Ông bà luôn dành tình yêu thương cho cháu, để có cuộc sống hạnh phúc
Tin tức 17/06/2024 17:06
Phó Chủ tịch Trung ương Hội NCT Việt Nam Phan Văn Hùng trao thưởng cho tác giả đoạt giải Nhất cuộc thi viết về ông bà kính yêu lần thứ 1 năm 2024. |
Tham dự có TS Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NCT Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Ban, Văn phòng Trung ương Hội. Về phía Tạp chí có Tổng Biên tập Lê Quang, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Thị Kim Thoa cùng các cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kĩ thuật viên của Tạp chí; đại diện các CLB Thơ và các tác giả đoạt giải.
Báo cáo tại buổi tổng kết, Tổng Biên tập Lê Quang cho biết, cuộc thi được phát động từ ngày 1/12/2023 đến ngày 15/5/2024, là hoạt động thiết thực chào mừng kỉ niệm 29 năm Ngày thành lập Hội NCT Việt Nam (10/5/1995 - 10/5/2024); kỉ niệm 83 năm Ngày truyền thống NCT, Ngày NCT Việt Nam (6/6/1941 - 6/6/2024). Cuộc thi nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích được giao; kế hoạch công tác năm của Tạp chí, góp phần cùng các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò NCT, bày tỏ lòng tôn kính công ơn trời biển của ông bà, cha mẹ, những thế hệ đi trước.
Các đại biểu tham dự |
Đối tượng dự thi là người Việt Nam sinh sống trong và ngoài nước. Nội dung viết về vai trò của ông bà trong gia đình, trong đời sống xã hội; những gương ông bà vượt khó; sống đẹp, sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội; những kỉ niệm sâu sắc; hữu ích của ông bà để lại cho con cháu, xã hội.
Chỉ sau 5 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận gần 300 tác phẩm của 300 tác giả là các nhà văn, nhà báo và cộng tác viên trong cả nước. Qua lựa chọn của Ban Sơ khảo cuộc thi, Tạp chí Người cao tuổi đã chọn đăng gần 90 tác phẩm lọt vào chung khảo.
Trong tác phẩm dự thi, các tác giả đã bám sát nội dung, chủ đề của cuộc thi, phản ánh phong phú, sinh động vai trò của ông bà trong gia đình và xã hội; tình cảm của con cháu với ông bà, những người đi trước bằng tình yêu thương, kính trọng,. Tiêu biểu như cảm xúc của tác giả Trần Thị Cúc thể hiện trong tác phẩm “Đâu rồi tiếng gậy khua của bà”, dù bà mất hơn 50 năm nhưng đến nay con, cháu vẫn nhớ tiếng gậy của bà. Tác phẩm: “Bài học từ con cúi của nội tôi” của tác giả Hiền Dương nhớ về một thời gian khó của đất nước, con cúi được kết từ những cọng rơm của bà nội không chỉ giữ lửa mà còn sưởi ấm cho các cháu trong những đêm Đông rét mướt. “Những kỉ niệm đẹp về ông nội” của tác giả Hà Ngọc Yến, trong đó có cây đa của ông trồng không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mang lại bóng mát cho mọi người, mà gốc đa còn là nơi vui chơi của trẻ em trong làng, vui đùa, ngay chiếc lá đa nhỏ cũng trở thành trò chơi cho các em nhỏ.
Tổng Biên tập Lê Quang trao thưởng cho tác giả đoạt giải Nhì |
Rồi “Bức kí họa của bà nội” của tác giả Nguyễn Thanh Bình viết về bà nội mắc bệnh tim, sinh con sẽ nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vì tình mẫu tử khi có thai các bác sĩ khuyên bỏ nhưng bà quyết giữ, và bà mất sau sinh con. Sau khi bà mất, ông nội thuê thợ truyền thần chân dung bà. Nhưng chiến tranh xảy ra, bức kí họa cũng không còn. Trong những ngày công tác, học tập ở Trung Quốc, bố tác giả nhờ một họa sĩ Trung Quốc vẽ lại bức chân dung, qua trí nhớ từ bức ảnh thuở nào.
“Nhân bất học bất tri lí”, những lời căn dặn của bà đã thắp sáng trí tuệ cho con cháu thông qua tác phẩm “Chuyện của bà tôi” của tác giả Trần Thanh Quán thật xúc động… Tác phẩm “Bà ngoại tôi” của tác giả Thu Hiền kể về cụ Nguyễn Thị Cẩn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vượt qua những đau thương mất mát trong chiến tranh, hằng ngày cụ vẫn luôn nêu gương sáng để cho con cháu học tập noi theo.
Còn rất nhiều tác phẩm khác mà không thể kể hết được, đó là những tấm gương ông bà trong gia đình và trong đời sống xã hội. Lịch sử đau thương, bi tráng, hào hùng của đất nước, của dân tộc đều gắn với cuộc sống, với công lao, đóng góp của ông bà và những người đi trước. Chính ông bà là những người đã chịu nhiều đau thương, mất mát, gian lao vất vả nhưng luôn hướng về con cháu, dành tất cả tình yêu thương cho con cháu, để con cháu có cuộc sống tươi sáng, hạnh phúc hơn.
Phó Tổng biên tập Nguyễn Thị Kim Thoa trao thưởng cho tác giả cao tuổi nhất trong cuộc thi |
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam Phan Văn Hùng chia sẻ: “Cuộc thi viết về “Ông bà kính yêu” lần thứ 1 năm 2024 do Tạp chí Người cao tuổi phát động có ý nghĩa chính trị - xã hội, nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội VI Hội NCT Việt Nam. Đồng thời, xác định phong trào NCT tham gia xây dựng gia đình văn hóa, gia đình kiểu mẫu là nhiệm vụ công tác lớn. Trong văn hóa Việt Nam, ông bà là lớp người “cây cao bóng cả” luôn được đề cao, được tôn kính; truyền thống đó được hun đúc ngàn đời qua bao thế hệ và ngày nay càng được phát huy trong xã hội hiện đại. Mong muốn cuộc thi tiếp tục nhân rộng, lan tỏa, tạo sân chơi bổ ích cho các nhà thơ, nhà báo, cộng tác viên là NCT.
Qua tuyển chọn, xem xét và đánh giá nghiêm túc, Ban Tổ chức cuộc thi đã trao 1 giải Nhất (trị giá 5 triệu đồng) cho tác giả Hoàng Minh Đức đến từ Quảng Bình; 2 giải Nhì (mỗi giải trị giá 3 triệu đồng) thuộc về tác giả Dương Văn Phi (Khánh Linh) đến Hà Nội và tác giả Thi Hoàng Khiêm đến từ Long An; 3 giải Ba (mỗi giải trị giá 2 triệu đồng, 5 giải Khuyến khích (mỗi giải trị giá 1 triệu đồng); đồng thời trao 2 giải phụ cho tác giả cao tuổi nhất và nhỏ tuổi nhất (mỗi giải trị giá 3 triệu đồng)…