Bao giờ mới hết điệp khúc chặt - trồng?
Đời sống 08/03/2023 09:51
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương kiểm soát tình trạng phát triển nóng cây sầu riêng và nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng và chanh leo được Bộ ban hành cuối tháng 11/2022.
Theo thống kê của các địa phương khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam, tính đến tuần cuối của tháng 2/2023, đã có hàng trăm nghìn hecta hồ tiêu, cà phê, mít, nhãn, thanh long… bị người dân chặt bỏ để trồng sầu riêng. Một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn phá bỏ một phần diện tích đất lúa để trồng sầu riêng, khiến cho diện tích cây ăn trái này tăng lên đột biến, gấp nhiều lần quy hoạch.
Thu hoạch sầu riêng xuất khẩu. |
Có thể nói điệp khúc trồng - chặt đã được nhắc đi nhắc lại đối với nền nông nghiệp nước ta hàng chục năm qua. Tuy nhiên, thực trạng này chưa được giải quyết triệt để, nên việc được mùa mất giá, được giá mất mùa liên tục tái diễn, từ cây trồng này đến cây trồng khác, từ năm này qua năm khác...
Thực tế vào những năm 2000, cây cà phê ở Tây Nguyên từng được gọi là cây thoát nghèo với sự phát triển nhanh chóng ở các địa phương như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng. Kế đó, cây hồ tiêu và cao su những năm 2011 - 2013 cũng được ví là vàng đen, vàng trắng của nhiều người dân khu vực Đông Nam Bộ, khiến mỗi năm có hàng nghìn tỉ đồng được người dân và doanh nghiệp đổ vào các vườn cây, vùng trồng quy mô lớn.
Tuy nhiên, mỗi loại cây trồng đều chỉ tồn tại được một thời gian rất ngắn. Giá cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, thanh long, mít thái… nhiều năm trở lại đây lên xuống như một chu kì hình sin nghiệt ngã với người trồng ở khắp các vùng miền. Tình trạng nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu tái diễn từng năm gần như chưa có cách giải quyết chủ động.
Thực tế, sau mỗi lần “đắt đồng ế chợ”, các Bộ, ban, ngành và địa phương lại ngồi họp với nhau để bàn cách giải quyết. Những giải pháp như: Quy hoạch vùng trồng; thay đổi tư duy sản xuất từ thông thường sang VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; tạo liên kết chuỗi, chế biến sâu, đáp ứng các quy chuẩn sản xuất quốc tế và xuất khẩu chính ngạch năm nào cũng được đưa ra như những khẩu hiệu. Thế nhưng, tình hình vẫn không cải thiện được bao nhiêu.
Nguyên nhân chủ yếu do cơ chế để nông dân tiếp cận thị trường đang rất yếu. Dù đã xuất hiện các mô hình chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy quá trình tiếp cận nhanh hơn với thị trường nhưng lại chưa được hình thành đồng đều ở các địa phương.
Bên cạnh đó, đa phần nông dân hiện vẫn đang sản xuất theo kinh nghiệm, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm chủ yếu là sơ chế, khâu tiêu thụ cũng còn nhiều bất cập, phụ thuộc quá nhiều vào các thương lái, trong khi thị trường luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài một số ít nông dân và hợp tác xã tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất lớn của doanh nghiệp, được bao tiêu sản phẩm thì bài toán tiêu thụ là bài toán đau đầu nhất mà nông dân phải đối mặt. Chính những vấn đề trên khiến nông dân thường xuyên đối mặt với tình trạng được mùa mất giá, và khi giá cả thấp, không đủ bù đắp chi phí sẽ lặp lại điệp khúc chặt - trồng.
Từ thực tế quan sát ở nhiều vùng nông sản phía Nam trong vòng 10 năm trở lại đây, cho thấy dù là sản xuất VietGAP, GlobalGAP, hay sản xuất hữu cơ, “ba giảm ba tăng”, đáp ứng những tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU cũng đã có hàng nghìn mô hình trang trại, nhà vườn, hợp tác xã triển khai. Thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông sản chất lượng cũng không suôn sẻ. Đã có những vụ việc xin trả lại chứng nhận VietGAP, GlobalGAP vì phải bán dưới mức giá thành ở nhiều hợp tác xã. Việc doanh nghiệp liên kết bẻ kèo, không thu mua theo giá đã cam kết cũng không phải hiếm gặp. Người nông dân đơn độc, tự bơi trên mảnh ruộng của mình!
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, logistics đóng vai trò cực kì quan trọng. Muốn đẩy mạnh tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, đẩy mạnh tính cạnh tranh của các giá trị nông sản thì cần tập trung hơn nữa ở mảng này. Trước hết là cần đầu tư đầy đủ các hệ thống kho lạnh, vận chuyển lạnh.