Bà là bóng mát che cuộc đời con
Tâm sự 14/03/2024 13:39
Bà tôi tên là Nguyễn Thị Vân, năm nay 95 tuổi. Bà sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị. Thời con gái, bà đi thanh niên xung phong, gặp ông tôi là thuyền viên của “Đoàn tàu không số”. Sau ngày đất nước thống nhất, Nam Bắc một nhà, bà theo ông về quê hương Quảng Ngãi. Gần 50 năm làm dâu xứ Quảng, một tay bà chăm chồng, nuôi con, nuôi cháu. Mọi yêu thương, bà đều vun vén cho gia đình, dạy cháu con biết yêu quê hương, đất nước…
Nghĩ về bà, trong tôi lại hiện về hình ảnh một người phụ nữ nhỏ nhắn với mái tóc bạc phơ, nụ cười trìu mến và lòng đầy thương yêu, nhân hậu. Giọng bà nhỏ nhẹ, trầm ấm. Bà tôi chẳng lớn tiếng với ai bao giờ. Ai đối đãi thế nào bà cũng đáp lại bằng nụ cười thật hiền cùng câu cửa miệng “có chi mô”. Những lúc như thế, bà thường bảo tôi: “Chỉ là người ta chưa hiểu mình thôi, đừng nỡ trách họ”… Bài học cố gắng thấu hiểu về người khác tôi học được từ chính những lời giản dị ấy của bà.
Tôi lớn lên bên cạnh bà. Một tay bà nuôi tôi khôn lớn. Bà ru tôi bằng những bài dân ca Quảng Trị lắng sâu mang theo suốt cuộc đời mình. Bà dạy tôi bằng thành ngữ, ca dao chứa đựng những lẽ sống cao đẹp của người Việt bao đời. Bà kể tôi nghe bao nhiêu kỉ niệm ở chiến trường, về những ngày mở đường gian khó, về trận bom khủng khiếp năm nào, về những người con gái đã nằm xuống cho đường ra trận không bị gián đoạn…Tôi lớn lên khi chiến tranh đã lùi xa. Nhưng chính nhờ những câu chuyện của bà mà tôi hiểu được rằng để có được như ngày hôm nay, đã có bao lớp cha ông hi sinh xương máu…
Bà tôi tấm lòng thơm thảo lắm. Trở về từ chiến trường, ông bà tôi đã đi cùng nhau qua mấy chục năm nơi thôn quê bình lặng, với mấy sào ruộng cùng đời nhà nông lam lũ quanh năm. Nhà chẳng dư giả gì nhưng hễ trồng được trái cà, nắm đậu bà cũng đem cho xóm giềng. Mấy cây cau, cây dừa trong vườn, thỉnh thoảng có người đến mua, bà tôi nửa bán nửa cho. Những khi cau, dừa được giá, ai cũng tiếc còn bà thì lại cười đủng đỉnh, rằng “tội cháu nó trèo cao nguy hiểm”… Bà chẳng dạy đạo lí cao siêu gì nhưng con cháu ai cũng học được từ bà tấm lòng biết sẻ chia, biết nghĩ cho người khác.
Tôi lấy chồng, có con, bà tôi lên chức cố. Tôi chuyển ra thành phố sinh sống. Nhớ cháu, nhớ chắt, bà lại lặn lội lên thăm. Dù tuổi đã cao, lưng đã khòm, đi lại không còn nhanh nhẹn nhưng tháng nào bà cũng lên chơi, ở lại với tôi vài hôm. Bà kêu: “Nhớ mấy đứa chắt, lên ôm chúng một lát rồi về cũng được”. Mỗi lần nhìn bà cố ôm hai đứa con của tôi vào lòng, nói đùa âu yếm với nụ cười móm mém rung rinh mái tóc bạc phơ, tôi nghe yên bình đến lạ, nghe bao yêu thương tràn ngập cả lòng mình.
Tôi dù lớn rồi nhưng mỗi lần về bên bà, lại thấy mình thơ dại. Có chuyện vui buồn nào tôi cũng muốn kể cho bà đầu tiên. Những khi công việc áp lực quá, tôi lại ước được chạy về quê, ngồi yên cho bà chải tóc, lặng nghe bà hát khúc dân ca nằng nặng nỗi nhớ thương… Và tôi biết, dù có lớn thêm bao nhiêu, tôi vẫn là đứa cháu nhỏ bé của bà năm nào. Bà như cây dừa trong vườn, cả đời cho nước ngọt, cho bóng mát che chở mỗi cuộc đời cháu con…