Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương có văn bản hướng dẫn xử lí theo quy định

Pháp luật - Bạn đọc 12/05/2025 09:57
Như đã thông tin, Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội đi qua tỉnh Bắc Ninh gồm huyện Thuận Thành, thị xã Quế Võ và TP Bắc Ninh. Tại TP Bắc Ninh, người dân khu phố Thượng, phường Khắc Niệm đồng thuận với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, và luôn luôn ủng hộ dự án trên. Tuy nhiên, việc đền bù và cấp đất tái định cư mà UBND TP Bắc Ninh đưa ra còn nhiều “bất cập” khiến người dân thắc mắc với các cơ quan chức năng.
Việc UBND TP Bắc Ninh lấy đất tái định cư dự án đường sắt Lim - Phả Lại để làm đất tái định cư cho người dân khu phố Thượng liên quan đến dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, người dân vẫn mong muốn UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt khu đất khác làm tái định cư. Bởi khu đất tái định cư dự án đường sắt Lim - Phả Lại có nhiều bất cập, nhiều dự án khác cùng được đưa vào khu tái định cư trên.
![]() |
Trụ sở Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Bắc Ninh. |
Người dân cho rằng, UBND TP Bắc Ninh cấp không đủ đất tái định cư cho người dân theo chủ trương ban đầu. Cụ thể, với chủ trương ban đầu là cấp 200 lô đất tái định cư, nhưng nay mới cấp 101 lô, vậy 99 lô còn lại không biết ở đâu? Trong khi đó, khu phố Thượng có 87 hộ dân (118 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) gồm 2 hộ cận nghèo và 540 nhân khẩu, 1 người bị tai biến nằm bất động, 3 người tàn tật, 1 cụ trên 100 tuổi.
Không những vậy, việc cấp đất không bảo đảm so với chủ trương ban đầu. Như việc bố trí, phân lô theo kết quả gắp phiếu là “khập khiễng”, khó chấp nhận được. Ví dụ: 1 hộ có 1 sổ đỏ 6 khẩu, 3 thế hệ, đất thu hồi 400m2 được bồi thường 82m2 đất. Trong khi đó, 1 hộ có 1 sổ đỏ, 3 thế hệ, đất thu hồi 270m2 được bồi thường 80m2 đất… Điều đáng nói, giá đền bù quá thấp, người dân không đủ để trang trải cho việc xây dựng, dẫn đến cuộc sống khó khăn, lại khó khăn hơn. Đó là chưa nói, có hộ phải ghi nợ với Nhà nước từ 800 đến 1 tỉ đồng mới được hưởng một suất đất tái định cư. Mặc dù phản ánh của người dân gửi đến các cơ quan chức năng đã nhiều, nhưng dường như vẫn chưa có cách giải quyết thoả đáng.
Ông Nguyễn Đăng Vụ cho biết, gia đình ông được UBND TP Bắc Ninh cấp đất tái định cư. Tuy nhiên, đất tái định cư nằm trong hành lang an toàn lưới điện. Khi gia đình ông tiến hành xây dựng công trình, Công ty Điện lực Bắc Ninh thông báo là vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và ngăn chặn việc xây dựng. Còn bà Nguyễn Thị Lượng sống một mình, bị mù, đất có sổ đỏ, nhưng bà lại không được cấp đất tái định cư…
Nhiều hộ gia đình vẫn đang có đơn kiến nghị, phản ánh liên quan đến quyền lợi gia đình đang bị ảnh hưởng, nhưng UBND TP Bắc Ninh vẫn tiếp tục đưa ra quyết định thực hiện cưỡng chế thu hồi đất.
Tại buổi làm việc với phóng viên, đại diện Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Bắc Ninh cung cấp một số văn bản trả lời của các hộ gia đình như: Ngô Xuân Thịnh, Nguyễn Thị The, Nguyễn Văn Bốn, Nguyễn Đăng Trọng, Nguyễn Thị Lượng, Nguyễn Đình Phú… cho biết: “Hiện nay, Trung tâm đã báo cáo UBND TP Bắc Ninh để xem xét phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư đúng theo quy định pháp luật”.
Người dân mong rằng, những người đang thực hiện dự án hãy đặt bản thân mình vào người dân để thấu hiểu cuộc sống của họ. Rồi đây, khi dự án được thực hiện, cuộc sống của họ sẽ ra sao khi tiền được đền bù không đủ xây dựng nhà mới? số tiền đóng để nhận lô đất tái định cư quá cao, người dân phải kí giấy nợ mới nhận được đất tái định cư? Các hộ dân cũng mong muốn được “đổi đất, lấy đất” như người dân ở huyện Thuận Thành, nơi cũng có dự án trên đi qua. Theo họ, đó là phương án hợp lòng dân và bảo đảm cuộc sống người dân sau này.