Con gái của ba
Truyện ngắn 06/05/2024 14:55
Tôi đã luôn thấy ba vô cùng nghiêm khắc với mình. Những lỗi lầm của tôi dù chỉ nhỏ cũng được ba uốn nắn và phạt rất kĩ đủ để chắc chắn rằng tôi sẽ không tái phạm. Thuở bé, dù là người làm sai nhưng đôi chốc tôi cảm thấy có gì đó uất ức lắm, có những việc có thể đơn giản cho qua nhưng ba luôn muốn in hằn trong kí ức tuổi thơ của tôi là những hình phạt đủ để cho tôi biết nếu chỉ cần tôi mắc lỗi, sẽ không thể nào được tha thứ dễ dàng. Tôi gần như đã lớn lên trong sự giáo huấn nghiêm khắc đó, để rồi thời gian trôi qua, khi sự cảm thông mà mẹ gây dựng về ba trong tôi phai nhạt đi, cũng là lúc tôi bắt đầu dần tự cảm nhận được sự ấm áp của ba mình.
Sau này tôi mới biết sở dĩ gia đình nhỏ của tôi phải chuyển đến ở một thành phố khác xa họ hàng là vì ông bà nội tôi không chấp nhận đứa cháu duy nhất của mình là con gái. Tôi nghe các dì kể lại ngày đó phía nội đã bắt ba từ bỏ mẹ con tôi để cưới vợ khác sinh con trai nối dõi. Bên tình bên hiếu vốn là hai điều không thể so sánh và đặt lên bàn cân, thậm chí nếu đưa ra lựa chọn thì dù đứng ở bên nào người khác cũng không thể nào có thể đánh giá người lựa chọn. Thế nhưng khi nhìn hình ảnh đứa con gái nhỏ còn đỏ hỏn trên tay, ba tôi đã lựa chọn bảo vệ gia đình nhỏ của mình. Bù lại, cả gia đình tôi đã bị bên nội đuổi ra khỏi nhà, và ba đã đưa cả gia đình đến một thành phố khác sinh sống với hai bàn tay trắng...
Minh họa Lão Trần |
Thi thoảng mẹ kể cho tôi nghe ba tôi vốn ít nói từ trước nhưng mẹ vẫn lựa chọn ba là nguời đàn ông của đời mình vì mẹ cảm nhận được sự ấm áp trong ba. Thuở còn yêu nhau, khi mẹ là cô giáo làng được nhiều người theo đuổi, ba là anh lính vốn khô khan và cục mịch. Mẹ kể trong khi người khác còn ngại ngùng khi tới chơi nhà ngoại, thì ba ngày đó sau khi làm công tác về ghé đến lúc đương đói, mẹ mới gợi ý chế mì cho cả hai ăn, ấy thế mà quay đi quay lại đã thấy ba ăn hết cả hai tô, rồi gãi đầu gãi tai: “Anh tưởng em chế cho mình ăn chứ. Xin lỗi em, anh đói quá”. Nghe thật ngộ nhưng mẹ lại thích sự tự nhiên đó của ba. Ba theo như lời mẹ kể là khô khan lắm, không nói gì nhiều mấy câu yêu thương suốt cả khoảng thời gian theo đuổi mẹ nhưng mẹ cảm nhận được ba sẽ cho mẹ tất cả những gì ba có. Ngày hỏi cưới mẹ, ba chân chất: “Anh sẽ luôn ở bên cạnh và bảo vệ em”. Có lẽ ba đã làm được vào ngày đưa ra quyết định khi tôi chào đời.
Phải nói dù đôi lúc nhớ lại có những sự cảm thông nhưng sự dịu dàng của ba đôi khi phải rất tinh tế mới cảm nhận được. Ngày trước tôi còn bé quá, còn ba cứ tồn tại trong tôi là hình ảnh một người đàn ông cao lớn, lạnh lùng, ít cười ít nói. Cả ngày ba đi làm, tối đến chỉ kịp ăn cùng nhà bữa cơm rồi tôi đi ôn bài, ba đi nằm hoặc làm vài việc vặt giúp mẹ. Thậm chí có những ngày hai cha con không nói với nhau câu nào, mẹ đôi khi còn là cầu nối chuyển lời cho hai cha con khi có việc. Tôi nhớ có năm mẹ ốm, trước giờ mẹ luôn là người đi họp phụ huynh cho tôi nhưng đến ngày mẹ lại không đi được. Tôi cũng không nài vì lo cho mẹ, đến sáng hôm sau cũng định bụng đến trường thưa lại với cô thì thấy ba đã đứng đợi trước ngõ.
- Ba chưa đi làm hả ba?
- Đi họp phụ huynh cho con.
- Nhưng ba đi làm mà.
- Con gái... quan trọng hơn.
Ba tôi rất ít khi nói những câu nói đầy tình cảm nên dù ngồi sau yên xe đạp tôi vẫn cảm thấy có gì đó ngượng ngùng đằng trước bóng lưng to bè kia. Lần đầu tiên tôi ngồi sau lưng ba tôi cảm thấy có gì đó quen thuộc lắm, hệt như trong kí ức đã từng có lần trong mơ hồ tôi nhỏ bé trước bóng lưng ấy.
Khi tôi học mẫu giáo, ngày đó thành phố bước vào mùa mưa bão. Căn nhà cấp bốn của tôi bị gió mưa thổi tốc mái, chỗ dột chỗ không. Đêm tối là những lúc ba mẹ bế tôi đi đủ mọi góc giường một cách nhẹ nhàng sao cho tôi không tỉnh giấc, cũng là để tránh chỗ dột. Bận ấy, tôi sốt cao. Mưa rất to mà nhà tôi lại sâu trong con hẻm nhỏ, nước ngập hơn đầu gối, mẹ tôi làm đủ mọi cách nhưng tôi vẫn không hạ sốt nên dù đương đêm ba vẫn quyết định cõng tôi đi bệnh viện. À thì ra kí ức mà tôi nhớ đó là hình ảnh tôi bé nhỏ trên lưng ba, ba bì bõm lội ra khỏi con ngõ và hình ảnh từng đợt mưa to cùng vài hình ảnh nghiêng ngả của mọi vật xung quanh. Tiếng ồn ào của đêm mưa bão ngày ấy dường như không đủ át nổi giọng nói dịu dàng của ba: “Con gái ngoan, sẽ mau khỏe thôi”.
Tôi nhớ có một lần vì ham chơi nên tôi đã cùng đám bạn quên báo về cho gia đình. Khi về đến nhà là hình ảnh người cha mồ hôi nhễ nhại và gương mặt tái nhợt của mẹ dường như cũng đang lo lắng. Hôm ấy, tôi đã bị ba đánh đòn rất đau. Nhưng ông tuyệt nhiên không nói một lời nào, dù tôi biết lỗi sai của mình. Đêm, khi khuya tôi trở mình vì nhức ở hai bắp chân không ngủ được, nghe tiếng ba rít thuốc ở ngoài hiên nhà. Mẹ dường như cũng không ngủ được, tôi nghe tiếng mẹ nói nhỏ với ba như sợ đánh thức giấc ngủ của tôi.
- Mình đưa chân lại đây tôi thoa rượu cho. Nay đi tìm con bị xe nó quẹt phải bầm tím cả người rồi còn gì. Đã nói mình rồi, cứ từ từ, lo rồi hớt hải cả lên.
- Tôi không sao đâu, mình mai coi lựa lời nói chuyện với nó. Với... thoa rượu cho nó, bị đánh bầm mình rồi.
Lúc ấy không hiểu sao nước mắt tôi lại chảy ra không thành tiếng. Ba luôn là người xây dựng hình ảnh nghiêm khắc, còn mẹ luôn là người thay ba truyền đạt những lời dạy. Sau này lớn dần lên tôi mới biết sở dĩ ba luôn muốn tôi hoàn hảo hơn là vì ba không muốn ai có thể phán xét tôi, như cách mà phía nội đánh giá tôi kể cả khi tôi chỉ là một hình hài nhỏ bé...
Khi tôi lên đại học, tôi phân vân đứng giữa sự lựa chọn ngành học. Ngành tôi muốn thì xa nhà và tốn tiền học phí khá cao, tuy lưỡng lự nhưng tôi cũng trình bày nguyện vọng với ba má. Ba không nói gì, phải mấy ngày sau khi tôi tính đặt bút lựa chọn học gần nhà cho đỡ chi phí thì nghe ba bảo: “Chọn ngành con muốn đi”. Rồi dấm dúi đưa tiền và bàn chuyện lo chỗ ăn học với tôi. Tôi chợt để ý sau đó ba hay đi làm với chú Keo cạnh nhà, con xe wave nhỏ thi thoảng ba chở tôi đi học đã không còn nữa... Trong suốt những năm học xa, mỗi khi tôi về nhà, lúc lên phố ba luôn đóng cho tôi rất nhiều đồ đạc và nhất quyết xin nghỉ một ca để đưa tôi ra tận bến xe đợi xe lăn bánh mới trở về nhà. Đường từ nhà tôi lên bến xe cũng xa, nhưng tôi có thể thuê xe chở đi được nhưng ba không an tâm, nhất định phải chở tôi đi, đợi tôi yên vị vẫn đứng nhìn thật lâu. Đến khi xe lăn bánh, phải để khoảng cách làm nhỏ đi hình ảnh ba tôi chứ tôi không thấy ba tôi rời đi…
Đi học xa nhà, cũng là lúc tôi thấm thía nỗi nhớ gia đình nhiều nhất, nhiều lúc khóc vì nhớ nhà cũng là những lúc tôi bắt đầu từng chút một nhớ về những yêu thương giản dị ba dành cho. Mỗi khi tôi gọi điện về nhà mẹ đều là người nghe điện thoại, tôi cũng ít khi nói chuyện với ba, nhưng thực ra tôi đều biết mẹ luôn bật loa để ba nghe từ bên cạnh, chỉ là ba vốn kiệm lời không biết nói gì. Thi thoảng tôi lại nghe ba cố gắng nói thật nhỏ như sợ tôi nghe: “Hỏi nó ăn cơm chưa? Thích ăn gì? Nay học mệt không? Thèm gì dưới quê nói ba gói lên”. Cũng có lần vì áp lực việc học và xa nhà đầy căng thẳng, tôi đã khóc một trận dài. Đột nhiên khi ấy mẹ lại gọi điện lên hỏi thăm, vừa nói được ít câu tôi đã nghe đầu dây bên kia như có tiếng giằng co và giọng nói trầm ấm của ba vọng lại:
- Có chuyện gì vậy? Con vừa khóc đúng không?
Sau khi tốt nghiệp ít năm, có được công việc ổn định, tôi lấy chồng. Ngày tôi cưới là lần đầu tiên tôi thấy ba khóc. Ba chỉ khóc nhưng vẫn không nói gì. Mẹ tôi thì vừa cười vừa khóc mà mọi người xung quanh cũng thế trước hình ảnh một người đàn ông nhìn có vẻ gai góc xù xì đôi vai lại cứ run lên bần bật. Cả lúc làm đám hỏi lẫn lúc cưới người đàn ông mà tôi cho rằng lạnh lùng nhất đôi vai cứ run lên từng cơn.
Lúc tiễn tôi về nhà chồng, ba nắm tay chồng tôi nói từng lời đanh gọn:
- Con gái của ba... Ba mong con sẽ yêu thương và bao dung con bé suốt cả cuộc đời. Nếu con bé làm gì sai, ba mong con đừng đánh nó, đừng mắng nó, đừng đuổi nó đi. Chỉ cần nói với ba, ba sẽ đón nó về...
Đó là lần đầu tiên tôi nghe được nhiều nhất từ ba tôi, những lời yêu thương mà có lẽ ba đã giấu kín đến lúc ba phải nói ra rồi. Đột nhiên, tôi nghe họ hàng xung quanh trêu chọc: “Con gái của ba giống hệt ba”. Không nhận ra cả tôi đôi mắt cũng đẫm lệ mất rồi.