Cần xem xét, bảo vệ quyền lợi của các hộ dân bị thu hồi đất
Pháp luật - Bạn đọc 14/06/2022 09:48
Những người dân bị thu hồi đất cho biết, những năm 90 của thế kỉ trước, họ nhận chuyển nhượng đất của ông Nguyễn Văn Cát (thương binh) và vợ là bà Nguyễn Thị Mến. Khu đất này được gia đình ông Cát và bà Mến sử dụng và sinh sống ở đó từ năm 1980. Sau khi nhận chuyển nhượng đất, họ đã sinh sống ở đó liên tục cho đến nay không có tranh chấp với ai, không gặp bất kì sự phản đối nào từ chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Minh Đức (67 tuổi), ở thôn Lâu Trại, xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên là 1 trong 10 hộ dân bi thu hồi đất khu vực trên cho biết, sau khi mua đất của ông Cát và bà Mến đã cất ngôi nhà cấp 4 tạm trên mảnh đất đã mua để có nơi “trú mưa tránh nắng” và sinh sống ổn định từ đó đến nay. Trong quá trình xây nhà, không có cơ quan, đơn vị chức năng nào của xã và huyện đến nhắc nhở, hay xử lí về vi phạm đất đai và trật tự xây dựng. Mãi đến cuối năm 2017, khi Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu đô thị Bắc sông Cấm (giai đoạn 2) triển khai, chính quyền địa phương mới xuống kiểm đếm và lên phương án bồi thường.
Người dân bị thu hồi đất phản ánh với phóng viên. |
Tuy nhiên, đến năm 2021, chính quyền địa phương lại thay đổi biên bản, hủy bỏ phương án bồi thường ban đầu, với lí do, ông Đức vi phạm xây dựng và buộc phải phá dỡ, khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Điều đáng nói, nếu chính quyền địa phương cho rằng, ông Đức xây nhà trái phép, thay vì phải lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, thì huyện Thủy Nguyên lại ban hành các quyết định cưỡng chế. Điều này khiến ông Đức rơi vào tình cảnh “màn trời, chiếu đất”, không người thân và nơi nương tựa ở tuổi xế chiều.
Nhìn những căn nhà tạm vừa bị cưỡng chế, tháo dỡ, bà Nguyễn Thị Lan xót xa cho hay, từ năm 1990, bà và một số hộ dân khác trong xã mua lại một phần mảnh đất khai hoang của vợ chồng bà Mến. Bằng chứng của việc mua bán đất trên là giấy viết tay và sự làm chứng của nhiều người. Sau đó, bà vay mượn thêm để dựng lên một căn nhà tạm cho cả gia đình trú ngụ qua ngày.
Trong quá trình xây dựng nhà từ năm 1999, chính quyền địa phương cũng không có ý kiến gì, các hộ dân ở đây nghĩ sau này khu vực này sẽ là khu dân cư, vì thế họ xây nhà và chờ chủ trương để hợp thức hóa, bổ sung thủ tục được cấp quyền sử dụng đất... Thế nhưng, đến năm 2017, UBND TP Hải Phòng có quyết định thu hồi đất thì các hộ dân tại đây lại nhận được quyết định cưỡng chế, buộc tháo dỡ, với lí do là xây dựng không phép.
Lúc này, bà Lan và nhiều gia đình khác mới tá hỏa, cứ ngỡ gom góp mua được mảnh đất dựng căn nhà để gia đình yên tâm sinh sống, sản xuất nhưng toàn bộ những gì tích cóp, dành dụm được trong hơn 10 năm ở đây cũng “tan theo mây khói”, giờ đây phải lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất, vì trót vay mượn để mua đất, xây dựng nhà.
Bà Lan than vãn: “Chính quyền địa phương cưỡng chế, phá dỡ nhà nhưng không có phương án bồi thường đã khiến gia đình tôi giờ trắng tay, không có nơi ở do toàn bộ tiền bạc, tài sản đều đổ hết vào khu đất này. Chúng tôi chỉ mong các cấp, các ngành xem xét, giải quyết hỗ trợ cho chúng tôi một chỗ tái định cư để gia đình yên tâm sản xuất”.
Bà Lan cho rằng, chính quyền khi tiến hành thu hồi đất cần phải giải quyết bồi thường theo Điều 79 Luật Đất đai năm 2013. Bởi theo các hồ sơ, tài liệu bà Mến cung cấp cho các cơ quan chức năng, khu đất này đã được các nhân chứng sử dụng đất cùng thời kì và lãnh đạo xã thời vợ chồng bà Mến tiến hành khai hoang, phục hóa chứng thực. Từ đó, việc chính quyền địa phương ra quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế, rồi thực hiện cưỡng chế đối với gia đình bà Mến cũng đã ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà và những hộ dân khác.
Bà Mến cho hay, cùng thời điểm và trên cùng một thửa đất bà bán đất cho 10 hộ gia đình, tuy nhiên không biết vì lí do gì mà chính quyền địa phương chỉ đền bù và bố trí tái định cư cho 5 hộ gia đình, 5 hộ còn lại thì lại không được, khiến bà và mọi người rất khó hiểu(!?).
Xác nhận với phóng viên, cụ Nguyễn Văn Giản, nguyên Trưởng ban Kế hoạch HTX Hoa Động, thời kì 1980-1986 cho biết, gia đình ông Nguyễn Văn Cát và bà Nguyễn Thị Mến khai hoang khu đất này từ những năm 1980, còn sinh sống chính thức thì từ năm 1986, do đó lớp cán bộ địa phương hiện nay có thể không biết được quá trình sử dụng đất thời kì này.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Đồng Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Động và ông Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ địa chính xã cho biết: Đất của gia đình bà Mến hiện nay được giao 3 lô tái định cư, những nhà mua bán đất từ lâu đời với gia đình ông Cát, bà Mến đã được đền bù và tái định cư, còn những hộ còn lại thì xác định là những căn nhà xây dựng trái phép.
Về việc này, thiết nghĩ chính quyền huyện Thủy Nguyên nên xem xét lại để bảo đảm đời sống ổn định của người dân khi Nhà nước thu hồi đất, tránh tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài.