Khiếu nại của người cao tuổi là có cơ sở

Pháp luật - Bạn đọc 23/04/2025 09:09
Dự án “Thành phố giao lưu” vào năm 1996 được giao cho Công ty Liên doanh Xây dựng quốc tế VIC (Công ty liên doanh với Cu Ba) làm đối tác phía Việt Nam để đàm phán liên doanh với một tập đoàn Thụy Sĩ.
Cùng năm đó, hai bên đã có văn bản ghi nhớ. Mục tiêu của dự án là hình thành một khu đô thị có “đẳng cấp” trên diện tích 100ha thuộc địa bàn quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm, với tổng mức đầu tư lên đến hơn 500 triệu USD.
Cái tên “Thành phố giao lưu” hàm ý chỉ mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Thụy Sĩ. Tuy nhiên sau một thời gian dài chuẩn bị, vào ngày 10/5/2000, phía đối tác Thụy Sĩ có đơn xin rút khỏi dự án, với lí do “điều kiện kinh tế không cho phép”.
![]() |
Khu đất các hộ dân đang kiến nghị, phản ánh. |
Ngay sau đó, VIC đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội xin được tìm đối tác trong nước thành lập Công ty Cổ phần cùng thực hiện Dự án.
Ngày 23/5/2000, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội có công văn gửi VIC hoan nghênh việc làm này và khẳng định: “Sở KH&ĐT Hà Nội có trách nhiệm hướng dẫn, cấp đăng kí kinh doanh (cho Công ty Cổ phần)”.
Một năm sau, ngày 2/7/2001, Công ty Cổ phần VIGEBA được thành lập, do ông Nguyễn Quang Hưng làm Tổng Giám đốc, vốn điều lệ của Công ty là 90 tỉ đồng. Thành viên sáng lập gồm: VIC (36 tỉ đồng); Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp (27 tỉ đồng); Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam (27 tỉ đồng)...
Ngay khi Công ty VIGEBA được “khai sinh”, sau 3 tuần, ngày 25/7/2001, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên kí Văn bản số: 1719/VB-UB về việc UBND TP Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc giao cho Công ty Cổ phần VIGEBA là chủ đầu tư dự án “Thành phố giao lưu”.
Đầu năm 2002, Chủ tịch UBND TP Hà Nội kí quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị “Thành phố giao lưu” tỉ lệ 1/2000. Sau đó, ông Đỗ Hoàng Ân, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kí Quyết định số: 4746/QĐ-UB ngày 25/7/2002 “pháp lí hóa” dự án.
Dư luận cho rằng, thời buổi “tấc đất-tấc vàng”, việc một doanh nghiệp vừa “chào đời” mới được 20 ngày đã trở thành chủ đầu tư một dự án khu đô thị rộng gần 1 triệum2, mặt tiền bám dọc đường Phạm Văn Đồng 400m khiến các nhà đầu tư khu đô thị lừng lẫy cả về tiền và kinh nghiệm phải thèm thuồng và ngả nón “cúi chào”.
Ngày 28/8/2002, UBND TP Hà Nội có Quyết định số: 5994/QĐ-UB thu hồi 1.064.735m2 đất tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) và xã Cổ Nhuế, thị trấn Cầu Diễn (huyện Từ Liêm) tạm giao cho VIGEBA thực hiện dự án.
Bốn tháng sau, ngày 25/12/2002, UBND TP Hà Nội bằng Quyết định số: 8918/QĐ-UB sửa Điều 1 Quyết định số: 5994/QĐ-UB. Theo đó, diện tích đất thu hồi từ trên 1 triệu m2 giảm xuống còn 973.977m2.
![]() |
Văn bản số:261/QLĐ Đ-KTPTQĐ của Cục Quản lí đất đai |
Ngày 20/5/2004, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên kí Văn bản số: 1694/UB-KHĐT gửi Công tư VIGEBA: “Cho phép đầu tư và giao chủ đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Thành phố giao lưu”. Chỉ 1 tuần sau đó, ông Hoàng Văn Nghiên thôi chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Tuy Văn bản số: 1694/UB-KHĐT chỉ ở dạng “công văn”, song ai cũng biết “hiệu lực” của nó và đương nhiên những người kế nhiệm phải thực hiện.
Một tháng sau, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số: 3823/QĐ-UB chính thức thu hồi gần một triệum2 đất tại huyện Từ Liêm giao cho VIGEBA đầu tư khu đô thị “Thành phố giao lưu” và gần 1 tháng sau cũng chính UBND TP Hà Nội lại phải ban hành thêm Quyết định số: 4437/QĐ-UB: Điều chỉnh, bổ sung một số điều của Quyết định số: 3823/QĐ-UB.
Câu hỏi đặt ra là vì sao lại có sự “vội vàng” này? Phải chăng vì ngày 1/7/2004, Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực, theo đó một số cơ chế chính sách sẽ thay đổi bất lợi cho VIGEBA như: Dự án xây dựng khu đô thị phải thông qua đấu giá đất, khung giá đất thay đổi... Phải chăng vì lẽ đó buộc phải có quyết định giao đất sớm?
Dự án thậm chí chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 vẫn được giao đất-một điều chưa có trong tiền lệ. Việc xin ý kiến cho dự án của một số Bộ liên quan chưa được thực hiện, song đất vẫn được tạm giao...
Do vậy, từ đó đến nay đã trải qua 3 lần sửa đổi bổ sung Luật Đất đai năm 2003, năm 2013… khu đô thị vẫn chỉ nằm trên bản vẽ! Trong khi đó, TP Hà Nội vẫn “áp” theo phương án bồi thường, hỗ trợ năm 2003. Sự lãng phí về thời gian, cơ hội đầu tư, tiền của của Nhà nước và Nhân dân là rất lớn. Trách nhiệm này thuộc về ai khi phải đến năm 2024, UBND TP Hà Nội mới đưa Dự án “Thành phố giao lưu” vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 quận Cầu Giấy?
Trong khi đó, ngày 3/6/2010, UBND TP Hà Nội có Văn bản số: 3947/UBND-TNMT và Văn bản số: 5578/UBND-TNMT ngày 28/7/2014 về việc giải quyết tồn tại, vướng mắc trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án “Thành phố giao lưu”, quận Cầu Giấy. Theo đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Cầu Giấy bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ và các trường hợp chưa điều tra, khảo sát thì UBND quận Cầu Giấy phải triển khai thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, gần 15 năm sau, ngày 6/1/2025, UBND quận Cầu Giấy có Văn bản số: 08/UBND- BQLDAĐTXD gửi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đề nghị hướng dẫn giải quyết vướng mắc khi thực hiện thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư GPMB khi thực hiện Dự án “Khu đô thị Thành phố giao lưu”.
Ngày 14/1/2025, Sở TN&MT Hà Nội có Văn bản số: 341/STNMT-QHKHSDĐ cho rằng, căn cứ Khoản 2 Điều 254 Luật Đất đai năm 2024 quy định về chuyển tiếp về thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất không có cơ sở báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, chấp thuận đề nghị của UBND quận Cầu Giấy.
Trong khi người dân bị thu hồi đất chưa “đồng thuận”, ngày 10/4/2025, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Đình Cường kí Quyết định số: 733/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án Khu đô thị Thành phố giao lưu tại phường Mai Dịch.
Ông Phạm Bình Dương, Phó Giám đốc Ban Quản lí dự án quận Cầu Giấy chia sẻ: Dự án tồn tại hơn 20 năm, năm 2023, UBND TP Hà Nội chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thì UBND quận tiến hành các bước theo trình tự thủ tục để thu hồi đất. UBND quận đã báo cáo UBND thành phố và Sở TN&MT xem xét bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ, nhưng Sở TN&MT cho rằng không có cơ sở xem xét. Về việc chủ đầu tư thời điểm năm 2004 có bồi thường cho người dân hay không? Có nộp tiền vào kho bạc hay không thì hồ sơ tại quận không có? Chắc phải trên thành phố. Còn việc cưỡng chế thì quận mới ban hành, thực hiện trong quý II/2025, đang vận động, tuyên truyền người dân, còn phải xây dựng kế hoạch…
Ngày 11/4/2025, Cục Quản lí đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có Văn bản số: 261/QLĐĐ-KTPTQĐ gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội chuyển đơn kiến nghị của các công dân phường Mai Dịch kiến nghị về việc tháo gỡ vướng mắc trong thực tế về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án đến Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra, rà soát, tham mưu giải quyết kiến nghị của công dân theo quy định của pháp luật.