Cần công tâm, khách quan, không xử oan người vô tội
Pháp luật - Bạn đọc 22/03/2022 07:45
“Điệp viên” kém… chỉ điểm sai
Ngày 20/5/2020, tại xã Đăk Buk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông, vợ chồng bà Nguyễn Thị Tuyết, Công ty Vũ Hải, kinh doanh xăng dầu, phân bón đang nhận tiền trả nợ của ông Sầm Văn Núm, thì công an ập vào lập biên bản, gọi là “bắt quả tang cho vay lãi nặng”. Vật chứng là 300 triệu đồng, nhân chứng là ông Phùng Lê Hiếu, làm nghề kinh doanh bất động sản. Sau khi đồng ý mua thửa đất 1,7ha của ông Núm giá 2,2 tỉ đồng, mà sổ đỏ đang giao cho bà Tuyết giữ, ngày 18/5/2020, ông Hiếu cùng ông Núm đến gặp bà Tuyết để trao đổi. Ông Núm nợ Công ty Vũ Hải tiền đầu tư cà phê và phân bón hơn 10 năm rồi, số nợ là 633 triệu đồng và 110 triệu đồng vay để trả nợ người khác. Nhưng ông Hiếu tưởng chỉ có 110 triệu đồng, nên nhắc đi nhắc lại khoản này, rồi ghi âm báo công an.
Sáng 20/5/2020, ông Hiếu cầm 300 triệu đồng đến cho ông Núm mượn và cùng ông đi trả nợ, đồng thời báo công an đến đúng lúc. Nhưng ông Hiếu không biết, Công ty Vũ Hải còn nợ bao nhiêu, lãi suất thỏa thuận là bao nhiêu phần trăm và 300 triệu đồng này trả nợ khoản nào? Vì nhận định sai, nên chỉ điểm không chính xác. Căn cứ vào 110 triệu đồng vay từ ngày 7/1/2018 đến 18/5/2020 (28 tháng) và 300 triệu đồng tiền mặt nằm trên bàn, Cơ quan điều tra đã… hô lên là lãi suất 9,49%/tháng!? Bà Tuyết bị tạm giữ trong ngày, còn anh Võ Tư Thiệt, con trai bà, bị bắt tạm giam nửa tháng.
Bị can Võ Tư Thiệt bị bắt giam từ 20/2/2022 đến nay (Ảnh IT) |
Ông Hiếu nói với vợ và nhiều người (có ghi âm) 300 triệu đồng cho ông Núm mượn là của “sếp Thủy” (Phó Công an huyện). Ngày 20/5/2020, lúc 7 giờ 30, ông Núm đến Công an huyện Tuy Đức đưa đơn tố cáo mẹ con bà Tuyết, thì 9 giờ xảy ra vụ “bắt quả tang” này. Ngày 21/10/2021, tòa sơ thẩm đưa vụ án ra xét xử (nửa chừng rồi hoãn), bà Xin vợ ông Núm khai: “Sáng 20/5/2020, công an đến nhà, buộc ông Núm viết đơn tố cáo bà Tuyết, chứ ông Núm không tự ý viết”. Bà Duyền vợ ông Hiếu thì khai: “Số tiền 300 triệu đồng anh Hiếu đưa cho ông Núm, là tiền ông Thủy công an”. Phải chăng có sự bàn bạc để gài bẫy mẹ con bà Tuyết, mà Phó Công an huyện đã bỏ ra 300 triệu đồng? Ngày 9/3/2022, trao đổi với một nhà báo ở Hà Nội, anh Sầm Công Ích, con trai ông Núm, ở Cao Bằng xuống (ông Núm và vợ là dân tộc Tày quê Cao Bằng), nói là gia đình họ mang ơn mẹ con bà Tuyết. Họ nợ bà Tuyết từ năm 2009 đến nay là rất lớn, nhưng chưa bao giờ bị bà nói nặng nhẹ mà vẫn vui vẻ thân tình, nhằm giúp đỡ để yên tâm làm ăn.
Trong đơn đề ngày 28/2/2022 gửi các cơ quan bảo vệ pháp luật, ông Núm viết: “Tôi không tố cáo mẹ con bà Tuyết. Sáng 20/5, công an đến nhà buộc tôi viết đơn tố cáo bà Tuyết, cái anh công an người đen đen đã đánh tôi, buộc tôi phải viết theo ý họ…”. Ông Núm tỏ ra rất hối hận vì đã tố cáo mẹ con bà Tuyết. Ông nói: “Cuối cùng, tôi vẫn nợ bà Tuyết, nợ ân tình và nợ tiền. Hôm gặp bà ấy tại tòa, tôi vô cùng xấu hổ, vì đã làm điều ác nên sợ bị quả báo. Tôi muốn phần đời còn lại không bị mang tiếng ác, nên đã nói lên sự thật để gia đình bà Tuyết tìm lại công bằng. Tôi xin tòa phán xử công minh cho ân nhân của tôi là mẹ con bà Tuyết!”.
Ông Sầm Văn Núm và vợ là bà Triệu Thị Xin tố bị công an ép vu cho bà Tuyết cho vay nặng lãi (Ảnh IT) |
Pháp luật bị… khinh nhờn
Nếu phiên sơ thẩm hôm 21/10/2021 vẫn tiếp tục, mà thẩm phán nghiêm khắc, thì chắc chắn các bị cáo đã được tuyên vô tội. Sau khi thẩm vấn, thấy không có căn cứ buộc tội các bị cáo, nên phải chăng tòa dừng phiên xử để “cứu bồ”? Vì nếu các bị cáo vô tội, thì Viện KSND và Cơ quan điều tra tính sao, ít nhất cũng bị kỉ luật vì bắt người trái pháp luật, truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, mà khung hình phạt có thể lên đến 3 năm tù (Điều 368 và Điều 377 Bộ luật Hình sự). Phiên tòa dở dang này bộc lộ nhiều sai phạm của cơ quan tố tụng. Sau đó, các bị cáo thì gửi đơn tố cáo Cơ quan điều tra và Viện KSND nhiều lần ép mình phải đưa tiền, còn bị hại thì khẳng định với dư luận là do nhận thức kém, nên bị công an đánh và ép viết đơn tố cáo mẹ con bà Tuyết như đã nói ở trên.
Quyết định đình chỉ vụ án và quyết định hủy bỏ đình chỉ vụ án của Viện KSND huyện Tuy Đức |
Ngày 17/1/2022, Viện KSND huyện có công văn rút hồ sơ, TAND huyện đã đồng ý trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Cứ tưởng hai cơ quan tố tụng đã hết phép. Nào ngờ ngày 24/1/2022, Cơ quan điều tra lại ra lệnh bắt bị can tạm giam, để điều tra bổ sung và Viện KSND huyện đã phê chuẩn, trong khi luật pháp không cho phép làm điều này. Bị can Thiệt bị bắt cho đến nay đã 2 tháng. Đây là lần thứ hai, ngày 20/5/2020, Cơ quan điều tra đã bắt giam bị can Thiệt một lần rồi, trong khi đây là tội ít nghiêm trọng, không nguy hiểm cho xã hội, quy định tại Điều 9 Bộ luật Hình sự. Khoản 2, Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt trên 2 năm, khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:
a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn nhưng vi phạm
b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lí lịch của bị can
c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn
d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu bỏ trốn
đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, tiêu hủy, giả mạo chứng cứ… tẩu tán tài sản… trả thù nhân chứng v.v…
Trong khi bị can Võ Tư Thiệt không vi phạm một trong 5 điểm kể trên của Khoản 2, Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự, nhưng các cơ quan tố tụng ở đây, thích là bắt giam. Xem ra, họ không coi pháp luật ra gì. Được biết, ngày 25/3/2022, vụ án sẽ được xét xử lại.
Đề nghị Hội đồng xét xử sơ thẩm hãy xứng đáng là cán cân công lí, lấy lại niềm tin cho dư luận và và Nhân dân trong huyện Tuy Đức.
Sai từ khâu khảo sát địa chất, công trình thủy lợi phải 5 lần gia hạn |