hoặc là do số phận.
Nhớ lại cách đây một năm, trong buổi gặp mặt đầu Xuân của toàn thể Hội đồng hương, ông Tò đã được chúc thọ 85 tuổi. Khi đó, ông Tò rất minh mẫn, mạnh khỏe, đi lại nhanh nhẹn, nước da hồng hào, giọng hát vẫn còn vang, rền, nền, nảy. Ấy vậy mà chỉ gần một tháng sau, Linh bất ngờ khi được gọi đến họp khẩn cấp Ban chấp hành Hội.
Mở đầu cuộc họp, anh Liên, Chủ tịch Hội thông báo:
- Tình hình là ông Tò bị đột quỵ sáng nay, đang cấp cứu ở bệnh viện tỉnh.
Hoàn cảnh của ông Tò rất bi đát ! Hai con trai ông giờ đang chia nhau ra nuôi bố mỗi đứa nửa tháng. Đứa từ mùng 1 đến tối 15, đứa từ tối 15 đến tối 30 (tháng nào thừa thiếu thì tính ngày cuối cùng của tháng). Tối qua (ngày 15) ông ấy gọi cho tôi lúc 11h khuya và khóc mãi vì đang phải ngồi ở cửa nhà của thằng con thứ 2, vợ chồng thằng thứ 3 bận công việc chưa sang đón mà gia đình thằng thứ 2 muộn rồi muốn đi ngủ nên để bố xách túi quần áo ngồi ngoài vỉa hè chờ. Khoảng 15’ sau tôi gọi lại thì ông ấy bảo đã bắt taxi về đến nhà thằng thứ 3 rồi”. Thế mà sáng nay tôi điện lại thì thằng con ông ấy nghe máy và nói ông Tò đang cấp cứu ở viện tỉnh vì bị đột quỵ.
- Ối giời ơi ! Thật á ? Những người có mặt hôm đó đều rất “sốc”. Phần vì thương ông Tò, phần vì nhận thấy sự bất hiếu của những đứa con mà ông Tò bao nhiêu năm dồn hết tâm sức chăm lo…
Ông Tò đã từng kể với anh em chúng tôi về cuộc đời ông: Rời quê vào miền Trung làm ăn rồi bén duyên lấy vợ, ông Tò định cứ luôn ở đất này. Bà ở với ông được 17 năm, sinh cho ông 3 trai 1 gái. Lúc bà mất vì bệnh hiểm nghèo, cô con gái út mới tròn 6 tuổi, ông Tò khi đó cũng mới 42. Đang tuổi trung niên, ông một mình làm lụng nuôi 4 người con, quyết tâm không lấy ai nữa vì lo sợ các con phải chịu cảnh dì ghẻ con chồng. Ngoảnh đi ngoảnh lại, các con ông đều đã trưởng thành, có gia đình và cơ ngơi riêng. Ông Tò ở với gia đình người con trai cả, rất thuận hòa, vui vẻ. Hàng ngày ông đi chợ, cơm nước, giặt giũ, đưa đón cháu đi học… đỡ đần cho các con. Con dâu đã thuê giúp việc mấy lần vì thương bố nhưng cứ được vài ngày ông lại cho giúp việc nghỉ vì “tiếc của”, ông còn làm được. Thế rồi không may, con trai cả của ông lại đột quỵ và mất sớm. Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Từ đó, hai người con trai thứ 2 và thứ 3 chia nhau đón bố về nuôi (vì các cháu đi học xa nhà, chỉ có ông Tò sống cùng với con dâu cả sợ thiên hạ lại dị nghị, điều tiếng). Cuộc đời bi đát của ông Tò bắt đầu từ đây.
Ban đầu thì gia đình hai anh con trai nuôi bố lần lượt mỗi nhà một năm, lâu dần chuyển sang mỗi nhà một tháng, sau thì mỗi nhà nửa tháng luân phiên. Cô con gái út lấy chồng và định cư ở nước ngoài, chỉ thực hiện trách nhiệm bằng việc gửi tiền cho bố chứ hiếm có dịp về thăm bố, phó mặc chuyện chăm lo tuổi già của bố cho các anh chị. Mấy chục năm ở vậy chăm lo cho con cháu, không ngờ cuối đời, ông Tò bị con cái “đá qua đá lại”…
![]() |
Ông Tò khuất núi - mong rằng nơi ông đến sẽ thật đẹp, thật nhiều niềm vui |
“Nếu thời gian có thể quay trở lại, “anh cả” sẽ làm gì ? - Linh đã từng hỏi ông Tò như vậy và nhận được câu trả lời rằng:
“Anh cả sẽ chọn hướng khác cho cuộc đời mình. Anh sẽ không chịu cảnh “gà trống nuôi con” mà sẽ chọn một em “gà mái” nào đó xinh tươi, hiền hậu và nhiều tiền để chung sống; anh sẽ không ki cóp, tằn tiện đến mức tiếc tiền thuê giúp việc để mình được thảnh thơi, đi chơi với bạn bè, hoặc đi du lịch bất cứ nơi nào mà anh muốn cùng vài cô bạn gái…(Khi ông Tò nói chuyện sẽ luôn chêm vào những câu hài hước). Nhưng đời làm gì có chuyện quay trở lại được hả cô hai ! Chắc cái tên anh nó cũng vận vào người - “Tò vò mà nuôi con nhện” ấy mà !”…
Có lẽ (chỉ là có lẽ thôi), nếu vào những thời khắc phải lựa chọn vì mình hoặc vì con, ông Tò chọn vì mình hơn một chút thì cuộc đời ông có thể đã khác. Và điều mà ông khẳng định là sai lầm lớn nhất của cuộc đời mình chính là: Vào cái thời điểm đáng lẽ phải dành thời gian rèn dạy các con về đạo đức, về nhân cách, ông lại chỉ tập trung lao vào kiếm tiền và dạy các con cách kiếm tiền. Và vào cuối đời, lúc tuổi già bóng xế, ông đã lâm vào hoàn cảnh đau khổ đến tột cùng - Tưởng chỉ có trên phim ảnh…
Lần cuối cùng Linh gặp ông Tò là hôm biết tin ông được xuất viện về nhà, mấy anh chị em đồng hương cùng đến thăm ông. Ông Tò nằm trên giường, hơi thở khó nhọc. Ông chỉ chớp mắt ra hiệu mình nghe hiểu chứ không thể nói. Các con ông đã thuê riêng một bà giúp việc để chăm sóc ông hàng ngày. Lúc anh em đồng hương ra về, ông Tò nhìn theo, khóe mắt ngấn lệ.
Và hôm nay, Linh cùng mấy người đồng hương đến thắp cho ông Tò nén hương. Trên bàn thờ, di ảnh ông Tò với khuôn mặt phúc hậu, mái tóc bạc phơ, nước da hồng hào đang nở một nụ cười hiền. Linh chắp tay vái ba vái nhưng không khấn mà chỉ lẩm nhẩm: “Vĩnh biệt ông nhé - Anh Cả !”