Ông nội tôi, nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc xã hội
Tâm sự 20/03/2024 10:31
Mùa Xuân năm 1962, theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, ông xung phong lên đường nhập ngũ vào Sư đoàn 308 Quân Tiên Phong, sư đoàn đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam thành lập ngày 28/8/1949. Sau 6 năm công tác ở Sư đoàn 308, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, lao động, công tác dân vận...; năm 1968, ông được tuyển chọn về công tác ở Cơ quan Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, làm nhiệm vụ ở Cục Cán bộ; rồi làm Trưởng ban Tài chính, Cục Hậu cần, Tổng cục Chính trịcho đến lúc nghỉ hưu, với quân hàm Trung tá.
Sau 32 năm phục vụ trong Quân đội, ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ ba cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỉ XX (cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước; cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc).
Được Quân đội, Nhà nước cho nghỉ hưu, ông về sống ở quê nhà, thị trấn Chúc Sơn. Do nghỉ hưu có quỹ thời gian, đặc biệt, có sức khỏe, với tâm huyết, nhiệt tình và trách nhiệm cao của Bộ đội Cụ Hồ nên ông tôi vẫn tích cực tham gia hoạt động chính trị-xã hội, đạt nhiều thành tích nổi trội ở nhiều lĩnh vực công tác. Cụ thể:
Một là, Hoàn thành xuất sắc chức danh Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chương Mỹ 3 khóa liển (1998 - 2012).
Hai là, tham gia viết bài dự thi 15 cuộc thi với các chủ đề: “75 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam” 1930 - 2005; “Bác Hồ với Đảng bộ, với Nhân dân Hà Tây (năm 2005) “Tìm hiểu 60 năm thành lập Nươc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945 - 2005); “50 năm kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2004); “Cuôc thi tìm hiểu từ Ba sẵn sàng đến phong trào Thanh niên tình nguyện và 60 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014) “Lịch sử và truyền thống 70 năm xây dựng chiến đấu, trưởng thành lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội (19/10/1946 - 19/10/2016); “69 năm truyền thống lực lượng vũ trang Nhân dân tỉnh Hà Tây (1946 - 2016); viết “Kí ức Điện Biên Phủ” 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014); “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không 40 năm oanh liệt và tự hào” (12/1972 - 12/2012); “Công đoàn Việt Nam 80 năm một chặng đường lịch sử” (1929 - 2009); Hội nông dân Việt Nam 80 năm xây dựng và trưởng thành (1930 - 2010); “Tìm hiểu lịch sử truyền thống Cựu chiến binh Hà Nội” năm 2009; “Luật Phòng chống bạo lực gia đình” do TP Hà Nội phát động năm 2011. Toàn bộ 15 bài viết và dự thi của ông tôi đều đoạt giải của huyện Chương Mỹ, của tỉnh Hà Tây và TP Hà Nội; có bài còn được đăng ở báo Cựu chiến binh Thủ đô và Tạp chí Người cao tuổi.
Ba là, sau khi nghỉ công tác, ông tôi được Thường trực Hội Cựu chiến binh huyện Chương Mỹ mời làm báo cáo viên. Tuy là báo cáo viên không chuyên nghiệp nhưng ông tích cực sưu tầm tư liệu, nghiên cứu kĩ tài liệu chuẩn bị nội dung đầy đủ, cụ thể, chính xác. Không những thế, ông lại có ưu điểm truyền đạt sôi nổi, có nghiệp vụ sư phạm nên người nghe rất thích. Do có uy tín, tín nhiệm nên ông thường xuyên được các cơ quan, đon vị, trường THCS, trường THPT,... mời nói chuyện thời sự.
Bốn là, đặc biệt, ông nội tôi rất thích truyện Kiều, nên từ lâu ông đã học, nghiên cứu về Truyện Kiều và thân thế, sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du. Năm 2020, nhân kỉ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du, ông tôi càng tích cực sưu tầm tư liệu, nghiên cứu và biên soạn thành tác phẩm: “Đọc và suy ngẫm Truyện Kiều”. Ông thường nói, nếu ai đã từng đọc “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du đều có nhận định đánh giá: Đây là một tác phẩm văn học rất lớn mang tính thời đại; như một dòng suối ngọt, uống không bao giờ cạn, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Tiếng thơ ai động đất trời/Nghe như non nước vọng lời ngàn thu/Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du/Tiếng thơ như tiếng mẹ ru những ngày”.
Tác phẩm của ông tôi thêm một lần khẳng định: Dân tộc Việt Nam tự hào có Đại thi hào Nguyễn Du, với tác phẩm “Truyện Kiều” nổi tiếng; được một số nhà lãnh đạo, nguyên thủ trong và nước ngoài vận dụng sử dụng vào các lĩnh vực: Chính trị, quân sự, ngoại giao, giáo dục, v.v... Đồng thời giúp cho những bạn đọc yêu thơ, thích “Truyện Kiều” càng thêm hiểu biết toàn diện, sâu hơn của “Truyện Kiều” và Nguyễn Du.
Bà nội tôi là Lê Thị Tạm, sinh ngày 13/1/1943, một người vợ, người mẹ, người bà mẫu mực, hết lòng yêu thương con cháu. Ông bà hiện có 20 người con trai, gái, dâu, rể và các cháu nội ngoại. Bà không chỉ có công sinh thành, mà còn trông nom quản lí, giáo dục con cái, để ông yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ do Quân đội giao cho.
Do những cống hiến xuất sắc trong 32 năm phục vụ trong Quân đội, ông nội tôi - Trung tá Nguyễn Chí Sỹ đã được khen thưởng: Huân chương Chiến công hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì; Huy chương Quân kì quyết thắng, ba Huân chương chiến sĩ vẻ vang: Hạng nhất, hạng Nhì và hạng Ba. Bảng gia đình vẻ vang.