Chuyến bay mùa Xuân
Truyện ngắn 27/12/2019 09:34
Trên 300 hành khách đi chung chuyến bay, phần lớn là người Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Điển… Ngoài ra, còn có cả những người gốc Mỹ, Canada, Braxin… họ đều đi du lịch, quá cảnh Pari rồi bay sang Việt Nam.
Ngồi cùng hàng ghế số chẵn là hai người Pháp, gốc Việt: Tiến sĩ Phạm Văn Hựu và doanh nhân, Tiến sĩ Bùi Văn Tiền. Cả hai đều là đôi bạn trí cốt thuở thanh xuân, với độ tuổi trên 70 cả rồi. Hai ông hẹn nhau dịp Xuân Canh Tý này sẽ bay từ Pari tới Hà Nội. Sau đó, sẽ cùng về hai quê ăn tết. Nói vậy, chứ thực tình họ đã nhận lời mời của một vị lãnh đạo cấp tỉnh chuẩn bị cho ra đời một dự án mới - Chế biến nông sản!
- Ông Hựu ạ! Chính sách của Chính phủ ta dành cho doanh nhân và các nhà khoa học thật là cởi mở! - Tiến sĩ Tiền gợi chuyện.
- Đúng vậy! Tôi đã lướt trên mạng và thấy: “Thật là cởi mở!”. Tiến sĩ Hựu nhắc lại câu nói của bạn, tỏ ý khá tâm đắc.
…Cứ xem như Việt Nam Airlines đưa dòng máy bay hiện đại Boeing 787-10 vào khai thác nhiều đường bay quốc tế, mới thấy hết sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam tới đội ngũ doanh nhân.
Minh họa Trần Nhương |
Hai người im lặng trong giây lát, rồi rời mắt khỏi màn hình gắn sau hàng ghế trước và cùng hướng ra cánh cửa kính máy bay. Trước mắt họ là những đám mây trắng xốp đang bay, khiến người ta cảm giác như sờ thấy được. Câu chuyện của hai người làm họ hồi tưởng lại mấy chục năm về trước. Hồi ấy, Tiền và Hựu còn trẻ lắm. Tiền quê Hải Dương, mà người ta thường gọi là tỉnh Đông. Còn Hựu quê Nghệ An. Họ biết nhau và kết bạn là do cùng theo học tại trường đại học danh giá của Pháp - Đại học Tổng hợp Sooc-bon. Bảo vệ luận án Tiến sĩ Khoa học thành công, Tiền vừa là doanh nhân, vừa nghiên cứu ở một cơ sở khoa học thực nghiệm. Còn Hựu, làm việc tại một Viện khoa học nghiên cứu vi sinh vật. Lúc ấy, qua các phương tiện thông tin mà Hựu được biết các chiến sĩ canh giữ biển trời trên nhà giàn DKD đang thiếu nước ngọt cho sinh hoạt. Thế là, ông thức trắng nhiều đêm để nghiên cứu và chế tạo thành công một chiếc máy lọc nước hiện đại. Mặc dù lúc đó, có người nước ngoài ngỏ ý mua lại công nghệ để sản xuất, nhưng ông đã từ chối, mà đem chiếc máy đó về tặng cho các chiến sĩ đang ở nhà giàn trên biển, lọc nước mặn lấy nước ngọt phục vụ các bữa ăn. Có điều kì lạ là khi chuyển chiếc máy lọc nước về Nghĩa Đô (Hà Nội) lúc bấy giờ, Tiến sĩ Hựu liền lấy nước sông Tô Lịch đổ vào chiếc phễu của bình chứa đầu vào; chỉ trong giây lát ở đầu kia hứng chiếc cốc thủy tinh ông lấy nước ra uống trước sự chứng kiến của nhiều kĩ sư, nhà khoa học. Sau này, từ công nghệ máy lọc nước do ông sáng chế, người ta còn chế tạo ra dây chuyền sản xuất phân bón vi sinh qua lá.
…Hai người đang miên man nghĩ về quá khứ, thì bỗng tiếng loa phóng thanh của tiếp viên hàng không nhắc hành khách chú ý gài dây an toàn. Tín hiệu báo độ cao cho phép trong khi trước đó, hướng dẫn viên không lưu đồng ý cho hạ cánh xuống đường bay số 2. Người ta nghe rõ cả tiếng tiếp đất của chiếc càng vừa mở ra dưới thân máy bay, xen lẫn tiếng rít của bánh xe lăn trên đường băng.
Đúng 19h30’, với hơn 15 giờ bay chiếc chuyên cơ thương mại Boeing 787-10 hạ cánh an toàn xuống Sân bay quốc tế Nội Bài. Nhà ga bừng ánh sáng, đón những người xa xứ về quê ăn Tết, cùng nhiều khách du lịch quốc tế.
*
* *
Chiếc ô tô Vinfast bóng loáng lướt nhanh trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chở hai vị khách già và ông Chủ tịch còn rất trẻ về nhà khách ủy ban tỉnh. Câu chuyện trên xe lại rôm rả hẳn lên. Chủ thì hỏi thăm sức khỏe khách, bởi tuổi già vừa phải trải qua cuộc hành trình hàng nghìn cây số với hàng trăm giờ bay, nên đã thấm mệt. Còn khách thì muốn biết ngay sự đổi thay của quê hương. Tuy nhiên, sự quan tâm đặc biệt hơn vẫn là cho dự án xây dựng nhà máy chuyên sản xuất cháo ăn liền mang tên BVT, mà ông Bùi Văn Tiền là nhà đầu tư, đồng thời vừa làm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty BVT.
- Đất cho động thổ dự án BVT là địa điểm đắc địa… - Vị Chủ tịch trẻ phấn trấn nói - Còn nguồn nguyên liệu “nuôi” nhà máy thì khá dồi dào, hai bác ạ! Các nhà khoa học của Viện cây lương thực đóng trên địa bàn tỉnh nhà vừa phục tráng giống nếp quýt và tám thơm. Đồng thời, kí kết với nông dân làm ra hạt gạo, nguồn nguyên liệu đủ cho dây chuyền nhà máy cháo ăn liền hoạt động quanh năm.
Nghe tới đây, Tiến sĩ Hựu vui vẻ hẳn lên, ông tiếp:
- …Mà tôi có nghe nói là Nhà nước đang có chính sách liên kết 4 nhà…
- Đúng vậy! Đó là liên kết giữa các nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà quản lí cùng đồng hành sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa. Cho nên, cháo ăn liền không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, có phải không hai bác?
Họ say sưa câu chuyện, mà quên đi ngoài kia, Xuân đã đến từ lúc nào.