Ngoại tôi
Tâm sự 06/03/2024 10:48
Ngoại tôi có hai ngôi nhà ba gian lợp tranh, cách biệt nhưng chung sân. Ông mất sớm, ngoại ở cùng với gia đình người cậu nhưng có bếp riêng, không ăn chung. Đây là một cách để con cháu của ngoại sớm biết độc lập, tự lo liệu. Cậu tôi làm việc ở huyện, thường một tuần mới về thăm nhà một lần. Mẹ tôi là con đầu, cậu thứ hai, tiếp đến là ba người dì.
Sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, quê tôi đều tổ chức hợp tác xã, ngoại tôi giao hết đất ruộng cho làng, chỉ hưởng thu nhập từ công điểm. Cha tôi ở làng bên, cách một cánh đồng khá xa, phía nội ruộng vườn không có bao nhiêu nên ngoại tôi đứng ra “gánh” lấy “trách nhiệm”, coi như cha tôi “ở rể”.
Tác giả đứng bên giếng xưa tại xóm Trung Miệu đã được sửa sang như để tri ân ngoại. |
Do hoàn cảnh đặc biệt đó, nên tôi mới có điều kiện ở gần và hiểu được những đức tính của ngoại. Có thể kể ra đây một vài chuyện: Thời ấy, nhiều người còn nghèo khổ, kẻ cơ nhỡ không nơi nương tựa phải đi làm mướn nuôi thân. Biết được tin người nào ở trong hoàn cảnh đó, ngoại tôi đón về sống cùng gia đình, coi như con đẻ. Đám cháu chúng tôi thì vô tư, coi như mình có thêm người thân: Dì Nuôi, cậu Nuôi,… Do không phải ngoại tôi sinh ra, nên các thành viên mới trong gia đình đều được đặt cho cái tên mộc mạc, chân thật như vậy. Tới tuổi trưởng thành, ngoại tôi lo dựng vợ, gả chồng như con đẻ, không hề phân biệt. Người dân xóm tôi qúy đức tính ngoại tôi là vậy.
Vùng đất quê tôi thiên tai hết sức khắc nghiệt: Gió lào và bão lũ luôn rình rập. Có những năm nắng hạn kéo dài, con suối có tên: Rào Miệu qua cánh đồng làng tôi trơ đáy, nứt nẻ. Nhiều hôm, tôi và cha tôi phải đào lật lên từng tảng đất đá của lòng suối, mới lấy được nước để sinh hoạt.
Thấy cảnh sống vất vả của xóm giềng, ngoại tôi không hề tính thiệt hơn, đã hiến một đám đất chuyên trồng rau muống để đào giếng. Ngày khởi công công trình đặc biệt này, trẻ già cả xóm đã có mặt từ sáng sớm. Mỗi người một việc, nhất là lớp đàn anh của tôi hết sức hăng hái. Thế là từ hôm đó, xóm tôi đã có giếng khơi, giải quyết được cơn khát trong những ngày nắng hạn. Do nhiễm phèn, gàu nước đầu tiên lấy lên từ giếng mới đào, khi đun sôi nó ngả màu tro, đã làm cho nhiều người mừng hụt. Mẹ tôi có kinh nghiệm chứa nước vào các chum vại để lắng, mới dùng. Ấm nước chè xanh đầu tiên do mẹ tôi ủ từ nguồn nước được xử lí, đã làm hài lòng các cụ nghiện chè ở cạnh nhà. Một bữa “tiệc” chỉ là bát nước chè xanh của mẹ tôi có thể được coi là “dấu mốc” đầu tiên về “công trình” xóm tôi ngày ra đời. Từ hôm đó, nơi đây đã trở thành một địa chỉ không thể thiếu cho các gia đình ở làng tôi và có cả những mối tình đẹp của các đôi trai gái bên cái giếng này.
Hiện nay, vùng quê đã có nguồn nước sạch, giếng xưa đã đi vào kí ức. Mấy người con của cậu tôi sinh sống ở nơi xa, trong một dịp về thăm quê, đã tranh thủ sửa sang như để tri ân ngoại tôi và lớp người xưa. Cái giếng ấy, nay đã trở thành “di tích” của xóm Trung Miệu, làng Đan Du, xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh quê tôi.
Những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan ra miền Bắc, quê tôi có phong trào thi đua “Hai giỏi”; chiến đấu, sản xuất giỏi. Một lần, sang nhà ngoại, tình cờ tôi thấy có tấm Giấy khen do huyện gửi tặng về thành tích cấy lúa thi. Ngoại tôi chỉ quen với con trâu, cái cày trên đồng ruộng, chưa một lần cầm cây bút, trang giấy trên tay-ngoại không biết chữ. Nhưng ngoại tôi vẫn đặt tấm bằng lên sập thờ, một vị trí trang trọng của ngôi nhà. Tấm bằng chỉ là một tờ giấy láng, còn thơm mùi mực, không có khung nhưng ngoại vẫn treo đúng, phía dưới có con dấu đỏ, phía trên là dòng chữ đậm nét ghi tên người được khen. Tôi thấy ngoại tôi vui như trẻ lại thời con gái. Tôi còn nhớ, người kí Giấy khen là ông Thiều Y, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh tặng cho những người đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp huyện lúc bấy giờ, mà ngoại tôi là một trường hợp.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, tôi cũng như đám con trai, con gái quê tôi lần lượt lên đường ra trận. Trước ngày đi, tôi sang chào ngoại. Ngoại dúi vào tay tôi mấy đồng bạc được dành dụm từ lâu và nói: “Cháu đi cho chân cứng đá mềm!”. Răng ngoại rụng gần hết, tôi chỉ nghe lơ lớ nhưng vẫn hiểu được tình cảm của ngoại dành cho đứa cháu sắp xa nhà.
Sau hơn 6 năm có mặt ở chiến trường, cho đến một ngày giữa năm 1974, lúc đó tôi cùng đơn vị đang đóng quân tại chiến khu Đá Bàn, tỉnh Khánh Hòa thì nhận được lá thư của chị gái, do người lính quân bưu chuyển đến. Qua thư, tôi mới hay quê hương đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt, chị thông báo có nhiều người thân yêu của tôi, mà ngoại là một trong số đó đã theo cánh hạc về trời.
Ngoại tôi không còn nữa, nhưng mỗi khi nhắc đến hai tiếng: Cố Sừ, người dân xóm tôi rất đỗi tự hào, trân qúy.