Chuyện của ông bà tôi
Tâm sự 28/01/2024 09:10
Ông bà chúng tôi là người cùng xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Các cụ kết hôn năm 1958 và có được 6 người con (3 trai, 3 gái), nhưng có 2 người mất sớm nên đến nay còn 4 người (2 trai và 2 gái).
Ông sinh năm 1931 trong một gia đình nông dân nghèo nhưng may mà được cụ nội định hướng và có người giúp đỡ, nên từ nhỏ ông được đi học chữ hán và quốc ngữ. Năm 13 tuổi, ông tôi đã tham gia “hội kín” ở quê và năm 1945 đã tham gia cướp chính quyền ở xã, ở huyện. Trong kháng chiến chống Pháp, ông bị giặc bắt, tra tấn rồi giam ở nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Trốn tù, ông gia nhập bộ đội thuộc Đại đoàn 320 đánh Pháp ở các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình và cùng đơn vị tiếp quản TP Hải Phòng.
Ông kể, nhờ dịp Tết năm 1955 được thưởng mấy ngày phép về quê ăn Tết nên ông gặp bà và có cảm tình từ đấy. Bà tôi là Vũ Thị Hồng Vân, nhờ duyên, dịp Tết năm ấy, bà tôi đang là nhân viên Văn phòng Ủy ban Hồng Quảng cũng được về quê ăn Tết nên mới gặp ông. Có cảm tình ngay từ lần gặp lại ấy, ông bà thường xuyên viết thư cho nhau. Đến Tết năm 1956, ông về phép sang nhà bà gặp cụ Phúc ngỏ ý xin làm con rể (cụ ngoại tôi tên là Vũ Tích Phúc, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 làm Chủ tịch huyện Cẩm Phả, sau đó làm Phó Chủ tịch khu Hồng Quảng); đến mùng 5 Tết hai bên gia đình làm lễ dạm hỏi. Tháng 5/1956, ông tôi được cử đi học ở Trường sĩ quan Lục quân. Mãi đến ngày 6/1/1958, ông bà tôi mới có điều kiện làm lễ cưới, đơn vị cử 3 người về hỗ trợ khâu tổ chức. Nhà nghèo cái gì cũng thiếu, được bà con hàng xóm tận tình giúp đỡ nên đám cưới của ông bà thuận lợi, ông mặc quần áo bộ đội, bà mặc áo vét cán bộ thoát li. Nghe nói hồi ấy mặc thế là mốt, là oách lắm. Tân hôn chỉ có chăn đơn bộ đội với gian buồng cụ bà nhường cho. Hôm sau, ông đã trở lại đơn vị tập trung ôn thi tốt nghiệp, bà còn phép nên cùng đến chiêu đãi sở của nhà trường trước khi trở lại công tác ở Bệnh viện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Tháng 5/1958, ông tốt nghiệp ra trường, được điều về Tiểu đoàn huấn luyện thuộc Đại đoàn 320, sau đó về làm giáo viên chiến thuật Trường Quân chính Quân khu 3. Khi quân Mỹ vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam, ông tôi cùng Sư đoàn 320 vào chiến trường Quảng Trị. Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 chỉ huy đơn vị phối hợp cùng các đơn vị bạn lập nhiều chiến công xuất sắc, làm nên chiến thắng vang dội. Trung đoàn 64 trực tiếp tiêu diệt Lữ đoàn dù số 3 của ngụy và bắt sống đại tá Lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Thọ. Vào chiến trường Tây Nguyên từ cuối năm 1971, Trung đoàn 64 của ông và cả Sư đoàn 320 vượt qua bao khó khăn gian khổ ác liệt của bom đạn, thiếu đói và sốt rét rừng, dưới sự chỉ đạo của Mặt trận Tây Nguyên lại phối hợp với đồng bào các dân tộc góp phần làm nên những chiến thắng mới ở tây sông Pô kô, ở Đăk Tô - Tân Cảnh (Kon Tum) năm 1972 hay mở rộng và giữ vững vùng giải phóng ở Chư Bồ, Đức Cơ, Thanh An (Gia Lai) sau Hiệp định Paris. Trong chiến dịch tấn công giải phóng Tây Nguyên tháng 3/1975, ông tôi khi đó là Trưởng phòng tác chiến của Mặt trận Tây Nguyên có vinh dự được trực tiếp chấp bút soạn thảo bản Kế hoạch nghi binh (từ tháng 10/1974, nay ông vẫn còn lưu giữ được bản viết tay trên 10 trang giấy pơluya). Ngay sau đó là những ngày thần tốc cùng cánh quân hướng Tây Bắc Sài Gòn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng hòa bình chưa được bao lâu thì tập đoàn phản động Pôn Pốt gây chiến tranh biên giới Tây Nam, ông tôi lại chỉ huy Sư đoàn 320 trong đội hình Quân đoàn 3 chiến đấu bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Tiếng súng biên giới Tây Nam tạm lắng xuống, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc lại nổ ra, ông tôi cùng Quân đoàn 3 tiếp tục hành quân ra Bắc bảo vệ vùng biên giới thân yêu của Tổ quốc. Chiến tranh biên giới kết thúc, ông được điều về làm Cục trưởng Cục Quân lực, sau đó về làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 đến khi nghỉ hưu năm 1997. Ông tôi vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Suốt những năm tháng vào Nam chiến đấu chống Mỹ - ngụy giải phóng miền Nam, rồi tiếp tục làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn và bảo vệ biên giới phía Bắc. Cũng như hầu hết những người phụ nữ thời ấy, bà tôi thực sự là hậu phương lớn để ông yên tâm đánh giặc, công tác. Bà làm lụng vất vả, nuôi dạy bố tôi và các cô, chú ngoan ngoãn, chăm lo ăn học, khôn lớn nên người; khuôn xếp gia đình nội ngoại trong ấm ngoài êm. Như ông từng tâm sự: Cuộc đời và sự nghiệp của ông, hạnh phúc gia đình, bà là người vun trồng xây đắp, ân nghĩa vợ chồng thật là to lớn, nói sao cho hết.
Đã được nghỉ hưu hơn một phần tư thế kỉ, nhưng hầu như ông không ngơi nghỉ, mà thường dành nhiều thời gian đi thăm đồng đội là thương bệnh binh, những người còn khó khăn trong cuộc sống, nhất là các gia đình liệt sĩ của Sư đoàn 320, của Quân đoàn 3. Những năm gần đây, ông tôi gương mẫu chủ động trích từ tiền lương hưu và vận động được khá nhiều kinh phí từ anh em cựu chiến binh đã về đời thường đóng góp tiền của, công sức phối hợp với các địa phương nơi chiến trường xưa xây dựng bia chiến thắng, đài tưởng niệm các liệt sĩ ở Gia Lai, Kon Tum, Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) và cả một số địa phương vùng Bắc Bộ mà Đại đoàn Đồng Bằng đã chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp. Ông tôi luôn tâm niệm, mình may mắn được sống và trưởng thành là phải biết ơn sự hi sinh vô cùng to lớn của bao đồng đội và sự đùm bọc của nhân dân. Bà tôi cùng mọi người trong gia đình luôn đồng lòng đóng góp và ủng hộ việc làm đầy nghĩa tình vì đồng đội của ông, đôi lần bà cũng cùng ông đi thắp hương các nghĩa trang tận miền Nam xa xôi.
Cháu con trong đại gia đình, bạn bè, cấp dưới của ông hãnh diện vì những đóng góp của ông với đất nước, vì sự mẫu mực trong sáng nơi cuộc sống đời thường. Năm 2023, ông tôi, Trung tướng Khuất Duy Tiến được vinh danh là 1 trong 10 công dân ưu tú của Thủ đô. Ông bà là tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo.