Đâu rồi tiếng gậy khua của bà?
Tâm sự 08/04/2024 13:26
Những năm 70 thế kỉ trước, tuổi thọ của người Việt Nam thấp nên vào tuổi 70 trở lên thường hay lẫn. Bà tôi cũng vậy, lúc cụ 80 tuổi cứ nửa đêm lại dậy chống gậy khua lộp cộp, rồi vừa đi vừa nói làm cả nhà phải dậy, vì sợ bà ngã hay mở cửa đi ra ngoài đường. Mỗi lần như thế, sáng ra cả người lớn lẫn trẻ con đều bơ phờ vì mất ngủ. Thấy dáng vẻ uể oải của mọi người, tôi nửa đùa nửa thật bảo: “Rồi có lúc cầu mong được nghe tiếng gậy khua của bà, ước ao được nghe bà la rầy, trách móc… cũng không được”.
Một ngày cách đây 50 năm, qua người bưu tá, tôi nhận được tin nhắn: “Chị ơi! Bà vừa ăn hết bát cháo đang chơi với cu Bom thì tự nhiên nói ngọng, đi lảo đảo!”. Tôi hối hả về nhà đưa bà đi bệnh viện tỉnh. Phòng cấp cứu điện vẫn sáng đèn. Xe ra xe vào khẩn trương, hối hả. Lòng tôi nôn nao, xúc động. Bà tôi vào phòng có 8 giường bệnh, đa số là bà con nông dân. Tiếng rên đau đớn, hơi thở khò khè. Tiếng ngáy mệt nhọc và những câu nói mơ phát ra từ các giường xung quanh làm tôi càng lo lắng bởi thân hình nhỏ bé của bà trong màu áo sọc của bệnh viện. Tôi bị rời khỏi hồi ức về bà khi bác sĩ trưởng khoa cấp cứu bảo: “Cụ khó qua được!”. Chị em tôi bàn rồi quyết định “Còn nước còn tát”, mong bệnh viện cứu chữa.
Bà nội tôi người Đồng Hoàng, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (cũ), lên Hà Nội làm ở nhà máy sản xuất gạch hoa của một nhà tư bản, hai ông bà gặp nhau, phải lòng nhau rồi thành vợ thành chồng. Năm 1911, sinh ra bố tôi và sau đó là 3 người con (các em của bố tôi). Năm 1946, Pháp tái chiếm Hà Nội, ông tôi đưa bà về quê (làng Giáp Ba, xã Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Không nhà cửa, không ruộng đất, gia đình ông bà nội tôi phải ở nhờ nhà ông bác. Ông mưu sinh bằng việc gánh lợn thuê lên chợ Cà, còn bà cứ nửa đêm lại dậy hầm một nồi hạt bắp với vôi ăn trầu rồi hì hục đãi vỏ đem nấu lại chia thành bữa ăn sáng, bữa trưa cho cả nhà rồi lại tất tưởi đi làm thuê làm mướn cho các nhà địa chủ, đến lọ mọ mặt người mới về.
Bà chân đất lội qua cánh đồng nhà địa chủ, tối về chỉ chà hai bàn chân cho sạch rồi lên giường. Biết… rồi cũng quen. Vậy mà còn bị tên địa chủ giở trò bờm xơm. Bà không đi làm thuê nữa mà đòn gánh trên vai lên thành phố buôn mớ rau con cá. Có lần do mải mê buôn buôn, bán bán đến tổi mịt chưa về. Bố tôi phải đi đón, vừa đi vừa đập gậy vào các lùm cây ven đường để xua rắn rết. Đang loay hoay thì bố phát hiện ra bóng dáng mẹ, bố tôi chạy đến đỡ gánh trên vai bà. Bà tôi đưa tay áo vá víu nhiều mảnh lau mồ hôi trán rồi hỏi: “Cái Hĩm (tên tôi lúc còn nhỏ) có khóc nhè không?”. Bố tôi ứa nước mắt nói không nên lời: “Cháu bà ngoan… lắm”. Vất vả là vậy mà chỉ kiếm được dăm xu, một hào.
Thời gian sau bà tôi không lên thành phố buôn bán nữa mà chuyển sang gánh hai thúng gạo qua đò Kĩa sang chợ Gạo huyện Vụ Bản bán. Đầu những năm 50 thế kỉ trước, quê tôi là vùng tạm chiếm, huyện Vụ Bản là vùng tự do. Mỗi khi qua đò, bọn lính bảo hoàng kiểm tra rất gay gắt. Nhưng được cán bộ Việt Minh giác ngộ hướng dẫn tỉ mỉ nên bà nhận nhiệm vụ mang thư của vùng tạm chiếm sang vùng tự do để liên lạc. Một lần vừa xuống đò, một tên lính bảo hoàng nhăn nhở ra thọc tay vào thúng gạo lục tìm xem có cất giấu gì không. Rất cảnh giác, bà tôi hôm đó lại giấu thư vào vằn khăn nên an toàn. Khi về chợ, bọn chúng lại lục tìm. May mà bà giấu thư trong một chiếc bánh nếp nên chúng không phát hiện ra. Sau lần ấy, biết bà tôi đã bị chúng nghi ngờ, nên cán bộ Việt Minh đưa thư cho một người bán rau chuyển đi. Bà cũng thôi không buôn gạo nữa mà chuyển sang làm nghề nấu bánh đúc bán tại chợ Chùa.
Ngót 90 năm làm người, chỉ được mươi năm cuối đời thanh thản đôi chút, còn lại là bà phải tất tả ngược xuôi, vất vả trăm bề để nuôi dạy các con. Rồi hôm ấy là ngày mùng 9/5/1974, bà nằm yên trên tay tôi. Kể từ đó, chúng tôi không bao giờ được nghe bà nói, không được thấy bà cười hay trách mắng con cháu. Bà ra đi thanh thản như suốt cuộc đời dài dằng dặc vất vả nhưng vẫn vui và hạnh phúc.
Năm nay đã bước sang tuổi 75, có cháu, chắt; nhưng tôi không thể nào quên được ngày bà về với tổ tiên. Mỗi lần giỗ, Tết, chị em chúng tôi không ai bảo ai đều hỏi lòng mình: “Đâu rồi tiếng gậy khua?” và ai ai cũng ứa nước mắt.