Ông nội
Tâm sự 15/03/2024 09:18
Ông nội tôi đã đi xa gần 50 năm. Nửa thế kỉ sắp trôi qua kể từ cái ngày ông nội tôi rời xa con cháu để kết thúc một vòng luân hồi của ông trên thế gian này, vậy mà tôi cứ ngỡ như mọi việc chỉ như vừa mới đây thôi!
Không giống như nhiều người may mắn có thời thơ ấu gắn bó với bố mẹ, được bố mẹ chăm sóc, cưng chiều, tôi gần gũi thân thiết với ông nội hơn. Đối với tôi, ông nội tôi gần gũi như một người cha, thậm chí như một người bạn.
Suốt cả tuổi ấu thơ, hằng đêm tôi đều ngủ với ông nội trên mặt một chiếc hòm cáng kê ngay sau giá bày bán giày dép da, bóng đá bằng da của ông. Trong chiếc hòm cáng ấy, ông nội tôi đựng dụng cụ nghề da giày như bịt phe bằng sắt, kìm bấm, búa các cỡ, cặp bang, dùi lòng máng, kim cong, dao tống xê và các khuôn giày dép các cỡ, cùng một số nguyên phụ liệu phục vụ cho nghề làm giày, sửa chữa giày. Đóng nắp hòm xuống rồi trải lên đó một chiếc chiếu cói là ông cháu tôi lại có một chiếc giường phản để nằm rồi. Trên chiếc giường hòm ấy, tôi đã trải qua cả tuổi ấu thơ bên ông nội kính yêu của mình...
Trong những năm tháng tuổi thơ, mong đợi lớn nhất của tôi mỗi năm là dịp nghỉ Hè, tôi được ông nội cho ra Hà Nội thăm họ hàng; cho về thăm quê cũ ở Hải Dương, Hải Phòng. Những dịp như thế, tôi có cơ hội được ông nội cho đi ô tô, tàu hỏa, lại được mút mát que kem mà cả năm chỉ có một hai lần được ăn. Nếu có ai đó hỏi tôi từ khi nào có được khái niệm trọn vẹn của từ “ngon”, tôi sẽ không do dự mà trả lời ngay: Đó là khi tôi được ăn que kem mà ông nội tôi mua cho tôi trong những ngày tháng ấy! Trong sâu thẳm kí ức của tôi, chiếc giường hòm mà tôi đã từng ngủ với ông nội tôi suốt những ngày thơ bé, được ông gãi lưng, được ông quạt mát bằng mảnh quạt cắt ra từ chiếc mo cau... đã trở thành hình ảnh không bao giờ tôi quên.
Ông nội mất ngày 31/10/1976, hai ngày sau khi tôi bước chân vào trường đại học. Dường như ông tôi sẽ ra đi sớm hơn nếu như không có cái mốc ngày 29/10/1976, ngày tôi được trường đại học gọi nhập học. Ông đã cố sống qua cái ngày đó, không phải bằng sức lực mà bằng nghị lực phi thường của một con người luôn hết lòng vì con cháu, chỉ để cho tôi - Thằng cháu đích tôn có được niềm vui trọn vẹn trong ngày đầu trở thành sinh viên đại học.
Một tuần sau ngày nhập học, tôi nóng ruột bắt xe về thăm ông với ý định xem tình hình sức khỏe của ông thế nào. Bước chân vào nhà, tôi đã bàng hoàng khi nhìn thấy một bàn thờ nghi ngút khói hương với tấm ảnh ông ở giữa, người thân họ hàng có mặt gần như đông đủ tại nhà tôi trong lễ cúng tuần đầu của ông. Ra nghĩa trang của xã để thắp hương thì mộ của ông nội tôi đã lấm tấm cỏ xanh. Qua lời kể của mẹ tôi và bà cô ruột của tôi, tôi được biết ông đã gọi tôi rất nhiều trong những hơi thở thoi thóp cuối cùng trước khi từ giã cõi đời! Vậy là chỉ sau vỏn vẹn 1 tháng kể từ khi ông tôi ốm mệt, phải buông tay khâu bóng, khâu giày và hưởng sự chăm sóc, nâng giấc của thằng cháu nội là tôi, ông đã trút hơi thở cuối cùng. Nhìn quả bóng da bò ông đang khâu dở dang kẹp trong chiếc cặp bang - một dụng cụ chuyên dụng của người thợ da giày, nước mắt tôi trào ra không thể nào ngăn nổi, ở thời điểm gần 50 năm trước cũng như bây giờ, khi tôi đang viết ra những dòng này. Ông nội tôi ra đi đã để lại cho tôi một thứ tài sản vô giá là tấm gương về lao động. Hình ảnh ông gầy guộc, tay cầm chiếc dùi run run mỗi lần ông cần cố sức đẩy dùi để tạo ra một lỗ trên sản phẩm da bò là quả bóng hoặc chiếc giày, để sau đó luồn chiếc kim kéo theo một sợi dây gai đã được chuốt sáp ong kĩ càng qua đó rồi xiết lại… đã trở thành một tượng đài về tấm gương lao động trong lòng đứa cháu nhỏ là tôi khi đó, và cho tới tận bây giờ.
Ông tôi sinh ra trong một gia đình làm nghề da dép ở tỉnh Hải Dương xưa. Nhà nghèo, lại vào thời chiến tranh loạn lạc, ông nội tôi với trách nhiệm là người đàn ông trong gia đình đã dũng cảm dắt díu vợ con đi tới những miền đất mới để hành nghề kiếm sống, cũng là để thực hiện nhiệm vụ do tổ chức phân công, vì ông tôi là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi Pháp, Nhật còn thay nhau chiếm đóng Việt Nam. Khi Uông Bí, lúc Hải Phòng, và cuối cùng khi hòa bình lập lại năm 1954, ông tôi và cả gia đình đã chọn Bắc Giang làm bến đỗ. Người vợ đầu tiên của ông tôi hiếm muộn, chỉ sinh được một con trai nhưng mất khi chưa qua tuổi 13. Bố tôi và cô tôi là con của bà vợ thứ hai của ông, bà về với ông tôi khi bà cả đã không sinh đẻ được nữa. Bà nội của tôi cũng đã ra đi ở tuổi 25 do hậu sản, ngay sau khi sinh ra cô tôi được 7 tháng. Mọi gánh nặng gia đình chất lên vai của ông tưởng chừng có thể khiến ông không thể đứng dậy được nữa. Vậy mà ông tôi vẫn vượt qua, đã vượt qua tất cả mọi khó khăn để đi đến được ngày hôm nay...
Gia đình - chưa bao giờ cái khái niệm ấy trở nên thiêng liêng đối với tôi như thế! Đó là nơi mỗi người chúng ta được sinh ra, được lớn lên trong sự chăm sóc của những người thân. Chúng ta sinh ra ở đời ai cũng có một gia đình, một quê hương. Chúng ta chỉ có quyền, có trách nhiệm thương yêu trân trọng gia đình, quê hương, và rộng ra là cả đất nước. Với riêng tôi, ông nội đã hàm chứa trong hình ảnh của mình cả khái niệm gia đình, quê hương, để lưu vào sâu thẳm tiềm thức của đứa cháu nội là tôi những điều bất tử, bất hủ và vô cùng thiêng liêng về gia đình, về quê hương.
Và tôi sẽ nói lại với cháu nội của tôi tất cả những điều này, ngay khi cháu nội của tôi vừa tỉnh dậy trong vòng tay yêu thương của tôi dành cho cháu.