Ca mổ đêm Giao thừa

Chiều 30 Tết, trời se lạnh và mưa bụi. Không khí Tết đã rạo rực lắm. Người xe tấp nập, hối hả ngược xuôi, ai cũng có vẻ vội vàng. Xe máy, xe đạp, xe ôtô các cỡ vào thành phố hầu như xe nào cũng kồng kềnh những cành đào.
Cành thì nở hoa toé loe, những cánh hoa phớt hồng lấm tấm nước mưa. Càng về chiều mưa càng nặng hạt và rét đậm, nhưng đường phố vẫn không vắng người mà có vẻ như còn hối hả và bận rộn hơn. Ai cũng muốn mau chóng về nhà làm những công việc cuối cùng để đón Tết.

Bác sĩ Ngần đứng lặng lẽ trên ban công tầng ba lơ đãng nhìn dòng người hối hả ngược xuôi dưới lòng đường. Theo lịch phân công thì Tết này Ngần không phải trực. Bác sĩ Ngần đang chờ bác sĩ Vi để giao ca thì từ ngoài cổng bệnh viện một chiếc taxi màu vàng bấm còi gấp gáp, vẻ khẩn trương, Ngần nghĩ, chắc lại một ca bệnh nặng. Bấm còi kiểu này chắc là hệ trọng chứ chẳng xoàng đâu.

Chừng nửa tiếng sau từ bên đa khoa, người ta cáng sang khoa Tai-Mũi-Họng của Ngần một bệnh nhân cao tuổi, người gầy nhẳng, nằm lọt thỏm trong chiếc cáng vải bạt, trên người đắp một chiếc chăn chiên màu vàng cũ kĩ, trùm kín đầu. Bệnh nhân đang trong trạng thái mê sảng. Theo bản năng nghề nghiệp, bác sĩ Ngần bước đến mở cửa phòng cấp cứu. Cũng vừa lúc bác sĩ, Phó khoa Đậu Văn Ngũ, người trực ca chiều và đêm 30 Tết xuất hiện trong chiếc áo blu trắng, chiếc mũ trắng còn hằn nếp gấp, phảng phất mùi nước hoa. Ngũ là dân Hà Nội, quen ăn mặc cầu kì, hơi đỏm dáng. Thời bây giờ kinh tế, đời sống tươm tất, người ta ít xét nét nhau về đường ăn, nét ở chứ thời bao cấp, kiểu sinh hoạt cầu kì đã làm khổ Ngũ. Là một bác sĩ giỏi, gia đình cơ bản, nhưng phải đến thời đổi mới, Ngũ mới được kết nạp Đảng và được đề bạt Phó khoa. Trong khi học trò của Ngũ có người hiện giờ là Viện trưởng một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Ngay ở tỉnh này có người là học trò của anh, giờ cũng đang giữ vị trí quan trọng của Sở Y tế. Cũng có lúc Ngũ buồn và chán nản. Nhưng khi đã đứng trước một ca bệnh, nhất là những ca hiểm nghèo, Ngũ lại năng động và xử trí thông minh. Chỉ có điều Ngũ hơi mặc cảm, không dám quyết đoán. Tâm lí của Ngũ chỉ có Ngần biết. Mỗi ca bệnh nếu có Ngũ và có cả Ngần thì khoa yên tâm. Họ bổ sung cho nhau thật hợp lí.

Ca mổ đêm Giao thừa

Bệnh nhân không có người nhà đi cùng, người đưa bệnh nhân đến cấp cứu là nhân viên của khách sạn Thanh Bình. Nhân viên này cho biết, bệnh nhân có tên là Bùi Duy Đức, quê ở Ninh Bình, hiện cư trú ở tỉnh Tây Ninh, đến nghỉ tại khách sạn từ chiều hôm qua, ông đi tìm một người con gái ở thành phố này để trao lại hồ sơ mộ chí của gia đình của cô ta hiện đang yên nghỉ ở nghĩa trang TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Bố mẹ và một số người thân của cô gái di cư vào Nam năm 1954.

Ông Đức, thời đánh Mỹ được bố mẹ cô giúp đỡ, che chở khi ông cùng đồng đội vào trinh sát quân trường Thủ Đức. Tổ trinh sát của ông bị lộ, ông bị thương nặng không thoát được ra ngoài. Nhờ bóng đêm và quen đường, ông trở lại gia đình, hai ông bà có con trai là sĩ quan trong quân trường Thủ Đức, nên quân giặc không ngờ tới. Ông Đức sống an toàn trong sự cưu mang, đùm bọc của gia đình cho đến ngày vết thương lành, ông được ông bà móc nối trở về chiến khu an toàn. Hoà bình, ông Đức lấy vợ ở Tây Ninh, rồi ở hẳn Tây Ninh. Ông vẫn giữ mối quan hệ với gia đình ông bà. Khi ông bà mất, rồi ba người con của ông bà cũng mất do bạo bệnh, ông đều từ Tây Ninh xuống lo ma chay, chôn cất. Gia đình ông bà không còn ai, hằng năm, ông Đức vẫn từ Tây Ninh xuống Thủ Đức chăm sóc phần mộ cho ông bà và ba người con.

Hai năm nay ông Đức đổ bệnh, việc chăm sóc phần mộ cho ân nhân của mình không còn được chu tất, ông buồn lắm. Năm nay ông cố hết sức đáp xe đò về Thủ Đức thuê người xây mộ, ốp gạch men, xây tường bao cho 5 ngôi mộ, vẽ sơ đồ mộ chí đàng hoàng rồi quyết định đáp tàu về Quảng Ninh. Phần để trao lại sơ đồ mộ chí cho người con gái, người con duy nhất còn sống của ông bà; phần ông cũng có một kỉ niệm, hay nói đúng hơn là một mối tình với một cô gái mỏ, ngày ông mới ra trường về nhận công tác ở đó. Ông biết, sức ông không thể để muộn hơn.

Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, cả bác sĩ Ngần và bác sĩ Ngũ đều hiểu đây là một ca bệnh trọng. Lập tức điện thoại của khoa được réo liên tục. Chỉ nửa tiếng sau các bác sĩ, y tá, hộ lí đều có mặt đông đủ. Cuộc hội chẩn khẩn trương được tiến hành. Vẻ sốt ruột lộ rõ trên khuôn mặt vuông vức của Trưởng khoa Lê Vinh. Đôi lông mày rậm nhíu lại, tựa như hai con sâu róm chụm đầu vào nhau, nằm im trên vầng trán rộng của ông. Cuộc hội chẩn tạm dừng vào lúc 19 giờ 30 Tết. Trước khi giải tán, bác sĩ Vinh hỏi:

- Còn ai có ý kiến gì về trường hợp bệnh nhân Đức nữa không? Bác sĩ Ngũ, ý kiến của anh thế nào?

Bác sĩ Ngũ dè dặt trả lời:

- Bệnh nhân bất tỉnh, chẩn đoán lâm sàng không rõ, huyết áp hạ thấp dưới mức bình thường. Bệnh nhân có nhóm máu thuộc loại hiếm. Bệnh nhân không có thân nhân ở đây, e...

Bác sĩ Vinh sốt ruột, hỏi hơi gắt:

- Tôi muốn biết là nhóm trực đêm nay có đủ bình tĩnh để mổ ca này không? Tôi cũng biết hôm nay là 30 Tết. Nhưng là thầy thuốc, chúng ta không có khái niệm Tết nhất, nghỉ ngơi, khi người bệnh cần đến chúng ta.

Bác sĩ Ngũ bật dậy:

- Ai mổ thì mổ, tôi không dám chịu trách nhiệm về ca bệnh này. Ý kiến của tôi là trợ sức, trợ tim, thở ô xy, điện cho người nhà bệnh nhân ra gấp, may ra họ còn gặp được nhau.

Bác sĩ Vinh, vẻ mặt đăm chiêu, đôi lông mày sâu róm càng nhíu liền vào nhau, ánh mắt cận sau lần kính năm đi ốp sáng lên, nói:

- Phương án của bác sĩ Ngũ tôi xin ghi nhận. Song, còn nước còn tát, tôi đề nghị kíp mổ, gồm bác sĩ Ngũ mổ chính, bác sĩ phụ mổ gồm tôi, bác sĩ Ngần; gây mê hồi sức bác sĩ Vi, y tá Lan, hộ lí Hinh...

Cuộc hội chẩn giải tán. Tối ba mưới Tết thật rạo rực. Ngoài đường đã vắng người đi lại. Giờ này trong mọi ngôi nhà, bữa cơm tất niên ấm cúng đang tưng bừng. Ngần sực nhớ, hôm nay không phải là ca trực của chị, nên chị không chuẩn bị gì cho bữa cúng gia tiên trong buổi tất niên này. Định sau khi bàn giao ca trực Tết cho bác sĩ Vi xong, chị đảo qua siêu thị, nhoáng một cái là có tất cả mọi thứ cần thiết. Nhưng bây giờ thì không kịp nữa, Ngần phải gọi điện về nhà cho chồng con, có gì cúng gia tiên nấy. Chắc các cụ chẳng nỡ trách con cháu bận việc cứu người.

Chờ cho mọi người lục tục ra khỏi phòng hội chẩn, Ngần uể oải đứng dậy sau cùng, cô theo chân bác sĩ Vinh về phòng trưởng khoa.

Ngay từ khi lật chiếc chăn vàng cũ kĩ khỏi đầu bệnh nhân, Ngần đã suýt bật lên tiếng kêu. Bệnh nhân là một người chị vừa mang ơn, vừa oán giận. Tên thật của ông là Hà Văn Tấn, quê ở Hà Giang, Tấn học khoa thư viện, Trường đại học Văn hoá. Sau khi tốt nghiệp, do có ông chú làm việc ở vùng mỏ nên Tấn xin về đây công tác.

Ngày ấy, Ngần là công nhân học nghề ở một nhà máy cơ khí lớn của ngành than, nhà máy có tới hàng nghìn công nhân. Công nhân cơ khí, ngành then chốt của công nghiệp hoá, vinh dự và tự hào lắm. Ngần rất hãnh diện trong bộ quần áo thợ màu xanh đá. Sau ca làm việc, cô lại giặt, là chải chuốt, đi chợ, đi chơi cô cũng đánh bộ quần áo thợ. Và cũng không hề ngại ngùng diện bộ quần áo thợ còn lấm lem dầu mỡ vào cả thư viện tỉnh mượn sách. Ngày ấy sách truyện, nhất là truyện hay hiếm lắm, không có bán thoải mải như bây giờ, chỉ thư viện mới có. Một buổi chiều cuối mùa Hè nóng bỏng của vùng than, đợi cho mọi người ra về vãn, trên đường về, Ngần rẽ vào thư viện. Không hiểu thủ tục mượn sách, truyện thế nào, Ngần cũng ghi phiếu mượn cuốn “Bão Biển” đưa cho anh thủ thư dáng thư sinh, có phần điệu đà sau quầy sách. Anh ta đọc lướt qua tờ phiếu, gườm gườm nhìn Ngần sau lần kính cận dày cộp, buông một câu lạnh lùng:

- Sách ấy chỉ cho những người làm công tác nghiên cứu văn học, nghiên cứu Đạo học mượn thôi - Nói rồi anh ta nhìn săm soi vào mặt Ngần - Hình như cô là học sinh học nghề, chưa phải là biên chế nhà nước, không mượn được sách ở thư viện tỉnh đâu. Phải là công nhân viên chức và là cán sự ba trở lên mới được mượn sách. Bao giờ cô là cán sự, mang giấy giới thiệu đến tôi sẽ giải quyết. Thông cảm nha!

Ngần không ngờ cái anh thư sinh đẹp mã lại “gang thép” thế. Tự nhiên Ngần thấy tủi thân. Cô vò nát tờ phiếu mượn sách trong tay, quẳng mạnh xuống đất, bực bội nói:

- Vậy mà ai cũng nhoen nhoẻn “Tất cả cho sản xuất than - Tất cả cho công nghiệp hoá”, mượn một cuốn sách “bọ” cũng phải cán sự với biên chế. Đợi đấy!

Không ngờ câu nói của Ngần lọt vào tai Tấn, người phụ trách thư viện đang làm việc ở gian bên cạnh. Tấn giật mình. Thì ra lâu nay thư viện đã bỏ sót những độc giả ham học, ham hiểu biết. Họ mới chính là đối tượng cần được phục vụ. Ỷ vào sách, truyện ít, phải phân phối, thư viện đã bỏ sót họ. Có lẽ thư viện phải tìm cách đưa tri thức đến cho họ.

Ngay hôm sau Tấn triệu tập họp thư viện, có cả ông Phó Ty Văn hoá phụ trách phong trào cùng dự. Tấn đưa ra phương án: Thư viện sẽ thành lập tổ lưu động, đưa sách, báo đến tận công trường, nhà máy, xưởng thợ phục vụ người lao động. Những cuốn truyện hay, sách quý không đủ cho nhiều người mượn đọc thì tổ chức giới thiệu, như kiểu bình thơ, nói chuyện thơ. Nghe Tấn trình bày, ông Phó Ty Văn hoá bỗng dằn mạnh chiếc chén còn đầy nước chè ba hào nóng hổi xuống mặt bàn, khiến nước bắn tung toé ra mặt bàn.

- Hay! Phương án hay! Vậy mà lâu nay thư viện và Ty không nghĩ ra. Nay nghĩ được rồi làm tới đi. Khó khăn phương tiện, Ty giúp.

Cuối năm năm ấy, nhân dịp Nhà xuất bản Thanh Niên vừa xuất bản cuốn “Từ tuyến đầu Tổ quốc”. Cuốn sách được Trung ương Đoàn phát động trong đoàn viên thanh niên cả nước đọc và học tập những tấm gương được viết trong truyện. Tấn tổ chức đưa sách đến nhà máy cơ khí, nơi đông đoàn viên thanh niên, mà phần lớn trong số họ là những học sinh có trình độ văn hoá vừa rời ghế nhà trường. Thâm ý của anh là đưa đến nơi có cô gái đẹp, ham đọc sách và giàu tính tự ái đến mượn sách hôm ấy.

Vốn là người có khiếu diễn thuyết, Tấn thuyết trình trôi chảy và hấp dẫn. Và có lẽ là lần đầu tiên công nhân nhà máy được nghe một buổi thuyết trình như vậy, nên mấy trăm người ngồi im phắc lắng nghe như nuốt lấy từng lời. Tất nhiên trong hàng trăm đôi mắt dõi theo Tấn có đôi mắt đen thẳm, trầm buồn của cô Ngần. Cô không chỉ chăm chú nghe mà hình như trong đôi mắt đen thẳm đã ứa ra những giọt nước mắt. Mãi sau này Tấn mới hiểu, những nhân vật được mô tả trong cuốn sách có người thân của Ngần.

Hơn một tiếng trôi qua, buổi diễn thuyết kết thúc trong tiếng vỗ tay dài, Tấn bước nhanh theo cô gái có mái tóc dài đến thắt lưng, gọi khẽ:

- Cô Ngần ơi, chuyện của cậu thủ thư hôm nọ mong cô bỏ quá cho nhá! Cũng nhờ sự khao khát sách, báo của cô hôm ấy mà tôi và anh em thư viện nghĩ ra cách tổ chức mang sách, báo và tổ chức giới thiệu sách hôm nay. Cô nghe tôi giới thiệu có được không? Cũng là lần đầu chắc còn nhiều khiếm khuyết, Ngần góp ý nhá! - Như sực nhớ ra, Tấn nói vội: À, hôm nay tôi có mang bộ tiểu thuyết “Bão Biển” theo.

Tấn bảo Ngần đứng đợi rồi chạy vội trở lại hội trường. Chạy được mấy bước thì còi báo động vang lên lảnh lót. Cũng là tiếng còi vang lên trên đỉnh núi Bài Thơ, nhưng khi báo giờ cho công nhân đi làm và báo giờ tan tầm thì sao mà ấm cúng và gần gũi thế. Nhưng khi còi báo động máy bay Mỹ vào đánh phá vùng mỏ thì nghe lại rùng rợn và chói gắt làm vậy.

Tấn không kịp vào hội trường, bom đã rơi xuống khu vực nhà máy. Những cành cây, những mảnh tôn và cả những mảnh bom, mảnh đạn bay chíu chíu. Ngừng một đợt bom, tiếng gầm rú của máy bay phản lực, tiểng nổ chát chúa của súng phòng không im dần. Cả khu vực nhà máy cơ khí mù mịt khói và bụi. Tấn chạy thục mạng vào nhà máy. Vừa đến cổng thì người ta cáng Ngần từ trong nhà máy ra. Ngần mê mệt trên cáng, quần áo tơi tả, máu me bê bết. Không ngần ngại, Tấn vồ lấy một đầu chiếc cáng, chạy thục mạng về hang số 6, nơi đặt trạm cấp cứu của bệnh viện tỉnh. Ngần được mổ cấp tốc. Khó cho y bác sĩ là nhóm máu của Ngần hiếm quá, thử mấy chục người đều có nhóm máu khác máu của Ngần. May sao Tấn cùng nhóm máu với Ngần, các y bác sĩ phải lấy từ Tấn một lượng máu đủ để cứu sống Ngần. Do mất nhiều máu, Tấn bị choáng váng và phải sau nhiều ngày mới hồi phục.

Trong thời gian Ngần nằm viện, do nhà neo người chỉ có hai dì cháu (em mẹ Ngần), Tấn đã dành nhiều thời gian đến bệnh viện chăm sóc Ngần và đến nhà Ngần ở phố Dốc Than chăm sóc, động viên dì của Ngần. Khoảng một tháng sau, Ngần xuất viện trong trạng thái khoẻ mạnh, hồng hào. Hồng hào bởi có một phần máu của Tấn. Khỏi phải nói họ đã hoà nhập vào nhau trong niềm tin yêu, ủng hộ của bạn bè, cơ quan, đoàn thể. Tấn dự định Hè đến, tiết trời ấm áp, Tấn sẽ đưa Ngần về quê hương Hà Giang ra mắt gia đình và họ hàng.

Dự định chưa kịp thực hiện thì Tấn có lệnh nhập ngũ. Tấn đến nhà báo cho Ngần tin ấy vào một chiều tháng Tư. Tấn nói với Ngần lời từ biệt:

- Chiến tranh là mất mát, cuộc chiến này còn dài và ác liệt lắm. Chẳng ai nói trước được điều gì. Có lẽ Ngần không nên chờ đợi làm gì. Đời con gái chỉ có thì...

Không để Tấn nói hết, Ngần ôm lấy Tấn khóc sùi sụi:

- Người ta khác, em khác. Nếu anh không trở về nữa thì em sẽ về Hà Giang xin với bố mẹ để tang anh. Trong người em có một phần máu của anh, chỉ khi nào máu trong người em cạn, em mới thôi yêu anh.

Nửa năm sau, vừa đi làm về, chưa kịp thay bộ quần áo thợ màu xanh đá thì ông đưa thư gọi Ngần ra nhận thư. Thư của Tấn. Thư gửi từ Quảng Trị, nơi khốc liệt nhất của chiến trường miền Nam. Ngần run lên đầy lo lắng. Cuộc sống của những người đàn bà hậu phương trong thời kì chiến tranh khốc liệt, luôn có linh tính buồn hơn vui. Nhưng không, Tấn không hi sinh, không bị thương, không đào ngũ mà là Tấn chạy trốn tình yêu của Ngần. Thực ra cán bộ trình độ đại học thư viện ngày ấy quý lắm, lại phục vụ công nhân mỏ, Tấn chưa thuộc đối tượng nhập ngũ đợt ấy, nhưng để trốn tình yêu của Ngần, Tấn đã viết đơn tình nguyện bằng máu. Nói đúng hơn là chạy trốn được lí lịch của gia đình Ngần. Khi Tấn báo cáo tổ chức yêu Ngần thì tổ chức bảo, lí lịch của gia đình Ngần quá phức tạp, không thể xác minh được.

Năm 1954, bố mẹ Ngần đã đưa gia đình đi theo người làng vào Nam. Lúc ấy Ngần mới được hai tháng tuổi. Dặm trường gian nan, bố mẹ Ngần không thể mang Ngần đi theo mà gửi lại cho bà dì nuôi. Vào Nam nhưng bố mẹ Ngần suốt đời lam lũ làm vườn ở miệt vườn Thủ Đức. Để bảo vệ cho cả gia đình làm ăn yên ổn, anh trai Ngần đã phải đăng lính ngụy.

Hôm nhận được thư Tấn, đến đêm Ngần lên cơn sốt. Ngần ốm li bì hàng tháng trời. Ốm rụng cả tóc, mờ cả mắt. Sau trận ốm, Ngần không còn đủ sức đứng máy tiện. Bà dì có bạn từ thời hoạt động chống Pháp công tác ở Ty Y tế, bà xin cho Ngần đi học y tá, rồi học tiếp lên lên bác sĩ, rồi chuyên khoa cấp I, thành bác sĩ có “bàn tay vàng”, được đi dự nhiều cuộc hội thảo cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Người bệnh nhập viện cấp cứu chiều 30 Tết, thể trạng quá suy sụp, bị viêm phế quản cấp, kèm những cơn hen phế quản do bị nhiễm lạnh, do vừa qua một cuộc hành trình xa và dài ngày, do biến đổi thời tiết đột ngột và do một số bệnh nền khác. Song, với trang thiết bị, với những bác sĩ tài năng trong kíp mổ thì việc mổ và điều trị cho bệnh nhân không phải là quá khả năng. Bác sĩ Ngũ cũng biết điều đó. Ngặt một nỗi, ca mổ phức tạp lại tiến hành trong một thời khắc rất thiêng liêng: Đêm 30 Tết. Và bác sĩ Ngũ cũng biết, bệnh nhân sẽ cần phải tiếp một lượng máu không ít. Máu của bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm. 30 Tết không thể huy động những người hảo tâm hiến máu. Sự cố nghề nghiệp sẽ khó tránh khỏi. Đêm 30 Tết là ca trực của bác sĩ Ngũ. Ngũ ngần ngại còn một lí do: Người ta vẫn chưa thật tin ở anh, vẫn hoài nghi tính tiểu tư sản của anh. Và bằng kinh nghiệm từng trải đường đời, cái thoáng tái mặt, cái thoáng lo lắng đến thắt lòng của bác sĩ Ngần, Ngũ có linh cảm người bệnh với bác sĩ Ngần có mối quan hệ không bình thường. Ngại nữa là có một thời Ngũ đã có tình ý với Ngần. Tất cả những chi tiết bất thường ấy khiến bác sĩ Ngũ chùn tay. Ngũ cũng thừa biết, trong nghề cầm dao kéo chỉ cần một chút sơ sểnh thì cái gì sẽ xảy ra khó mà lường trước được. Và khi sự cố nghề nghiệp xảy ra, dù lí do gì thì Ngũ cũng là người lĩnh đủ.

Bác sĩ Ngần nói quan hệ của chị với người bệnh cho Trưởng khoa Lê Vinh biết. Chị bảo, chị chính là người con gái mà ông ta tìm để trao lại sơ đồ mộ chí của gia đình ở nghĩa trang Thủ Đức. Đồng thời chị cũng hiểu được những suy nghĩ của bác sĩ Ngũ. Chị nói với bác sĩ Vinh:

- Có lẽ với những băn khoăn của bác sĩ Ngũ, trưởng khoa không nên để anh ấy mổ cho bệnh nhân. Còn em, em sẽ là người tiếp máu cho ông ta. Đúng, với thể trạng như hiện nay, người bệnh sẽ phải tiếp một lượng máu không ít. Máu ông ta thuộc nhóm máu hiếm, nhưng trong người em có một phần máu của ông ta. Dù đã gần 30 năm, chắc nhóm máu cũng chưa thể khác được. Em đề nghị anh mổ chính ca này. Không ai mổ tốt hơn đâu anh Vinh ạ!

Đúng lúc ấy người bệnh bên phòng cấp cứu lên cơn co giật. Kíp mổ lập tức vào cuộc. Lúc ấy là 21 giờ 30 phút đêm 30 Tết.

Một giờ, rồi hai giờ trôi qua. Chiếc kim đồng hồ treo trên tường gõ tích tắc từng nhịp nặng nề. Cả phòng phẫu thuật im phắc, chỉ có những tiếng loảng xoảng của y cụ va vào nhau; tiếng lịch bịch của những gạc bông thấm máu vứt vào xô men; tiếng những bước chân người di chuyển nhẹ nhàng trên nền gạch hoa và những ánh mắt nhìn nhau ra hiệu. Ba chiếc kim đồng hồ nhích đến con số 12 thì mũi chỉ cuối cùng trên thân thể bệnh nhân cũng vừa xong. Chuông trên nhà thờ lán đạo gióng lên từng hồi dóng dả, tan nhanh vào đêm 30 Tết. Tiếng trống lệnh vang lên hùng tráng từ những chiếc ti vi ở các gian phòng bên cạnh. Tiếng còi tàu ngoài vịnh ngân dài trong đêm vắng. Ánh sáng pháo hiệu từ những con tầu ngoài vịnh vút lên bầu trời đen kịt. Bỗng chốc đường phố của thành phố rực lên màu hồng. Bác sĩ Ngần khẽ mỉm cười nhìn người bệnh cũng đang hồng dần, nhờ dòng máu đang chảy từ cơ thể của chị sang cơ thể người bệnh.

Truyện ngắn của Đinh Quận

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc

* Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Tin khác

Thời gian vẫn ngọt ngào

Thời gian vẫn ngọt ngào
Hương từ sân bay vừa trở về Hà Nội, đi qua hồ Hoàn Kiếm, thời tiết đầu mùa Đông trời đã se lạnh. Hương nhìn lên hai bên đường trải dài những cây hoa sữa, những chùm bông to trông như đĩa xôi cốm tỏa hương thơm mát dịu, Hương vừa đi vừa ngắm.

Anh hai sữa

Anh hai sữa
Ba kính yêu! Mãi đến tuổi dậy thì con mới biết, Hà chỉ là ông anh hai sữa của mình. Thoạt đầu khi biết rõ, chúng con không phải là anh em song sinh. Con hụt hẫng, không chịu tin đó là sự thực.

Bão trời và bão lòng

Bão trời và bão lòng
Cơn bão số ba như một con mãnh thú gầm rú, gào thét. Trong cơn gầm rú, cây cối bị lưỡi hái tử thần tiện phăng, đổ ngổn ngang. Từ trên đỉnh núi cao từng tảng đất khổng lồ bị nước thấm sâu, bứng ra thành mảng đổ ụp xuống.

Trả nợ mùa Hè

Trả nợ mùa Hè
1. Có lần, Hải nghe ông nội phẫn nộ chuyện đàn bà nhẫn tâm bỏ bầy con nheo nhóc thì ba bảo: Cô ấy khổ vậy chắc đã quá sức rồi, trước nay ba cũng thấy cái tâm con dâu rất tốt mà, giờ chắc hết duyên nên mới lầm mê rước tiếng phụ chồng bạc con. Thằng Hải nghe ba nói vậy thì không nghĩ mẹ theo chiều hướng tiêu cực như người xung quanh nghĩ nữa. Từ nhỏ tới giờ, ba nói gì nó chẳng tin.

Đinh tặc người nhà

Đinh tặc người nhà
Thời nay, có con gái lớn trong nhà, cha mẹ không lo có “bom nổ chậm” như xưa vì bây giờ công nghệ “phá bom” quá đơn giản. Cái lo chính lại là bom thối, không nổ được. Lấy chồng hoặc ế chồng mà không có con rồi cũng khổ, nhất là đến cuối đời.

Níu giữ hồn quê

Níu giữ hồn quê
Là khách lạ, vòng vo quanh co, hết thôn Nhồi Trên lại đến thôn Nhồi Dưới, qua cổng làng cổ kính rêu phong, được sự chỉ dẫn của người dân địa phương, cuối cùng tôi cũng đã đến được nơi cần đến, đó là nhà bà Nguyễn Thị Nhiên, thôn Dõng Hạ, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, miền quê, nơi có di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Cổ Loa.

Lời hứa người đồng đội

Lời hứa người đồng đội
Khoảng trời đầy nắng Thu bé lại vừa bằng một cụ bà với mái tóc bạc trắng đang ngồi hóng nắng trước sân.

Sống lại kí ức

Sống lại kí ức
Cô Xuân cưới chồng, đó là sự kiện gây rung động cái khu tập thể cán bộ công nhân viên chức ngành bưu điện. Rung động hơn nữa, người mà cô Xuân chọn làm chồng lại là anh Lai, Trưởng Đài Truyền thanh tỉnh.

Đảo ngọc trong tim

Đảo ngọc trong tim
Núi nhấp nhô uốn lượn, những ghềnh đá cheo veo, sóng xanh ôm ấp bờ cát trắng dưới chân hàng phi lao gió hát. Đứng trên boong tàu, tôi đã thấy đảo xa hiện ra như một “viên ngọc xanh” giữa biển trời Đông Nam của đất nước.

Mẹ nghèo

Mẹ nghèo
Chồng vào chiến trường thì ở nhà Hà sinh con. Bác sĩ cho biết, thai đã chết trong bụng mẹ phải mổ gấp để cứu mẹ, nhưng sau mổ, thiếu phụ vĩnh viễn không sinh nở nữa. Ca mổ hoàn thành cứu được mẹ.

Hương vị mùa Hè

Hương vị mùa Hè
Ba mẹ đều là con một, nó không có cô chú hoặc cậu dì ruột. Ông bà nội ngoại lại mất sớm nên với nó, quê nội, quê ngoại chỉ là… khái niệm; không giống như lũ bạn cùng lớp mỗi độ chớm Hè lại nhao nhao tính chuyện về thăm ông bà hoặc cô dì chú bác chỗ nọ chỗ kia. Thấy chúng xắng xở mà… rầu thối ruột; nhà nó có chỗ nào đâu để về??

Tình cha

Tình cha
Thấy cha ôm thằng cu Tuấn, cu Bi, một đứa cháu nội, một đứa cháu ngoại vào lòng, vừa hôn, vừa nựng chúng, mắt cha sáng ngời niềm hạnh phúc khôn tả.

Hai người đàn bà

Hai người đàn bà
Chuyện này xảy ra thời bao cấp. Anh thợ sửa chữa ô tô nhìn thấy phó giám đốc xí nghiệp vận tải nhận tiền đút lót của đám lái buôn nhằm mua rẻ mớ lốp ô-tô thanh lí, đã nhỏ to bàn tán với cánh thợ. Chuyện này đến tai sếp, lập tức anh ta được mời lên phòng riêng sếp. Phó giám đốc hỏi:

Mẹ Loan

Mẹ Loan
Thân đặt phịch tấm thân gầy còm xuống phản. Sao hôm nay người anh có vẻ nặng nề đến vậy? Khiến tấm phản kêu rầm một cái, anh cũng cảm thấy giật thót người. Anh đang gặp phải tình huống rất khó nghĩ, khó đi đến quyết định cho vẹn toàn. Thế nhưng số phận như sắp đặt một cách quy lát, khiến anh cảm thấy rất khó lòng mà từ chối.

Nhà có con gái

Nhà có con gái
Sáng, trong lúc thay quần áo chuẩn bị đi làm, chồng Hằng bảo buổi trưa, và có thể cả buổi tối nữa, anh sẽ không ăn cơm nhà. Anh phải tiếp khách trung ương xuống công tác, họ ở đây hai ngày một đêm. Hằng định cự nự với chồng, nhưng nghĩ thế nào lại thôi.
Xem thêm
Khí thế mới từ “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025

Khí thế mới từ “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025

“Mùa Xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Trong không khí phấn khởi của những ngày đầu Xuân mới, nhóm phóng viên Tạp chí Người cao tuổi, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội được theo chân lãnh đạo Hội NCT TP Hà Nội về dự Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại quê hương Hai Bà Trưng - xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội.
Huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk:  Tổ chức nhiều hoạt động, lễ hội mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

Huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk: Tổ chức nhiều hoạt động, lễ hội mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

Chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2025) và mừng Xuân mới Ất Tỵ năm 2025, trong những ngày đầu năm mới, các địa phương trong huyện Cư Kuin tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thể thao. Điểm nhấn của các hoạt động này là những lễ hội truyền thống như: đua thuyền truyền thống xã Ea Hu; Lễ hội Văn hóa Dân gian Việt Bắc xã Cư Êwi.
Người “thổi hồn” vào nét chữ dân tộc Thái

Người “thổi hồn” vào nét chữ dân tộc Thái

Qua Thư pháp, những chữ tiếng Thái như được “thổi hồn”, trở nên sinh động.
Lễ hội truyền thống chùa Bồng Hinh Xuân Ất Tỵ 2025

Lễ hội truyền thống chùa Bồng Hinh Xuân Ất Tỵ 2025

Sáng 6/2 (tức ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch), UBND xã Quảng Trung và Hội Phật giáo Quảng Xương tổ chức hội truyền thống chùa Bồng Hinh năm 2025.
Phủ Na nườm nượp du khách ngày đầu Xuân

Phủ Na nườm nượp du khách ngày đầu Xuân

Những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025, đông đảo du khách và người dân địa phương đã về Phủ Na (xã Xuân Du, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) để dâng hương, vãn cảnh.
Biển người đổ về “kinh đô lễ hội” Ocean City vui chơi trong ngày đầu năm mới

Biển người đổ về “kinh đô lễ hội” Ocean City vui chơi trong ngày đầu năm mới

“Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Từ mùng 4 Tết, với người Việt chính là thời gian du Xuân, vãn cảnh, vừa để cầu mong những điều tốt lành trong năm mới, vừa có khoảng thời gian ý nghĩa bên người thân. Năm nay, Lễ hội Ánh sáng phương Đông -
Ra mắt Hội Xe đạp phượt

Ra mắt Hội Xe đạp phượt

Tháng 1/ 2025, tại thành phố Hà Nội đã diễn ra Lễ ra mắt Hội xe đạp phượt Hà Nội. Buổi lễ có sự tham gia của các câu lạc bộ thể thao tại Hà Nội và các tỉnh cùng đại diện các ban ngành.
Sa Pa – điểm đến du lịch thu đông giá hợp lý đến khó tin

Sa Pa – điểm đến du lịch thu đông giá hợp lý đến khó tin

Từ nay đến hết năm 2024, Sa Pa có lẽ là điểm đến “ngon- bổ - rẻ” bậc nhất miền Bắc, với mức giảm giá và ưu đãi đến khó tin, cùng loạt trải nghiệm săn mây, dự lễ hội độc đáo.
Giao hữu bóng đá giữa CLB bóng đá cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ngãi và CLB bóng đá Tịnh An

Giao hữu bóng đá giữa CLB bóng đá cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ngãi và CLB bóng đá Tịnh An

Chiều 11/12, tại sân bóng đá An Lộc, phường An Phú Đông, quận 12, trận đấu giao hữu giữa CLB bóng đá cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ngãi (QNG FC) và CLB bóng đá Tịnh An (Tịnh An FC) diễn ra đầy hấp dẫn, bất chấp cơn mưa lớn làm thách thức các cầu thủ và cổ động viện.
Cận cảnh căn villa giá 100 triệu/đêm gây xôn xao trong “Yêu nhầm bạn thân”

Cận cảnh căn villa giá 100 triệu/đêm gây xôn xao trong “Yêu nhầm bạn thân”

Chiếm trọn spotlight trong phân đoạn Bình An và Toàn đặt chân đến Đà Nẵng của Yêu nhầm bạn thân là những khung cảnh đẹp đến đứng hình của khu nghỉ dưỡng InterContinental Da Nang và cả sự “xa hoa” của căn villa có giá đến 100 triệu đồng/đêm.
Hé lộ dàn nghệ sĩ VPOP tổng duyệt cho siêu nhạc hội 8WONDER Winter

Hé lộ dàn nghệ sĩ VPOP tổng duyệt cho siêu nhạc hội 8WONDER Winter

Chưa đầy 24 tiếng nữa, 8Wonder Winter – siêu nhạc hội được mong chờ bậc nhất năm sẽ chính thức bắt đầu. Tất cả đã sẵn sàng để đưa hàng chục ngàn khán giả bùng nổ cảm xúc cùng dàn nghệ sĩ hàng đầu VPOP Soobin, Chi Pu, Binz, lần lượt xuất hiện tại buổi tổng
Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến
Phiên bản di động