Cần xét xử khách quan, minh bạch, đúng pháp luật

Pháp luật - Bạn đọc 14/03/2020 09:10
![]() |
![]() |
Hợp đồng mua bán nhà đất số 7A Phan Chu Trinh, TP Nha Trang (nhà 7A) ngày 7/6/1996.
Nội dung vụ án
Theo đơn khởi kiện, ngày 7/6/1996, nguyên đơn: Ông Nguyễn Long Thành trực tiếp thỏa thuận Hợp đồng mua bán nhà đất số 7A Phan Chu Trinh, TP Nha Trang với người bán là ông Hà Thanh Xuân, bà Phạm Thị Kim Anh, giá 295 lượng vàng 9999. Ông Thành để mẹ ông là cụ Lê Thị Thương (cụ Thương mất ngày 3/3/1997) đứng tên giao dịch mua bán này; tiền mua nhà là của vợ chồng ông Thành chuyển từ Na Uy về Việt Nam. Tuy nhiên, nội dung này của ông Thành khai khi xét xử tại tòa, cũng như tài liệu cung cấp là không đúng sự thật. Vì khi cụ Thương mua nhà và chồng (cọc) bằng vàng, ký giấy giao nhận vàng, không có ông Thành chứng kiến thời điểm đó ông Thành đang ở Na uy.
Ông Thành khai: Khi ông giao cho bà Kim Anh 200 lượng vàng thì bà Kim Anh viết giấy nhận cọc bán nhà. Lời khai này cũng sai sự thật. Vì tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm lần thứ nhất, ông Thành không chứng minh giấy tờ nêu trên.
Ngày 24/2/1997, cụ Thương, cụ Nguyễn Ngọc Tiên (chồng cụ Thương), lập di chúc giao căn nhà 7A Phan Chu Trinh hiện đang kinh doanh khách sạn cho vợ chồng con trai trưởng là ông Thành, con dâu tên Dân. Vì người Á Đông coi trọng con trai cả, cho dù lúc cụ Tiên và cụ Thương ký di chúc không có sự chứng kiến của vợ chồng ông Thành, bà Dân, có công chứng để giao quyền thừa kế tài sản là nhà 7A Phan Chu Trinh cho vợ chồng ông Thành, bà Dân. Dù ông Thành, bà Dân không có mặt, không ký tên vào bản di chúc.
Ngày 11/3/1997, sau khi cụ Thương qua đời, gia đình tổ chức họp có đầy đủ cụ Tiên và tất cả các con đồng lòng nhất trí thay đổi một công việc quản lý, kinh doanh khách sạn tại 7A Phan Chu Trinh như sau: Thống nhất giao quyền quản lý và định đoạt toàn bộ tài sản liên quan đến 7A Phan Chu Trinh cho con gái ruột là Nguyễn Thị Hoa Xuân, hiện đang sinh sống tại 7A Phan Chu Trinh; tất cả đều ký xác nhận có sự chứng kiến của công chứng viên Phòng Công chứng số 1 tỉnh Khánh Hòa ký ngày 11/3/1997. Biên bản họp mặt gia đình bao gồm cụ Tiên, ông Thành, ông Bình, ông Lập, ông Quốc (bà Xuân không kí) được xác lập có Phòng Công chứng số 1 chứng thực chữ ký, có nội dung như sau (trích): “Căn nhà 7A Phan Châu Trinh, Nha Trang, Khánh Hòa do cụ Nguyễn Ngọc Tiên và cụ Lê Thị Thương đứng tên chủ sở hữu đã lập di chúc ngày 24/2/1997, giao quyền thừa kế cho con là ông Nguyễn Long Thành. Ngày 3/3/1997, cụ Thương qua đời, phần tài sản liên quan đến di chúc của cụ Lê Thị Thương có hiệu lực mở thừa kế.
Nay, ông Nguyễn Long Thành vì chưa hồi hương được, nên đồng ý giao quyền thừa hưởng theo di chúc phần tài sản của cụ Thương cho con ruột Nguyễn Thị Hoa Xuân và cụ Nguyễn Ngọc Tiên cũng đồng ý cho quyền sở hữu phần nhà và tài sản riêng của cụ trong nhà 7A Phan Châu Trinh cho con Nguyễn Thị Hoa Xuân.
Nay gia đình chúng tôi làm biên bản này để làm bằng chứng về sau không ai được tranh chấp quyền sở hữu ngôi nhà nói trên. Biên bản này được đọc lại cho tất cả mọi người đứng tên trên cùng nghe và nhất trí.”
Đến ngày 1/1/1999, ông Thành ký hợp đồng số 01/HĐ-KT và hợp đồng ngày 1/1/2008 về việc cho vợ chồng em trai là ông Bình, bà Nhung thuê nhà 7A Phan Chu Trinh. Nay ông Thành khởi kiện để yêu cầu cụ Tiên, ông Bình trả lại nhà 7A Phan Chu Trinh cho ông Thành .
Thực tế, từ ngày mua căn nhà 7A Phan Chu Trinh, thời điểm đó đã kinh doanh khách sạn mini, cụ Thương đứng chủ kinh doanh từ lúc mua đến lúc chết (ngày 3/3/1997), sau đó đổi tên qua cho con gái là Nguyễn Thị Hoa Xuân tiếp nhận từ ngày 4/3/1997 đến ngày 24/3/1999. Bà Xuân kinh doanh khách sạn lấy tiền nuôi cụ Tiên và mọi việc chi tiêu trong gia đình. Ngày 25/3/1999, bà Xuân đi giao lại cho ông Bình kinh doanh và quản lý. Do sợ 2 anh trai là Lập và Quốc phân bì, tại sao không giao người lớn mà lại giao cho em út còn nhỏ. Lúc này ông Thành, bà Xuân và Bình mới nghĩ ra cách là cho vợ chồng Bình thuê khách sạn lấy tiền lo cho cụ Tiên là hợp lý, khỏi ai phân bì, lúc này mới nảy sinh hợp đồng thuê khách sạn, đây là hợp đồng giả cách người cho thuê là ông Thành, vì ông Thành nhận di chúc.
![]() |
![]() |
Giấy bán nhà
![]() |
![]() |
Hợp đồng giao nhận nhà và ủy quyền quản lí kinh doanh khách sạn Hoàng Ngân
Kết quả giải quyết của Tòa án
Giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm lần 1: Bản án số 08/2011/DS-ST ngày 28/3/2011 của TAND tỉnh Khánh Hòa, không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, dựa trên 3 căn cứ sau: Về mặt pháp lý, nhà đất số 7A Phan Châu Trinh đến thời điểm nguyên đơn tranh chấp vẫn đứng tên cụ Thương. Trước và sau khi cụ Thương chết, cụ Thương không để lại tài liệu gì chứng minh tài sản nhà đất 7A Phan Châu Trinh là tài sản của ông Thành mua và nhờ đứng tên hộ.
Về nội dung bản di chúc ngày 24/2/1997, không thể hiện ý chí xác định tài sản trên là của ông Thành mua và nhờ đứng tên hộ, cụ Thương chỉ thể hiện sự định đọat phần tài sản của mình chủ sở hữu cho con trai trưởng là ông Thành được thừa kế .
Về Biên bản họp mặt gia đình ngày 11/3/1997, có nội dung chỉ xác định phần thừa kế của cụ Thương cho ông Thành đã có hiệu lực và ông Thành tự nguyện giao phần thừa kế được hưởng cho bà Xuân. Các đương sự không yêu cầu giải quyết di sản thừa kế.
Giải quyết của Tòa án cấp phúc thẩm lần 1: Bản án số 67/2011/DS-PT ngày 22/9/2011 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng, không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, bác kháng cáo và cho rằng Bản án sơ thẩm số 08/2011/DS-ST ngày 28/3/2011 là có căn cứ. Đây là thời điểm giải quyết đơn khiếu kiện ông Thành không đủ tài liệu chứng minh căn nhà 7A Phan Chu Trinh là của ông Thành bỏ vàng ra mua.
Giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm lần 2: Bản án số 07/2017/DS-ST ngày 25/4/2017 của TAND tỉnh Khánh Hòa, chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn dựa trên các căn cứ: Do ông Thành không được sở hữu nhà vì là Việt kiều, nên ông Thành thỏa thuận cho cụ Thương đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà; về số vàng mua nhà thì trả lần đầu tiên ngày 7/6/1996 là ông Thành trực tiếp trả cho vợ chồng người bán là ông Xuân, bà Kim Anh 200 lượng vàng, số vàng còn lại cụ Thương trực tiếp trả cho vợ chồng ông Xuân, bà Kim Anh, ông Xuân, ông Long (môi giới) có ghi lời khai xác nhận sự việc trên; bản di chúc ngày 24/02/1997, giao cho ông Thành; biên bản họp mặt gia đình ngày 11/3/1997, ông Thành giao cho bà Xuân có ghi và ký nhận không tranh chấp với bà Xuân, do bà Xuân không làm thủ tục sang tên cho bà Xuân và do ông Thành có ký hợp đồng thuê nhà 7A Phan Chu Trinh với người thuê là ông Bình; Kết luận giám định về cuộn băng ghi hình sinh họat gia đình không có tiếng nói và cũng không thể hiện căn nhà 7A Phan Chu Trinh thuộc sở hữu của ông Thành.
![]() |
![]() |
![]() |
Bản án số 07/2017/DS-ST ngày 25/4/2017 của TAND tỉnh Khánh Hòa
Giải quyết của Tòa án cấp phúc thẩm lần 2: Bản án số 02/2017/DS-PT ngày 08/11/2017 của TAND Cấp cao Đà Nẵng, chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, bác kháng cáo và lập luận Bản án sơ thẩm số 07/2017/DS-ST ngày 25/4/2017 là có căn cứ .
![]() |
![]() |
![]() |
Bản án số 02/2017/DS-PT ngày 8/11/2017 của TAND Cấp cao Đà Nẵng,
Áp dụng sai luật, vi phạm tố tụng và không khách quan
Một, về mặt pháp lý, căn nhà 7A Phan Chu Trinh được pháp luật bảo hộ theo Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014.
Cụ Thương đã thực hiện đúng qui định pháp luật về chuyển nhượng, tặng cho nhà đất lập thành văn bản có công chứng chứng thực, sau đó cụ Thuơng đã làm thủ tục đăng bộ để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu các tài sản trên đất số 534/96 Quyển 2 ngày 12/7/1996. Trong thời gian này phía nguyên đơn không có ý kiến, không khiếu nại, tranh chấp đối với cụ Thương về quy trình cấp giấy chứng nhận cho cụ Thương.
Hai, liên quan đến các chứng cứ về trình tự tổ chức thực hiện việc chuyển nhượng của nhà đất 7A Phan Chu Trinh cho cụ Thương như sau :
1) Ngày 7/6/1996, cụ Thương cùng thống nhất nhất trí ký bản “Hợp đồng thỏa thuận giao ước bán tòan bộ ngôi nhà và cách thức thanh tóan tiền vàng” với bên bán là ông Xuân, bà Kim Anh. Tại Điều 4 hợp đồng này có ghi: “Ngay khi hợp đồng mua bán nhà được hai bên ký kết và được UBND phường Xương Huân ký xác nhận, cụ Thương (bên B) phải trả cho bên bán (bên A) số tiền tương đượng 200 lượng vàng y bốn số chín (9999) khi giao nhận vàng thì phải làm biên nhận có sự chứng nhận của Phòng Công chứng nhà nước”. Ngay sau khi hai bên cùng ký kết hợp đồng nêu trên vừa xong, hai bên cùng lập “giấy nhận tiền, vàng để bán nhà “với nội dung chúng tôi ký tên dưới đây là Phạm Thị Kim Anh, Hà Thanh Xuân có nhận ngày hôm nay 7/6/1996 của cụ Lê Thị Thương … một số vàng là hai trăm lượng vàng y bốn số chín (200 lạng) để trả đợt đầu tiên … Kể từ hôm nay vợ chồng tôi giao cho cụ Lê Thị Thương nhận quản lý nhà có khách sạn Hòang Ngân để tiếp tục kinh doanh theo sự ủy quyền của vợ chồng chúng tôi”.
2) Cũng ngày trong ngày 7/6/1996, hai bên ký hợp đồng giao nhận nhà và ủy quyền quản lý kinh doanh khách sạn Hòang Ngân có nội dung tại Điều 2: “Trong quá trình được ủy quyền kinh doanh khách sạn, bên B (cụ Thương) cam kết phải triệt để tuân theo các qui định và pháp luật nhà nước…Nếu có hành vi trực tiếp làm sai trái … thì bên B phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hình sự, hành chính và dân sự .”
3) Ngày 12/7/1996, Cơ quan quản lý nhà đất Khánh Hòa thu thuế trước bạ và ký xác nhận “hợp lệ theo quy định hiện hành” giữa bên bán ông bà Hà Thanh Xuân, Phạm Thị Kim Anh và bên mua cụ Lê Thị Thương.
![]() |
![]() |
![]() |
Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, số 534/96 Quyển 2, đăng kí ngày 12/7/1996 của cụ Lê Thị Thương
4) Ngày 21/7/1996, cụ Thương, ông Xuân, Kim Anh viết và cùng ký vào “giấy nhận vàng” có nội dung như sau: “ ...Tôi xác nhận tại giấy nhận vàng này, vợ chồng tôi đã có nhận đủ của cụ Lê Thị Thương số vàng là (90) chín chục lượng vàng y bốn số chín (9999) do cụ Lê thị Thương giao cho tôi trước sự chứng kiến của luật sư Nguyễn Nổi, khi chồng tôi Hà Thanh Xuân về sẽ phải ký tên vào giấy nhận vàng này để xác nhận lại”.
5) Ngày 19/12/1996, cụ Thương, ông Xuân, Kim Anh cùng ký kết hợp đồng thanh lý việc mua bán ngôi nhà khách sạn Hòang Ngân, số 7A phan Chu Trinh với nội dung: “... Như vậy, bà Phạm Thị Kim Anh và ông Hà Thanh Xuân đã xác nhận tại hợp đồng này rằng cụ Lê Thị Thương đã trả đủ (295) hai trăm chín mươi lăm lượng vàng y bốn số chín (9999) cho vợ chồng bên bán và kể từ nay bên mua không còn thiếu nợ nần gì bên bán nữa và nhìn nhận thanh tóan đã xong… vợ chồng bà Xuân đã làm xong trách nhiệm và nghĩa vụ là đã giao xong sổ chứng nhận sở hữu nhà số 7A đường Phan Chu Trinh, TP Nha Trang với tên bà Lê Thị Thương làm chủ sở hữu .”
![]() |
![]() |
Di chúc có Phòng Công chứng Nhà nước số 1 tỉnh Khánh Hòa xác nhận
6) Ngày 24/2/1997, cụ Thương, cụ Tiên cùng 4 người con (không có mặt ông Nguyễn Long Thành) là Nguyễn Đức Lập, Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Đức Quốc, Nguyễn Thị Hoa Xuân lập tờ Di chúc có phòng công chứng nhà nước số 1 tỉnh Khánh Hòa xác nhận có nội dung: “Vợ chồng chúng tôi triệu tập các con về họp mặt gia đình bàn về việc lập di chúc giao quyền thừa kế cho người con ruột trai trưởng của chúng tôi là Nguyễn Long Thành, vợ Trần Thị Dân … nay vợ chồng chúng tôi làm di chúc này giao quyền thừa kế cho con tôi là Nguyễn Long Thành, vợ Trần Thị Dân được quyền thừa kế và làm chủ sở hữu sử dụng ngôi nhà 7A đường Phan Chu Trinh .”
7) Ngày 3/3/1997, cụ Thương qua đời, ngày 11/3/1997, cụ Tiên cùng các con là ông Thành, ông Quốc, ông Bình, ông Lập lập Biên bản họp mặt gia đình với nội dung bàn “... Về việc giao quyền thừa kế sử dụng nhà 7A Phan Chu Trinh, Nha Trang cho con gái là Nguyễn Thị Hoa Xuân … Nay ông Nguyễn Long Thành vì chưa hồi hương được nên đồng ý giao quyền thừa hưởng theo di chúc phần tài sản của cụ Lê Thị Thương cho Nguyễn Thị Hoa Xuân và ông Nguyễn Ngọc Tiên cũng đồng ý cho quyền sở hữu phần nhà là tài sản riêng của ông trong nhà 7A Phan Chu Trinh cho Nguyễn Thị Hoa Xuân. như vậy, Nguyễn Thị Hoa Xuân là người thừa hưởng và làm chủ sở hữu toàn bộ nhà 7A Phan Chu Trinh … nay gia đình chúng tôi làm biên bản này để làm bằng chứng về sau không ai được tranh chấp quyền sở hữu ngôi nhà nói trên .”
8) Năm 2000, bà Xuân xuất cảnh định cư nước ngoài. Trước đó, ngày 3/1/1999, bà Nguyễn Thị Hoa Xuân có đơn xin thay đổi chủ doanh nghiệp gơửi đến Sở Kế họach và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, với nội dung: “Nay tôi làm đơn này xin Sở Kế họach và Đầu tư cho phép tôi được phép sang tên và quyền hạn lại cho em tôi Nguyễn Đức Bình, sinh năm 1977. Lý do: Tôi nay đã lập gia đình phải theo chồng nên không thuận lợi trong việc kinh doanh, vì vậy tôi tha thiết xin Sở Kế họach và Đầu tư tạo điều kiện thuận lợi giúp cho gia đình cũng như tôi được phép đăng ký thay đổi chủ kinh doanh mới cho em tôi Nguyễn Đức Bình để thuận tiện trong vấn đề kinh doanh ”
9) Ngày 14/4/2014, bà Nguyễn Thị Hoa Xuân ký giấy xác nhận về việc giao quyền định đọat tài sản là nhà 7A Phan Chu Trinh cho ông Nguyễn Đức Bình, giấy xác nhận này bà Xuân đã hợp thức hóa Lãnh sự Việt Nam tại Nauy, nội dung giấy xác nhận này có ghi: “Ngày 11/3/1997, gia đình chúng tôi đã lập biên bản họp mặt gia đình …về việc đồng ý giao quyền sở hữu, thừa kế phần nhà là tài sản riêng của ông Nguyễn Long Thành cũng như gia đình cho tôi là Nguyễn Thị Hoa Xuân được thừa hưởng làm chủ tòan bộ nhà 7A Phan Chu Trinh, … Hiện tôi đang định cư ở nước ngòai … Nay, tôi là Nguyễn Thị Hoa Xuân xin giao quyền định đọat, và được sở hữu phần tài sản căn nhà 7A Phan Chu Trinh …với mọi hình thức cho em ruột của tôi là Nguyễn Đức Bình …”
Ba, phía nguyên đơn cho rằng, số tiền mua nhà 7A Phan Chu Trinh là của ông Thành, với chứng cứ là hóa đơn cụ Thương nhận vào ngày 29/4/1996 số tiền là 40.074 USD (đô la) và 119.880 Nok. Quy đổi số tiền này tại thời điểm 1996 (giá vàng 5.900.000 VND/lượng; tỷ giá 11.100 VND/USD ; 119.880 NOK = 13.767 USD) là : (13.767 +40.074) x 11.100) : 5.900.000 = 101,2 lượng vàng (101 cây vàng)
Như vậy, nguyên đơn cho rằng số tiền 200 lượng vàng trả cho người bán nhà 7A Phan Chu Trinh vào thời điểm 1996 là không chính xác, hoàn toàn không có cơ sở.
Bốn, về bản di chúc ngày 24/2/1997, một phần của tờ di chúc này có hiệu lực, đó là ½ phần tài sản của cụ Lê Thị Thương, riêng ½ phần tài sản nhà 7A Phan Chu Trinh vẫn thuộc sở hữu sử dụng của cụ Nguyễn Ngọc Tiên. Việc này cũng được xác nhận tại Mục (7) ghi nhận tài sản riêng của cụ Tiên, mà nguyên đơn Nguyễn Long Thành có mặt, ký tên đồng ý thừa nhận ½ tài sản nhà 7A Phan Chu Trinh là tài sản riêng của cụ Tiên, mà ông Thành không có ý kiến khiếu nại hay tranh chấp gì về phần tài sản riêng của cụ Tiên tại văn bản họp mặt gia đình ngày 11/3/1997.
![]() |
![]() |
Biên bản họp mặt gia đình ngày 11/3/1996
Năm, về “Biên bản họp mặt gia đình” ngày 11/3/1996, ông Thành có mặt và đồng ý ký tên cũng như không có ý kiến gì về tài sản là căn nhà 7A Phan Chu Trinh khi cùng cha và anh em giao cho bà Nguyễn Thị Hoa Xuân làm chủ sở hữu tòan bộ căn nhà 7A Phan Chu Trinh. Điều này phù hợp với chứng cứ là Đơn xin thay đổi doanh nghiệp do bà Xuân ký tên ngày 3/1/1999, như đã nêu trên. Do đó đủ cơ sở cho thấy bà Nguyễn Thị Hoa Xuân chính là chủ sở hữu nhà 7A Phan Chu Trinh (sau khi cụ Thương mất) và thực hiện quản lý kinh doanh tại nhà 7A Phan Chu Trinh, việc ông Thành tự ý ký kết hợp đồng cho thuê với ông Nguyễn Đức Bình là có dấu hiệu trái pháp luật, vì tài sản cho thuê là nhà 7A Phan Chu Trinh không phải do ông Thành là chủ sở hữu, mà giấy tờ hợp pháp vẫn mang tên cụ Thương; đồng thừa kế chưa kê khai thừa kế, đồng thừa kế có văn bản thống nhất giao cho bà Hoa Xuân sở hữu và tòan quyền sử dụng, tòan quyền định đọat mà không có tranh chấp; đồng thời giao dịch dân sự “thuê nhà” giữa các bên không làm phát sinh quyền và lợi ích hợp pháp của cụ Thương và bà Xuân, nên gữa ông Thành, ông Bình có thể khởi kiện bằng một vụ kiện khác. Vì thế, cấp tòa phúc thẩm viện dẫn hợp đồng thuê nhà giấy tay giữa ông Thành và ông Bình, lời khai của ông Hà Thanh Xuân, bà Phạm Thị Kim Anh, ông Long người dắt mối, ..v.v..để xác lập quyền sở hữu tài sản cho ông Thành là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật. Bởi vì, tại thời điểm xác lập hợp đồng mua bán nhà 7A Phan Chu Trinh không có mặt ông Thành, ông Long và đặc biệt là không có bất kỳ giấy tờ gì chứng minh cụ Thương là người đứng tên hộ cho ông Thành. Tại “giấy nhận tiền, vàng để bán nhà” được xác lập ngày 7/6/1996, chỉ thể hiện bên bán là ông Hà Thanh Xuân, bà Phạm Thị Kim Anh; bên mua là cụ Lê Thị Thương, không có văn bản nào xác định có mặt ông Thành, ông Long. Do vậy, việc ông Hà Thanh Xuân, bà Phạm Thị Kim Anh, xác nhận ông Thành thỏa thuận cho cụ Thương đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà là hoàn toàn không có căn cứ, đây chỉ là ý chí chủ quan của ông Hà Thanh Xuân, bà Phạm Thị Kim Anh, nên không có giá trị pháp lý.
Sáu, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cho rằng vị trí ông Thành là Việt Kiều cùng với băng ghi hình sinh họat gia đình, dù đã có kết luận giám định là không có âm thanh, nhưng tòa vẫn xác nhận ông Thành là chủ sở hữu nhà 7A Phan Chu Trinh, xác nhận này là trái với các quy định pháp luật về đất đai, quy định pháp luật về quyền sở hữu nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2014, quy định pháp luật về hợp đồng công chứng theo Luật Công chứng. Điều 12. Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở (Luật Nhà ở năm 2014): 1. Trường hợp mua bán nhà ở mà không thuộc diện quy định tại khoản 3 Điều này và trường hợp thuê mua nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, tiền thuê mua và đã nhận bàn giao nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. 2. Trường hợp góp vốn, tặng cho, đổi nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu là kể từ thời điểm bên nhận góp vốn, bên nhận tặng cho, bên nhận đổi nhận bàn giao nhà ở từ bên góp vốn, bên tặng cho, bên đổi nhà ở. Điều 5. Giá trị pháp lý của văn bản công chứng (Luật Công chứng năm 2014): 1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. 2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.
Thực tế, nguyên đơn (ông Thành) có đơn khởi kiện về việc đòi tài sản là 295 lượng vàng 9999, chứ không phải ông Thành khởi kiện về việc tranh chấp quyền sử dụng đất. Vì thế nguyên đơn phải có nghĩa vụ chứng minh số tài sản là 295 lượng vàng 9999 có giao cho cụ Thương hay không? Hay chỉ giao ngọai tệ? giao dịch về 295 lượng vàng nêu trên hoặc giao dịch ngọai tệ giữa cụ Thương và nguyên đơn là giao dịch với hình thức gì? Giao dịch như thế nào ? Hồ sơ khởi kiện cho thấy nguyên đơn không có giấy vay nợ hay bất cứ chứng cứ gì thể hiện người đã chết là cụ Nguyễn Thị Thương phải có nghĩa vụ trả nợ, hay những người thừa kế của cụ Thương phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho cụ Thương. Do cụ Thương đã chết cách đây hơn 20 năm (chết ngày 3/3/1997), nên việc đòi tài sản với người đã chết mà nguyên đơn không có chứng cứ chứng minh về tài sản đó là của mình là việc vô căn cứ phù hợp với việc đình chỉ vụ án vì các căn cứ khởi kiện không phù hợp với yêu cầu khởi kiện.
![]() |
![]() |
Giấy nhận vàng, không có ông Thành chứng kiến, ông Thành đang ở Nauy.
![]() |
Giấy nhận tiền, vàng để bán nhà lập ngày 7/6/1996
Như vậy, trong vụ án trên đây, đã có nhiều dấu hiệu thể hiện sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng luật, vi phạm tố tụng, và kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án. Đây là cơ sở để Báo điện tử Ngày mới trân trọng đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao xem xét, giải quyết kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đối với Bản án phúc thẩm số 02/2017/DS-PT ngày 8/11/2017 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng và Bản án sơ thẩm số 07/2017/DS-ST ngày 25/4/2017 của TAND tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời thông báo kết quả theo quy định của Luật Báo chí.