Vụ kiện chia tài sản thừa kế số nhà 28 Hàng Vôi, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội: Trả nhà đất cho ai, “góc khuất” cần làm sáng tỏ?
Pháp luật - Bạn đọc 17/11/2020 10:17
Tài sản của ông bà hay bố mẹ!?
Kéo dài gần 10 năm, qua nhiều phiên tòa xét xử, với nhiều bản án bị hủy phải xử đi xử lại, vụ kiện chia tài sản thừa kế tại số nhà 28 Hàng Vôi vừa được đưa ra xét xử lại vào ngày 16/9 và ngày 6/10/2020. TAND TP Hà Nội đưa ra phán quyết, nguyên đơn bà Hoàng Kim Anh chưa đủ điều kiện chứng minh khối tài sản là của cụ Hoàng Cơ Quảng và cụ Vũ Thị Tám (bố mẹ của nguyên đơn và bị đơn), để chia thừa kế theo đơn khởi kiện. Tòa giao cho bị đơn (ông Hoàng Kim Đồng) có trách nhiệm làm thủ tục để hợp thức thành nhà đất của con cháu cụ Hoàng Huân Trung (ông nội của nguyên đơn và bị đơn).
Báo cáo số 51 của Thanh tra Nhà nước năm 2000 và Văn bản số 1855 của Thanh tra Chính phủ năm 2017 có nội dung vênh nhau về đối tượng trả nhà số 28 Hàng Vôi. |
Tranh tụng tại tòa, nguyên đơn, chứng minh nguồn gốc nhà 28 Hàng Vôi là của cụ Hoàng Huân Trung (bố đẻ của cụ Hoàng Cơ Quảng). Sau ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), chủ quản lí ngôi nhà số 28 Hàng Vôi có sự chuyển dịch. Ngày 31/1/1958, Sở Nhà cửa - Trước bạ Hà Nội cấp Giấy chứng nhận số 261/NC/QL chứng nhận quyền quản lí nhà, tài sản vắng chủ cho cụ Hoàng Cơ Quảng. Ngày 19/7/1959, Sở Nhà đất-Trước bạ có Công văn số 811 chấp nhận đề nghị của cụ Quảng, tiếp nhận quản lí nhà số 28 Hàng Vôi và sau đó cho 8 hộ dân thuê ở, trong đó có hộ của cụ Quảng thuê 65,7m2 ở tầng 2 ngôi nhà này. Báo cáo số 51/TTNN-XKT ngày 20/1/2000 của Thanh tra Nhà nước giải quyết việc đòi lại toàn bộ nhà 28 Hàng Vôi của cụ Hoàng Cơ Quảng (sau khi cụ Quảng chết thì vợ là cụ Vũ Thị Tám tiếp tục đứng tên đòi tài sản là ngôi nhà), chỉ đề cập đến việc cụ Quảng là cán bộ quân đội đi kháng chiến chưa được cấp nhà hoặc giao đất ở, nên vận dụng điểm 2, Văn bản số 92-QLN ngày 4/8/1982 của Bộ Xây dựng kiến nghị:“Giao cho UBND TP Hà Nội ra quyết định giải quyết khiếu nại của gia đình bà Tám theo thẩm quyền mà pháp luật quy định, theo hướng đề xuất giao cho gia đình bà Tám một diện tích đất nơi khác, có vị trí thuận lợi, diện tích theo quy định của thành phố, không thu tiền đất và hỗ trợ một phần kinh phí để gia đình bà Tám làm nhà trên diện tích đất được giao”.
Nhà 28 Hàng Vôi cần làm rõ trả nhà cho đối tượng nào |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ tại Văn bản số 2039/VPCP-VII ngày 24/5/2000, ngày 18/1/2005, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 447/QĐ-UB giao 360m2 đất tại số 2-4 Đội Nhân cho gia đình cụ Vũ Thị Tám. Ngày 24/8/2009, Xí nghiệp Quản lí và Phát triển nhà số 3 đã kí biên bản làm việc nêu rõ: “Kể từ ngày 24/8/2009 diện tích trên (65,7m2) tại tầng 1+2 nhà 28 Hàng Vôi thuộc sở hữu tư nhân của gia đình bà Tám. Gia đình liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục cấp sổ sở hữu…”. Ngoài ra, UBND TP Hà Nội còn quyết định hỗ trợ 645 triệu đồng cho hộ cụ Tám liên quan đến nhà số 28 Hàng Vôi. Do đó, khối tài sản trên là của cụ Hoàng Cơ Quảng và cụ Vũ Thị Tám. Hiện khối tài sản này do ông Hoàng Kim Đồng (con trai cụ Quảng và cụ Tám) đang chiếm giữ, do đó bà Hoàng Kim Anh đã khởi kiện ra tòa đề nghị chia khối tài sản của cụ Quảng và cụ Tám để lại cho 4 đồng thừa kế là: Bà Hoàng Kim Anh, ông Hoàng Kim Đồng, bà Hoàng Phương Đông và bà Hoàng Phương Hạnh, theo quy định của pháp luật. Chứng cứ là vậy, tuy nhiên HĐXX đã tuyên, nguyên đơn không đủ căn cứ chứng minh khối tài sản trên là của cụ Quảng và cụ Tám. HĐXX căn cứ Văn bản số 1855/TTCP-C.I ngày 26/7/2017, Thanh tra Chính phủ trả lời đơn của ông Hoàng Kim Đồng đề nghị làm rõ nội dung báo cáo số 51, nêu rõ: “Việc Nhà nước trả nhà số 28 Hàng Vôi cho gia đình ông Hoàng Cơ Quảng, nguyên là tài sản của cụ Hoàng Huân Trung, Nguyễn Thị Nhân và cụ Vũ Thị Trúc. Đó là tài sản chung của tất cả các con, cháu của các cụ; mọi phát sinh về quyền lợi hay chuyển dịch tài sản được thực hiện theo pháp luật về thừa kế”.
“Góc khuất” trả nhà đất và đền bù tiền nhà số 28 Hàng Vôi
Qua phiên tòa “Góc khuất” của việc trả nhà đất hỗ trợ tiền cho nhà số 28 Hàng Vôi được hé lộ. Câu hỏi đặt ra là, trả nhà cho cụ Hoàng Cơ Quảng, cán bộ quân đội đi kháng chiến chưa được cấp nhà, người đứng đơn đòi lại nhà số 28 Hàng Vôi, theo căn cứ Báo cáo số 51 của Thanh tra Nhà nước, hay trả nhà cho các đối tượng thừa kế của cụ Hoàng Huân Trung theo Văn bản số 1855, những người không đòi nhà số 28 Hàng Vôi? Theo đó, 12/14 đồng thừa kế của cụ Trung là những phần tử chính trị đối lập, phản cách mạng như: Ông Hoàng Cơ Minh, Chuẩn tướng Phó Đô đốc Hải quân Sài Gòn, Chủ tịch Đảng Việt Tân, người cầm đầu vụ án Đông Tiến đưa biệt kích từ nước ngoài xâm nhập Việt Nam; Ông Hoàng Cơ Bình, đứng đầu một đảng phái chính trị của Chính quyền Sài Gòn; Ông Hoàng Cơ Nghị, Tổng trưởng Ngoại giao Chính quyền Sài Gòn và một số người khác bất đồng chính trị di cư ra nước ngoài… Nếu nội dung của Văn bản số 1855/TTCP-C.I là đúng, thì phải xem lại Báo cáo số 51 của Thanh tra Nhà nước vì đã đưa tên cụ Quảng, cán bộ cách mạng để được trả nhà đất, che giấu cho phía sau là nhà đất của các đồng thừa kế là đối tượng có nợ máu, phản cách mạng. Từ năm 1954 đến nay, chưa có chính sách nào của Nhà nước đền bù, trả nhà đất cho các phần tử phản cách mạng chạy ra nước ngoài, như trường hợp của một số người con của cụ Hoàng Huân Trung.