Ông nội tôi cả đời lo cho con cháu

Tâm sự 23/04/2024 10:10
Nhà tôi cách nhà ngoại khoảng 1km. Mỗi lần tôi sang thăm bà, bà vẫn ngồi đó, với chiếc gậy luôn bên mình và đôi chân gầy guộc, rắn rỏi bởi dấu vết của thời gian bà lao động cực nhọc, vất vả nuôi 6 người con khôn lớn, trưởng thành. Lưng ngoại đã còng, dáng đi hơi chậm nhưng đôi mắt còn nhanh nhạy lắm. Vừa thấy bóng dáng tôi từ xa, bà đã gọi: “Cháu sang thăm bà đó à? Bà có chén chè nếp đậu phộng (đậu lạc) mới nấu để dành cho cháu đây.” Nghe bà nói vậy, đứa trẻ con như tôi thuở ấy rất thích, nhoáng một cái tôi đã ăn hết chén. Được ăn chè bà nấu vừa có vị ngọt ngào của đường vừa chứa đựng vị ngọt tình thương của bà dành cho cháu. Bà bảo: “Nhìn cháu ăn ngon miệng là bà vui. Mai lại sang bà nữa nhé!”.
Không chỉ tôi là cháu của bà mà cả những đứa trẻ quanh xóm cũng thích tới nhà bà chơi, nghe bà kể chuyện. Bởi có món gì có thể ăn được trong nhà, bà đều mang cho trẻ nhỏ ăn.
![]() |
Rồi cả đến những món ăn dân dã, đạm bạc như hạt mít luộc, bà cũng không quên để dành cho chúng tôi. Món ăn này tuy đơn giản “cây nhà lá vườn” nhưng bọn trẻ chúng tôi lại thích. Vì đó là hương vị của quê nhà, là tình thương của bà ngoại, là sự chắt chiu, không để phí đồ ăn của ngoại.
Đặc biệt nhất là lúc tôi thi đậu đại học. Cả gia đình, dòng họ vui mừng khôn xiết. Bà ngoại tôi cũng rất đỗi tự hào về đứa cháu ngoại ngoan ngoãn, học giỏi và luôn yêu thương bà. Thuở ấy, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng bố mẹ tôi vẫn luôn cố gắng dành dụm tổ chức một tiệc liên hoan nhỏ mời bà con, xóm làng tới chia vui cùng gia đình trước khi tôi lên thành phố nhập học. Tôi còn nhớ như in hình ảnh ngoại tôi, dưới cái nắng oi bức cuối mùa Hè, với chiếc lưng còng, tay chống gậy, tay xách bì cam quả chín vàng ươm thoăn thoắt bước vào cổng nhà tôi. Bà vội đưa cho tôi và bảo: “Cháu đi học xa.Bà không có gì làm quà, chỉ có mấy trái cam ngọt bà trồng, để dành ngoài vườn hái cho cháu mang theo đi đường ăn cho khoẻ, có sức mà học”. Nghe những lời dặn của bà mà lòng tôi như nghẹn lại. Món quà nhỏ mộc mạc, giản dị của ngoại làm tôi thực sự xúc động. Tôi ôm chầm lấy bà mà nước mắt tuôn rơi. Đó là tấm lòng của người bà dành cho cháu lúc đi học xa. Hình ảnh ấy vẫn mãi theo tôi suốt mấy năm học đại học. Sự quan tâm ân cần của ngoại cũng là động lực để tôi cố gắng học tốt và sớm được về thăm ngoại trong những dịp nghỉ lễ, Tết.
Giờ đây, khi đất nước vươn mình phát triển với bao sự đổi thay, nhiều hoa thơm trái ngọt nhưng tôi vẫn luôn nhớ mãi vị ngọt của những trái cam ngoại cho tôi ngày ấy. Đó là vị ngọt của tình thương, của tấm lòng người bà đáng kính dành cho cháu chuẩn bị xa nhà.
Món quà của ngoại năm ấy đến nay cũng đã hơn 20 năm nhưng vẫn là một phần kí ức đẹp của cuộc đời tôi. Thỉnh thoảng tôi vẫn kể lại cho hai con tôi nghe về tấm lòng, tình cảm của bà như một sự nhắc nhớ và biết ơn bà.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi lập nghiệp tại thành phố, không còn được gặp bà thường xuyên, không nhiều lần được ăn trái cây bà trồng. Thời gian dần trôi qua, bà đã rời xa tôi với bao niềm thương nhớ. Mỗi lần về quê, có dịp thắp nhang lên bàn thờ bà. Nhìn di ảnh của ngoại, ánh mắt tôi lại thấy cay cay nhớ về người bà kính yêu của mình, nhớ về những kỉ niệm đẹp bên bà thuở ấy mà lòng nôn nao như muốn được gặp lại bà và thốt lên cho thoả thích: “Bà ơi! Cháu muốn được ăn cam bà trồng, ăn những món quê bà tự nấu...”. Nhưng đó chỉ còn là giấc mơ đẹp không bao giờ trở thành hiện thực.
Những hình ảnh về ngoại, những món quà, món ăn bình dân nhưng chứa đựng tình yêu thương chân thành, sâu nặng của bà vẫn còn vấn vương mãi trong tôi cho đến nay. Bà là tấm gương về sự hi sinh, chia sẻ và giàu tình yêu thương con người. Tôi luôn tự hào vì có ngoại. Bà luôn là một phần không thể thiếu trong kí ức tuổi thơ tôi.