Không chứng minh được hành vi phạm tội, vẫn tuyên bị cáo có tội
Pháp luật - Bạn đọc 24/06/2022 10:12
Do đó, ông Núm cùng ông Hiếu đến nhà bị cáo Thiệt và bị cáo Tuyết chốt nợ, tạm tính là tiền phân bón và cà phê là 579.980.000 đồng, ông Hiếu đứng ra viết giấy nhận nợ thay cho ông Núm. Tại phiên tòa, đại diện Viện KSND huyện Tuy Đức đưa ra một con tính: Số tiền gốc ông Núm vay nợ để chuộc sổ đỏ là 110 triệu đồng, lãi tính từ ngày 7/1/2018 đến ngày 18/5/2020 là 330 triệu đồng, tổng cộng cả gốc, cả lãi là 440 triệu đồng. Do đó, tính toán thành 862 ngày, lãi suất năm là (300 triệu đồng x 365 ngày)/(110 triệu đồng x 862 ngày) = 115,48%/năm. Lãi suất ngày bằng 115,48/365 ngày = 0,3163%/ngày; lãi suất tháng 0,3163 x 30 = 9,49%/tháng. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, lãi suất cao nhất là 20%/năm, tính ra (110 triệu đồng x 20%/năm) x 862 = 51.956.164 đồng. Lấy 300 triệu đồng - 51.956.164 đồng = 248.043.836 đồng. Kết luận bị cáo Thiệt và bị cáo Tuyết thu lợi bất chính số tiền 248.043.836 đồng.
Quang cảnh phiên tòa sơ thẩm tại TAND huyện Tuy Đức |
Nghĩ thật là kì tài, cơ quan tố tụng của huyện Tuy Đức chỉ ngồi đưa ra những con tính, mà không chứng minh hành vi, không chứng minh các bị cáo có thỏa thuận nào về lãi suất khi cho vay tiền. Tại tòa, bị cáo Thiệt và bị cáo Tuyết phủ nhận các lời khai trước đó liên tục kêu oan và cho rằng, số tiền 300 triệu đồng bao gồm tiền gốc 110 triệu đồng, một phần là tiền nợ cà phê, phân bón chưa được tính vào số nợ 579.980.000 đồng mà ông Phùng Lê Hiếu nhận nợ thay cho ông Núm, do bị cáo Tuyết tính sai giá cà phê. Các bị cáo đều cho rằng, thời điểm bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tinh thần các bị cáo hoảng loạn, hoang mang, lo sợ nên khai theo sự mớm cung, ép cung của điều tra viên. Thế nhưng, HĐXX cho rằng, do bị cáo Thiệt đang bị tạm giữ, tạm giam nên không có căn cứ chứng minh bị ép cung, mớm cung. Còn bị cáo Tuyết không đưa ra được chứng cứ chứng minh việc bị mớm cung, ép cung.
HĐXX nói như vậy là nói lấy được. Thực tế những hành vi mớm cung, ép cung rất khó, thậm chí không thể chứng minh được, mà cần phải có đối chất mới ra được sự thật. Thế nhưng, khi nghe các bị cáo khai như vậy, HĐXX đã không tổ chức đối chất tại tòa, mà chỉ suy luận như vậy, rõ ràng thiếu khách quan. Thực tế ông Núm nợ nhiều khoản tiền gồm phân bón, cà phê và tiền chuộc sổ đỏ, thì không thể kết luận 300 triệu đồng là tiền lãi của 110 triệu đồng được. Trong vụ án này, việc các cơ quan tố tụng phải làm là chứng minh hành vi của các bị cáo xem có thỏa thuận về lãi suất “nặng lãi” hay không, chứ không phải chỉ dựa vào lời khai để kết luận. Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội…”.
Cũng tại Bộ luật Tố tụng hình sự, Khoản 2, Điều 98 quy định: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”. Thế nhưng, trong vụ án này, HĐXX dựa vào các chứng cứ: Biên bản bắt người phạm tội quả tang; Đơn xin bảo lãnh bị can Võ Tư Thiệt; Các bản tự khai, các biên bản hỏi cung và việc các bị cáo không có ý kiến khi nhận tống đạt lệnh tạm giam, quyết định phê chuẩn lệnh tạm giam, không có ý kiến gì khi nhận bản kết luận điều tra, để đi đến kết luận các bị cáo phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Trong khi đó, trong hồ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh số tiền 300 triệu đồng là tiền lãi, ngoài lời nói của ông Phùng Lê Hiếu tại File ghi âm. Các lời khai của ông Hiếu, ông Núm, bị cáo Tuyết, bị cáo Thiệt; lời khai nhận tội ban đầu của bị cáo Tuyết, bị cáo Thiệt không thể làm chứng cứ để kết tội các bị cáo.
Thực tế qua diễn biến phiên tòa cho thấy, ông Hiếu có dấu hiệu giăng bẫy bị cáo Tuyết và bị cáo Thiệt. Bằng chứng, trong ngày 20/5/2020, ông Hiếu chuẩn bị 300 triệu đồng để mang trả nợ cho bà Tuyết, anh Thiệt, nhưng cùng ngày ông Núm lại có mặt tại Cơ quan CSĐT, Công an huyện Tuy Đức để viết đơn tố giác bà Tuyết, anh Thiệt cho vay nặng lãi, số tiền gốc là 110 triệu đồng. Sau đó, lực lượng chức năng đã tập hợp đông đủ tại nhà bà Tuyết, nói bắt quả tang cho vay lãi nặng. Điều này thật nực cười, vì hành vi cho vay lãi nặng không thể “bắt quả tang”, mà phải qua quá trình chứng minh có hay không hành vi cho vay nặng lãi. Một bằng chứng nữa thể hiện dấu hiệu giăng bẫy của ông Hiếu, đó là toàn bộ diễn biến sự việc được ông Hiếu ghi âm, trong đó có nội dung ông Hiếu tự nói ra mức lãi suất tiền vay.
Sau đó, ngày 28/2/2022, ông Núm có đơn trình bày nói việc ông làm đơn tố cáo ngày 20/5/2020 là không tự nguyện, mà bị ép buộc. Ông khẳng định, không có việc bị cáo Thiệt, bị cáo Tuyết cho vay nặng lãi. Thế nhưng, đơn này của ông Núm không được HĐXX chấp nhận, cho rằng không có căn cứ chứng minh và mâu thuẫn với nội dung đơn tố cáo. Ô hay! Đúng là có mâu thuẫn, vì đơn tố cáo nói các bị cáo cho vay nặng lãi, đơn trình bày khẳng định không có việc cho vay nặng lãi. Việc của HĐXX là phải làm rõ trong sự mâu thuẫn này cái nào là sự thật, chứ không phải sổ toẹt đi như vậy.
Bằng những dẫn chứng như vậy, HĐXX tuyên các bị cáo phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, phạt mỗi bị cáo 9 tháng tù giam, phạt bổ sung mỗi bị cáo 80 triệu đồng. Đương nhiên các bị cáo kháng cáo lên cấp phúc thẩm, cho rằng bản án sơ thẩm xét xử thiếu khách quan, toàn diện, ra phán quyết gây oan sai đối với các bị cáo. Hi vọng cấp phúc thẩm xem xét lại vụ án này, ra phán quyết đúng thực tế, đúng pháp luật, tránh gây oan sai cho người không có tội.