TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh: Cần một cuộc Thanh tra toàn diện công trình cầu Ông Nhiêu!
Pháp luật - Bạn đọc 24/05/2024 10:54
Đó là tâm nguyện của cụ Nguyễn Anh Hoàng, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, trong đơn ngày 4/4/2024, gửi ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Để người cao tuổi và bạn đọc có thêm thông tin vụ việc trên, phóng viên (PV) Tạp chí Người cao tuổi có cuộc trao đổi với cụ Nguyễn Anh Hoàng về các nội dung liên quan.
PV: Ngày 9/10/1999, ông Lê Thành Đại, cựu Chủ tịch UBND quận 9, cho khởi công xây cầu Ông Nhiêu, tự ý dịch chuyển vị trí tuyến cầu xuống Hạ lưu cách cầu cũ 9m, trái với Quyết định số: 1879/QĐ-UB-KT ngày 9/4/1998 của UBND TP Hồ Chí Minh. Xin cụ nói rõ về việc này?
Cụ Nguyễn Anh Hoàng: Quyết định số: 1879/QĐ-UB-KT ngày 9/4/1998 của UBND TP Hồ Chí Minh (Quyết định số 1879) có nội dung: “Xét dự án nâng cấp cầu Ông Nhiêu kèm Tờ trình số: 522/TT-UB ngày 10/12/1997 của UBND quận 9, thể hiện vị trí tuyến: Tại vị trí cầu hiện hữu” (cầu sắt lót gỗ thời chế độ cũ - có bảng đề hạn mức tải trọng 5 tấn; Chủ đầu tư là UBND quận 9”.
Trong Thông báo số: 150/TB-UBND ngày 8/9/2017 của UBND TP Hồ Chí Minh, thể hiện tại mục II về “kết quả giải quyết tố cáo” xác minh: Quy hoạch tổng mặt bằng TP Hồ Chí Minh và quy hoạch tổng thể quận 9 tháng 11/1997, Trung tâm Tư vấn thiết kế về Chuyển giao công nghệ xây dựng công trình giao thông vận tải thuộc Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải (Trung tâm Tư vấn thiết kế) lập Dự án đầu tư (báo cáo khả thi) số: 68/KT công trình xây dựng cầu Ông Nhiêu KM 6 + 244 Hương Lộ 33, quận 9”, nay là đường Nguyễn Duy Trinh. Qua khảo sát hai vị trí và kết luận kiến nghị: “Bố trí công trình ở vị trí cầu cũ là hợp lí”. Từ cơ sở trên, ngày 10/12/1997, UBND quận 9 có Tờ trình số: 522/TT-UB và UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1879.
Cầu Ông Nhiêu (phải) cách cầu cũ 9m, trái Quyết định số: 1879/QĐ-UB-KT ngày 9/4/1998 của UBND TP Hồ Chí Minh. |
Tuy nhiên, ngày 9/10/1999, UBND quận 9 cho khởi công xây cầu Ông Nhiêu, tự ý dịch chuyển vị trí tuyến cầu xuống Hạ lưu cách cầu cũ 9m, trái Quyết định số: 1879. Thậm chí, khi cầu được xây xong 80% công trình, có Quyết định số: 61/QĐ-QLDA ngày 4/1/2000 của UBND thành phố về bổ sung dự án đầu tư nâng cấp cầu Ông Nhiêu, quận 9 về nguồn vốn và kinh phí, vẫn khẳng định “các nội dung khác không đề cập đến vẫn giữ nguyên như Quyết định số 1879” (vẫn xác định cầu vẫn được xây tại vị trí tuyến cầu hiện hữu (cầu sắt cũ). Trong khi, Chủ tịch UBND quận 9, ông Lê Thành Đại vẫn không báo cáo việc tự ý dịch chuyển vị trí tuyến cầu xuống Hạ lưu cách cầu cũ 9m.
Dấu hiệu làm trái trên, ngoài ông Đại còn có nhiều cơ quan như: Ban Quản lí dự án (đại diện chủ đầu tư), Trung tâm Tư vấn thiết kế (đơn vị thiết kế), Công ty Công trình đường thủy miền Nam (đơn vị thi công), Chi nhánh Công ty Xây dựng công trình thủy 1 (đơn vị tư vấn, giám sát), đều thuộc ngành giao thông”.
PV: Xin cụ cho biết về những dấu hiệu sai phạm trên đây?
Cụ Nguyễn Anh Hoàng: Thông báo số: 150 nói trên, có viện dẫn Biên bản cuộc họp số: 152 ngày 10/9/1999, lí giải: “Khi triển khai dự án, UBND quận 9 cùng các đơn vị tư vấn nhận thấy chất lượng của cầu cũ còn khả năng sử dụng tạm để lưu thông qua lại, nên tận dụng lại được cầu cũ không phải làm bến phà tạm, “đã thống nhất kiến nghị dịch chuyển cầu mới xuống Hạ lưu 9m, tận dụng cầu Ông Nhiêu cũ để bảo đảm giao thông, không làm đường tránh, phà tạm”.
Theo tôi, lí giải trên là ngụy biện, bởi:
- Không phải chờ đến lúc thi công, mà trước đó ở giai đoạn khảo sát Trung tâm thiết kế, cơ quan chuyên môn đã biết rất rõ chất lượng cầu sắt cũ (có bảng đề tải trọng 5 tấn), sau khi đã cân nhắc đã kết luận làm cầu tạm, tháo dỡ cầu cũ để làm cầu mới tại vị trí cầu cũ. Chính UBND quận 9 lập tờ trình đề xuất.
- Nếu phải dời cầu thì vì sao không dời về phía thượng lưu cách cầu cũ 15m là vị trí 2 đã được khảo sát mà dời về phía hạ lưu 9m là vị trí không có khảo sát (điều tối kị đối với nguyên tắc kĩ thuật xây cầu). Dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng này không phải do thiếu hiểu biết về kĩ thuật, thì đương nhiên là lí do “khác”, bất chấp tuổi thọ của công trình và trách nhiệm đối với tài sản Nhà nước. Cần lưu ý: Dư luận cho rằng vì phía thượng lưu hai bên đầu cầu là đất của “đại gia có thế lực”.
Tại buổi tiếp xúc với chúng tôi, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức ngày 3/12/2022, các cơ quan có mặt xác nhận, năm 2002 (ông Đại đang còn làm Chủ tịch UBND quận 9) đã lấy đất công là đất đường dẫn lên cầu cũ cấp cho tư nhân làm quán nhậu “Ven Sông”. Điều này thể hiện ông Đại cố tình cho dịch chuyển vị trí tuyến cầu Ông Nhiêu xuống Hạ lưu 9m, là nhằm để thực hiện ý đồ lấy đất đường dẫn lên cầu Ông Nhiêu cũ cấp cho tư nhân làm quán nhậu; giải tỏa thu hồi ngoài quy hoạch nhà đất của hộ Nguyễn Anh Hoàng; và dẫn đến các hệ lụy: Làm uốn cong đường dẫn ở hai bên đầu cầu Ông Nhiêu, nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông do bị khuất tầm nhìn phải cấm biển cảnh báo “đoạn đường thường xảy ra tai nạn”; bỏ lãng phí đất giao thông dẫn lên cầu Ông Nhiêu cũ cho nhiều hộ dân chiếm dụng, tạo ra sự bất công phân biệt đối xử giữa các hộ dân ở hai bên đường: Chỉ có một bên là hộ Nguyễn Anh Hoàng và một số hộ khác bị giải tỏa ngoài quy hoạch dự án lên đến 507,42m2 (trong đó hộ Nguyễn Anh Hoàng bị giải tỏa nặng nề nhất với diện tích 409,5m2, theo Thông báo số: 150 ngày 8/9/2017 của UBND TP Hồ Chí Minh), biến phần lớn đất còn lại đã được đăng kí là đất ở đô thị thành đất lộ giới, gây bức xúc, bất công.
Văn bản số 8853/VP-NCPC ngày 15/8/2018. |
- Việc dời cầu ngoài quyết định, Chủ tịch UBND quận 9 đã không thỉnh thị UBND TP Hồ Chí Minh trong suốt một thời gian dài đến khi hoàn thành công trình. Ngày 27/8/2001, ông Lê Thành Đại, Chủ tịch UBND quận 9 mới gửi Tờ trình số: 933/TT-UB-QLDA cho Sở Giao thông công chính, là cơ quan không có thẩm quyền phê duyệt về tài chính, kĩ thuật của các việc làm không đúng với quyết định số 1879 của Thành phố.
- Ông Lê Thành Đại, Chủ tịch UBND quận 9 làm Công văn gởi Sở Giao thông công chánh xin thêm 195.697.000 đồng để gọi là “bảo đảm giao thông đường thủy”. Số tiền này được Sở Giao thông công chánh duyệt, nhưng UBND quận 9 không thực hiện hạng mục này. Vậy số tiền này đi đâu, không thấy Thông báo số: 150 đề cập? Việc tháo dỡ cầu cũ thanh thải lòng sông là một trong các hạng mục trong Quyết định số: 1879, đương nhiên đã có kinh phí. Vậy tiền thanh lí cầu sắt cũ (dài bảy tám chục mét, gỗ mới thay) đi về đâu?
- Sở Giao thông công chánh, nay là Sở Giao thông vận tải (GTVT) mặc dù được UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số: 82/2001/QĐ-UB ngày 19/9/2001, ủy quyền phê duyệt thiết kế kĩ thuật dự toán tổng dự toán các dự án đầu tư thanh quyết toán khối lượng phát sinh nhưng phải trên cơ sở Quyết định số 1879. Nhưng vì sao Sở này lại ra Quyết định số: 178/QĐ-GT ngày 21/11/2001 phê duyệt tài chính kinh phí cho những việc UBND quận 9 làm trái Quyết định số 1879? Phải chăng có sự cấu kết “lợi ích nhóm”?
Những sự việc trên cần được điều tra làm rõ và xử lí nghiêm minh. Tuy nhiên, việc kiểm điểm xử lí vừa qua chưa rõ ràng, minh bạch, chưa nghiêm túc, đặc biệt là không được công khai công bố, dẫn đến tồn tại nhiều hệ lụy xấu.
PV:Hồ sơ thể hiện, hậu quả từ việc giải tỏa “oan” chưa được giải quyết xong, nay gia đình cụ tiếp tục bị giải toả “oan” lần 2. Xin cụ nói cụ thể?
Cụ Nguyễn Anh Hoàng: Quyết định số: 5853/QĐ-SGTVT ngày 31/10/2016 của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh (Quyết định số 5853), tên dự án: Xây dựng cầu Ông Nhiêu trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9; Chủ đầu tư: Khu Quản lí giao thông đô thị số 2. Phần đường 30m, chiều dài trên 725m.
Một, điều bất thường của Quyết định này là không xác định vị trí tuyến của cầu, để mặc cho chủ đầu tư và các cơ quan có trách nhiệm liên quan tha hồ tùy tiện xác định, phát sinh nhiều hệ lụy. Trong khi, năm 1997-1998, đã có khảo sát của các cơ quan chuyên môn ngành Giao thông thuộc Bộ GTVT đưa ra kết luận và đề xuất cầu Ông Nhiêu mới, làm ở tại vị trí tuyến cầu sắt cũ là hợp lí, vì đường sẽ thẳng, đáp ứng yêu cầu mĩ quan, thuận lợi giao thông, giải tỏa đền bù thấp nhất có lợi cho ngân sách Nhà nước và có lợi cho người dân. Hơn nữa, cầu đã được chế độ cũ thời Pháp đã có khảo sát kĩ thuật đáp ứng độ bền... Dù có quy hoạch mới gì thì đây vẫn là phương án tối ưu về khoa học kĩ thuật, về thực tiễn xã hội cần được tôn trọng, chấp hành.
Phải chăng việc “thả lỏng” vị trí tuyến cầu tại Quyết định số: 5853 là có dính dáng với cầu đường hiện hữu do chủ đầu tư trước làm không đúng Quyết định số 1879?
Hai, thực hiện Quyết định số 5853 ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quyền lợi hợp pháp của gần trăm hộ dân và tổ chức ở 2 phường: Long Trường và Phú Hữu. Sở GTVT có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo giám sát việc thực hiện và chủ đầu tư là Khu Quản lí giao thông đô thị số 2 đã không công bố quyết định, không lập bản đồ ranh giới xác định phạm vi dự án, phạm vi giải tỏa đền bù. Không đưa ra cho dân biết, lấy ý kiến của dân theo Quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng. Thi công đóng trụ mà không cần biết đến việc xâm hại, ảnh hưởng quyền lợi cuộc sống của dân như thế nào.
Trong khi, Quyết định số 5853 có ghi mục phải lấy ý kiến của người dân về độ cao công trình có ảnh hưởng đến các hộ dân ở hai bên đường mà Sở Giao thông vận tải cũng không chỉ đạo thực hiện.
Cuối cùng, tại Văn bản số: 185/TB-VP ngày 28/3/2018, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo “tạm dừng việc xây dựng cầu Ông Nhiêu trong thời gian các cơ quan rà soát lại vụ việc”. “Giao Thanh tra thành phố chủ trì phối hợp với Sở GTVT, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận 9 và Ban Tiếp công dân thành phố kiểm tra lại những nội dung cụ Nguyễn Anh Hoàng phản ánh; và hệ thống lại toàn bộ vụ việc, đề xuất hướng xử lí nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình cụ Nguyễn Anh Hoàng” tức là quyền lợi của người dân.
PV: Được biết, Chủ tịch UBND thành phố, tiếp theo là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh có chỉ đạo giải quyết vụ việc thực hiện công trình cầu Ông Nhiêu trước đây và hiện nay, cụ thể là như thế nào thưa cụ?
Cụ Nguyễn Anh Hoàng: Về chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh: Tại buổi tiếp xúc công dân ngày 13/3/2018, sau khi nghe chúng tôi trình bày, đối thoại với các đại diện ban, ngành 2 cấp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vỡ lẽ việc cố ý làm trái Quyết định số: 1879 (trước đó vẫn chưa phát hiện nên bác bỏ đơn khiếu nại của chúng tôi, bảo vệ nội dung Thông báo số 150 nói trên). Ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo tạm dừng ngay việc thi công xây mới cầu Ông Nhiêu. Sau đó ban hành Văn bản số: 8853/VP-NCPC ngày 15/8/2018, chỉ đạo:
“Giao giám đốc Sở Giao thông vận tải:
- Phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân tham mưu phê duyệt điều chỉnh dự toán công trình xây dựng cầu Ông Nhiêu theo Quyết định số: 178/QĐ-GT ngày 21/11/2001 của Sở Giao thông công chánh (nay là Sở GTVT).
- Tăng cường giám sát kiểm tra khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định và ủy quyền của UBND thành phố đối với Khu Quản lí giao thông đô thị số 2 trong quá trình tổ chức thực hiện dự án theo Quyết định số 5853;
- Tham mưu đề xuất văn bản trả lời đơn kiến nghị, phản ánh đề ngày 12/6/2018 của cụ Nguyễn Anh Hoàng, trong đó có nội dung ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT ban hành Văn bản số: 6267/SGTVT-TTS ngày 24/5/2018 thể hiện trái pháp luật; gửi Thanh tra thành phố có ý kiến trình UBND thành phố xem xét giải quyết.
- Chỉ đạo Giám đốc Khu Quản lí giao thông đô thị số 2 khẩn trương hoàn chỉnh Bản đồ vị trí hiện trạng của ranh dự án cầu Ông Nhiêu theo Quyết định số: 5853; thực hiện, thi công công trình, nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Giao chủ tịch UBND quận 9:
- Phối hợp Sở Nội vụ tổ chức kiểm điểm và xử lí trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện không đúng Quyết định số 1879; khẩn trương phối hợp với Sở GTVT hoàn chỉnh thủ tục pháp lí của dự án cầu Ông Nhiêu theo Quyết định số 5853; báo cáo kết quả thực hiện cho UBND TP trong tháng 8/2018.
- Rà soát xây dựng phương án, xem xét việc bồi thường hỗ trợ thỏa đáng cho gia đình ông Nguyễn Anh Hoàng đối với phần đất bị ảnh hưởng tại dự án cầu Ông Nhiêu theo Quyết định số: 1879 và Quyết định số 5853. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn vướng mắc, kịp thời có văn bản xin ý kiến hướng dẫn Hội đồng thẩm định bồi thường thành phố.
- Khẩn trương phối hợp với cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan hoàn chỉnh bản đồ vị trí hiện trạng của ranh dự án xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cầu Ông Nhiêu theo Quyết định số 5853”.
Thông báo số 945- TB/VPTU ngày 23/9/2019 về kết luận của đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh. |
Về chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy
Sau buổi tiếp ngày 13/9/2019, đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho ban hành Thông báo số: 945- TB/VPTU ngày 23/9/2019, chỉ đạo:
“1. “Giao Ban cán sự Đảng UBND TP lãnh đạo chỉ đạo UBND TP chỉ đạo các sở, ngành và UBND quận 9:
1.1. Rà soát lại hồ sơ dự án đầu tư nâng cấp cầu Ông Nhiêu trước đây (dự án này đã được UBND TP. phê duyệt dự án theo Quyết định số 1879, công trình khởi công ngày 9/10/1999 và hoàn thành ngày 10/1/2002, để xử lí, khắc phục các sai sót, trong đó xem xét lại việc bồi thường hỗ trợ phục vụ dự án đối với hộ gia đình ông Nguyễn Anh Hoàng và các hộ liên quan (nếu có) theo quy định (về việc này Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo thực hiện theo Công văn số: 8853/VP-NCPC ngày 15/8/2018 của Văn phòng UBND TP)”.
1.2. Xem xét lại nội dung Thông báo số: 150/TB-UBND ngày 8/9/2017 của UBND TP về kết quả tố cáo của ông Nguyễn Anh Hoàng để bảo đảm tính chính xác, chặt chẽ.
1.3. Rà soát lại Dự án đầu tư xây dựng mới cầu Ông Nhiêu trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9 (dự án này đã được Sở GTVT phê duyệt tại Quyết định số 5853 theo ủy quyền của UBND TP, bảo đảm dự án phải là phương án tối ưu, thực hiện đúng trình tự, thủ tục).
2. Giao Quận ủy quận 9 lãnh đạo, chỉ đạo UBND quận 9:
2.1 Chủ động nghiên cứu trao đổi thống nhất với hộ gia đình ông Nguyễn Anh Hoàng và các hộ liên quan về phương án hỗ trợ định cư khi thu hồi đất triển khai thực hiện dự án đầu tư xây mới cầu Ông Nhiêu trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9, rà soát việc bồi thường hỗ trợ trước đây đối với hộ cụ Hoàng khi thực hiện dự án đầu tư nâng cấp cầu Ông Nhiêu trình UBND TP chỉ đạo.
2.2. Kiểm tra xử lí nghiêm, dứt điểm việc lấn chiếm đất công theo phản ánh (nếu có) báo cáo Thường trực Thành ủy trước ngày 15/10/2019”.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND TP có Công văn số: 4901/UBND-NCPC ngày 27/11/2019 và Ban Tiếp công dân thành phố ban hành Công văn số: 195/TCD-KTĐĐ ngày 16/1/2020 đôn đốc việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP, nội dung:
“2.2.1. Giao Chủ tịch UBND quận 9 khẩn trương phối hợp với các sở, ngành thực hiện chỉ đạo của UBND TP tại Công văn 2436/UBND-NCPC ngày 19/6/2019 để xử lí khắc phục các sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện dự án nâng cấp xây dựng cầu Ông Nhiêu được phê duyệt theo Quyết định số 1879.
2.2.2. Giao Sở GTVT phối hợp với Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND quận 9 rà soát lại dự án đầu tư xây dựng mới cầu Ông Nhiêu được Sở GTVT phê duyệt tại Quyết định số: 5853/QĐ-SGTVT ngày 31/10/2016, bảo đảm dự án phải là phương án tối ưu, hiệu quả và thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
2.2.3. Giao Thanh tra thành phố rà soát lại nội dung Thông báo số: 150/TB- UBND ngày 8/9/2017 của UBND TP xem xét giải quyết chặt chẽ, chính xác và đúng quy định pháp luật”.
PV: Kết quả thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh là như thế nào, thưa cụ?
Cụ Nguyễn Anh Hoàng: Thứ nhất, những sai sót từ việc giải tỏa “oan” (do tự ý dịch chuyển cầu xuống hạ lưu 9m), đến nay chưa được xem xét, giải quyết.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức ban hành Thông báo thu hồi đất số: 1021/TB-UBND ngày 24/10/2022 thu hồi tiếp 318,2m2, sau đó nâng lên 341,8m2 của hộ ông Nguyễn Anh Hoàng trong việc thực hiện dự án xây mới cầu Ông Nhiêu trên đường Nguyễn Duy Trinh, nhưng hoàn toàn không có bản đồ ranh dự án làm căn cứ pháp lí thu hồi đất để công khai cho người dân thuộc dự án được góp ý theo quy định tại Quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng. Chúng tôi không đồng tình và yêu cầu phải thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố và của Thành ủy.
Lợi dụng Điều 69 Luật Đất đai năm 2013, ông Hoàng Tùng tiến hành “lộ trình” tiếp theo là kiểm đếm, huy động lực lượng chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở cơ sở, khu phố, tổ dân phố đến gọi là vận động thuyết phục chúng tôi chấp hành cho kiểm đếm, nhưng thực tế là không giải thích vận động được điều gì trước ý kiến, yêu cầu chính đáng của người dân chúng tôi.
Thậm chí, không cần trả lời giải thích gì đối với ý kiến và yêu cầu chính đáng của chúng tôi (tại các biên bản và tại cuộc tiếp xúc với chúng tôi ngày 3/12/2022), ông Hoàng Tùng ban hành Quyết định số: 132/QĐ-UBND ngày 5/1/2023, kiểm đếm bắt buộc và niêm yết công khai tên tuổi chúng tôi tại nhiều nơi công cộng trên địa bàn phường.
Trong khi, Điều 69 Luật Đất đai chỉ áp dụng khi có dự án đúng với pháp luật và chủ trương chỉ đạo của cấp có thẩm quyền (điểm b, Khoản 2, Điều 62): Cụ thể phải có bản đồ ranh giới xác định phạm vi dự án, phạm vi thu hồi đất. Nhưng ông Hoàng Tùng không công khai cho chúng tôi bản đồ ranh giới của dự án, nên việc vận động thuyết phục, kiểm đếm bắt buộc, niêm yết công khai tên tuổi chúng tôi, là thể hiện hành vi xúc phạm danh dự, uy tín chính trị đối với chúng tôi, một gia đình cách mạng, đảng viên nhiều tuổi Đảng; và chưa làm tròn trách nhiệm của người đại diện chính quyền của dân, do dân, vì dân.
Thứ hai, mãi đến giữa năm 2023, do chúng tôi quyết liệt yêu cầu phải có bản đồ ranh giới của dự án, ông Hoàng Tùng bấy giờ còn kiêm Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, chỉ đạo cho treo công khai tại trụ sở UBND phường Phú Hữu một bản đồ được xác định chính thức ranh dự án xây mới cầu Ông Nhiêu và công bố tại Văn bản số: 564/CSBT-HĐBT ngày 26/9/2023 về Chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư,... Bản đồ chia làm 2 tấm rời, một thuộc địa phận phường Long Trường, một thuộc địa phận phường Phú Hữu. Một tấm phía phường Long Trường có đề “Bản đồ vị trí” “phạm vi ranh dự án xây dựng cầu Ông Nhiêu trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9”; “Điều chỉnh đoạn cong tuyến”; “Đo đạc theo yêu cầu Ban Quản lí dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông”. Mục đích: Phục vụ bồi thường giải phóng mặt bằng “do Sở Tài nguyên và Môi trường lập và phê duyệt ngày 18/5/2020”.
Và một tấm địa phận phường Phú Hữu ghi “Bản đồ vị trí”, “Phạm vi ranh dự án xây dựng cầu Ông Nhiêu đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9” đóng dấu Trung tâm Đo đạc bản đồ ở góc và hình sơ đồ ghép tờ.
Nhận xét: Nếu để rời hai tấm thì khó có thể biết điều chỉnh độ cong tuyến. Vì sao không ghép chung một tấm để dễ hình dung? Nếu ghép lại thì tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, cầu Ông Nhiêu trên bản đồ với đường cầu hiện hữu thực tế vẫn cong tương tự, khó cảm nhận được sự điều chỉnh. Điều chỉnh độ cong trên cơ sở pháp lí nào, chứ không thể hiện tùy tiện. Không thể có pháp lí nào hơn là chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố. Từ 2 tấm bản đồ này, thể hiện rõ ràng không thực hiện được theo đúng sự chỉ đạo Thành phố là khắc phục sai sót, tận dụng lại đất công bảo đảm phương án tối ưu: Trở về vị trí cầu sắt cũ đã được khảo sát theo Quyết định số 1879.
Xin nói rõ thêm: Nếu kẻ một đường thẳng từ trung tâm đường Nguyễn Duy Trinh phía Phú Hữu (đoạn không bị ảnh hưởng dự án xây cầu đến bờ sông Ông Nhiêu thuộc Long Trường, theo vị trí cầu sắt cũ) thì chênh lệch cầu của Dự án về phía hạ lưu vẫn là một khoảng cách quá lớn có thể hơn gấp đôi bề ngang cầu sắp xây theo Quyết định 5853.
Nếu làm cầu đường trở lại vị trí cầu sắt cũ, thì chẳng những đường dẫn lên cầu phía Phú Hữu được trở lại thẳng mà độ cong tại khúc quanh thuộc Long Trường cách mí cầu ở bờ sông Ông Nhiêu độ 80m sẽ giảm rất lớn, vừa phục hồi mĩ quan, vừa không bị khuất tầm nhìn như hiện nay, thuận lợi cho giao thông ở hai đầu cầu. Quả thật là phương án tối ưu như kết luận khảo sát và Quyết định số 1879. Vì sao không thực hiện?
Tấm bản đồ do Sở Tài nguyên và Môi trường lập, không có chữ kí phê duyệt xác định trách nhiệm được giao của người đứng đầu hai cơ quan là Giám đốc Khu Quản lí giao thông đô thị số 2 và Chủ tịch UBND quận 9, nay là TP Thủ Đức. Nghĩa là không phải bản đồ vị trí ranh dự án xây mới cầu Ông Nhiêu trên đường Nguyễn Duy Trinh theo chỉ đạo về pháp lí cũng như về nội dung thực tế. Và chính ông Hoàng Tùng tại buổi tiếp công dân ngày 14/3/2024 với chúng tôi lại phủ nhận: “Bản đồ này không phải là bản đồ của ranh dự án” mặc dù ông đã cho treo tại trụ sở UBND phường và xác định tại Văn bản 564 về chính sách... nói trên (Thật khó hiểu!).
Rồi sau đó ông Tùng chỉ đạo cho đưa ra bản đồ khác cung cấp cho chúng tôi, xác định mới là bản đồ vị trí ranh của dự án. Đó là bản đồ quy hoạch phường Phú Hữu và Long Trường do UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt năm 2013 tại các Quyết định: số 4387/QĐ-UBND ngày 15/8/2013; số 4386/QĐ-UBND ngày 15/8/2013; số 5385/QĐ-UBND ngày 30/9/2013, có tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, cầu Ông Nhiêu đi qua. Tuy nhiên, năm 2013 là thời điểm thành phố chưa phát hiện việc làm trái Quyết định số 1879, khiến tuyến đường Nguyễn Duy Trinh cầu Ông Nhiêu bị sai lệch về phía hạ lưu đến 9m và đường bị uốn cong cả hai phía Long Trường và Phú Hữu.
Nên năm 2018 và năm 2019, UBND TP Hồ Chí Minh đã không đề cập, không căn cứ vào bản đồ năm 2013 do chính mình đã phê duyệt, mà chỉ đạo người đứng đầu hai cơ quan là Giám đốc Khu Quản lí giao thông đô thị số 2 và Chủ tịch UBND quận 9, nay là TP Thủ Đức có trách nhiệm hoàn chỉnh lại bản đồ ranh dự án theo Quyết định số 5853 trên cơ sở khắc phục sai sót đối với Quyết định số 1879, xử lí triệt để việc lấn chiếm đất công, bảo đảm dự án phải là phương án tối ưu. Điều này không thể có gì khác hơn là trở về vị trí cầu sắt cũ đã khảo sát, đã kết luận đề xuất, đã quyết định tại Quyết định số 1879 (đến nay vẫn còn nguyên giá trị pháp lí, chưa có quyết định nào thay thế).
Ngoài ra, còn xuất hiện thêm bản đồ thứ 3, do Chủ tịch UBND phường Phú Hữu nêu tại “Giấy xác nhận pháp lí nguồn gốc đất thời điểm tạo lập và sửa chữa nhà vật kiến trúc” số 64/GXN-UBND ngày 3/8/2023 có nội dung “ghi chú: Việc xác nhận nguồn gốc, pháp lí về diện tích giải tỏa của bà Bạc Thị Mai Hà được xác định căn cứ theo bản đồ hiện trạng vị trí do Trung tâm Đo đạc bản đồ của Sở Tài nguyên và Môi trường lập ngày 12/7/2023 số 22/HĐ-KQL2-QLDA2 và phục vụ cho việc lập dự toán của toàn bộ dự án”.
Nhà bà Bạc Thị Mai Hà ở cùng khuôn viên có nguồn gốc đất của chúng tôi, địa chỉ số 1010 Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu. Như vậy là thế nào? Cả ba loại bản đồ được chính quyền công bố, hoàn toàn không phải là bản đồ ranh dự án cầu Ông Nhiêu theo chỉ đạo, không có chữ kí của những người được giao trách nhiệm. Vậy, ông Hoàng Tùng căn cứ pháp lí nào để mà kiểm đếm, để thu hồi đất? Từ sự thật bất cập này thể hiện điều mâu thuẫn: Khi dân xây dựng trái phép thì Nhà nước buộc tháo dỡ, còn chính quyền xây dựng tuyến cầu Ông Nhiêu trái với quyết định thì được tiếp tục duy trì và mở rộng thêm (?!)
Tóm lại, thu hồi đất thiếu cơ sở pháp lí. Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Khu Quản lí giao thông đô thị số 2, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và một số cơ quan liên quan không chấp hành chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP Hồ Chí Minh, vì sao? Điều này đang đặt ra vấn đề cần có một cuộc thanh tra toàn diện đối với việc thực hiện công trình cầu Ông Nhiêu.
PV: Thưa cụ, cụ đã có kiến nghị gì gửi đồng chí Bí thư Thành ủy?
Cụ Nguyễn Anh Hoàng: “Chúng tôi không đòi hỏi bất cứ đặc ân gì đối với gia đình chính sách, mà yêu cầu được đền bù đúng, đủ, loại đất, theo giá thị trường của Luật Đất đai. Trả lại đất bị chiếm đoạt trước đây trong việc xây dựng cầu Ông Nhiêu trái Quyết định số 1879 (trong đó có 200m2 đất ở mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh đã có đóng thuế), để chúng tôi có chỗ cất nhà ở đến cuối đời. Vì vấn đề nghiêm trọng, có ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước, của người dân, chúng tôi kiến nghị Thành ủy xem xét, chỉ đạo có cuộc Thanh tra công khai toàn diện đối với việc thực hiện công trình cầu Ông Nhiêu gắn với tuyến đường Nguyễn Duy Trinh trước đây và hiện nay; lắng nghe ý kiến của người dân bị trực tiếp ảnh hưởng công trình; góp phần giữ gìn sự trong sạch của Đảng và chính quyền, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, giữ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với dân”.
PV: Trân trọng cảm ơn cụ!
Những cơ sở pháp lí để gia đình cụ Nguyễn Anh Hoàng làm đơn kiến nghị khẩn cấp |