Bài học từ con cúi của nội tôi
Tâm sự 07/05/2024 15:14
Những năm đó gia đình tôi còn nghèo, ba má tôi phải đi làm ăn xa. Mấy chị em tôi ở nhà với bà nội. Dường như thời nào cũng vậy, ông bà luôn là chỗ dựa, là chốn cậy nhờ để các con gửi gắm, bởi có ai cưng yêu cháu bằng ông bà đâu. Đó là chưa kể ông bà còn là kho tàng cổ tích, là người từng trải gần gũi, thân thương dạy các cháu những điều hay lẽ phải.
Tuổi thơ của mấy chị em tôi phần lớn là sống với ông bà nội. Ba má tôi cả năm có khi chỉ về đôi ba lần, đưa một số tiền cho bà rồi lại đi. Nên sau này khôn lớn, nhớ về thời ấu thơ, kí ức tôi luôn hiện lên hình ảnh của ông bà nội.
Đó là những khi cùng ăn bữa cơm đạm bạc nhưng mấy bà cháu quấn quýt thật vui. Là những trưa bên hiên nhà gió thổi chúng tôi nhổ tóc sâu cho bà, còn bà thì rì rầm kể chuyện. Những câu chuyện về đàn trâu ông bà nuôi để cày ruộng bị máy bay Mỹ bắn chết; cho đến cơ man chuyện hồi giặc giã chiến tranh. Còn rất nhiều, như chuyện mấy chị em giành ngoáy trầu cho nội bằng chiếc ống ngoáy đồng nhỏ xinh. Là những lần bà phẩy chiếc quạt mo cau dỗ các cháu ngủ trưa, giọng bà hát ru êm êm hoà với tiếng gió xạc xào thổi qua bờ trúc.
Nhưng tôi nhớ nhất là những đêm tối trời, bên ngoài mưa lớn, bà thắp đèn chong cóc bỏ vào cái lồng tránh gió. Lom khom bà lẹp bẹp tiếng dép ra đậy chuồng gà. Bà thương và chăm bẵm mấy con vật từ con chó con mèo, con gà con vịt cũng kể như chúng tôi. Bà nói lâu ngày dài tháng cũng mến tay mến chân. Đối với loài vật còn vậy nên các cháu trong lòng bà chính là bảo bối.
Những hồi mưa đêm như vậy bao giờ cũng mang theo bầu không khí le se. Thời đó chủ yếu nhà tranh vách lá gió lùa nên có cảm giác lạnh thấu xương mà áo quần thì cái nào cũng mỏng mảnh. Những lúc như vậy nội sẽ lôi bao rơm để dành từ hồi thu hoạch vụ Đông Xuân, kéo ra từng lọn rơm nhỏ, nội bắt đầu tết con cúi.
Có lẽ bây giờ ít người còn nhớ hay biết đến con cúi. Nhưng hồi tôi còn nhỏ đó là người bạn giữ lửa mà nhà nào cũng dùng. Từ những sợi rơm vàng sau vụ gặt, lấy từng bó nhỏ đan lại như cách người ta tết bím tóc. Cứ tết dần tết dần cho con cúi dài ra. Đến một độ dài vừa ý thì dùng mấy sợi rơm dài quấn và buộc đuôi con cúi lại.
Con cúi tết xong, nội đặt vào một cái trã mẻ hoặc thau nhôm bể không còn dùng rồi mồi lửa. Ngún khói, cúi toả ra mùi rơm cháy hệt như mùi khói đốt đồng. Nếu còn sớm, nội sẽ nhóm bếp rồi bắc lên đó ấm nước, cốt lấy lửa cho mấy bà cháu hơ tay. Không thì mấy bà cháu gom hết lại một giường rồi đặt con cúi dưới gầm để sưởi.
Dù đã vào màn nhưng chúng tôi ít khi chịu ngủ sớm. Cứ vòi bà kể chuyện cổ tích, chuyện ma. Vừa nghe kể chuyện, các cháu vừa rúc mình vào người bà thơm thơm mùi trầu thuốc. Dưới gầm giường, con cúi cũng nhẫn nại giữ hơi lửa ấm, âm thầm cháy âm ỉ suốt đêm.
Hôm sau trong chiếc trã mẻ chỉ còn lại một mớ tàn tro. Bà mang đổ vào gốc bụi trầu già trồng cạnh bên cây nước. Rồi nội dạy, con cúi tưởng vô tri nhưng cũng giống như người. Từ lúc chúng ta sinh ra đã được mẹ cha ban cho sự sống, mà hơi ấm chính là dấu hiệu nhận biết. Con cúi cũng vậy, từ lúc thành hình cũng được con người thắp cho ngọn lửa bên trong. Ngọn lửa ấy dùng để thắp sáng, để nhóm bếp, để sưởi ấm chính nó và chúng ta. Con người thì dùng hơi ấm để yêu thương và san sẻ với người khác. Khi cúi tàn thì lửa cũng tàn theo. Khi con người không còn hơi ấm thì cũng không còn gọi là sống nữa. Rồi bà cười hiền từ bảo: Dẫu cuộc đời ngắn ngủi con cúi đã sống trọn vẹn vì đã cháy hết mình. Con người chúng ta cũng phải làm sao sống cho xứng đáng.
Có lẽ ngày ấy chúng tôi không hiểu lắm những gì bà dạy. Nhưng sau này mỗi lần nghĩ lại đều chừng như có điều gì rưng rức, thấm thía vào tận sâu thẳm tâm can mình.
Bà nội tôi đã về miền cực lạc hơn mười năm. Mỗi lần nhìn di ảnh bà, xem lại những tấm hình của mấy bà cháu, nhất là khi bắt gặp lại cái rơm con cúi khi có ai đó vô tình mong ước kỉ niệm xưa, tôi đều xúc động. Và tôi vẫn luôn tự nhắc nhở mình dù thế nào cũng giữ cho mình một trái tim ấm áp, một tấm lòng yêu thương.