Vườn lá dong của bà ngoại
Tâm sự 21/03/2024 09:02
Nhà bà ngoại rộng hơn một sào đất vườn nên có đường đi xung quanh ngôi nhà ngói 5 gian bên cạnh vườn chuối, cây mít, ổi,...với vườn lá dong. Lớn lên học cấp I trường làng, có buổi đi học về bị đói lại vào với bà và thế nào bà cũng vào buồng nhà ngang bới tìm gói giấy vỏ bao xi-măng ở chum ngô, bên trong là mấy cái bánh vừng vòng đưa tôi ăn cho đỡ đói. Hôm nào hết thì bà dắt ra quán cụ Camđầu xóm mua cho mấy xu bánh đa khoai hoặc cái kẹo bột.
Ảnh minh họa |
Ngày nghỉ học,tôi lại xin phép mẹ cho xuống chơi nhà bà ngoại cùng với các anh chị con nhà các bác. Những lúc bà dọn vườn cắt bỏ những tàu lá chuối khô héo rủ xuống bên thân cây hoặc trồng thêm cây chuối mới, rồi cắt tỉa, vun gốc cho những khóm lá dong… Tôi và các anh chịgiúp bà nhặt lá chuối, lá dong bà cắt bỏ ra, quét lá mít, lá ổi rụng... xúc đổ xuống cái hố bà đào ở góc vườn rồi đổ phân lợn xuống ủ làm phân mục bón cho cây trong vườn. Thời ấy, làng tôi có phong trào: “Sạch làng - Tốt ruộng” nên sau giờ học, chúng tôi lại rủ nhau đi hót phân trâu, bò, quét rác lá tre, rơm rạ, cùng các anh chị thanh niên vớt bèo... đổ xuống hố ủ phân mục nên nhà nào cũng có hố phân mục riêng để bón cho vườn lá dong, vườn chuối.
Tháng áp Tết Nguyên đán, học sinh cấp I, cấp II lấy vôi tôi đặc viết lên bẹ cây chuối, lên cái mẹt hỏng, mảnh cót... câu khẩu hiệu: “Gieo ngô chưa hết, đón Tết chưa vui” hoặc: “Lúa chưa cấy hết, ăn Tết không ngon”,… treo lên cành cây, lên rặng tre hai bên đường làng. Tối tối, học sinh các lớp lại theo đoàn trống ếch đi cổ động khắp xóm trên xóm dưới tạo nên không khí rất vui.
Có lần bà đang cắt tỉa bẹ chuối khô thì một tàu lá chuối còn tươi bỗng gục xuống bên thân cây, bà dừng tay và bảo mấy anh chị em: “Tàu chuối còn xanh đã đổ gục xuống thế này là do không khí ẩm đè nặng xuống và trời sắp mưa đấy”. Nghe bà nói, mấy anh chị em biết thêm được kinh nghiệm của dân gian về dự báo trời sắp mưa. Thích nhất là được cùng các anh chị theo bà vào vườn lá dong. Bà bảo: “Cây dong phù hợp với đất ẩm và bóng mát nên phải trồng dưới tán nhãn, tán ổi hoặc trồng xen giữa các hàng chuối”.
Nhìn những tàu lá dong xanh mướt mắt vươn cao đung đưa theo làn gió dưới vòm tán nhãn, tán ổi, bà bảo: “Chăm tưới bón, vun xới cho cây sẽ nhanh được cắt tỉa lá bán cho hàng gói bánh nếp, bánh tẻ”. Những ngày nhà ông bà có giỗ chạp, tất cả con, cháu lại được quây quần thụ lộc mâm cơm cúng của các cụ. Chiều về, mỗi cháu lại được bà đưa cho một gói xôi, thịt, giò gói trong lá dong để ăn bữa tối. Gần đến Tết Nguyên đán thì không bán mà để lá cho nhà ông bà, nhà 4 bác trai bác gái là anh chị ruột của mẹ tôi và nhà tôi gói bánh chưng ăn Tết. Lá dong vườn của bà gói bánh chưng có màu xanh cốm trông đã thấy ngon mắt làm tăng thêm vị thơm ngon. Chả thế mà vườn lá dong của bà,Tết năm nào cũng đắt khách mua và sau Tết, anh chị em chúng tôi lại cùng bà cuốc xới bón thêm phân, trồng thêm những gốc dong mới để lại được ngắm những tàu lá dong xanh mướt mắt đung đưa trước gió...
Bà ngoại tôi đã là người thiên cổ cách đây 60 năm, năm ấy tôi gần 12 tuổi đã biết cùng các anh chị giúp bố mẹ lo các nghi lễ đưa bà đi vào giấc ngủ ngàn thu.
Những năm sau này, bác dâu trưởng thay bà chăm sóc vườn lá dong và vẫn có đủ lá cho mọi nhà gói bánh chưng dịp Tết Nguyên đán. Khi các anh chị lớn lên lấy vợ lấy chồng rồi đến lượt các con của anh chị có gia đình riêng thì vườn lá dong của bà chia cho các cháu chắt làm nhà ở.
Vườn lá dong của bà ngoại đã đi vào kí ức của tuổi thơ tôi và các anh chị tôi, nuôi dạy anh chị em biết học hành chăm ngoan, biết làm việc giúp đỡ ông bà, bố mẹ và chúng tôi đều lớn lên, trưởng thành, đóng góp phần công sức nhỏ bé cho cộng đồng xã hội.