Cảm ơn cuộc đời cho tôi làm cháu nội của ông
Tâm sự 30/03/2024 10:16
Ngay từ nhỏ, khi ông dẫn tôi đi chơi, ra đường bất cứ ai trong làng gặp ông đều dừng lại và nói: “Xin chào ông giáo ạ!”. Ông tôi cũng dừng lại và đáp: “Không dám xin chào ông (bà, cô, bác)…”
Khi tôi lên 5 tuổi, ông tôi nghỉ hưu. Tuy không phải đến trường dạy học nhưng nhà ông luôn có các bạn ở độ tuổi như tôi đến học.
Lớp học này ông đặt tên là lớp học khai tâm trẻ. Ông không bao giờ thu học phí của một ai, mỗi lớp có từ 5 đến 15 cháu, một năm ông đã tổ chức nhiều lớp học như thế. Trẻ con trong làng hầu như đều là học sinh của ông. Có những gia đình có tới ba thế hệ đều là học sinh của ông.
Những buổi đầu học tập, ông thường không dạy chữ mà dạy chúng tôi cách nói năng thưa gửi, cách biết chào hỏi mọi người, biết nhường nhịn lẫn nhau, biết quý trọng ông bà, cha mẹ, ngoài những giờ học ông cho chúng tôi học cách bọc vở, cách gấp quần áo, cách rửa khay chén và cả cách quét nhà, lau bàn nữa, giờ chơi ông dạy cách làm diều, cách tưới hoa.
Ông thường nói, ông dạy các cháu biết làm người. Làm người thật, chứ không phải làm người giả. Cả lớp tròn mắt hỏi ông: Thưa ông là thế sao ạ? Ông cười hiền hậu trả lời: “Các cháu đang học làm con người thật đấy, người thật là biết chăm chỉ học tập và làm điều có ích, luôn thương yêu nhau và không hề giả dối”. Và rồi mỗi ngày ông dạy chúng tôi một việc làm tốt, biết sống lương thiện, khiêm tốn, giản dị và luôn luôn chân thật
Năm đó khi gần đầu năm học mới, ông bắt đầu cho chúng tôi học chữ, tập viết những nét chữ đầu tiên, ông dạy cả cách cầm bút và tư thế ngồi khi viết sao cho ngay ngắn và không bị gù. Những nét chữ của ông đẹp, rõ ràng và chân phương như chữ vi tính vậy. Những điều dạy bảo của ông đã đi vào tâm thức tôi từng ngày một.
Ông bà nội tôi có 8 người con (4 trai, 4 gái). Bố tôi là con thứ ba, trên bố tôi còn một chị và một anh trai, sau bố tôi còn 5 cô chú nữa. Gia đình đông con kinh tế bình thường không khá giả gì. Song bà tôi kể, ngày ông còn đi dạy học, ông vẫn bớt ra một phần tiền lương để giúp đỡ những em học sinh hoàn cảnh khó khăn. Những năm bao cấp thi thoảng trường có cấp thêm cho giáo viên mấy ki-lô-gam gạo, ông đều nhượng lại cho những đồng nghiệp hoàn cảnh khó khăn hơn. Ông luôn dạy các con là phải sống chân thực, lễ phép, đoàn kết và lương thiện.
Thế rồi lời dạy của ông đã thành sự thật trong 8 người con của ông đã trưởng thành. Bác cả là bác sĩ và là Thầy thuốc Ưu tú; bác thứ hai đi bộ đội là Dũng sĩ diệt Mỹ; bố tôi là sĩ quan không quân; chú của tôi là cán bộ trong ngành Than Việt Nam; các cô chú còn lại đều là những doanh nhân giỏi của làng Gốm. Các cháu của ông, có cháu đạt giải trong các kì thi quốc gia; có cháu là học sinh đứng đầu trong những trường du học sinh tại Pháp. Tại Hà Nội, nhiều cháu của ông là bác sĩ công tác trong những bệnh viện lớn (trong đó có tôi).
Cho đến giờ tôi mới hiểu rằng, tôi đã rất may mắn được là cháu của ông, được ông dạy bảo từ nhỏ, được đi vào khuôn vàng thước ngọc và đã nên người như hôm nay.
Lớp học khai tâm trẻ của ông là: “Tiên học lễ - Hậu học văn”. Và châm ngôn này sẽ theo tôi suốt cuộc đời; tôi luôn luôn nguyện phấn đấu để đem vào cuộc sống, vào nghề nghiệp của mình “Lương y như từ mẫu” và dạy dỗ con cái nên người.
Tôi luôn nghĩ rằng, dù ở rất xa nhưng ông tôi sẽ luôn vui và mỉm cười nơi chín suối, vì các con, các cháu của ông đã trưởng thành.
Cảm ơn ông và cảm ơn ông trời đã cho tôi được làm cháu của ông.