Cần xử lí khách quan, minh bạch, đúng pháp luật

Pháp luật - Bạn đọc 31/03/2025 17:07
Đơn của cụ Dọn cho biết: Cụ đứng tên chủ quyền nhà, đất (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: 17717 cấp ngày 19/7/2023 có 1339,3m2, thửa số: 1568, tờ bản đồ số 9, ở phường Hòa Lợi, TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương).
Bà Nguyễn Thị Hòa (con gái út sống với cụ Dọn tại nhà đất trên), nên cụ Dọn bàn với bà Hòa, muốn xây dựng nhà thờ cúng ông bà, cũng là nơi cụ ở đến cuối đời. Ngày 8/8/2023, trong khi cụ Dọn bị bệnh, bà Hòa nói cụ kí Hợp đồng ủy quyền nhà đất, để bà Hòa làm thủ tục đi vay ngân hàng. Cụ Dọn kí các giấy tờ mà không đọc nội dung; và kí tại nhà chứ không có công chứng, chứng thực.
![]() |
Văn bản số: 1427-CV/UBKTTU của UBKT Tỉnh ủy Bình Dương trả lời cụ Dọn và phiếu hướng dẫn số: 627/HD-VPCQCSĐT của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Dương. |
Sau đó, bà Hòa sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xin cấp phép xây dựng, và được UBND TP Bến Cát cấp Giấy phép xây dựng số 940/GPXD ngày 19/9/2024. Khi xây xong nhà, bà Hòa hắt hủi, đuổi cụ Dọn, vì cho rằng nhà, đất là của bà Hòa, do cụ Dọn kí Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất tại Văn phòng Công chứng Võ Văn Nhân ngày 8/8/2023.
Cụ Dọn khẳng định, việc tặng cho tài sản chỉ là giả cách vì cụ cần tiền xây dựng nhà mới để có nơi thờ cúng ông bà, tổ tiên nên phải vay ngân hàng và người con gái mới đủ điều kiện vay. Và, ý nguyện của cụ là sau khi xây nhà thờ thì bản thân vẫn sinh sống trong căn nhà trên và bà Hòa phải phụng dưỡng. “Tôi không thể dùng tài sản tích góp cả đời để tặng cho Hòa, để rồi tôi phải ra đường sống”, đơn của cụ Dọn viết.
Theo quy định của pháp luật, giao dịch dân sự phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực tại Điều 117, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì mới phát sinh quyền và nghĩa vụ. Nếu cụ Dọn tặng cho tài sản cho con nhằm mục đích vay tiền xây nhà thờ vì cụ đã già nên không thể đứng hợp đồng vay và thế chấp tài sản, thì Hợp đồng trên có dấu hiệu giả cách. Việc tặng cho tài sản cũng không phải ý chí tự nguyện của cụ. Ngoài ra, hành vi của người được tặng cho có dấu hiệu trái đạo đức xã hội. Mặt khác, Hợp đồng được công chứng, nhưng thời điểm kí cụ Dọn không có mặt tại Văn phòng công chứng theo quy định. Giao dịch có dấu hiệu không đáp ứng các điều kiện tại điểm b, Khoản 1, Điều 117, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện.
Liên quan việc công chứng hợp đồng tặng cho, cụ Dọn có đơn tố cáo gửi: Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương, Công an tỉnh Bình Dương, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Dương; và có đơn khởi kiện ra TAND TP Bến Cát yêu cầu tuyên hủy hợp đồng tặng cho tài sản đối với bà Hòa.
Thực hiện Điều 5 Luật Người cao tuổi năm 2009, Tạp chí Người cao tuổi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ở tỉnh Bình Dương, và TAND TP Bến Cát giải quyết nguyện vọng của người cao tuổi là cụ Lê Thị Dọn; thông báo kết quả để Tạp chí trả lời người cao tuổi và bạn đọc theo quy định.
Đơn thư và tài liệu gửi về tòa soạn đề nghị ghi rõ địa chỉ và điện thoại liên lạc. Đơn thư và tài liệu không sử dụng tòa soạn không trả lại. Bạn đọc gửi tin bài theo hộp thư điện tử: phapluatbandocbnct@gmail.com Quý vị theo dõi thông tin qua nhịp cầu bạn đọc đăng trên Tạp chí Người cao tuổi. |