Bà tôi
Truyện ngắn 13/11/2023 09:01
Ba mươi năm về trước...
- Ba con chuẩn bị đi tết bà - Hai mươi tám tháng Chạp. Nắng cuối Đông từng giọt vàng rải đều trên sân gạch. Giữa sân rộng, cha tôi đang giang rộng hai tay nện phập phập vào chiếc cối đá để giã giò chả. Bên cạnh cha, mẹ đang vuốt vuốt lên từng chiếc lá dong, rồi lẹ làng lường nếp và rải đều nhân thịt và đỗ xanh lên đấy. Ba chị em, mẹ sinh dày cách năm một, cao gần bằng nhau, mỗi người mỗi việc: Chị cả Hiền lau mâm bát, tôi quét dọn nhà trên nhà dưới, còn cái Bình bé nhất nhà thì được “ưu tiên” vào chân sai vặt của mọi người... Đang gói bánh chưng, sực nhớ ra điều hệ trọng, nhìn các con, mẹ bảo- Hai chị em đi tết bà còn lo đường về kẻo tối...
- Cho con đi với - Em Bình tuổi mới lên ba, sà tới bên mẹ, nhăn mặt vòi vĩnh
- Con gái còn bé, chưa được đi... - Cha cau mày ra lệnh.
- Khi mô lớn, cha và mẹ sẽ cho con đi tết bà cùng với các anh chị - Ngừng bàn tay với mấy chiếc lá dong, vít đầu em vào lòng mình, mẹ âu yếm nói nhỏ...
Thành thông lệ của dân xứ Nghệ, năm nay hai chị em tôi thay mặt cả nhà đi tết bà ngoại. Bà ở xã bên kia đường cái quan, hai xã cách nhau bằng hai cánh đồng lúa.
- A, các cháu đã sang... - Bà ngoại chúng tôi chỉ sinh được một mình mẹ tôi. Hai gia đình mỗi bên chỉ độc nhất có một con, làm thông gia với nhau. Bố tôi, hai thân sinh đã mất. Còn bà ngoại thì chồng mất khi bà mới ngoài ba mươi. Sống một mình đơn côi, nên mỗi lần có con cháu về thăm, bà vô cùng mừng rỡ. Thấy chị em tôi, từ trong sân bước ra cổng, bà sà tới gần giang rộng hai tay ôm chầm lấy hai cháu. Đoạn, bà đón con gà trống thiến trên tay chị Hiền và hai cân nếp trên tay tôi. Đặt lễ tết lên bậc thềm, vuốt làn tóc mai nhiều sợi đã bạc sang hai bên cánh tai, bà cười lộ ra hai hàm răng đen nhức - Bố mẹ cháu cứ bày vẽ tết bà đậm ra ni (thế này). Để gà và nếp, bán đi lấy tiền cho các cháu ăn học... Hai cháu học giỏi chớ?
Minh họa Lão Trần |
- Dạ, cả hai đều đạt học sinh tiên tiến xuất sắc ạ! - Chị Hiền lễ phép.
- Học giỏi, bà sẽ có phần thưởng - Chỉ tay ra khoảnh vườn rộng chứa nhiều hồng, bưởi, cam, quýt, chanh, mít...; bà bảo - Hai cháu hái quả giúp bà để đặt lên bàn thờ và cho các cháu đem về nhà nữa... Ngoài ra, cho các cháu ăn thoải mái...
Năm đó, được bà cho phép, hai chị em tôi trèo lên các cây, hái đủ loại quả đưa xuống để chuẩn bị làm mâm ngũ quả cho hai nhà. Sau đấy, hai chúng tôi ăn một bận thả cửa. Từng múi cam, múi bưởi, quả ổi chín mọng và ngọt lịm lần lượt vào dạ dày của hai kẻ thèm khát, háu ăn. Ăn nhiều đến mức no căng bụng, đến bữa cơm tối mặc dầu có nhiều thức ăn bà nấu rất ngon, chúng tôi cũng không thể nào ngốn thêm được miếng nào nữa. Lần đó, do ăn quá no, trời lại đã quá tối, chúng tôi ở lại với bà một đêm. Thương bà quá chừng, được nằm hơi ấm của hai đứa cháu ngoại mà bà cảm thấy như được nằm hai bên thiên thần. Bà nằm giữa hai tay ôm lấy hai cháu, ba bà cháu rỉ rích đến ba giờ sáng mà vẫn chưa chợp mắt.
Bà sống đơn côi. Bà trở thành trung tâm của gia đình tôi.
Đến năm bé Bình lên học vỡ lòng. Tết bà, nó đòi đi bằng được. Cha tôi miễn cưỡng bảo: Đi song cẩn thận kẻo họa! Được cha đồng ý, nhảy cao chân, nó reo lên sung sướng. Lần này tết bà là một cân thịt lợn và hai cân nếp; ba chị em rồng rắn kéo nhau đi. Lên đến đường quốc lộ, nhìn chiếc xe đang chạy, nó ngộ nghĩnh hỏi chị Hiền: Chị ơi, con cua chi mà to rứa chị? Tôi mỉm cười véo vào tai nó: Ngu ơi là ngu, chiếc xe ô tô bốn bánh, nhìn gà hóa cuốc! Đến nhà bà, được bà chiều chuộng, bé Bình tót ngay lên cây cam hái quả. Không may cành bị gãy, nó rơi tuột xuống gốc, sưng chân. Ôm chầm lấy cháu, mặt bà xanh xám, toàn thân run lên bần bật. Tá hỏa, bà chạy đi, một lúc sau đem về một ông thầy lang người trong xã. May nhờ ông thầy lang, nếu không năm đó, gia đình tôi suýt mất tết. Hú vía!
Đầu năm sau, chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lan ra toàn quốc. Đang còn độ tuổi nghĩa vụ quân sự, cha chúng tôi tòng quân ra trận đáp lời kêu gọi của non sông đất nước. Trước lúc ra đi, ôm từng người con, cha dặn dò cẩn trọng. Ba chúng tôi tiễn cha ra đến đường làng. Riêng mẹ, không dám nhìn chồng, chỉ đứng bên bức vách gạt lệ. Vắng cha, cái cột chống cho cả nhà; bốn mẹ con quấn quý bên nhau đỡ đần nhau vượt qua những tháng ngày chiến tranh. Ngày ngày mẹ tay cày tay trâu, nuôi gà nuôi lợn làm đúng phận sự một người vợ đảm. Ba chị em tôi, mỗi ngày một buổi đến trường, một buổi chăn trâu cắt cỏ, cơm nước đỡ đần mẹ... Nhưng đến đầu năm 1968, tai họa đến với cả nhà: Nhận được giấy báo tử cha hi sinh ỏ chiến trường miền Nam! Những ngày đầu thật tang thương, chúng tôi đều bỏ học. Nhưng không thể để tình cảnh vô vọng này kéo dài, mẹ là người đầu tiên đứng dậy! Gạt nước mắt, mẹ bảo: Cha các con hi sinh vì đất nước, các con hãy làm đúng phận sự của mình, sống xứng đáng con của một liệt sĩ anh hùng. Bốn mẹ con lại tiếp tục ai “phận sự” nấy như lời động viên của mẹ. Nhưng, 1968, một năm qúa ác nghiệt với gia đình tôi. Bước sang đầu tháng 12 âm lịch, nửa đêm ba chiếc F105 xuất hiện, trong tiếng ì ầm pháo sáng đỏ bừng trời. Nghe tiếng máy bay, mẹ đánh thức các con dậy. Ba chúng tôi vừa vào hầm, một quả bom nổ đúng vào nhà. Mẹ vào mới được nửa thân. Hai mảnh bom cắt đúng vào hai bắp chân mẹ. Chỉ nghe mẹ “ứ” lên một tiếng, mặc máy bay gầm rú, chị Hiền và tôi trườn ra khỏi hầm. Trong ánh pháo sáng, hai cặp mắt hoa lên khi nhìn thấy hai bắp đùi mẹ bị bom cắt cụt ngủn, máu ra lênh láng! “Mẹ ơi!” ôm lấy mẹ, chúng tôi kêu thét lên! Trong cơn hấp hối, mẹ nói lời cuối cùng: Các con... con... về ở với bà ngoại...!
Từ đấy, chúng tôi thêm một gánh nặng cho bà. Toàn bộ gia cơ bị bom phá, cháy trụi hết. Chỉ trơ lại nền nhà và mảnh vườn xác xơ khét lẹt. Ở được mấy hôm với gia đình bác tộc trưởng trong họ, nhớ lời trăng trối của mẹ và chiểu theo yêu cầu của bà, chúng tôi theo về bên Ngoại ở. Những năm tháng chồng chất gian khó. Bà ngày một già yếu, không thể ra đồng làm ruộng. Chỉ trông chờ vào mảnh vườn hoa quả. Làm gì đây để nuôi đàn cháu ăn học? Khổ nhất là buổi đầu mới về nhà bà. Cái Bình xưa nay luôn sống cạnh mẹ. Giờ đây, đêm nằm vắng mùi mẹ, nửa đêm nó kêu gào: “Mẹ ơi! Mẹ ơi! Về với con!”. Dỗ mãi vẫn không nín. Buộc lòng chị Hiền phải cõng nó lên lưng cùng với bà và tôi đưa nó ra ngõ vờ tìm mẹ.
Chỉ trông vào vườn hoa quả và nuôi lợn gà vẫn không đủ để nuôi sống cả nhà và mấy cháu ăn học; bà phải chạy vạy làm các nghề phụ khác nữa: Đi bắt cua đồng, bắt ốc đưa ra chợ bán. Thấy vậy, thương bà, chị Hiền và tôi cũng theo bà tập bắt cua và ốc. Chợ quê gần nhà, hai ngày một phiên, bà đưa “hàng” ra ngồi bán. Có lần, trưa không thấy bà về, tôi ba chân bốn cẳng chạy ra chợ. Bên gốc lều, bà ngồi cạnh một rổ đầy cua. Người xanh xao, tay nổi gân xanh, bà đang ngồi ngáp, mắt nhớn nhác nhìn mong người đến mua; thương tâm quá, tôi khe khẽ ngồi xuống bên bà, nước mắt vòng quanh mi. Hôm sau nữa lại đến lượt em Bình. Đã mười hai giờ trưa, không thấy em về, chị Hiền và tôi cũng chạy ra chợ. Chao ôi, bên hàng bánh đúc, em Bình ngồi xo ro với rổ ốc nhồi, mặt ruồi bâu đầy mắt. Không cầm nổi sự thương cảm, chị Hiền liền ngồi thụp xuống ôm lấy cổ em. Đến lượt chị Hiền. Trời đã trưa, hàng đang ế, thì có một thanh niên đến mua cả rổ. Chị đòi bao nhiêu, anh trả bấy nhiêu, không kì kèo. Chị tôi mừng rơn. Thì ra, anh chàng này là một kĩ sư nông nghiệp, công tác ở sở, bị sắc đẹp chinh phục, người sau này là chồng chị. Tình nảy nở trong đời cua ốc, hoạn nạn có nhau ở chốn quê nghèo!
Đất miền Trung hạn và lũ thay nhau hoành hành. Đói rét triền miên. Nhờ bà chạy vạy, lo bận cơm bận cháo, có nhiều bận phải ăn cua đồng cặp với lá lộc vừng và rau má. Khó khăn thế, mà ba chị em còn dành dụm tiền để mua được một cân nếp để đúng ngày tết bà. Đón nhận cân nếp giữa trùng vây khó khăn, xúc động, bà tôi nghẹn ngào chỉ biết ôm lấy ba cháu. Năm tháng qua mau. Ba chị em tôi vẫn học hết lớp này sang lớp khác. Tốt nghiệp cấp II, chị Hiền tự nguyện nghỉ học, dành tất cả tương lai cho hai em. Rồi tôi thi đậu vào đại học. Bốn năm sau, tiếp đến em Hiền. Tôi Sư phạm. Em Bình Ngoại ngữ. Tiền ăn học, bao thứ tốn kém đều nhờ vào bàn tay bà và vợ chồng chị Hiền. Trường ở gần nhau, hai anh em tôi nguyện học thật giỏi để đền đáp nguyện vọng của bà và chị. Hình ảnh bà và chị luôn hiện lên trước mắt thúc giục chúng tôi hãy cố gắng lên hơn nữa...
Tám năm sau. Lần lượt tôi rồi đến em Bình đều tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc. Cả hai đều được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Tôi đã lớn tuổi, rồi em Bình cũng lớn tuổi. Cả hai anh em đều chung một ý nghĩ: Chưa vội xây dựng gia đình, dùng lương hàng tháng để giúp bà và chị ở quê. Ở quê bà đã lên tuổi chín mươi, ốm đau thường xuyên. May nhờ chị lấy chồng - anh là con thầy lang trong xã, là người mua cua liền cả rổ ngày ấy- ở rể chung nhà với bà. Không có bà và chị, chắc chắn chúng tôi không có sự tốt đẹp của ngày hôm nay.
«Bà đã đỡ, các em đừng quá lo». Vừa đúng ngày 16 tháng 12 âm lịch, tôi và em Bình, sắp chuẩn bị lên đường về quê thì nhận được tin thứ hai của chị Hiền báo tin bà đã đỡ. Vững tin, hai anh em mừng rỡ. Chắc chắn về lần này sẽ gặp bà, hai anh em tôi đã chuẩn bị những thứ để về tết người mình kính yêu: Một bộ quần áo ấm siêu nhẹ, hai hộp mứt, kẹo đủ loại, hai chai rượu... Phải có cái tết bà thật sang, ngoài ra còn có quà và tiền cho vợ chồng chị Hiền nữa. Ngồi trên xe khách liên tỉnh Giáp Bát- Miền Trung, mong bà mau chóng bình phục, lòng hai em vui mừng khôn tả. Vui mừng thêm khi trong tiếng xe chạy êm, tiếng em Bình, ghé tai tôi thầm thì: Sau tết em sẽ được sang nước Anh nghiên cứu sinh. Xe đã chạy nhanh nhưng hai anh em muốn xe chạy nhanh hơn nữa để mau chóng được gặp bà!.