Lời khuyên và điều ước của ông nội tôi
Tâm sự 11/04/2024 10:22
Thời trai trẻ, ông nội tôi sinh ra và lớn lên nơi phên giậu, giữa đại ngàn Trường Sơn, mưu sinh hái lượm, chặt đốt rừng làm rẫy, trỉa lấp hạt trên đất dóc. 18 tuổi, ông tham gia cách mạng làm nhiệm vụ giao liên cho bộ đội Trường Sơn (Binh trạm 16, Đoàn 559). Những năm tháng chiến tranh ác liệt, theo yêu cầu của chiến trường, ông tôi vận động bà con dời bản vào rừng sâu ở, nhường bản cho bộ đội thông tin (Cơ vụ A72, Bộ Quốc phòng). Bên cạnh đó, ông còn vận động bà con bán hàng chục tấn thực phẩm cho Bộ đội Binh trạm 16. Do có công lao đóng góp cho cách mạng, ông được Chính phủ tặng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, cùng phần thưởng cao quý khác.
Năm 1975, nước nhà thống nhất, ông trở về cùng gia đình thôn bản, bám rẫy, bám rừng để sản xuất nhưng cái đói như con ma bám lấy bản, dân bản ở đâu cũng thiếu ăn. Năm 1990, Nhà nước có chủ trương định cư định canh cho đồng bào dân tộc thiểu số, để xóa đói thời điểm này, ông được chính quyền xã và bà con dân bản tín nhiệm cử làm già làng, trưởng bản. Bằng tiếng nói và uy tín của mình, ông đã vận động 25 hộ xuống núi ở miền cận đồng bằng Cửa Mẹc, khai phá đất đai, trồng lúa nước từ đó đến nay.
Chúng tôi sinh ra sau ngày nước nhà thống nhất (1975) được học hành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, lại may mắn ông nội mệ nội đang còn. Đây là chỗ dựa, điểm tựa vững chắc về lĩnh vực giáo dục; như lời người xưa: “Con có cha như nhà có nóc”. Thật vậy, ở nhà trường được lời thầy cô giảng dạy, về nhà đón nhận lời truyền thụ của ông nội. Ông bảo: “Ông cháu mình có tổ ấm hạnh phúc trước hết cảm ơn Đảng, ơn Bác Hồ. Vì vậy, ta phải luôn luôn yêu Tổ quốc, treo ảnh Bác Hồ, treo cờ Tổ quốc; chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ tài nguyên rừng, không chặt phá rừng làm rẫy, không săn bắt động vật từ rừng; không sử dụng, buôn bán ma tuý, vật liệu nổ. Đến tuổi công dân phải hăng hái tham gia nghĩa vụ quân sự để bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, phải bãi bỏ các hủ tục lạc hậu, như cúng bái, hôn nhân cận huyết thống, thực hiện văn minh trong đám tang, đám cưới”. Ông còn dặn thêm: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, không trộm cắp tham lam, nhặt được của rơi trả lại cho người mất; anh em đoàn kết, anh không hà hiếp em, em không hỗn xược với anh; cha mẹ già yếu có trách nhiệm nuôi và thương yêu cha mẹ”.
Còn điều ước cuối cùng của ông là khi ông mất, linh cữu không để trong nhà nhiều ngày, thực hiện đúng chỉ đạo của chính quyền thôn bản; phần mộ thuê thợ ở dưới lên ốp đá, không làm mồ; nếu trường hợp tai nạn rủi ro, bệnh tình không vượt qua, ông xin hiến tạng cho bệnh viện để cứu người. Đó là lời khuyên con cháu và điều ước của ông nội mà tôi trân trọng khắc ghi thực hiện.