Độc đáo làng nghề làm nón lá Đào Khê

Nhịp sống 08/04/2025 11:24
Hơn 46 năm gắn bó với Bài chòi, ông Quế không chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn mà còn là người truyền dạy và phát triển phong trào. Ông từng giữ vai trò Chủ nhiệm CLB Bài chòi Sông Yên từ năm 2011 đến 2024, hiện là Chủ nhiệm CLB Bài chòi quận Cẩm Lệ và xã Hòa Phong từ năm 2017 đến nay. Đồng thời, ông còn đảm nhiệm vị trí Giám đốc Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Ca múa nhạc, Dân ca Bài chòi Hữu Quế.
Bên cạnh hoạt động nghệ thuật, từ năm 1992 đến nay, ông còn tích cực tham gia công tác xã hội với nhiều vai trò quan trọng như tổ trưởng dân cư, thành viên Ban Chấp hành Hội Nông dân, Ban Công tác Mặt trận và Hội Khuyến học... Nhờ những đóng góp bền bỉ, gia đình ông được công nhận là "Gia đình văn hóa tiêu biểu" suốt 10 năm liền bản thân ông nhiều lần được vinh danh là nghệ sĩ tiêu biểu.
![]() |
Nghệ nhân Ưu tú Đỗ Hữu Quế (áo vàng) hát Bài chòi trong Lễ hội Đình làng Túy Loan. |
Nhận thấy giá trị giáo dục của bài chòi, từ năm 2009, huyện Hòa Vang đã triển khai chương trình đưa loại hình nghệ thuật này vào trường học. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức dạy hô hát bài chòi cho học sinh từ bậc mầm non đến THCS. CLB Dân ca Bài chòi Sông Yên do ông Đỗ Hữu Quế phụ trách đã biên soạn tài liệu và trực tiếp giảng dạy.
Không chỉ dừng lại ở trường học, chương trình dạy hát bài chòi còn được phát trên hệ thống truyền thanh huyện, giúp nghệ thuật này đến gần hơn với mọi tầng lớp Nhân dân. Hiện nay, chương trình đã triển khai tại 42 trường học trên địa bàn và tiếp tục mở rộng.
Nhằm phát triển bền vững, huyện Hòa Vang đang lên kế hoạch kết hợp bài chòi với các tour du lịch địa phương. Các điểm du lịch nổi tiếng như Bà Nà Hills, núi Thần Tài, suối Hoa có thể trở thành địa điểm để du khách thưởng thức bài chòi, qua đó góp phần quảng bá và gia tăng giá trị kinh tế cho loại hình nghệ thuật này.
Những nỗ lực bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi của ông Đỗ Hữu Quế không chỉ giúp gìn giữ một di sản văn hóa quý báu mà còn góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân. Ông không chỉ biểu diễn mà còn sưu tầm, sáng tác lời mới, truyền dạy cho thế hệ trẻ và tham gia nhiều hội thảo khoa học nhằm nghiên cứu sâu hơn về nghệ thuật bài chòi.
Với mong muốn giữ gìn và truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ, ông Quế đã đào tạo hơn 100 học trò, nhiều người trong số đó trở thành những nghệ nhân và nhạc sĩ tiêu biểu như: Nhạc sĩ Phạm Hồng Biển, nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Thái, nhạc sĩ Nguyễn Trung Kiên, ca sĩ Đặng Thị Lan Phương…
Bên cạnh đó, hằng năm, ông cùng CLB Dân ca Bài chòi tổ chức hơn 100 suất diễn phục vụ quần chúng Nhân dân, du khách trong các ngày lễ hội, Tết cổ truyền, tại các địa bàn dân cư, trường học, khu du lịch ở Đà Nẵng và Quảng Nam. Gia đình ông còn dành một căn phòng rộng 45m², được trang bị đầy đủ âm thanh, ánh sáng để làm nơi sinh hoạt, luyện tập cho các CLB.
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, ông góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị bài chòi trong đời sống hiện đại, giúp di sản này không chỉ là kí ức mà còn trở thành niềm tự hào của thế hệ hôm nay và mai sau.
Với những đóng góp không ngừng nghỉ, năm 2015, ông được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Ông từng đoạt nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó có: 7 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc cấp tỉnh và thành phố, 1 Huy chương Vàng tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng toàn quân năm 1990, Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng, Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2018, tặng thưởng Văn học Nghệ thuật ngành sân khấu năm 2015.
Ông Đỗ Hữu Quế cho biết, bài chòi không chỉ là một trò chơi dân gian mà còn mang đậm giá trị văn hóa đặc trưng của xứ Quảng. Nghệ thuật này xuất phát từ lao động sản xuất, ban đầu chỉ là hình thức canh giữ nương rẫy của người nông dân, sau đó phát triển thành một trò chơi có thưởng, rồi trở thành loại hình diễn xướng độc đáo. Qua các thời kì, bài chòi đã được bổ sung những làn điệu phong phú như Xuân Nữ, Cổ Bản, Hò Quảng, Xàng Xê...
Bằng tài năng và tâm huyết của mình, ông Đỗ Hữu Quế không ngừng nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của bài chòi. Ông không chỉ đóng vai trò người nghệ sĩ trình diễn mà còn là một người thầy, một người dẫn dắt, giữ lửa cho nghệ thuật dân gian.
Có thể nói, nhờ những nghệ nhân như ông, bài chòi không chỉ là kí ức của quá khứ mà còn trở thành một phần sống động trong đời sống văn hóa của người dân Đà Nẵng. Những câu hát bài chòi vẫn vang lên, gợi nhắc về cội nguồn, bản sắc dân tộc và giá trị truyền thống đáng trân trọng, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nghệ nhân Ưu tú Đỗ Hữu Quế vui mừng chia sẻ với chúng tôi rằng, nhờ những thành tích đạt được cùng sự khuyến khích từ các cơ quan chức năng và sự yêu mến của người dân, ông đang hoàn thiện hồ sơ gửi lên ngành chức năng để được Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể.