Viện KSND TP Hà Nội quyết định kháng nghị bản án
Pháp luật - Bạn đọc 28/11/2023 07:13
Năm 1992, vợ chồng ông Từ, bà Yến mua đất của ông Toàn, bà Xuân với giấy tờ mua bán được viết tay ở 2 thời điểm khác nhau (cách nhau 2 năm) đều khẳng định không bán ngõ đi. Nhưng ở trang 2 “Đơn xin mua bán nhà” ông Từ sau này đã “tự” vẽ hình thửa và điền kích thước các cạnh thửa nên không có chữ kí của ông Toàn, bà Xuân. Theo ông Toàn: Sau khi mua đất năm 1992, gia đình bà Yến, ông Từ tiến hành xây dựng căn nhà hiện nay, thời điểm đó ông Toàn đang ở bộ đội đóng quân tại miền Nam, vợ con không để ý việc gia đình ông Từ xây dựng. Cuối năm 1992, khi nghỉ phép, ông Toàn phát hiện ông Từ đã xây đè lên phần chân móng bức tường phía Tây, tường nhà ông Từ chui dưới phần ban công căn nhà mình. Ông Từ có đề cập việc xây dựng “đã nhỡ”, mong được thông cảm, sau này có điều kiện xây mới sẽ khắc phục. Năm 1995 - 1996, ông Từ tiếp tục thông báo việc làm mái tôn chống nóng, để tránh nước chảy vào khe tường giữa hai nhà, gia đình ông Toàn cũng đồng ý cho nhà ông Từ nhờ để mái tôn chùm sang phần mái bê tông nhà mình.
Dấu hiệu diện tích nhà của gia đình ông Toàn bị lấn. |
Ông Toàn khẳng định, căn nhà của ông được xây dựng từ năm 1983 (nay vẫn còn nguyên hiện trạng). Quyền sử dụng đất của gia đình ông được xác định từ phần mái (giáp ranh) đua ra trên tầng 2 kéo thẳng xuống phần mép móng nhà phía dưới, ngay trong giấy tờ mua bán không thể hiện đất ông Toàn đã bán cho gia đình ông Từ, bà Yến. Tuy nhiên, UBND thành phố đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho ông Từ, bà Yến, cho dù trước đó vợ chồng ông Từ, bà Yến đã thừa nhận việc lấn chiếm thể hiện tại các biên bản hòa giải 2008, 2020. Do ông Từ, bà Yến không thực hiện, buộc ông Toàn, bà Xuân phải khởi kiện ra Tòa.
Hơn 2 năm khởi kiện, sau nhiều lần trì hoãn đến ngày 25/9/2023, TAND TP Hà Nội mới đưa ra xét xử và ban hành Bản án số: 94/2023/DS-ST ngày 27/9/2023 tuyên: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; Chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn: Buộc bà Xuân, ông Toàn phải hoàn trả cho ông Từ, bà Yến 1,343m2 (rộng 0,17m, dài 7,9m) chạy dọc theo phần tiếp giáp giữa hai thửa đất của hai gia đình theo chiều thẳng đứng từ trên xuống dưới; Buộc gia đình bà Xuân, ông Toàn phải phá dỡ toàn bộ phần diện tích công trình đang lấn chiếm và hoàn trả đầy đủ khoảng không gian trên phần đất thuộc quyền sử dụng của gia đình ông bà, xác nhận ngõ đi là ngõ đi riêng của gia đình ông Từ, bà Yến.
Liên quan đến vụ việc, luật sư Hoàng Quang Hợp, Công ty Luật Khôi Việt, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Bản án dân sự sơ thẩm số: 94/2023/DS-ST ngày 27/9/2023 của TAND TP Hà Nội có dấu hiệu vi phạm Bộ luât Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015. Cụ thể: Không có quyết định phân công Hội thẩm Nhân dân và Kiểm sát viên; “Xác minh, thu thập chứng cứ” Tòa nhận Hồ sơ cấp GCN của Văn phòng Đăng kí đất đai từ 17/5/2023 nhưng đến 25/9/2023 mới cung cấp cho các đương sự... Về xem xét đánh giá chứng cứ vụ án thiếu khách quan, toàn diện, thu thập tài liệu không đầy đủ; suy đoán theo hướng có lợi cho bị đơn, ảnh hưởng nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.
Không đồng tình với bản án, Viện KSND TP Hà Nội đã kháng nghị. Theo Quyết định kháng nghị phúc thẩm số: 16/QĐ-VKS-DS ngày 12/10/2023 của Viện KSND TP Hà Nội thì Tòa án cấp sơ thẩm chưa đánh giá đúng và đầy đủ các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ. Cụ thể:
Về xác định người tham gia tố tụng, theo lời khai của ông Toàn, bà Xuân có trong hồ sơ thì hiện trên đất có vợ chồng ông bà cùng con trai là anh Hường, con dâu là chị Phương và các cháu nội là Nghĩa, Linh, Kiên đang sinh sống. Tuy nhiên khi giải quyết vụ án, Tòa án chỉ xác định anh Hường là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không đưa đầy đủ những người sinh sống trên diện tích đất tranh chấp vào tham gia tố tụng là thiếu sót.
Về việc đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật:
- Đối với tranh chấp khoảng 2m2 (rộng 25cm, dài 7,9m) nằm giữa phần nhà ông Toàn và nhà ông Từ. Theo “Đơn xin mua bán nhà” năm 1992 có xác nhận của UBND phường Cống Vị, tại mặt trước của đơn có đủ chữ kí của 2 bên thể hiện diện tích chuyển nhượng gồm nhà mái bằng 22m2 và công trình phụ 5m2; sơ đồ tại mặt sau của Đơn không có chữ kí của ông Toàn, bà Xuân, chỉ đề kích thước các cạnh, không đề diện tích; nếu tính diện tích theo số đo các cạnh thì nhà mái bằng là 26,46m2, công trình phụ là 6m2 nên không phù hợp về diện tích với mặt trước. Quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đều thừa nhận nhà ông Toàn, bà Xuân đã xây nhà 2 tầng trước khi bán đất, công trình có phần ban công vươn ra khoảng không rộng 0,25m cả 3 mặt của ngôi nhà, trong đó có mặt bán cho nhà ông Từ. Ông Từ xây sau nhà bà Xuân và xây cả vào khoảng không gian dưới ban công nhà bà Xuân. Do vậy, phần tầng 2 nhà ông Từ phải xây thụt vào để tránh ban công nhà bà Xuân.
Ông Đinh Xuân Toàn |
Theo quy định tại Điều 272 - BLDS 1995 thì “Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu công trình phải tuân theo pháp luật về xây dựng… không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh”. Nhà ông Từ xây sau nhưng không có sự thỏa thuận với nhà ông Toàn, bà Xuân về xử lí phần ban công, không chừa lại phần đất có ban công cho nhà ông Toàn, bà Xuân là xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bất động sản liền kề. Bà Xuân, ông Toàn khởi kiện yêu cầu xác định diện tích tranh chấp này của gia đình nhà ông bà là có cơ sở để chấp nhận. Án sơ thẩm bác yêu cầu này của ông Toàn, bà Xuân là thiếu căn cứ. Đối với phần ngõ chung 6,4m2 hiện đang nằm trong GCN của vợ chồng ông Từ, bà Yến: Theo “Đơn xin mua bán nhà” năm 1992 có xác nhận của UBND phường Cống Vị thì phần diện tích gia đình ông Toàn bán cho ông Từ không có lối đi. Tuy nhiên, các bên thừa nhận lối đi do ông Toàn bớt đất nhà ông để tạo thành lối đi. Hồ sơ cấp GCN cho ông Từ không có Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất có chữ kí xác nhận của các hộ giáp ranh. Không có tài liệu nào thể hiện gia đình ông Toàn, bà Xuân nhất trí với việc gia đình ông Từ tự kê khai diện tích đất này là lối đi riêng. Ông Toàn, bà Xuân yêu cầu xác định diện tích này là lối đi chung là có cơ sở.
Đối với phần diện tích tấm đan do ông Từ, bà Yến xây dựng có diện tích 9,4cm gác lên tường nhà ông Toàn, bà Xuân: Quá trình giải quyết vụ án, phía ông Từ, bà Yến xác nhận phần diện tích này không nằm trong diện tích mua bán, do gia đình ông bà gác nhờ lên tường nhà ông Toàn, bà Xuân nên đồng ý trả lại gia đình ông Toàn, bà Xuân. Tuy nhiên bản án sơ thẩm cũng bác yêu cầu này của ông Toàn, bà Xuân là không phù hợp thực tế.
Đối với yêu cầu hủy sổ đỏ cấp cho vợ chồng ông Từ, bà Yến: Theo “Đơn xin mua bán nhà” có xác nhận của UBND phường Cống Vị thì sơ đồ ở mặt sau đơn không thể hiện có lối đi riêng vào thửa đất. Theo hồ sơ cấp GCN cho ông Từ không có Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất có xác nhận của các hộ giáp ranh; Biên bản họp Hội đồng đăng kí nhà ở, đất ở phường Cống Vị về việc phân loại Hồ sơ đăng kí của các chủ sử dụng trên địa bàn phường không có kết luận của Hội đồng nên xác định hồ sơ không đúng trình tự theo quy định. Do hai bên mua bán không thể hiện có lối đi, trình tự cấp GCN cho gia đình ông Từ không đúng quy định, nên việc UBND TP Hà Nội cấp GCN cho gia đình ông Từ, bà Yến là không đúng cả trình tự và hình thể thửa đất. Việc nguyên đơn yêu cầu hủy GCN của gia đình ông Từ là có cơ sở. Án sơ thẩm bác yêu cầu của nguyên đơn về vấn đề này là không có căn cứ.
Vì các lẽ trên, Viện KSND TP Hà Nội Quyết định kháng nghị đối với Bản án số 94/2023/DS-ST ngày 27/9/2023 của TAND Hà Nội theo thủ tục phúc thẩm, đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm.