Ông tôi trong mắt bà
Tâm sự 18/03/2024 09:48
Chúng tôi là những đứa trẻ kém may mắn, vì sinh ra đã không được gặp mặt ông ngoại. Ông tôi mất khi mới 45 tuổi, để lại cho bà 7 người con lớn bé. Mẹ tôi là con cả trong nhà, khi đó mới ngoài 20 tuổi, còn dì út tôi tròn 6 tháng tuổi. Tất cả gánh nặng gia đình đè lên đôi vai gầy của bà. Thế nhưng, với nghị lực phi thường, lòng thủy chung và tình thương, trách nhiệm của người vợ, người mẹ, bà ngoại đã gác lại nỗi mất mát lớn lao để thay ông nuôi dạy mẹ tôi và các dì, các cậu.
Nhớ những ngày còn nhỏ, chúng tôi thường hỏi bà câu hỏi: “Bà ơi, ông ngoại trong mắt bà là người như thế nào?”. Bà mỉm cười nhân hậu rồi im lặng một hồi lâu, khoảng lặng đó đủ để chúng tôi nhận ra bà đang nhớ ông nhiều lắm. Đôi mắt bà nhìn xa xăm, chất chứa tất cả nhớ nhung, yêu thương da diết. Cứ thế, hình bóng ông, những tháng ngày bên ông lại hiện về rõ mồn một trong tâm trí bà.
Ảnh minh họa |
Ông ngoại tôi tên là Hoàng Đình Nôi, người làng Tiên Hòa, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Ông là người hiền lành, chân chất, hay lam hay làm. Ông và bà nên duyên khi cả hai mới ngoài 20 tuổi. Hai cố ngoại tôi khi ấy sinh nhiều con lắm - bà tôi kể lại. Thế nhưng, vì khó khăn đói kém, rồi bệnh tật nên cuối cùng chỉ còn lại có ông ngoại tôi và bà Han (em gái ông ngoại). Hai cố tôi sau đó vì đau bệnh nên cũng mất sớm. Trong ngôi nhà xiêu vẹo, lụp xụp, bao quanh là mảnh vườn rộng trồng toàn sắn khoai, chỉ có hai anh em, ông và bà Han thui thủi ra vào. May cũng nhờ khoai sắn trong vườn, rau má ngoài ruộng, củ quả hái được trên rừng mà ông bà đi qua mấy thì đói kém. Cũng chính vì sự mộc mạc, lối sống trách nhiệm, yêu thương của ông mà bà ngoại đã thương yêu và đến với ông.
Ông ngoại tôi là người thích đọc sách, yêu thơ văn. Ban ngày lao động vất vả nhưng tối về, ông lại chong đèn đọc sách. Những cuốn sách ông thích đọc rất nhiều: nào “Tam quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử”; nào “Đường kách mệnh”, thơ văn Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,… Yêu quý sách nên cuốn nào, ông cũng bọc cẩn thận bằng bao bì xi măng rồi viết ở bên ngoài dòng chữ “Xin đừng viết, vẽ lên sách. Xin hãy nhẹ nhàng khi cầm sách”, để nhắc nhở mọi người. Những cuốn sách ông để lại, bây giờ vẫn được cậu tôi giữ gìn như báu vật trong ngăn tủ chè của gia đình, thi thoảng cậu lại lấy ra đọc, ngắm nghía những nét chữ ngay hàng thẳng lối của ông, nhớ về ông và rưng rưng xúc động.
Bà nhớ, hồi ấy dẫu đói khổ, ông ngoại vẫn dành dụm tiền để mua cho được cuốn sách yêu thích. Những câu triết lí, những ý thơ hay đều được ông ghi chép lại trong một cuốn sổ tay và cất giữ cẩn thận. Sau này, khi cất được ngôi nhà gỗ (kiểu nhà gỗ truyền thống), ông đã viết những điều đọc được từ sách lên các phiến gỗ lớn trong nhà, vừa là cách ông nhắn nhủ chính mình, cũng là muốn răn dạy con cháu sau này. Tôi vẫn nhớ một trong những câu thơ ông viết lên đó được rút ra từ bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “…Thớt có tanh tao ruồi đỗ bấy/ Ang không mật mỡ kiến bò chi!…”; hay “Khôn mà hiểm độc là khôn dại/ Dại vốn hiền lành ấy dại khôn”;... Sau này lớn lên, hiểu được ý nghĩa sâu xa trong những lời ông nhắn nhủ, tôi càng trân trọng và biết ơn ông.
Bà tôi còn bảo, sinh thời, ông ngoại nổi tiếng nghiêm khắc. Ngoài đầu hè, ông luôn chuẩn bị chiếc roi tre được vót sẵn. Hễ mẹ, dì, cậu mắc sai lầm dù lớn nhỏ, thể nào cũng bị ông đánh cho một trận no đòn; đúng như câu nói “Thương cho roi cho vọt”. Thành ra, đến bây giờ, dù đã lên chức ông chức bà, song ai nấy hãy còn nhớ như in chiếc roi tre và bài ca đánh đòn bài bản của ông ngoại, thầm biết ơn ông bởi nhờ đó mà tất cả nên người.
Bà kể lại: Khi biết mình bị bệnh nặng sẽ không qua khỏi, ông đã gọi bà và mẹ, các dì, các cậu đến bên để dặn dò, trăng trối. Bà tôi khi đó, một tay bồng ngửa dì út, một tay nắm lấy tay ông, trái tim đau như cắt, nhưng bà vẫn cố gắng tỏ ra mạnh mẽ để ông được yên tâm thanh thản ra đi. Lo hậu sự cho ông xong rồi, ngồi một mình ở góc nhà, bà mới bật khóc tức tưởi.
Mới đó mà thấm thoát, ông ngoại đã rời xa chúng tôi hơn 40 năm. Dẫu chưa một lần được gặp ông, dẫu chỉ nhìn thấy ông qua di ảnh, nhưng qua lời kể của bà ngoại, hình ảnh ông mãi vẹn nguyên thương nhớ, mãi đáng yêu, đáng kính, mãi là niềm tự hào, của chúng tôi.