Bí quyết sống khỏe của cụ bà 97 tuổi

Đời sống 24/04/2025 10:33
Lật lại những trang sử, tôi tưởng tượng về khoảnh khắc ngày 30/4/1975, khi những đoàn quân Giải phóng tiến vào trung tâm Sài Gòn. Trên những chiếc xe tăng mang số hiệu 843 và 390, những người lính đến từ cánh rừng Đông Nam Bộ, chiến khu Dương Minh Châu, từ những con đường Trường Sơn chằng chịt bom đạn, đã đặt chân vào thành phố mà suốt bao năm họ chỉ có thể hình dung qua những tấm bản đồ quân sự.
Tôi nhắm mắt lại, tưởng tượng những vòng xích lăn qua đường Lê Duẩn, qua cầu Thị Nghè, bỏ lại sau lưng những năm tháng bom đạn và máu lửa. Khi chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng chính của Dinh Độc Lập và xe 843 tiến vào từ cổng phụ, lá cờ đỏ sao vàng được cắm lên nóc dinh, cả đất nước như nín thở. Và rồi, cả biển người vỡ òa, những giọt nước mắt hạnh phúc rơi xuống giữa lòng Sài Gòn, trên những con đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ...
![]() |
Trong một chuyến công tác vào TP Hồ Chí Minh năm trước, tôi có dịp trò chuyện với bà Sáu, người đã sống hơn nửa thế kỉ ở góc nhỏ trên đường Nguyễn Huệ. Bà kể, ngày ấy, bà còn là một cô gái trẻ, tay run run cầm lá cờ nhỏ, đứng chen chúc giữa biển người hò reo trên đường phố. “Mừng lắm con ơi, cả đời má chưa bao giờ thấy người ta đổ ra đường mà khóc như vậy. Có người khóc vì mừng, có người khóc vì nhớ thương, có người khóc vì không tin nổi chiến tranh thật sự kết thúc”.
Bà bảo rằng, hình ảnh những người lính với ba lô sờn bạc, đôi dép cao su và nụ cười sáng rực trên khuôn mặt khắc khổ là điều bà không bao giờ quên được. Có người lính trẻ ngồi bên vỉa hè, tay run run mở bức thư còn nhàu nát trong túi áo, đọc đi đọc lại những dòng chữ của mẹ mình. Có chiến sĩ rưng rưng khi được một người phụ nữ xa lạ dúi vào tay củ khoai lang nóng hổi - một món quà giản dị nhưng đầy ấm áp.
Thời gian trôi qua, Sài Gòn ngày ấy đã trở thành TP Hồ Chí Minh hôm nay, nhộn nhịp, phồn hoa. Những con đường từng in dấu bước chân lịch sử nay đông đúc xe cộ qua lại. Những cây cầu như cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ nối liền đôi bờ sông Sài Gòn, như một biểu tượng của sự phát triển và thống nhất. Nhưng đâu đó, người ta vẫn nhắc về ngày 30/4 với niềm tự hào, với sự tri ân những người làm nên chiến thắng, để hôm nay tôi đứng đây, tự do và bình yên.
Là người sinh sau chiến tranh, tôi không biết cảm giác phải rời quê hương ra chiến trường, cũng chưa từng trải qua những ngày tháng mất mát, chia li. Tôi không phải là những cô gái Sài Gòn ngày ấy, đứng giữa dòng người vẫy chào đoàn quân mà nước mắt giàn giụa. Tôi cũng không phải là những chàng trai tuổi đôi mươi, mang ba lô lên đường với lời hẹn ngày về trên môi nhưng chẳng biết có còn trở lại. Tôi chỉ là một người của hiện tại, đứng giữa lòng thành phố đã đổi thay, lắng nghe âm vang của quá khứ vọng về.
Ngày mai, tháng Tư sẽ tiếp tục trôi, nhưng những bước chân lịch sử mãi còn đó, in sâu vào tâm trí của các thế hệ, để nhắc rằng hòa bình hôm nay là điều không hiển nhiên, mà là máu xương, là hi sinh của hàng triệu con người. Và vì thế, tôi sẽ sống, sẽ yêu, và sẽ trân trọng từng khoảnh khắc trên mảnh đất này, nơi có những kí ức hào hùng mãi mãi không phai mờ.