Mùa lộc trời xứ biển

Đời sống 30/04/2025 10:12
1. Đã 50 năm mà trước mắt tôi những chiếc xe con màu trắng xuất hiện trên một con đường giữa chiến khu Bắc Tây Ninh, sáng 3/5/1975 vẫn như hiển hiện. Có lẽ thấy tôi mặc quân phục Quân Giải phóng, lại đạp xe ngược chiều, mấy chiếc ô tô vội vã dừng lại. Một tốp người ăn mặc chỉnh tề quây lấy tôi hỏi đường về R. Họ là những người Sài Gòn đi tìm thân nhân công tác tại R phải ở lại giải quyết những việc còn lại trong căn cứ, chưa thể về đoàn tụ gia đình.
Về R? Làm sao chỉ cho họ một cách chính xác được? Căn cứ của Trung ương Cục - đầu não của R và biết bao B và C - biệt danh của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương Cục, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - đều gọi chung là R.
Trong niềm hân hoan của những ngày đầu đất nước thu về một mối, tôi muốn dẫn họ đến từng cánh rừng, từng con suối, có thể kêu đúng tên người thân của họ và chứng kiến cảnh trùng phùng, nhưng chỉ hai ngày nữa, báo Giải Phóng ra số đầu tiên ở Sài Gòn, đang chờ bài và ảnh của những phóng viên như tôi, nên không có thời gian dẫn những con người có lẽ còn vui hơn tôi lúc này đi vào vùng rừng già thuộc R trải dài từ vàm Trảng Trâu đến Chàng Riệc, và xa hơn nữa là “Rừng nuôi bộ đội, rừng vây quân thù” ở Lộc Ninh, Bình Long, Phước Long. Tôi đành khuyên họ trở lại nhà, chậm lắm là vài ba hôm nữa, người thân sẽ về. Vậy mà khi tôi ngoái nhìn lại, những chiếc xe con màu trắng vẫn nhắm hướng rừng mà chạy. Ai trong số họ, ngoài nỗi mong gặp người thân còn là niềm háo hức được biết R ở đâu, R là gì?
![]() |
Đường về chiến khu xưa |
Rất tiếc, cho đến bây giờ, những người lính còn phơi phới sức xuân trong chiến tranh nay tóc bạc trắng, các vị lãnh đạo cao cấp, các tướng lĩnh - nhiều người đã mất mà chưa ai công bố vì sao chiến khu C còn gọi là R. Riêng tôi, một người viết báo suốt 10 năm trận mạc cũng chỉ biết đại khái, chữ cái “R” là để gọi tắt danh từ “rừng” - mật danh của chiến khu C.
Sau phong trào đồng khởi 1960, Trung ương Đảng quyết định thành lập lại Trung ương Cục miền Nam, ngày 23/1/1961. Trung ương Cục miền Nam tổ chức thành lập long trọng tại suối Nhum - Mã Đà thuộc chiến khu Đ (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai ngày nay). Đầu năm 1962, căn cứ Trung ương Cục chuyển về Bắc Tây Ninh, vùng Chàng Riệc, hay còn gọi là Rùm Đuôn - Đất Đỏ (bây giờ thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) cho đến ngày 30/4/1975. Trung ương Cục là một bộ phận của Ban chấp hành Trung ương Đảng, chỉ đạo trực tiếp cách mạng miền Nam (sau đó được thu hẹp phạm vi lãnh đạo từ vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ).
Những người đi tìm người thân ở R hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết từ thị xã Tây Ninh, theo tỉnh lộ 4, hay theo con đường Tua Hai đi Cần Đăng đến căn cứ Trung ương Cục chỉ 64km, nhưng nếu đường chim bay thì từ trại lính của sư đoàn 5 quân đội Sài Gòn ở Trảng Lớn (cách thị xã Tây Ninh 5km), Chàng Riệc nằm gọn trong tọa độ pháo 105 li. Trên đỉnh núi Bà Đen, bằng ống nhòm vẫn thấy rõ vệt rừng biên giới - nơi có đầu não của cuộc kháng chiến ở miền Nam. Và họ sẽ ngạc nhiên hơn nếu biết, ngoài một vài lần phải rời căn cứ như trong chiến dịch Junction City “Tìm và diệt” của Mỹ, còn hầu hết thời gian, Trung ương Cục và các cơ quan trực thuộc vẫn đóng ở Rùm Đuôn - Đất Đỏ. Năm 1969, quân Mỹ và quân Cộng hòa đóng chốt một trung đoàn tại Thiện Ngôn, xây dựng cả sân bay ở đây. Vị trí này quả là lợi hại vì gần như là trung tâm giữa vùng chiến khu của ta. Từ đây, chúng có thể dùng pháo 105 li bắn đến bất cứ đâu trong vùng Bắc Tây Ninh, bắn sang Campuchia, và nếu dùng bộ binh càn quét, vào đến căn cứ Trung ương Cục chỉ một buổi lội rừng. Nhưng họ đã phạm một sai lầm chết người: Cứ điểm lọt vào chính giữa vòng vây bốn bề không những các sư đoàn chủ lực mà còn là những tay súng tự vệ của các cơ quan dân chính đảng của “Vici”, do đó đã bị tiêu diệt vào cuối năm 1972.
![]() |
2. Năm 1989, Nhà nước công nhận căn cứ Trung ương Cục, căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng, căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là di tích lịch sử. May mắn thay, sau 19 năm, rừng Tây Ninh còn sót lại trên 30.000 hécta, trong đó có các di tích căn cứ R chỉ bị mất những cây gỗ quý, còn thảm thực vật gần như nguyên vẹn. Sau lễ khởi công trùng tu, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục (ngày 24/12/1992), đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Bí thư Trung ương Cục nhiều năm, trở lại xem xét cách phục chế. Những nhà thiết kế và thợ trẻ, do không có “kiến thức” về chiến tranh, nghĩ rằng những cán bộ cao cấp phải ngủ giường tốt, bàn làm việc phải bằng gỗ xẻ nên đã biến những căn nhà lợp lá trung quân, bốn bề không vách mà bên trong thì trang bị “khá hiện đại”. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã yêu cầu làm sao tất cả phải như vốn đã có, trừ gỗ làm cột nhà và chống hầm chữ A dưới nền mỗi nhà tạm chấp nhận xi măng cốt sắt giả gỗ để chống mối và cũng để không hạ thêm cây rừng đã trở nên rất quý. Rồi lần lượt, căn cứ của Mặt trận Dân tộc giải phóng, của Chính phủ Cách mạng lâm thời được phục chế.
Căn cứ của ba cơ quan quan trọng nhất thuộc R trong một dải rừng mấy chục kilômét đã “sống lại” không những để giữ gìn di tích chiến tranh vệ quốc vô cùng quý giá mà còn trở thành những điểm du lịch lịch sử rất hấp dẫn.
![]() |
Ở Chàng Riệc có một dòng suối mang tên Cô Tiên. Chuyện kể rằng, mỗi chiều muộn, ba cô gái Giải phóng rủ nhau ra suối sau khi đã hoàn tất việc phục vụ cơm nước cho lãnh đạo. Lúc ấy, bầy bồ chao đã thôi cãi vã, chim bắt-cô-trói-cột bắt đầu cất tiếng gọi bạn tình. Ba cô gái trút bỏ y phục, từ từ lội xuống con suối vắt qua căn cứ. Có hôm họ mải mê tắm, mải mê đùa giỡn nên không hay biết có một tổ trinh sát vô tình đi qua. Các chàng trai sững người trước những tấm thân nõn nà mười tám đôi mươi làm dòng suối lấp lánh sáng, làm rừng đại ngàn không chịu tắt những tia nắng cuối cùng trong ngày… Ấy là những ngày giữa mùa mưa năm 1962. Gọi là “những ngày” bởi các trinh sát có mặt đầu tiên ở căn cứ Chàng Riệc lúc ấy chẳng ai nhớ cụ thể là ngày nào, nhưng điều làm họ nhớ như in là từ hôm con suối có diễm phúc đón vào lòng mình những cô gái giải phóng không y phục thì được mang tên suối Cô Tiên, và cũng từ đó nó “thành danh” trên bản đồ quân sự.
Cầu bắc qua suối Cô Tiên đã được phục chế. Ai có nhớ những bước chân nhẹ đến không nỡ làm vỡ vụn lá khô của những cô-tiên-giải-phóng từng bao lần qua đây. Trạm khách - nơi tư lệnh các chiến trường, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy lên báo cáo chờ để được tiếp, bếp Hoàng Cầm khói tỏa vào lòng đất - nơi hôm sớm các cô-tiên-giải-phóng lo bữa ăn cho cán bộ lãnh đạo; hội trường từng diễn ra các cuộc họp quan trọng…, tất cả như còn đây những con người vì nước quên thân. Nhà ở và làm việc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, của Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng còn lưu hơi ấm của người đã đi vào cõi vĩnh hằng. Cây hoa sứ đồng chí Nguyễn Văn Linh trồng bao năm về trước vẫn tỏa hương thanh tao chùm chùm hoa trắng. Cây khế Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trồng đang lúc lắc quả, chắc là do nặng lòng với xứ Huế trưa trưa mẹ nấu nồi canh khế với cá cơm. Hố bom B52 mà đồng chí Võ Văn Kiệt từng nuôi cá vẫn có bầy lòng tong không biết từ đâu đến nhưng vẫn là loài cá của sông nước Cửu Long. Mùa lại mùa, cứ cuối mùa khô, đầu mùa mưa, hoa bằng lăng phơi cái sắc tím thủy chung với rừng vẫn văng vẳng bài ca cổ theo điệu khấp hoàng thiên:
Rừng Nhum có cô Kiều Hạnh
Bời Lời có chị Hai Nê
Suối Ông Hùng có bà Út Chói
Trảng Cỏ có chị Năm Bèo
Đầu bèo nhèo đít láng mướt
Có con mà chưa có chồng…
Địa danh trong bài ca là những điểm tập kết để các cô giao liên anh hùng đưa người vào ra các căn cứ R. Những cô gái Giải phóng ấy, trong những năm 60 của thế kỉ trước, không chờ được chiến tranh kết thúc đã có con mà chưa kịp có chồng. Bài ca thông cảm hay phê phán, các cô gái ấy nay ai còn ai mất…
3. Phía Bắc tỉnh Tây Ninh giữa những năm 1970 bạt ngàn rừng nguyên sinh, nhưng là vô chủ, cộng với chủ trương đưa dân Sài Gòn lên xây dựng “kinh tế mới” và Việt kiều từ Campuchia về, mạnh ai nấy khai phá làm rẫy, bán sang tay, khi những người có trọng trách “tỉnh ra” thì trên 200.000ha rừng chỉ còn lại khoảng 30% chạy dọc khoảng 70km theo biên giới Việt Nam - Campuchia. Hơn 10 năm sau ngày thống nhất đất nước, Chính phủ công nhận vệt rừng còn lại này là rừng đặc dụng, rồi phải chờ thêm 16 năm nữa, phải qua “cấp trung gian” là khu bảo tồn thiên nhiên, tháng 7/2002, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát được thành lập trên địa phận 6 xã của huyện Tân Biên, với tổng diện tích hơn 30.000ha, trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt hơn 10.600ha, phân khu phục hồi sinh thái gần 19.300ha, bao gồm các di tích lịch sử cấp quốc gia kể trên, và trở thành khu du lịch lịch sử - môi trường gắn với bảo tồn thiên nhiên đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách.
![]() |
Có thể khẳng định không có vườn quốc gia nào độc đáo như Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát bởi có sinh cảnh đặc trưng chuyển tiếp giữa Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Với hệ thực vật 696 loài thuộc 5 ngành, 60 bộ, 115 họ và 395 chi, ngoài rừng mưa nhiệt đới xanh lá quanh năm, đặc biệt là những danh mộc như trắc, gõ mật, cẩm lai, dáng hương, sao, trai, dầu, căm xe, vên vên, cà chít của rừng Đông Nam Bộ, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát còn có rừng khộp, tức rừng thưa lá rộng, rụng lá vào mùa khô, chủ yếu là cây họ dầu, không khác gì rừng khộp ở nam cao nguyên Pleiku, hay ở huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk; và quần thể tràm gió đất ngập nước y như ở Đồng Tháp Mười. Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát còn có hệ sinh thái trảng cỏ khoảng 4.000ha với nhiều bàu, trảng xen kẽ rừng già cùng với 20km thượng nguồn sông Vàm Cỏ cung cấp thức ăn, nước uống, nơi ở cho nhiều loại động vật, trong đó có các loại thú lớn, chim nước và chim di cư. Vào mùa khô, dưới tán rừng khộp và giữa những trảng cỏ ấy, lan bạch phượng tua quý hiếm, lan cỏ và nhiều loại hoa dại nở rộ, rập rờn bướm lượn ong bay. Nhiều nhà khoa học gọi Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát là “vườn dược liệu”, bởi có đến 179 loại cây thuốc, quý nhất là nhân trần, võng vang, tổ phượng, bách bệnh, trung quân, kim tiền thảo,…
Động vật ở Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát không thua kém bất cứ vườn quốc gia nào khác, bởi có đến 414 loài. Trong đó có 42 loài thú, quý nhất là khỉ đuôi lợn, voọc chà vá chân đen, cu li nhỏ, trút mà Sách đỏ Việt Nam ghi nhận là “nguy cấp”; 203 loài chim, quý nhất là gà tiền mặt đỏ, gà lôi hồng tía, cao các bụng trắng, hạc cổ trắng, vàng anh đầu đen, tất cả đều phân bố hẹp, nên đủ điều kiện để được công nhận là Vùng chim đặc hữu (Endemic Bird Area) theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Các tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học chim; 88 loài cá, quý nhất là cá cóc thuộc phân họ cá bống, chưa tìm thấy ở nơi nào khác tại Việt Nam; 23 loài lưỡng cư, chủ yếu là ếch nhái với đặc tính trú khô độc đáo; và 58 loài bò sát, quý nhất là rồng đất thuộc họ nhông, gần như sắp tuyệt chủng bởi bị săn bắt làm món “bổ dương”.
Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát có giá trị đa dạng sinh học, giá trị thẩm mĩ cảnh quan, giá trị lịch sử nên rất thích hợp để tổ chức du lịch sinh thái và về nguồn. Vì thế Vườn đã thành lập Trung tâm Giáo dục và Dịch vụ môi trường, mở ra một vùng du lịch trọng điểm ở miền Đông Nam Bộ.