Lòng ngoại mênh mông tựa biển trời
Tâm sự 12/04/2024 10:58
Ông bà tôi có 8 người con. Bà nuôi nấng, chăm bẵm, dạy dỗ các con như nhau từ tấm bé cho đến lúc dựng vợ gả chồng. Khi tôi biết nhận thức thế giới xung quanh mình, biết quẩn quanh bên bà mỗi sớm, mỗi chiều thì chỉ còn cậu út tôi chưa lấy vợ. Bà bảo sinh cậu là khó nhất, chứ các bác, các dì có người bà còn đẻ rơi ngoài ruộng khi đang làm việc. Rồi bà thủ thỉ kể chuyện sinh những đứa con của mình. Lúc đó tôi mới biết bà chỉ sinh 6 người con, còn 2 người là con nuôi của ông bà.
Bá Tam tôi, người mà tôi cứ nghĩ là lớn nhất trong những người con của ông bà là con của một người đồng đội của ông tôi. Ngày giặc Pháp điên cuồng càn quét quê hương, ông trở về mang theo một bé gái chừng 3-4 tuổi giao cho bà. Ông chỉ kịp nói: “Chị ấy đã chết bom, anh ấy cũng vừa hi sinh, xác còn đang bị giặc treo trên cây đa đầu làng”, và dặn bà hãy nuôi đứa bé. Rồi ông lại vội vàng ra đi. Bà ôm bé gái có đôi mắt to tròn ngơ ngác vào lòng mà không kìm được niềm xúc động, tự nhủ sẽ nuôi dạy, chăm sóc như đứa con mới hơn 1 tuổi của mình.
Bá Nuôi tôi cũng là đứa trẻ được bà nhặt về từ ngày còn đỏ hỏn, dây rốn còn chưa kịp rụng. Bà kể bữa đó bà đi gánh nước, qua bờ tre nghe tiếng oe oe của trẻ con khóc. Bà vội đặt gánh tìm quanh, dưới bụi tre già, một đứa bé tím tái được quấn trong tấm vải cũ. Bà vội ôm đứa bé vào lòng đi băng băng về nhà, quên cả gánh nước đang còn nằm ở đó.
Rồi bà sinh những người con tiếp theo, nhưng chẳng phải vì có con đẻ mà bà ghẻ lạnh con nuôi. Bà luôn đối xử công bằng, dạy bảo, chăm chút ai cũng như ai, dù là con nuôi hay con đẻ.
Có lần tôi tò mò hỏi bà: “Bà thật sự không biết cha mẹ bá Nuôi là ai sao?” Bà trầm ngâm trả lời: “Có, sau này khi bá lớn rồi, bà có gặp người đàn bà đó một lần. Một lần duy nhất, rồi thôi”. Qua lời bà kể, tôi mường tượng ra lần đó, bá tôi chừng 10 tuổi, có một người đàn bà, ăn mặc nền nã, chân đi guốc mộc, miệng nhai trầu, môi đỏ thắm, hàm răng đen nhánh đến nhà tìm bà để xin lại con. Lúc đầu bà giận người đàn bà đành đoạn bỏ đi đứa con mình dứt ruột đẻ ra, nhưng khi nghe người đàn bà nọ buồn buồn nói nỗi khốn khổ ngày bỏ con bà cũng không đành trách nữa. Nhưng bà muốn để con gái lựa chọn. Đi với mẹ đẻ sống cuộc đời sung sướng như bà ta nói, hay ở với bà tôi, nhà đông con lo ăn từng bữa.
- Ngày đó, bà có sợ mất bá không?
- Sợ chứ. Dù không mang nặng đẻ đau nhưng bà cũng nuôi từ ngày còn đỏ hỏn. Bao khó nhọc, bao yêu thương dồn cả vào đó, bỏ sao đành. Nhưng bà cũng không lỡ nhìn người đàn bà kia có con mà không được nhận.
- “Vậy lần đó…”! Nhưng lần đó bá tôi đã không đi cùng người mà xưng là mẹ đẻ của mình. Bà tôi bật khóc ôm bá vào lòng, khi bá nói chỉ có một người mẹ là bà mà thôi.
Sau này, các bá đi lấy chồng xa nhưng hễ vào dịp lễ, Tết, giỗ chạp là lại cùng con cháu về thăm ngoại. Ngoại cười tươi, cứ con cháu khỏe mạnh, bình an ngoại mừng. Ngoại hỏi han tất cả cháu con về nhà cửa, công việc rồi lại thủ thỉ động viên. Ngoại bảo cứ sống trên thuận dưới hòa; biết làm điều tốt, tránh điều sai; anh em trong nhà chín bỏ làm mười, người làng người nước đối đãi chân tình,… thì cuộc sống sẽ thuận buồm xuôi gió.
Từ ngày còn nuôi một đàn con nhỏ đến khi về già thảnh thơi, ngoại vẫn luôn sống hiền hòa và hay giúp đỡ mọi người. Ngoại vẫn tâm niệm có đức mặc sức mà ăn. Đối với tôi và các anh em con dì, con bá, con bác nhà tôi, bà luôn dạy các cháu qua việc kể những câu chuyện cổ tích. Chẳng đao to búa lớn, chẳng rao giảng nhưng tâm ý của bà qua những câu chuyện cứ thấm dần trong tiềm thức, lối sống của chúng tôi.
Đến bây giờ, ngoại không còn nữa, nhưng kỉ niệm về ngoại, lối sống và lòng nhân hậu mênh mông như biển trời của ngoại thì tôi còn nhớ mãi.