Tăng cường các giải pháp đẩy lùi “tín dụng đen”

Pháp luật - Bạn đọc 19/02/2025 09:38
Vì “vướng” vào câu chuyện “hành lang cây xanh”, dự án “Đại học Quốc gia (ĐHQG)”, nên 101ha đất (với 1.836 thửa) mà bà con là cán bộ, nhân viên(cũ) của Nông trường 1A (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất) đã làm nhà và sinh sống yên ổn hơn 40 năm nay vẫn chưa được cấp… GCNQSDĐ.
Điều này đã làm khổ đông đảo bà con từ lúc trẻ trung cho tới lúc già, nhiều người đã chết mà “giấc mơ GCNQSDĐ” của họ vẫn còn dang dở. Bởi “ý tưởng” về cái gọi là “hành lang xanh” được đem ra bàn thảo từ mấy chục năm rồi. Từ bấy đến nay, hầu như chưa ai biết đến một động thái nào nói về việc xúc tiến xây dựng hoặc cụ thể hoá ý tưởng trên như thế nào. Ai lập kế hoạch chi tiết, giao cho đơn vị nào làm, dự án có tiến độ ra sao, có cây nào được trồng chưa? Đây là những trăn trở, than thở đến xé lòng của rất nhiều người cao tuổi - vốn là công nhân Nông trường 1A (đã nghỉ hưu) mỗi khi kí và cùng gửi đơn tập thể đến các cấp có thẩm quyền.
![]() |
Nhiều người cao tuổi làm nhà và sinh sống trong khu vực đất Nông trường 1A còn phải đợi chờ được cấp GCNQSDĐ kéo dài đến bao giờ? |
Cụ Vũ Thị Xế, 82 tuổi, nguyên là công nhân Nông trường 1A (bà Xế là vợ liệt sĩ), trú tại xã Thạch Hòa cho biết, Nông trường 1A được thành lập tháng 7/1981, tiếp quản từ Đoàn sản xuất 809, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng. Bà Xế thuộc lớp công nhân đầu tiên làm việc tại Nông trường 1A từ năm 1981 cho đến khi nghỉ hưu.
Cụ Xế cho biết: “Thời kì đầu, xuất phát từ thực tế “đất nhiều người ít”, bắt buộc mỗi công nhân phải nhận và hoàn thành vài héc ta đất. Thậm chí, chúng tôi không làm xuể phải huy động người thân từ quê tới đây để hỗ trợ làm giúp mới hoàn thành nhiệm vụ được giao.Và để yên tâm công tác cho chúng tôi, lãnh đạo Nông trường khuyến khích công nhân nhận khoán vườn và cấp đất làm nhà ở lâu dài. Tất cả đều có văn bản xin và quyết định được phép cấp đất của cấp trên. Lệ phí cấp đất ở của chúng tôi là 30 nghìn đồng, có danh sách cụ thể do chị Chu Thị Tuyết, thủ quỹ Nông trường thu giữ”.
Suốt mấy chục năm sinh sống trên diện tích đất 101ha đất Nông trường 1A cấp (bàn giao về huyện Thạch Thất quản lí từ 2013), đến nay hàng trăm lần các hộ dân gửi kiến nghị lên cấp có thẩm quyền nhưng đều chưa được xem xét, giải quyết dứt điểm để cấp GCNQSDĐ. Vì sao như vậy?
Một người cao tuổi khác, bà Cao Thị Thanh, có nhiều năm làm Trưởng thôn và Bí thư Chi bộ than thở: “Hành lang cây xanh cho ĐHQG Hà Nội đâu chả thấy, chỉ thấy tôi, gia đình tôi, cả khu vực này héo hon vì khổ, vì vô vọng chờ cấp GCNQSDĐ.Trong khuôn viên ĐHQG, số cây xanh, số diện tích để làm không gian xanh đã khổng lồ rồi. Quan trọng hơn, cơ quan chức năng đã có văn bản “bàn giao” đất được quy hoạch làm ĐHQG, nay không dùng đến, trả lại cho huyện Thạch Thất quản lí. Vậy, nếu là hành lang cây xanh của ĐHQG, thì nay đất “dự án” ấy cũng đã… “bàn giao cho huyện quản lí” rồi. Và ĐHQG đã quá xanh rồi”.
![]() |
Khu vực dân cư thuộc đất Nông trường 1A cũ mà người dân làm nhà và sinh sống hơn 40 năm nay. |
Minh chứng cho điều trên là Quyết định số 4672/QĐ-UBND năm 2013 của UBND TP Hà Nội do ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kí, về việc thu hồi 1.010.799m2 (101ha) đất tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất do ĐHQG đang quản lí, nằm ngoài quy hoạch ĐHQG; giao cho UBND huyện Thạch Thất quản lí nguyên trạng, chống lấn chiếm để quy hoạch thành khu cây xanh gắn với khuôn viên quy hoạch xây dựng ĐHQG Hà Nội.
Có thể thấy, 101ha trên được “đưa ra ý tưởng” sẽ quy hoạch thành “khu cây xanh gắn với khuôn viên quy hoạch xây dựng ĐHQG Hà Nội”.
Quyết địnhsố: 4672/QĐ-UBND còn nói rõ: 1.010.799m2 đất tại xã Thạch Hòa kể trên là có nguồn gốc là đất của Nông trường 1A trước đây, hiện do ĐHQG quản lí, nằm ngoài quy hoạch ĐHQG Hà Nội.
Năm 2020, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có kết luận về việc rà soát, thống kê, cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân đủ điều kiện của Nông trường 1A cũ ở xã Thạch Hoà. Trong cuộc họp, có gần như đầy đủ các Sở, ngành của TP Hà Nội, đủ Bí thư, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất. Sau đó, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có Thông báo về nội dung trên.
Tiếp theo, tháng 10/2020, UBND huyện Thạch Thất có Văn bản số: 1944/UBND - TNMT về việc “rà soát, tổng hợp báo cáo, đề xuất lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ, đăng kí đất đai tại khu vực 101ha; đất có nguồn gốc của Nông trường 1A” (Văn bản do Phó Chủ tịch UBND huyện kí).
![]() |
UBND xã Thạch Hòa nhiều lần làm báo cáo gửi cấp trên, cùng với đề nghị xem xét, cấp GCNQSDĐ đối với những thửa đất đầy đủ giấy tờ, sử dụng ổn định và nằm ngoài quy hoạch khu ĐHQG. |
Theo đó, UBND huyện đã họp yêu cầu UBND xã Thạch Hòa, UBND xã Tiến Xuân có trách nhiệm: Thông báo để các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất tại khu vực 101ha, đất có nguồn gốc Nông trường 1A trước đây được biết để kê khai quyền sử dụng đất, cung cấp giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất. Và, trên cơ sở hồ sơ quản lí nhận bàn giao từ ĐHQG Hà Nội, bản đồ đo đạc tổng thể, kết quả kê khai của các hộ gia đình, cá nhân thống kê, báo cáo UBND huyện các trường hợp đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ, các trường hợp không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ (lập danh sách chi tiết, các tài liệu kèm theo). Gửi báo cáo và tài liệu về Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện trước 31/10/2020…
Theo tài liệu của UBND xã Thạch Hòa còn lưu cho thấy, xã đã báo cáo nhiều lần với huyện về tình trạng này một cách rất trình tự, chu đáo và quyết liệt.
Cụ thể, xã Thạch Hòa đã thống kê, lập danh sách, rà soát từng hộ, từng thửa đất, từng thôn có bao nhiêu thửa, bao nhiêu thửa trong số đó đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ (với văn bản kèm theo) để gửi cơ quan chức năng. Đồng thời, xã cũng chính thức kiến nghị làm GCNQSDĐ cho các hộ dân đủ điều kiện để giúp bà con ổn định cuộc sống.
Chỉ tính riêng từ năm 2021 và 2023 xã Thạch Hòa liên tiếp có các báo cáo đầy đủ, chi tiết về việc giải quyết làm GCNQSDĐ cho 101ha đất Nông trường 1A gửi lên cấp trên với nội dung: “Về việc kết quả rà soát, tổng hợp các thửa đất thuộc khu 101ha do Nông trường Quân đội 1A giao cho các cán bộ, nhân viên làm nhà ở và sản xuất”. Trong đó, khu vực 101ha đất nêu trên bao gồm 17 tờ bản đồ, với 1.836 thửa đất, ở các thôn.
Báo cáo khẳng định khu vực trên là “do Nông trường 1A giao cho cán bộ, công nhân viên để làm nhà ở và sản xuất từ trước năm 1993, các hộ dân đã xây dựng nhà ở kiên cố và sinh sống ổn định chủ yếu”. “Hiện nay trên địa bàn xã đã lập hồ sơ đăng kí kê khai đất đai là 1.786 thửa đất cho các hộ dân và gửi lên Văn phòng Đăng kí đất đai Hà Nội chi nhánh Thạch Thất là 1.356 thửa đất và đã phê duyệt được 156 thửa”.
Tưởng như nguyện vọng chính đáng của người dân, những kiến nghị và đề xuất đúng pháp luật của chính quyền xã Thạch Hòa sớm sẽ nhận “cái kết có hậu” từ lâu. Nhưng, thật đáng tiếc, đến nay (tháng 2/2025), vì nhiều lí do, bà con vẫn tiếp tục khổ sở, lao đao, bất bình về việc chưa một hộ dân nào (trong khu vực 101ha đất vốn là của Nông trường 1A) được cấp sổ đỏ(?!).
Nên chăng cơ quan chức năng TP Hà Nội cần vào cuộc, xem xét thật thấu tình đạt lí, để bà con được hưởng những quyền lợi chính đáng của mình, sau mấy thập niên chờ đợi mỏi mòn; sau khi họ đã “hiến” quá nhiều diện tích đất cho các dự án lớn của quốc gia như: Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội…