Thu tiền tỉ mỗi năm nhờ vườn cam VietGap
NCT làm kinh tế giỏi 14/11/2023 10:27
Ông Trương Văn Biên bên vườn cam của gia đình |
Dẫn chúng tôi tham quan vườn cam đang bước vào vụ thu hoạch, ông Trương Văn Biên cho biết, trước đây vùng đất này là rừng núi có độ dốc khá cao nên người dân chủ yếu trồng cây lâm nghiệp, một số diện tích thì bỏ hoang. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào cây lâm nghiệp cần chi phí lớn, thiếu đầu ra, giá cả bấp bênh… nên ông đổi cây trồng. Năm 2016, sau thời gian tìm tòi, học tập các mô hình trồng cây ăn trái ở các địa phương lân cận, gia đình ông Biên bắt đầu trồng giống cam Xã Đoài trên diện tích hơn 5ha.
Ông Biên chia sẻ: “Cây cam đòi hỏi vốn đầu tư và chi phí lao động lớn, người trồng cam bên cạnh kinh nghiệm và ứng dụng tốt khoa học kĩ thuật để cho năng suất cao, còn phải nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, tình hình giá cả thị trường để có được lợi nhuận. Tôi trồng cam tuân thủ theo các yêu cầu VietGap từ cách đào hố, bón lót, tỉ lệ lân và phân vi sinh để cây sinh trưởng tốt. Sau một vụ thu hoạch quả cam, trên cây cam tôi phải cắt tỉa cành khô đi, để lại những cành khỏe mạnh để năm sau cây cho quả tiếp và tiếp tục bón thúc phân hữu cơ, tạo điều kiện cho cây bù đắp lại chất dinh dưỡng sau một thời gian dài nuôi quả”.
Cam Vinh đã được nhân rộng ở nhiều địa phương của huyện Yên Thành |
Ông Biên là thành viên của Hợp tác xã cam Đồng Thành được thành lập vào năm 2020. Hiện nay, trang trại cam của gia đình ông đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Cam có mã đẹp, quả ngon, nên giá bán ổn định và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Vụ cam năm 2022, giá bán ổn định ở mức 40.000-50.000 đồng mỗi ki lô gam. Sản lượng thu nhập mỗi vụ từ 100 - 120 tấn, trừ chi phí thu lãi khoảng 2 tỉ đồng.
“Vừa tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động, vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình nên tôi rất vui mừng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cam để phát triển kinh tế”, ông Biên chia sẻ.
Nhận thấy mô hình trồng cam cho tiềm năng kinh tế cao, huyện Yên Thành đã có chủ trương khuyến khích các hộ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cam tiêu chuẩn VietGap. Yên Thành là một trong những địa phương trồng nhiều cam, hiện có gần 300ha, chủ yếu là cam Xã Đoài lòng vàng và đã khẳng định được “thương hiệu” trên thị trường. Trong đó, xã Đồng Thành là địa phương nổi tiếng cam Xã Đoài lòng vàng từ hơn 10 năm nay.
Tháng 10/2019, đặc sản cam "tiến vua" Xã Đoài ở 5 xã: Minh Thành, Trung Thành, Nam Thành, Đồng Thành và Xuân Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng kí chỉ dẫn địa lí cam Vinh.