Chợ qua chuyện của ông tôi
Tâm sự 31/01/2024 09:48
Tôi nhớ như in, trước dịp Tết Kỷ Mão năm 1999, khi ba mẹ tôi đang dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết thì ông nội tôi bảo tôi cùng ông dùng chanh và tro bếp chà xát bộ lư đồng cho bóng loáng. Vừa làm, ông nội tôi vừa kể, trước năm 1945, ở Huế có phiên chợ Gia Lạc rất độc đáo. Chợ thành lập vào Tết Bính Tuất năm 1826, dưới thời Hoàng đế Minh Mạng.
Phiên chợ Gia Lạc do Định Viễn Công Nguyễn Phúc Bính (1797 - 1863) lập nên. Ông là hoàng tử thứ sáu của Hoàng đế Gia Long, mẹ ông là Tiệp dư Dương Thị Sự.
Năm Gia Long thứ 16 (1817), hoàng tử Nguyễn Phúc Bính được Hoàng đế Gia Long phong làm Định Viễn Công. Đi ngược lại với tư tưởng “trọng nông ức thương” thời bấy giờ, Định Viễn Công đặc biệt say mê kinh doanh. Do đó, ở Huế ngày xưa có câu “Phú bất như Định Viễn” nghĩa là: Không ai giàu bằng Định Viễn Công.
Tôi hỏi ông nội: “Cháu nghe nói Hoàng đế mới là người giàu nhất nước chứ ông?”. Thì ông nội tôi cho biết: “Nhận xét “Phú bất như Định Viễn” khá đặc biệt vì tương truyền là của Hoàng đế Minh Mạng, là hoàng tử thứ tư của Hoàng đế Gia Long, anh trai của Định Viễn Công”. Rồi ông nội tôi kể tiếp: Định Viễn Công đã lập ra phiên chợ Tết Gia Lạc nằm ngay trên đường về thôn Vỹ Dạ, nơi ngã ba làng Nam Phổ (thuộc phường Phú Thượng, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày nay).
Cái tên Gia Lạc có nghĩa là “Tăng thêm niềm vui”. Chợ diễn ra suốt những ngày Tết, ban đầu chỉ dành cho hoàng thân quốc thích và quan lại nhưng về sau mở rộng cho cả dân thường đến tham gia.
Tôi hỏi ông nội: “Chợ Gia Lạc có gì vui không ông?”. Nhìn tôi một cách trìu mến, ông kể: Người ở vùng chợ Dinh, phố cổ Gia Hội hiện nay đi chợ Gia Lạc là để có dịp bói đò nhân năm mới vì phải qua sông. Nếu khi đến bến mà đò đang neo đợi, nghĩa là sẽ được thong dong trong năm mới. Ngược lại khi đến bến mà đò sang sông, ấy là điềm báo sẽ lận đận trong năm ấy. Và lệ thường người đi phiên chợ Gia Lạc mùng Một Tết luôn mua một trái cau, một ngọn trầu với mong muốn sẽ an bình trong năm mới. Trầu ở chợ Gia Lạc là trầu hương rất thơm, lá lục. Cau ở chợ là cau làng Nam Phổ, nổi tiếng ngon ngọt ở xứ Huế.
Sau đó người đi chợ Gia Lạc mới mua hàng hóa của chợ theo sở thích. Hàng hóa mua bán trong chợ khá phong phú và đặc biệt có các đặc sản của Huế như phấn nụ, hoa giấy, bánh canh Nam Phổ; bánh bèo, nậm, lọc, ít, ram, ướt, khoái… Chợ Gia Lạc còn thu hút đông đảo người đi chơi Tết nhờ hàng loạt trò chơi thú vị như hò giã gạo, bài chòi, ném vòng vịt, leo cột mỡ, đu tiên, kéo co, vật võ…
Định Viễn Công lại phát động thi nấu bún giò heo ngay tại chợ Gia Lạc. Đầu bếp nào giành giải nhất thì nhận được 4 chữ: “Thập toàn, ngũ đắc”. Thập toàn là điểm hoàn thiện hoàn mĩ của món đặc sản chốn kinh kì: Ngon lành, thơm tho, ngọt ngào, đậm đà, tinh khiết, bổ dưỡng, bắt mắt, giỏi chọn, rành nấu, khéo bày. Ngũ đắc là 5 yếu tố: Ai cũng biết được, mua được, ăn được, chế biến được, tìm được nguyên vật liệu ngay tại địa phương mình.
Do đó, ông nội tôi cho hay, người ta đến chợ Gia Lạc không phải vì nhu cầu mua bán mà lấy sự vui vẻ, lấy việc cầu may làm chính nên ai nấy đều ăn mặc chỉnh tề, sang trọng, đặc biệt là việc đi lại, nói năng trao đổi với nhau đều ý tứ, lịch thiệp. Họ không tranh luận, không to tiếng như các phiên chợ trong năm. Bởi tại nơi đây dân nông thôn giao lưu với dân thành thị, giới quý tộc gặp gỡ giới bình dân. Hai bên đều có chung niềm vui là du Xuân đón Tết.
Chợ Gia Lạc giờ vẫn còn phải không ông? Tôi hỏi ông nội tôi. Không cháu à! Phiên chợ Gia Lạc chỉ được duy trì đến năm 1945, khi triều đại phong kiến nhà Nguyễn cáo chung, tức là gần cả trăm năm sau khi Định Viễn Công mất.
Tết đến, được mặc quần áo mới, được ăn bánh chưng bánh tét, ăn mứt món, cắn hạt dưa, được lì xì, được ngắm mai vàng nở rộ, được đi Đại Nội xem bắn pháo hoa và được nghe ông nội tôi kể những câu chuyện đầy thú vị thật là những kí ức khó quên trong cuộc đời tôi.
Tết này, ông nội tôi đã rời xa tôi mãi mãi được hai mươi lăm năm. Tôi vẫn luôn nhớ về ông nội tôi - người kể cho tôi nghe những câu chuyện đời xửa đời xưa…