Nhịp cầu bạn đọc

Pháp luật - Bạn đọc 14/05/2025 09:37
Theo thỏa thuận dân sự, ngày 24/9/2008, bà Đồng Thị Bé cho ông Nguyễn Tất Vân và bà Nguyễn Thị Lưu vay 3 tỉ đồng. Lí do vay: Thực hiện công việc cho ông Soudent Thavixay (ông Soudent) giải quyết công việc đòi lại cổ phần tại Công ty TNHH Đường Malt. Thời hạn vay: 1 tháng.
Theo nội dung giấy vay nợ ghi rõ “các người đứng ra vay: Nguyễn Tất Vân, Nguyễn Thị Lưu. Chúng tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về khoản vay trên. Người giao tiền Đồng Thị Bé. Người nhận tiền Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Tất Vân”.
Mặc dù cả ông Vân và bà Lưu đều vay và nhận số tiền nêu trên, tuy nhiên tại Bản án sơ thẩm số: 406/2024/HS-ST ngày 24/7/2024, TAND TP Hà Nội lại tuyên phạt ông Nguyễn Tất Vân 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
![]() |
Hai lần bà Nguyễn Thị Lưu làm Đơn bãi nại cho ông Vân chứng minh ông Vân không cầm 3 tỉ đồng, mà người cầm tiền là ông Luông (Bình). |
Trong đơn kêu oan gửi cơ quan chức năng, ông Nguyễn Tất Vân, ở khu phố 3, phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho rằng, Bản án hình sự sơ thẩm số: 406/20244/HS-ST ngày 24/7/2024, biến người bị hại (là ông) thành kẻ lừa đảo và buộc tội thành bị cáo. Trong khi bà Nguyễn Thị Lưu (người cùng ông Vân vay tiền bà Bé) lại vô can, thành người bị hại.
Theo ông Vân, giữa ông và bà Nguyễn Thị Lưu vay khoản tiền 3 tỉ đồng của bà Bé để giải quyết công việc đòi lại cổ phần tại Công ty TNHH Đường Malt cho ông Soudent (ông Vân và bà Lưu thời gian này đang cùng làm việc cho ông Soudent). Thời điểm đó, ông Vân đang là Phó Giám đốc Nhà máy Lắp ráp xe máy Lí Hồng King tỉnh Quảng Nam của ông Soudent và bà Lưu được ông Soudent ủy quyền để giải quyết đòi lại cổ phần tại Công ty Đường Malt. Theo thỏa thuận, bà Lưu được ông Soudent cho 30% số tiền đòi được.
“Tôi không vay tiền của bà Lưu, thực tế tôi và bà Lưu vay tiền của bà Bé. Số tiền này tôi đưa cho Trần Văn Luông (Bình) để nhờ cậy người nhà của một quan chức đương nhiệm can thiệp để đòi lại cổ phần cho ông Soudent tại Công ty Đường malt. Do đó, cơ quan tố tụng không thể quy kết, buộc tội tôi vay tiền của bà Lưu để truy tố tôi được”, ông Lưu bức xúc.
Tại phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo Vân xác nhận diễn biến vụ án cơ bản như nội dung cáo trạng mô tả. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng, bản thân không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với lí do: Mục đích bị cáo Vân giới thiệu Luông (Bình) cho bà Lưu nhằm giúp bà Lưu hoàn thành ủy quyền của ông Soudent, tin tưởng Luông có khả năng thực hiện công việc bà Lưu nhờ. Bị cáo cùng với bà Lưu vay 3 tỉ đồng của bà Đồng Thị Bé, chứ không vay hay nhận của bà Lưu. Luông là người trực tiếp nhận toàn bộ số tiền, bị cáo không hưởng lợi gì từ số tiền trên. Đối với số tiền 220 triệu đồng, bà Lưu chuyển khoản trực tiếp cho Luông. Bà Lưu và Luông trực tiếp thỏa thuận với nhau.
Cũng tại phiên toà sơ thẩm, đại diện theo uỷ quyền của bà Bé (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) khẳng định: Bà Bé cho ông Vân và bà Lưu vay 3 tỉ đồng như nội dung tại Giấy vay tiền, đồng thời bà Bé yêu cầu Vân và bà Lưu có trách nhiệm trả cho bà Bé gốc và lãi, mỗi người chịu một nửa.
Theo ông Vân, thực tế bà Lưu không bị thiệt hại, người bị thiệt hại là bà Bé. Bà Lưu đã nhận của tôi và gia đình 1,2 tỉ đồng nhưng không trả bà Bé. Bà Bé không đòi lại tiền nhưng bà Lưu đòi tiền và làm đơn tố giác tôi lừa đảo là không đúng bản chất của vấn đề.
Theo nhận định, đánh giá của chuyên gia Luật, vụ án có dấu hiệu oan sai.
Thứ nhất, là người làm đơn tố cáo ông Vân lừa đảo, nhưng trong năm 2013, chính bà Lưu đã 2 lần làm đơn bãi nại gửi Công an và Viện Kiểm sát, thể hiện rõ:
Trong đơn bãi nại (lần 1) năm 2013 (lúc này ông Vân đang bị bắt tạm giam), bà Lưu xác nhận như sau: Trước đây tôi có làm đơn tố cáo Nguyễn Tất Vân và Trần Văn Luông (Bình) chiếm đoạt của tôi số tiền là 2.3 tỉ đồng. Nay bà Lê Thị Vân Yên là mẹ của ông Vân đã thỏa thuận bảo lãnh số tiền trên. Nhận thấy ông Vân chỉ là người giới thiệu ông Luông (Bình) đến nhận tiền của tôi và có sự bảo lãnh của bà Yên nên tôi làm đơn này rút đơn tố cáo ông Vân và giữ nguyên tố cáo Bình.
Trong đơn bãi nại (lần 2) ngày 05/11/2013 (lúc này ông Vân đang bị bắt tạm giam), bà Lưu xác nhận như sau: “Ngay sau khi nhận tiền của tôi ông Nguyễn Tất Vân đã giao lại số tiền nêu trên cho ông Trần Văn Luông (Bình) có viết giấy biên nhận giữa Vân và Luông (Bình). Tuy nhiên, khi nhận tiền từ ông Vân, ông Luông (Bình) không lo việc theo thỏa thuận. Khi biết việc, ông Vân đã đến đòi lại tiền thì ông Luông (Bình) đã trả lại cho ông Vân số tiền là 700 triệu đồng. Ông Vân đã trả lại cho tôi số tiền 700 triệu đồng”.
Như vậy cả 2 lần làm đơn bãi nại cho ông Vân, bà Lưu đã công nhận ông Vân không phải là người cầm 3 tỉ đồng, và giữ nguyên tố cáo người cầm 3 tỉ đồng đó là Bình.
![]() |
Ông Nguyễn Tất Vân cho rằng: Bản án HSST số 406/2024/HS-ST ngày 24/7/2024 tuyên 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có dấu hiệu oan sai. |
Theo diễn biến của vụ việc, sau hơn 1 tháng giao kèo phải trả tiền cho bà Bé, ngày 3/10/2008 bị cáo Vân gửi văn bản đòi tiền ông Luông. Và đến ngày 13/10/2008, bà Lưu gửi văn bản cho ông Luông tuyên bố chấm dứt không hợp tác với ông 5 Gòn (ông 5 Gòn là người làm việc cho ông Luông). Qua văn bản này chứng minh bà Lưu là người làm việc trực tiếp với ông Luông (là người cầm 3 tỉ đồng), bị cáo Vân chỉ là người hỗ trợ bà Lưu khi bà Lưu cần. Vân và Lưu cùng làm văn bản đòi tiền Luông, chứng tỏ Vân và Lưu cùng một phe mà Vân không phải là người nhận làm dịch vụ cho bà Lưu.
Đồng thời, trong bản án còn để sót số tiền 800 triệu của ông Luông đã đưa cho ông 5 Gòn giải quyết công việc. Đến nay ông 5 Gòn không hề được nhắc tới, và số tiền trên cũng không hề được nhắc đến.
Số tiền này thể hiện qua đoạn nói chuyện được ông Vân ghi âm lại cuộc nói chuyện giữa ông Vân và ông 5 Gòn. Và trong nội dung cuộc nói chuyện giữa ông Vân và bà Lưu thì bà Lưu cũng nói đến số tiền này ông 5 Gòn đã nhận từ ông Luông.
Cơ quan tố tụng cần làm rõ chi tiết quan trọng để khẳng định ai mới là người lừa đảo, ai mới là người bị hại trong vụ án này. Bởi giữa bị cáo Vân và bà Lưu không hề có văn bản nào nói rằng Vân vay tiền của bà Lưu nên bà Lưu kiện đòi tiền Vân là không phù hợp với quy định pháp luật.
Ngược lại ông Vân và gia đình đã đưa cho bà Lưu 1,2 tỉ đồng để bà Lưu trả cho bà Bé. Tuy nhiên số tiền này liệu bà Lưu đã trả lại cho bà Bé hay chưa? Nếu bà Lưu chưa trả số tiền 1,2 tỉ đồng cho bà Bé liệu có đủ căn cứ để buộc tội bà Lưu mới là người lừa đảo, chứ không thể là người bị hại?
Ông Vân đòi lại được cổ phần cho ông Soudent
Cũng theo ông Nguyễn Tất Vân, sau một thời gian ông Soudent ủy quyền nhưng bà Lưu không đòi được cổ phần tại Công ty Đường Malt. Ngày 11/12/2008, ông Soudent bay về nước ủy quyền cho ông Vân vào nhà máy Đường Malt kiểm tra tình hình hoạt động để đòi lại cổ phần đã góp trước đó.
Sau khi được ủy quyền và tích cực đòi lại quyền lợi, cuối cùng ông Vân đã đòi lại được cho ông Soudent nhận lại giá trị cổ phần tại Công ty Đường Malt với số tiền 22.500.000.000 đồng.
“Bản thân không cầm 1 đồng nào trong số tiền 3 tỉ mà tôi và bà Lưu cùng đi vay bà Bé để giải quyết công việc đòi cổ phần cho ông Soudent theo đề nghị của bà Lưu. Số tiền 3 tỉ bà Lưu đề nghị tôi đã đưa hết cho ông Luông, để bà Lưu và ông Luông ở ngoài Hà Nội lo việc đòi cổ phần cho ông Soudent. Thời gian này tôi chưa có ủy quyền của ông Soudent nên ở trong Sài Gòn mà không tham gia bàn bạc, cũng như không tham gia giải quyết công việc ở ngoài Hà Nội”, ông Vân khẳng định.