Hỗ trợ nông dân cao tuổi ứng dụng công nghệ cao thời Covid-19
Tuổi cao gương sáng 30/09/2021 10:00
Ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu
Hiện nay, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang có hơn 1.800ha lúa ứng dụng công nghệ cao (lúa giống, lúa thơm, lúa Nhật), đạt 101% kế hoạch đề ra. Diện tích nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao (cá tra tiêu chuẩn VietGAP, Natureland; chạch lấu, mè hôi, lươn, ếch...) đạt hơn 108% kế hoạch, với hơn 134ha. Rau an toàn được sản xuất gần 30ha (đạt 102% kế hoạch, tập trung chủ yếu ở xã Mỹ Hòa Hưng). Có 9/13 phường, xã duy trì sản xuất hoa, cây kiểng ứng dụng công nghệ cao (22,3ha, đạt 103% kế hoạch). Chỉ riêng diện tích cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao có tỉ lệ thấp (39%, với 102ha).
Quan điểm của địa phương là tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; chuyển dịch từ trồng lúa kém hiệu quả sang rau màu và cây ăn trái phù hợp với quy hoạch, tình hình thực tế địa phương. Các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả được duy trì, phát triển nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Về lâu dài, hình thành các dự án nông nghiệp, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo ra chuỗi liên kết và tiêu thụ mang tính bền vững. Bước đầu, hình thành được 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rau màu và cây ăn trái ở xã Mỹ Hòa Hưng. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ cơ bản mang lại thu nhập ổn định cho nông dân, cung cấp cho thị trường rau, củ quả hữu cơ an toàn mỗi ngày.
NCT Trần Bá Thuận đang chăm sóc vườn rau ứng dụng công nghệ cao. |
Tuy nhiên, để sản xuất rau màu bán trên kênh thương mại điện tử được giá nông sản phải an toàn cho người tiêu dùng, có truy xuất nguồn gốc đòi hỏi người sản xuất phải ứng dụng công nghệ cao đẩy mạnh áp dụng khoa học - kĩ thuật vào sản xuất. Cụ thể, trên cây lúa, tiếp tục thực hiện mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; trên rau màu, áp dụng biện pháp tưới phun sương, tưới nhỏ giọt, đẩy mạnh sản xuất trong các nhà màng, nhà lưới để hạn chế sâu bệnh. Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, khuyến cáo nông dân chọn con giống khỏe, sạch bệnh, nuôi thưa, chú ý đến yếu tố môi trường để tạo ra sản phẩm có giá trị cao.
Sự trăn trở và mong muốn của nông dân cao tuổi
Với tâm thế một nông dân cao tuổi ông Trần Bá Thuận, 61 tuổi, ở xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên dấn thân vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở đô thị, ông Thuận bày tỏ: “Để tạo ra sản phẩm hữu cơ, an toàn với người tiêu dùng, không gây ô nhiễm môi trường, tôi cần được hỗ trợ về khoa học - kĩ thuật. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tự mình xử lí, áp dụng công nghệ mới theo hướng linh hoạt”. Mô hình thử nghiệm trồng rau an toàn kết hợp chăn nuôi thỏ theo hệ thống khép kín của ông Thuận đang được chú ý vì nhiều ưu điểm trong vận hành, xử lí phù hợp đặc thù đô thị Long Xuyên.
Dĩ nhiên, ông vẫn đang vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mày mò để hoàn thiện mô hình. Mọi thứ vẫn còn ở phía trước, nhưng sự đổi mới trong tư duy, mạnh dạn biến suy nghĩ thành hành động của ông là điều đáng hoan nghênh, cần được nhân rộng, tạo nguồn cảm hứng để khích lệ nhiều nông dân khác “mặn mà” hơn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Thuận trồng được 3ha ớt chỉ thiên ở vùng đất cồn, nhờ ứng dụng công nghệ cao nên trúng đậm mùa ớt. Bình quân nông dân thu hoạch được 3 tấn trái/ha. Nhưng do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nên bán không được giá thua lỗ nặng, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ giải cứu trong thời gian giãn cách xã hội nên gia đình ông bán được giá 24.000 đồng/kg, thu được đến 72 triệu đồng/ha.
Ngoài cây ớt, các loại rau màu dưa leo, cà chua, bầu, bí cũng được ông tập trung trồng, đưa đi tiêu thụ ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn. Bình quân mỗi héc-ta rau, màu, giải quyết từ 7 - 10 lao động địa phương có việc làm ổn định, giảm bớt được áp lực về an sinh xã hội.
Phát huy vai trò của chính quyền và Hội NCT
Ông Thuận chia sẻ: “Nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ đưa hàng nông sản bán trên kênh thương mại điện tử nên được giá tốt. Mỗi đợt bẻ ớt, tôi thuê 12 lao động. Thời điểm ớt chín rộ, trên diện tích 3ha, phải thuê đến 22 người. Ớt có giá, thuê lao động bẻ ớt không ngán tốn tiền”.
Rõ ràng, để NCT ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ nông sản của thì vai trò của chính quyền và Hội NCT là rất lớn. Chính quyền các cấp cần định hướng về chủ trương, xác định rõ giải pháp và tạo điều kiện, môi trường để người nông dân, NCT có thể tiếp thu và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa.
Với Hội NCT, theo chức năng, nhiệm vụ, kinh nghiệm của mình cần nắm chắc nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, tham mưu cho chính quyền và các ban ngành liên quan lựa chọn các mô hình sản xuất, loại cây con giống đặc hữu, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng để xây dựng thương hiệu sản phẩm riêng của địa phương (OCOP).
Các cấp Hội NCT cũng cần tham mưu cho chính quyền mở các lớp tập huấn cho nông dân NCT về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và kết nối, bán hàng qua mạng trong tiêu thụ sản phẩm. Với lớp NCT, việc ứng dụng công nghệ này cần sự hướng dẫn, tập huấn tỉ mỉ, kiên trì và thường xuyên để khắc phục tập quán canh tác cũ, bảo vệ môi trường và phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch Covid-19.
Việc hỗ trợ nguồn vốn cho NCT ứng dụng công nghệ cũng rất cần chính quyền và Hội NCT các cấp quan tâm. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ vay vốn chung của Nhà nước, từng địa phương cần tuyên truyền, huy động vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, nhất là từ các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau để hỗ trợ cho NCT.