Niềm vui của ông tôi
Tâm sự 27/04/2024 10:37
Vậy mà đã mấy năm trôi qua, kể từ khi bà nhẹ gót cưỡi hạc về trời. Mấy sào ruộng, ngày bà còn sống, hai ông bà vẫn hay trồng đỗ, ông vẫn giữ và trồng cây rau quả theo vụ. Vào mùa thu hoạch đỗ, ngày nào ông cũng ra ruộng hái. Hôm nào ông mệt, không ra được là y như rằng bữa sau nhiều quả chín quá, gặp nắng già nổ bung hết cả hạt xuống đất. Thành ra, chiều nào ông cũng ra ruộng hái đỗ từ sớm. Mệt lại chui vào bóng râm của cây bàng đầu ruộng ngồi nghỉ. Có năm mảnh ruộng trồng đỗ thôi mà ngày nào cũng phải nhập nhoạng tối ông mới về đến nhà. Thực ra, ông không muốn về nhà sớm. Ở ngoài này, còn có người nọ người kia đi qua đi lại, lâu lâu cũng có người nói với ông đôi ba câu, dù chớp nhoáng. Về nhà ông lại thui thủi một mình. Buồn! Nhà thì rộng mà vắng tanh vắng ngắt. Con cháu bận đi làm ăn, rồi ra ở riêng hết cả, lâu lâu chúng mới về thăm ông một lần. Ông thở dài.
Ông đã ngoài tám mươi tuổi, đầu đã bạc trắng, da dẻ nhăn nheo hết cả, sức khỏe đã yếu đi nhiều. Vậy mà ông cứ tham công tiếc việc, chẳng chịu nghỉ ngơi. Con cháu chúng tôi có nói bao nhiêu lần cũng vậy. Đã thống nhất cho người ta thuê ruộng cấy rồi, thế mà kiểu gì ông vẫn giữ lại một mảnh để làm. Già cả rồi, ốm đau ra đấy lại khổ thêm chứ bõ bèn gì. Nói mãi ông cứ chẳng nghe. Bữa nọ, tôi thủ thỉ với ông:
- Ông à, giờ ông già rồi, nghỉ ngơi thôi. Ông làm thế này chỉ mệt thêm, mưa nắng lại ốm ra chứ được bao nhiêu đâu.
- Nhiều hay ít có quan trọng gì đâu cháu...
- Vậy thì ông đừng làm nữa. Cứ ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe. Giờ ông cần gì cứ nói với chúng cháu là được mà.
- Ông đâu có cần gì đâu.
Ông quay nhìn tôi, rồi bảo:
- Ông già rồi, có cần gì nữa. Nhưng ở một mình, buồn quá. Nhà thì rộng mà chẳng có người. Nhà trên, nhà dưới cứ vắng tanh vắng ngắt. Nằm mãi cũng mỏi người mà đi ra đi vào chỉ có một mình. Ông giữ lại mảnh ruộng đó, trồng vài luống đỗ, luống rau, hằng ngày làm bạn với cây cỏ cho đỡ buồn.
- Sao ông không sang hàng xóm chơi? Ông đến nhà này nhà kia chơi cho khuây khỏa, chứ làm ruộng thế này, ốm ra lại chả bõ tiền thuốc.
- Cháu không biết đấy thôi. Ông già rồi. Tuổi của ông, còn được mấy người? Nhiều khi ông cứ nghĩ sao mình sống dai quá. Ông cũng muốn đi chơi chòm xóm, nhưng người có thể nói chuyện cà kê cùng mình thì không còn ai. Người trẻ thì họ còn bận làm, hoặc nói chuyện chẳng hợp nhau. Những cái họ thích nói đến thì ông không hiểu, không biết, những điều ông nói họ lại chẳng muốn nghe. Nên chỉ được đôi ba câu là hết chuyện rồi còn đâu.
Nghe ông nói mà sống mũi tôi cay cay, mắt bỗng nhòe đi. Lâu nay con cháu cứ bận bịu với guồng quay cuộc sống, cơm áo gạo tiền, chỉ nghĩ mua sắm cho ông đầy đủ những thứ cần thiết, thi thoảng ghé qua thăm ông lúc rảnh rỗi hay cuối tuần, biếu ông đồng quà tấm bánh, thấy ông khỏe mạnh là yên tâm. Có ai để ý đến ông lủi thủi, hiu quạnh khi ở một mình. Có ai có thời gian mà để ý ông đã đi ra tận ngõ nhìn theo, khuôn mặt thẫn thờ. Có khi bóng dáng con cháu đã đi mất hút từ lâu mà ông cứ đứng tần ngần mãi ngoài ngõ, chẳng muốn trở vào nhà.
Ông nói với tôi, ông nhớ ngày xưa. Khi bà còn sống và con cháu còn tíu tít bên ông bà. Ngày đó vất vả đấy nhưng vui. Trong nhà lúc nào cũng có tiếng cười, tiếng nói. Còn như giờ, ông chỉ còn biết lẩm nhẩm một mình. Nhiều người không biết lại nghĩ, tuổi ông già rồi, nói lẩn thẩn cũng là lẽ đương nhiên.
Bữa cơm nấu trưa lại dành ăn cả tối, mâm cơm một mình, ông cũng chẳng buồn ăn. Cứ vài miếng lại rướn cổ lên nuốt nghẹn một lần, lại vội vàng uống miếng nước cho trôi cơm.
***
Năm ngoái, em trai của tôi chuyển về quê làm việc, ở cùng với ông. Ông vui hẳn. Nó dù bận bịu công việc tối ngày nhưng nhà có người, vẫn vui mắt, vui tai. Bữa cơm, có cháu cùng ăn, ông cảm thấy ngon miệng hẳn. Nhưng ông vẫn lo, rồi cháu còn đi? Cho đến khi em tôi thưa chuyện với ông, với bố mẹ, xin được cất cái nhà mới trên mảnh đất này. Ông vui như mở cờ trong bụng, yên tâm là khi nó lấy vợ, chúng nó sẽ sống ở đây với ông. Quãng đời còn lại của ông không còn hiu quạnh nữa.
Từ đầu năm tới giờ, em trai tôi bắt đầu làm nhà, người ra người vào, ồn ào nhộn nhịp. Ông vui lắm, sáng sáng, chiều chiều lại ra ngắm nghía ngôi nhà đang dần được thành hình trên mảnh đất thân yêu, tự nhiên thấy trong người như khỏe ra nhiều.
Tôi lấy chồng, lập nghiệp nơi xa, mọi việc ở nhà đều được các em “cập nhật” hàng ngày qua nhóm zalo gia đình. Chiều qua, trong bức hình em tôi gửi, tôi thấy ông bình yên chống gậy, bước chầm chậm trên nền nhà mới đang thành hình.