Nhịp cầu bạn đọc

Pháp luật - Bạn đọc 24/05/2022 10:52
Tạp chí Người cao tuổi số 58 (3150) ngày 23/3/2022 và Tạp chí Ngày mới online ngày 22/3/2022 có đăng bài: “Cần công tâm, khách quan, không xử oan người vô tội”, phản ánh vụ án cho vay lãi nặng ở Đắk Nông, như sau: Sáng 20/5/2020, ông Sầm Văn Núm đang trả nợ cho vợ chồng bà Nguyễn Thị Tuyết, ông Võ Quang Lê, chủ Công ty Vũ Hải (kinh doanh phân bón, cà phê), thì Cơ quan CSĐT, Công an huyện Tuy Đức ập vào lập biên bản, cho rằng bắt quả tang cho vay lãi nặng. Đi cùng ông Núm là ông Phùng Lê Hiếu (làm nghề cầm đồ và kinh doanh bất động sản). Tang vật là 300 triệu đồng, do ông Hiếu mang đến cho ông Núm mượn để trả nợ. Hôm đó, anh Võ Tư Thiệt (con bà Tuyết) vắng mặt, nhưng biên bản lại ghi tên anh Thiệt. Chiều cùng ngày anh Thiệt bị công an buộc kí vào “Biên bản bắt quả tang…”, anh Thiệt từ chối vì sáng đó anh không có mặt. Nhưng sau nhiều lần bị ép kí, anh buộc phải kí, nhưng ghi thêm “Tôi không đồng ý...”. Thế rồi anh bị tạm giữ nửa tháng. Mẹ con bà Tuyết bị khởi tố tội danh “Cho vay lãi nặng”, quy định tại Khoản 2, Điều 202 Bộ luật Hình sự.
![]() |
Ông Sầm Văn Núm và vợ là bà Triệu Thị Xin tố bị công an ép vu cho bà Tuyết cho vay nặng lãi. |
Trong bài trên, chúng tôi cho rằng đây là vụ án dàn dựng, nhưng do “kịch bản, đạo diễn” và “diễn viên” vụng, nên càng diễn càng mâu thuẫn; còn “điệp viên” kém nên chỉ điểm sai. Đúng thế! Sáng 20/5/2020, ông Hiếu đi cùng ông Núm, vợ chồng bà Tuyết có mặt là ông Hiếu báo tin cho công an, rồi yêu cầu bà Tuyết viết giấy nhận tiền của ông ta trả nợ thay cho ông Núm. Bà Tuyết vừa viết giấy xong, tiền đang nằm trong tay ông Hiếu, khi biết công an ập vào, cách chừng 20m, ông Hiếu bỏ cục tiền 300 triệu đồng ra bàn… làm tang vật, để Công an bắt và lập biên bản “Bắt qủa tang cho vay lãi nặng”!?
Cụ thể, họ quy kết bà Tuyết (Công ty Vũ Hải) cho ông Núm vay lãi suất 9,4%/tháng, nhưng ông Núm và ông Hiếu mang đến 300 triệu đồng, trong khi ông Núm nợ của Công ty Vũ Hải 743 triệu đồng thì tính sao cho ra lãi suất 9,4%/tháng? Nếu chỉ trả lãi của 110 triệu đồng mới vay 28 tháng, thì tại sao khoản nợ 633 triệu đồng và thời gian trên dưới 8 năm thì không trả? Nhưng trả nợ cho khoản vay mới 110 triệu đồng, thì thánh cũng bó tay, tính sao cho ra lãi suất này là 9,4%/tháng? Việc gán ghép Công ty Vũ Hải cho vay lãi suất 9,4%/tháng là bịa đặt của Cơ quan CSĐT và Viện KSND huyện Tuy Đức. Cuộc trả nợ chưa xong thì đã bị lập biên bản “Bắt quả tang”, 300 triệu đồng còn để trên bàn, bà Tuyết chưa nhận, mà công an đã vội thu giữ rồi sung công.
Vì sao ông Hiếu phải tự nguyện làm “điệp viên”?
Sau khi bị tạm giam nửa tháng, rồi được tại ngoại, ông Phùng Lê Hiếu “tâm sự” với anh Thiệt (có ghi âm), với nội dung: Ông Núm ngoài nợ tiền Công ty gia đình anh Thiệt, thì còn vay tiền của ông Hiếu. Sau đó, ông Núm viết đơn tố cáo ông Hiếu cho vay nặng lãi gửi Công an huyện Tuy Đức nhưng việc tố cáo trên được dập tắt. Biết ông Núm có vay tiền, nợ tiền phân bón và vay cà phê của Công ty Vũ Hải, nên ông Hiếu cho ông Núm mượn 300 triệu đồng để trả nợ, nhằm bắt quả tang Công ty Vũ Hải của gia đình bà Tuyết cho vay lãi nặng, để gỡ lại.
![]() |
Quyết định đình chỉ vụ án và quyết định hủy bỏ đình chỉ vụ án của Viện KSND huyện Tuy Đức. |
Ông Núm là cựu chiến binh, người dân tộc Tày, quê ở tận Cao Bằng, đến Đắk Nông làm ăn, bản chất tốt bụng, hiền lành, dễ tin người. Ông ít quan hệ xã hội, nên không biết ông Hiếu là tay cầm đồ cho vay tiền chuyên nghiệp. Ông Hiếu câu kết với một số người gài bẫy bà Tuyết và anh Thiệt. Sau khi đọc Tạp chí Người cao tuổi, Tạp chí Ngày mới online và một số tờ báo khác, dư luận ở huyện Tuy Đức và bạn đọc cũng có cùng quan điểm này. Gia đình ông Núm cho biết, họ có 6 thửa đất, trong đó bằng thủ đoạn cho vay tiền, ông Hiếu đã bắt ép ông Núm phải chuyển nhượng cho ông Hiếu 3 thửa. Nhưng ông Hiếu thích nhất thửa đất của ông Núm mà bà Tuyết đang giữ sổ đỏ. Vì trước đó, ông Núm thế chấp để vay 110 triệu đồng, nếu gia đình bà Tuyết không cho vay số tiền này, thì có khả năng gia đình ông Núm phải gán nợ thửa đất này cho người khác rồi. Ông Núm và bà Tuyết không thỏa thuận lãi suất, giữa gia đình ông Núm và Công ty Vũ Hải làm ăn từ lâu, đã có thỏa thuận các khoản vay nợ cà phê, phân bón, xăng dầu là 30%/năm. Gia đình ông Núm, con cái vẫn ở Cao Bằng, thường ra vào Đắk Nông, đều hiểu lòng tốt của chủ Công ty Vũ Hải đối với họ. Ông Núm nói với bà Tuyết: “Tôi nợ Công ty nhiều rồi chưa trả được, chị mua thửa đất tôi để trừ nợ luôn cho tiện”. Bà Tuyết nói: “Tôi mà mua thì dễ mang tiếng lắm, ai mua cao thì anh chị bán trả nợ một phần, còn lại để làm ăn”. Ông Hiếu nhiều lần lân la đến nhà ông Núm bàn chuyện giúp ông trả hết nợ, rồi hỏi mua thửa đất. Ông Núm nói bán thửa đất 2,2 tỉ đồng, ông Hiếu đồng ý ngay.
Ông Núm nghĩ, nếu bán được giá ấy, ông đã trả hết nợ rồi, còn dư được kha khá. Ngày 18/5/2020, ông Hiếu làm động tác cùng ông Núm đến nhà bà Tuyết nhận nợ 579.980.000 đồng, rồi mấy ngày sau ông Hiếu hẹn ông Núm sáng 20/5/2022, sẽ mang 300 triệu đồng, rồi cùng ông Núm đi trả nợ, lấy sổ đỏ về. Ông Hiếu đã dày công nghĩ kế, để… đoạt bằng được thửa đất này, mà không cần bỏ ra 2,2 tỉ đồng để mua, dù phải chi phí cao (kể cả chi cho những người “cùng hội”, không lẽ họ làm không công?). Nhưng cao lắm, mọi chi phí cũng chỉ hết chưa đến 1,5 tỉ đồng thế thì ông Hiếu vẫn còn lãi chán. Nhưng giá thực của thửa đất cà phê vẫn chưa bằng khoản lợi này: Đó là… mối quan hệ lâu dài với những người có chức quyền (!).
Vở diễn đã đến lúc hạ màn
Ông Phùng Lê Hiếu câu kết với một số người, theo một “kịch bản” có sẵn, nhằm tước đoạt thửa đất giá trị nhiều tỉ đồng của gia đình ông Sầm Văn Núm, tiền của gia đình bà Tuyết và hành hạ anh Võ Tư Thiệt. Trong khi anh Thiệt là một thanh niên hiền lành, không gây thù oán với ai. Nghĩa là họ bắn “một mũi tên trúng ba đích”. Ê kíp vở diễn này, từ tác giả “kịch bản”, đạo diễn, diễn viên và điệp viên là những người thật sự thần kinh không được bình thường, nên càng diễn càng phi lí, kệch cỡm… Đáng nói là một vụ án ít nghiêm trọng, nhưng TAND huyện Tuy Đức đồng lòng với Cơ quan CSĐT và Viện KSND cứ lần khân, kéo dài mãi không chịu xét xử, mà vẫn không cho bị can tại ngoại, trong khi ai cũng thấy bị can hoàn toàn vô tội.
Sau phiên xử ngày 21/11/2021, Tòa trả hồ sơ, vì không có căn cứ buộc tội; Viện KSND lại trả hồ sơ cho Cơ quan CSĐT, rồi hai cơ quan này cứ giằng co. Bỗng nhiên, giáp Tết Nguyên đán 2022, Viện KSND huyện bất ngờ có công văn rút hồ sơ về để bắt tạm giam bị can Thiệt, thế là anh Thiệt bị bắt giam lần nữa. Lần này từ 24/1/2022, đến nay đã 4 tháng mà bị can vẫn... bị giam. Một vụ án ít nghiêm trọng, không cần thiết phải tạm giam vậy. Tại sao bắt giam hoài như vậy? Phải chăng, không có tội sẽ làm cho ra tội? Nhưng không thể muốn kéo dài vụ án đến bao nhiêu cũng được. Đã đến lúc TAND phải đưa vụ án ra xét xử công tâm, khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội.
![]() Được dàn dựng với kịch bản và đạo diễn kém nên càng “diễn”, càng… mâu thuẫn. Chứng cứ không có, mà cáo buộc bị can ... |