Nhà có con gái
Truyện ngắn 29/06/2024 11:02
Từ ngày lên chức Trưởng phòng, tiền lương anh đưa nhiều hơn, chi tiêu dễ thở hơn, nhưng bù lại, anh đi sớm về muộn thất thường, quần áo, đầu tóc lúc nào cũng phẳng phiu, là lượt.
Hằng dắt xe ra cổng trong tâm trạng nặng nề. Hôm nay kỉ niệm 20 năm ngày cưới của anh chị. Đêm qua, chị đã đợi anh hỏi sẽ tổ chức kỉ niệm ngày trọng đại này như thế nào. Nhưng anh mệt, lên giường chỉ kịp nói dăm ba câu rồi lăn ra ngủ. Nhìn vẻ mặt bình thản và nghe tiếng gáy đều đều của anh, Hằng thấy buồn. Nỗi buồn cứ len lỏi trong lòng chị, nhoi nhói nơi trái tim khiến chị rơm rớm nước mắt. Cả đêm chị trằn trọc, thức thông đến gần sáng mới mệt mỏi thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn.
Anh chị có hai con, đủ nếp, đủ tẻ. Con gái học đại học ở xa, con trai vừa vào lớp 7. Ngày con gái còn ở nhà, có chuyện gì chị cũng tâm sự với con. Hai mẹ con thân nhau như hai người bạn. Càng lớn, con gái càng giống chị. Nó xinh xắn, tình cảm và dịu dàng. Các cụ nói không sai: “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Lên 5 tuổi, nó đã biết vo gạo, nấu cơm, đỡ đần mẹ một số việc nhà. Khi con vào lớp một, anh chị quyết định sinh thêm bé nữa. Biết mình sắp có em, nó vui lắm. Chị đi khám thai về, nó cầm phiếu siêu âm có hình thai nhi bé xíu chạy khắp nơi khoe với bạn bè cùng xóm. Nhìn khuôn mặt hớn hở của con gái, lòng chị vô cùng ấm áp.
Minh họa Lão Trần |
Ngày chị sinh con trai, một người bạn đến thăm vô ý trêu: “Bố mẹ cháu có thêm em bé, thế nào cũng cho cháu ra rìa”. Chị thấy nó hơi khựng lại, vẻ mặt buồn so. Tối ấy, cơm nước xong, chị ôm con gái vào lòng, định bụng sẽ động viên, an ủi con. Ai ngờ nó lại chủ động thủ thỉ trước với chị:
- Bố mẹ không cho con ra rìa đâu. Bố mẹ yêu hai chị em như nhau. Con cũng yêu em lắm, con sẽ nhường bố mẹ cho em nhiều hơn, con không buồn đâu ạ.
Chị cứ ngây người ra, cảm động đến ngỡ ngàng. Chả biết ai dạy mà nó ngoan và hiểu chuyện thế. Nhìn hai mắt con bé trong veo, ầng ậng nước, chị thương đứt ruột. Hẳn cả ngày nay, nó đã lo lắng và đấu tranh tư tưởng ghê lắm. Ôm con bé vào lòng, chị cố ngăn để không rơi nước mắt:
- Con của mẹ ngoan quá! Mẹ yêu hai chị em như nhau. Mẹ nhờ con gái giúp mẹ chăm em với nhé! Không có con gái, mẹ sẽ bận bịu và vất vả lắm.
Chuyện tưởng chỉ mới hôm qua, vậy mà nhoắng cái đã mười mấy năm. Đứa con gái bé bỏng, dễ thương ngày nào đã trở thành sinh viên đại học. Vài tháng nó mới về thăm nhà một lần, nhưng rất chăm chỉ nhắn tin, điện thoại cho mẹ. Cả tuần nay, nó phải tập trung ôn thi nên mấy ngày rồi hai mẹ con chưa liên lạc, tự nhiên chị nhớ con cồn cào.
2. Thấy Hằng đến công ty sớm hơn thường lệ. Bác bảo vệ ra mở cổng cho chị, vui vẻ hỏi:
- Cô Hằng hôm nay không phải nấu cơm phục vụ chồng con à?
- Dạ, hôm nay con trai em đi trải nghiệm với lớp, chồng thì tiếp khách từ Hà Nội xuống, chưa tới 6 giờ đã ra khỏi nhà rồi. Em dọn dẹp xong, ở nhà một mình cũng buồn anh ạ.
Hằng vừa trả lời vừa mủm mỉm cười. Hóa ra những câu chuyện không đầu không cuối mà thỉnh thoảng rỗi thời gian, Hằng kể cho bác bảo vệ nghe, bác đều nhớ hết. Tính Hằng cẩn thận nên chị không bao giờ mua những đồ ăn bán sẵn bên ngoài. Khuất mắt trông coi, chứ nếu tận mắt nhìn cách sơ chế và nấu nướng của họ, bảo đảm khách hàng sợ đến sởn gai ốc. Ba bữa cơm hằng ngày của gia đình, dù bận đến mấy, Hằng đều tự tay chuẩn bị. Sáng nào chị cũng dậy thật sớm nấu nướng cho chồng con. Hồi chưa lên chức Trưởng phòng, hôm nào đột xuất phải ăn ngoài, chồng chị lại than phiền không hợp khẩu vị, không ngon bằng cơm vợ nấu. Nhưng giờ mọi việc thay đổi, chuyện anh bỏ cơm nhà ăn cơm khách đã thành thói quen mà dù không muốn, chị cũng buộc lòng chấp nhận.
Hằng lên phòng, mở máy tính. Chị thường lướt mạng xã hội khoảng 30 phút trước giờ làm việc. Ở nhà, chị ít động đến điện thoại, chỉ nghe gọi khi thật cần thiết. Chị muốn dành nhiều nhất thời gian chăm sóc gia đình. Nhưng chồng chị thì khác. Anh thường xuyên ôm điện thoại và laptop, kể cả trong bữa ăn. Con trai chị cũng thế, cứ học bài xong là xin phép bố mẹ cho chơi game, vào facebook. Chị đã nghe nhiều về những hậu quả tai hại của chứng nghiện smartphone, nhưng không ngờ nó lại tác động trực tiếp đến gia đình chị. Nhìn chồng con mỗi người ôm một cái điện thoại, không ai trò chuyện, giao tiếp với ai, lòng chị buồn vô hạn. Chị đã nhiều lần góp ý với anh, nhưng anh toàn viện lí do công việc. Anh thay đổi được vài ba hôm rồi lại đâu vào đấy.
Hằng định bật một bản nhạc nhẹ để giải tỏa tâm tư, xoa dịu tinh thần, nhưng vừa mở youtube thì đập vào mắt là clip đánh ghen của một cô vợ trẻ, chị cảm thấy rùng mình. Nếu là chị, chị sẽ không hành động giống cô vợ kia, vừa chửi bới ầm ĩ, vừa quay cảnh chồng và nhân tình lõa lồ tung lên mạng xã hội cho thiên hạ bàn tán. Xấu chàng hổ ai, đành rằng đàn ông phản bội không đáng được yêu thương, tôn trọng; nhưng phụ nữ cũng cần phải ghen sao cho chừng mực, văn hóa. Hằng chợt giật mình khi nghĩ đến chồng. Từ ngày lên chức, anh đột nhiên thay đổi phong cách ăn mặc, quan tâm đến ngoại hình nhiều hơn. Nếu trước đây phải cằn nhằn mãi anh mới cạo râu, cắt tóc; thì giờ anh rất chịu khó soi gương chải chuốt, ra khỏi nhà là nước hoa thơm phức, quần áo, giày dép bóng lộn. Chả lẽ anh có bồ? Hằng lo lắm, lòng chị rối bời như có ai xát muối. Chị mở hồ sơ công vụ ra đọc mà đầu óc suy nghĩ miên man.
Buổi trưa, Hằng ở lại cơ quan. Giờ về nhà cũng chẳng có ai. Chị mở hộp cơm đã chuẩn bị sẵn, uể oải nhai trệu trạo. Điện thoại đổ chuông, đầu dây bên kia, giọng con gái ngọt ngào:
- Mẹ ăn cơm chưa? Con bận ôn thi nên mấy hôm nay không gọi điện về cho mẹ. Mẹ đừng giận con nhé!
Lòng Hằng dịu lại. Chị nén nỗi buồn, vui vẻ động viên con:
- Lúc nào rảnh thì hãy gọi cho mẹ. Tập trung ôn thi nhưng nhớ phải ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lí, con gái nhé. Mẹ nhớ con gái quá!
- Vâng ạ. Mẹ đừng lo cho con. Con cũng nhớ mẹ lắm! Cuối tuần thi xong con về, mẹ nhé!
Con gái chào tạm biệt mẹ rồi cúp máy. Nghe tiếng tút dài trong điện thoại, Hằng thờ thẫn. Con gái quên kỉ niệm ngày cưới của bố mẹ thật rồi. Lòng chị nặng buồn...
3. Xong việc, Hằng xin phép sếp cho về sớm. Chị thấy mệt. Giờ này chắc con trai chưa về, chồng thì hẳn đang cùng bạn bè hò dô trên bàn nhậu. Chị mở khóa cửa. điện trong nhà sáng trưng, mùi hành phi thơm ngào ngạt, Hằng ngạc nhiên sững sờ. Ôi con gái! Nó đang hì hụi chế biến món thịt bò xào nấm mà chị thích ăn nhất. Chị chạy lại ôm ngang lưng con:
- Sao trưa nay con bảo cuối tuần mới về? Thi xong rồi hả con?
Con gái nhoẻn miệng cười:
- Con phải nói thế để gây bất ngờ cho mẹ chứ. Sao con có thể vắng mặt trong ngày kỉ niệm của bố mẹ được. Còn nhiều bí mật chưa được bật mí nữa cơ. Mẹ cứ chờ nhé. Hôm nay cho phép con hân hạnh đạo diễn và tài trợ toàn bộ chương trình ăn uống, kỉ niệm này…
Nhìn điệu bộ nhí nhảnh của con, Hằng bỗng thấy buồn:
- Dạo này bố con đi suốt, không mấy khi ăn cơm ở nhà. Kỉ niệm 20 năm ngày cưới mà bố con chẳng nhớ ra…
Con gái nhẹ nhàng nắm lấy tay chị:
- Bố được đề bạt lên chức vụ cao hơn thì chắc chắn phải bận rộn hơn rồi. Mẹ thông cảm cho bố nhé. Hay là mẹ sợ bố có cô nào bên ngoài? Mẹ yên tâm, bố chẳng tìm được cô nào đẹp và yêu bố hơn mẹ đâu. Mẹ của con là số một mà!
Hằng bật cười. Chị nhẹ nhàng vuốt tóc con:
- Mẹ không giấu con, mẹ cũng có chút lo lắng, nhưng mẹ tin bố không làm gì có lỗi với mẹ… Giờ mẹ con mình dọn cơm ra bàn, đợi em về rồi ăn. Hôm nay bố tiếp khách cả ngày, chắc tối muộn mới về con ạ.
Đúng lúc ấy, Hằng nghe thấy tiếng xe quen thuộc của chồng. Con gái vội chạy ra mở cửa cho bố. Khi ba bố con cùng bước vào nhà, Hằng tròn mắt vì ngạc nhiên. Chồng chị ôm một bó hoa thật to. Chị đờ ra, chưa kịp phản ứng gì thì con trai đã lanh chanh đẩy bố lại gần mẹ:
- Bố tặng hoa mẹ đi! Bố nói là: Anh chúc mừng em yêu nhân kỉ niệm 20 năm ngày cưới của vợ chồng mình!
Hằng bật cười. Chồng chị quay lại cốc vào đầu con:
- Tôi không cần anh dạy tôi. Tôi sợ “ông cụ non” của tôi thật rồi!
Nhận bó hoa từ tay chồng, Hằng cảm động rơm rớm nước mắt. Hai con cũng tặng bố mẹ những món quà xinh xắn. Bữa cơm gia đình vui vẻ, ngập tràn hạnh phúc.
4. Buổi tối, khi đã cuộn mình trong vòng tay rắn chắc của chồng, Hằng khe khẽ hỏi:
- Anh vẫn nhớ hôm nay kỉ niệm 20 năm ngày cưới à? Vậy mà em tưởng anh quên.
- Anh phải thú nhận với vợ là anh không nhớ đâu. Cơ quan nhiều việc quá, anh quên thật đấy. Nhưng tối qua, con gái nhắn tin nhắc anh. Nó còn dặn anh sáng ra cứ bảo đi tiếp khách cả ngày để gây bất ngờ cho mẹ. Đây em đọc xem.
Hằng đón điện thoại từ tay chồng, mở tin nhắn của con ra đọc. Con gái dặn bố mua hoa tặng mẹ, dặn bố phải thường xuyên về nhà ăn cơm, đừng làm mẹ buồn. Nó còn mách cả việc dạo này mẹ thấy bố đỏm dáng nên nghi ngờ bố có bồ nhí ở bên ngoài nữa.
Hằng xị mặt ra, phụng phịu:
- Thì anh đi làm cứ quần là áo lượt, giày dép bóng lộn, vợ nào chẳng nghi ngờ…
Giọng chồng Hằng trầm xuống, chưa bao giờ Hằng thấy chồng nghiêm túc như thế:
- Công việc của anh phải tiếp khách sang trọng, mình ăn mặc xuề xòa sao được. Ăn mặc, đầu tóc chỉn chu cũng là cách tôn trọng khách hàng, tôn trọng người cộng tác với mình, em ạ. Chưa bao giờ anh có ý nghĩ phản bội vợ, phá vỡ gia đình đang êm ấm của mình. Gia đình là bến đỗ bình yên nhất, đi đâu rồi cũng phải trở về. Anh cảm động lắm khi con gái nói: “Sau này, nhất định con sẽ chọn một người chồng mạnh mẽ, chung thủy và yêu thương vợ con như bố!”. Sao anh dám làm điều gì có lỗi với con, với vợ anh và gia đình mình được…
Hằng vòng tay ôm chồng, nước mắt trào ra. Thấy Hằng khóc, chồng Hằng vui vẻ trêu:
- Ơ, hôm nay có người nhận hoa và quà của chồng, của hai con mà chẳng có hoa, có quà tặng lại cho chồng con gì cả. Kỉ niệm ngày cưới là kỉ niệm chung mà, sao lại đối xử bất công với nhau thế.
Hằng xấu hổ dụi đầu vào vai chồng. Chị cứ chắc mẩm chồng và các con đã quên nên không có ý định tổ chức hay bày vẽ gì cho ngày kỉ niệm này. May mà nhà có con gái. Hằng lặng lẽ ngắm chồng, ngắm ông bố vợ tương lai đang chìm vào giấc ngủ. Ngoài trời, mưa bắt đầu nặng hạt, những hạt mưa giông đầu mùa đập vào mái tôn lốp bốp, không khí trong nhà mát mẻ và dễ chịu hơn…