Cần xử lí nghiêm công trình xây dựng sai phép ở phường Tân Mai

Pháp luật - Bạn đọc 10/04/2025 21:16
Có thể chia thành 2 dự án?
Công ty CP cấp thoát nước Bảo Lộc (BWA) làm chủ đầu tư Dự án Nhà máy nước sông Đại Nga, với công suất 5.000m3/ngày, đêm và hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước TP Bảo Lộc giai đoạn 1, tổng kinh phí đầu tư xây dựng là 90,322 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng nhà máy: 37,789 tỉ đồng, vốn tự có là 8,989 tỉ đồng, vốn vay 28,8 tỉ đồng; chi phí xây dựng mạng cấp 1: 52,533 tỉ đồng, vốn tự có là 6,333 tỉ đồng, vốn vay là 46,2 tỉ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Lâm Đồng, để vận chuyển nước về TP Bảo Lộc, với các hạng mục:
- Lắp đặt 5.666 md ống D355 từ Nhà máy Đại Nga đến đường Đội Cấn, TP Bảo Lộc;
- Lắp đặt 2.627 md ống D225 từ đường Đội Cấn đến đường Nguyễn Trung Trực;
- Lắp đặt 1.844 md ống D225 từ đường Trần Phú đến đường Phan Đình Phùng;
- Xây dựng 2 Trạm bơm tăng áp, công suất 5.000m3/ngày-đêm, để đủ áp lực đẩy toàn bộ nước sản xuất về TP Bảo Lộc (vì nhà máy nước Đại Nga nằm dưới vùng đất trũng).
![]() |
Hạng mục đang thi công Nhà máy nước Đại Nga. |
Điều mà dư luận quan tâm là, Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước Đại Nga và hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước TP Bảo Lộc giai đoạn I, chỉ là 1 dự án và không thể chia thành 2 dự án như đang thực hiện:
+ Dự án Nhà máy nước Đại Nga.
+ Dự án hệ thống đường ống cấp nước TP Bảo Lộc giai đoạn I.
Vấn đề đặt ra, nước sạch là mặt hàng đặc biệt, khi được nhà máy sản xuất ra chỉ được lưu trữ trong bể chứa của nhà máy trong thời gian rất ngắn, sau đó bắt buộc phải vận chuyển ngay đến nơi tiêu thụ qua hệ thống đường ống mạng, vì năng lực của bể chứa rất hạn chế, lại không thể thuê thêm kho chứa như các mặt hàng khác. Do đó, Nhà máy nước Đại Nga có công suất 5.000m3/ngày, đêm nhưng bể chứa chỉ có dung tích 1.000m3 , nên nếu không chuyển đi tiêu thụ ngay thì Nhà máy sẽ buộc phải ngừng sản xuất sau 4 giờ (1.000:5.000 x 24 giờ). Vì vậy, khi triển khai xây dựng Nhà máy nước, đồng thời cũng phải xây dựng đường ống mạng để tiêu thụ, không thể tách rời.
Theo các kĩ sư về ngành cấp thoát nước, các hạng mục đầu tư xây dựng của hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước TP Bảo Lộc giai đoạn I, cho thấy thực chất chỉ là xây dựng tuyến ống cấp 1 (ống chính) đấu nối vào hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước hiện hữu để tiêu thụ 5.000m3/ngày, đêm cho Nhà máy nước Đại Nga. Việc này không làm tăng lượng khách hàng sử dụng nước nên cũng không làm gia tăng sản lượng nước cung cấp.
![]() |
Dư luận quan tâm về việc cho vay vốn Dự án xây dựng hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước TP Bảo Lộc (giai đoạn 1). Ông Võ Văn Thanh, Thành viên Hội đồng quản lí, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, cho rằng: Do dự án đầu tư hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước TP Bảo Lộc (giai đoạn 1) không thể hoạt động độc lập, không tạo ra nguồn doanh thu riêng lẻ nên cần xem xét hợp nhất với Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đại Nga theo quy định tại Khoản 4, 5, 6 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020. Việc tính toán, thẩm định trên cơ sở dự án hợp nhất sẽ đánh giá chính xác, đầy đủ về phương án sử dụng vốn (đảm bảo khách hàng có phương án sử dụng vốn khả thi, đủ khả năng tài chính để trả nợ theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 7 Thông tư số: 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 (đã được sửa đổi bổ sung) của Ngân hàng Nhà nước, thời gian hoàn vốn và nhận diện được đầy đủ các yếu tố rủi ro có thể phát sinh trong quá trình cho vay, v.v… Bên cạnh đó, việc đưa dự án vào khai thác dẫn đến việc điều chỉnh giá nước sinh hoạt trên địa bàn TP Bảo Lộc, sẽ ảnh hưởng và có thể gây phản ứng từ người tiêu dùng.
![]() |
Nhà máy nước Nam Phương của Công ty Thiên Hòa An, đang dư thừa sản lượng 5.700m3/ngày, đêm. |
Dự án Nhà máy nước Đại Nga cung cấp nước cho Khu Công nghiệp Lộc Sơn là hợp lí. Thực tế, Nhà máy được xây dựng ngay tại Khu Công nghiệp nhưng lấy nước từ Nhà máy nước Đại Nga dẫn nước về cấp cho TP Bảo Lộc, thì chủ đầu tư đã chọn địa điểm đặt mục tiêu là điều bất cập. Do đó, chủ đầu tư đã tách thành 2 dự án: Nhà máy và Tuyến ống dẫn. Khi Nhà máy nước Đại Nga cấp nước cho TP Bảo Lộc thì phải lắp đặt tuyến ống vượt quãng đường hơn 8km, dẫn nước về TP Bảo Lộc và phải xây 2 trạm bơm tăng áp, đẩy nước vượt qua độ cao 138m về trung tâm TP Bảo Lộc, dẫn tới nguy cơ lãng phí vốn đầu tư, vượt định mức suất đầu tư của Nhà nước nhiều lần, khả năng thu hồi vốn sẽ gặp khó khăn.
![]() |
“Phiếu chuyển đơn kiến nghị, phản ánh” số: 22/BTCD ngày 11/2/2025 của Ban Tiếp công dân (Thanh tra TP. Bảo Lộc) |
Trong khi đó, tại TP Bảo Lộc, hiện có Nhà máy nước Nam Phương của Công ty Thiên Hòa An, đang dư thừa sản lượng 5.700m3/ngày, đêm, với giá bán hòa mạng tại TP Bảo Lộc chỉ là 4.305 đồng/m3 nước sạch, còn giá thành 1m3 nước sạch tại chân Nhà máy nước Đại Nga là 6.800 đồng, nếu tính cả chi phí xây dựng đường ống mạng cấp 1 và trạm bơm tăng áp nêu trên vào thì giá thành 1m3 hòa mạng tại TP Bảo Lộc của Dự án này còn tăng thêm nhiều (ước tính khoảng 11.000đ/m3 nước). Tuy vậy, Công ty BWA không công bố giá nước này cho người dân trong dự án được biết.
Theo quy định, nước sạch là mặt hàng Nhà nước quản lí và giá nước sạch được tính toán theo Thông tư số: 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Giá nước sạch được tính đúng, đủ theo quy định, bảo đảm các đơn vị tham gia kinh doanh cung cấp nước sạch bù đắp được chi phí sản xuất và có lãi”. Do đó, nếu cấp thẩm quyền phê duyệt dự án này thì cũng phải phê duyệt tăng giá bán lẻ nước sạch tương ứng để bù đắp chi phí cho Chủ đầu tư. Người dân TP Bảo Lộc buộc phải chấp nhận giá nước “bất hợp lí” này. Trong khi, nếu BWA tiếp nhận sản lượng đang dư thừa 5.700m3/ngày, đêm với giá bán 4.305đ/m3 của Nhà máy nước Nam Phương, thì người dân không phải chịu khoản tăng giá đó. Khi dự án hoàn thành, ước tính giá nước trung bình tại TP Bảo Lộc sẽ tăng khoảng 30% ngay năm đầu tiên vận hành, sau đó tiếp tục tăng đều trong các năm sau để bù đắp chi phí đầu tư ban đầu, ảnh hưởng tới đời sống người dân TP Bảo Lộc.
![]() |
Thi công đường ống dẫn nước từ Khu công nghiệp Lộc Sơn về thành phố Bảo Lộc |
Do đó, người dân kiến nghị: Việc thực hiện Dự án Nhà máy nước Đại Nga không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của địa phương, mà còn khiến người dân TP Bảo Lộc có nguy cơ chịu thiệt hại lớn. Chủ đầu tư cần xem xét để xác định:
- Dự án Nhà máy nước Đại Nga sau khi đưa vào vận hành khai thác có làm tăng giá bán nước sạch tại TP Bảo Lộc hay không?
- Tại sao Công ty BWA không tiếp nhận lượng nước đang dư thừa 5.700 m³/ngày, đêm của Công ty Thiên Hòa An, với giá bán 4.305 đồng/m³ (!?)
Sau khi Tạp chí Người cao tuổi nhận được đơn, thư của nhiều người cao tuổi phản ánh sự việc nêu trên, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học đã chỉ đạo giao UBND TP Bảo Lộc giải quyết và báo cáo Tỉnh ủy trong tháng 10/2024, dứt khoát không để tình trạng đầu tư lãng phí rồi đưa chi phí này vào giá thành bán nước sạch, để người dân phải gánh chịu giá nước tăng cao.
![]() |
Ngày 18/2/2025, Tạp chí Người cao tuổi nhận “Phiếu chuyển đơn kiến nghị, phản ánh” số: 22/BTCD ngày 11/2/2025 của Ban Tiếp công dân, Thanh tra TP Bảo Lộc gửi Phòng Quản lí đô thị. Ban Tiếp công dân TP Bảo Lộc cho biết:
- Văn phòng Tỉnh ủy có Văn bản số: 1692-CV/VPTU ngày 22/1/2025 về việc chuyển đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến phản ánh của công dân đối với Dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đại Nga của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc;
- UBND TP Bảo Lộc có Văn bản số: 174/UBND-TD ngày 20/01/2025, giao Phòng Quản lí đô thị kiểm tra, rà soát, tham mưu UBND Thành phố báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.
- Căn cứ Thông tư số: 05/2021/TT-TTCP ngày 1/10/2021 của Thanh tra Chính phủ, Ban Tiếp công dân TP Bảo Lộc chuyển nội dung đơn đến Phòng Quản lí đô thị để tham mưu UBND Thành phố trả lời công dân và báo cáo Thường trực Tỉnh ủy theo quy định. Đề nghị Phòng Quản lí đô thị thông báo kết quả giải quyết đơn về Ban Tiếp công dân thành phố để theo dõi, tổng hợp.
Tạp chí Người cao tuổi sẽ kịp thời thông tin nội dung kết quả việc UBND TP Bảo Lộc trả lời công dân và báo cáo Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng.