TAND huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp: Có dấu hiệu “xét” một đằng, “xử” một nẻo?
Pháp luật - Bạn đọc 11/09/2024 21:29
Chuyển nhượng quyền sử dụng đất để chữa bệnh, chăm lo cho chồng
Đơn của cụ Lê Thị Thiêm cho biết: Sau năm 1975, vợ mất, cụ Đền dẫn theo 4 người con về sinh sống và công tác tại huyện Thạnh Hưng (nay là huyện Lấp Vò), tỉnh Đồng Tháp. Thời điểm đó, cụ Thiêm ở xã Hội An (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cách một con sông cũng là mẹ đơn thân đang nuôi 2 con trai.
Duyên số đẩy đưa, cụ Thiêm và cụ Đền đã gặp gỡ, yêu thương nhau và nên nghĩa vợ chồng. Sau đó, vợ chồng cụ và các con riêng của mình (6 người con) cùng về sinh sống tại quê cụ Thiêm, trên mảnh đất mà cụ Thiêm đã được ba mẹ cho làm của hồi môn khi kết hôn với cụ Đền.
Cụ Đền là thương binh, chiến tranh khốc liệt đã cướp đi một chân và rất nhiều sức khoẻ của cụ, việc đi lại, sinh hoạt khó khăn, nên mọi việc trong nhà đều do cụ Thiêm quán xuyến. Sự mất mát thân thể cho độc lập dân tộc của cụ Đền càng làm cụ Thiêm thương yêu và trân trọng chồng mình hơn.
Vài năm sau, vì là thương binh nên cụ Đền được Nhà nước cấp cho một mảnh đất có diện tích 700m2, tại xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. “Ổng nói, bây giờ bán miếng đất với cái nhà đang ở rồi vợ chồng con cái dọn về chỗ đất mà Nhà nước cấp cho ổng để sinh sống. Tiền bán đất được thì coi như ổng mượn tôi để chữa bệnh, thuốc thang, chăm lo cho tụi nhỏ rồi sau này đất đai Nhà nước cấp ổng sẽ để lại hết cho tôi sau ổng qua đời”, cụ Thiêm nghẹn ngào nhớ lại.
Năm 1998, cụ Đền lập lại tờ di chúc hoàn chỉnh về mặt pháp lí, có biên bản xác minh tinh thần người làm di chúc của chính quyền địa phương, theo đúng quy định của pháp luật. |
Sau đó cụ Đền đứng ra chuyển nhượng quyền sử dụng đất diện tích đất trên. Số tiền bán đất được cụ Đền giữ, rồi dẫn vợ con về xã Mỹ An Hưng A sinh sống. Số tiền này, cụ Đền tự định đoạt, chi xài cho cuộc sống ở nơi ở mới. Lúc bấy giờ, người con nhỏ nhất của hai vợ chồng là ông P. và bà C. cũng đã 14 - 15 tuổi. Tuy nhiên, các con riêng của cụ Đền không sống cùng nhà nữa, mà sống ở nơi khác, làm ăn rồi lập gia đình. Hai vợ chồng cụ Đền lúc này sống cùng con trai út của cụ Thiêm là ông P. Sau đó ông P. lập gia đình, sinh con và tất cả cùng sống chung nhà này từ đó đến nay.
Di chúc hợp pháp
Năm 1992, cụ Đền lúc bấy giờ là cán bộ hưu trí, thương binh hạng 2/4 đã lập tờ di chúc với nội dung và ý chí để lại hết toàn bộ tài sản cho vợ mình là cụ Thiêm: “Khi tôi qua đời, người thừa kế được hưởng toàn bộ tài sản là vợ tôi, bà Lê Thị Thiêm, ngoài ra không ai có quyền tranh chấp!”, cụ Đền viết trong di chúc.
Năm 1998, cụ Đền lập lại tờ di chúc nhưng ý nguyện không đổi, cụ chỉ định người thừa kế toàn bộ tài sản sau khi cụ qua đời là vợ mình - cụ Lê Thị Thiêm. Bản di chúc này được hoàn chỉnh về mặt pháp lí, có biên bản xác minh tinh thần người làm di chúc của chính quyền địa phương, theo đúng quy định của pháp luật.
Thời điểm đó, sinh sống trên đất có: Cụ Đền, cụ Thiêm và hai vợ chồng con trai (ông P. và bà P’) và cháu gái là chị Q. ở cùng một nhà. Bên cạnh có gia đình ông H. (con trai ruột của cụ Thiêm) và gia đình ông Th. (con trai riêng của cụ Đền). Lúc bấy giờ 2 người con riêng còn lại của cụ Đền là ông L. đã sống ở nơi khác, bà C. lấy chồng về sống bên chồng tại xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Xin ở nhờ, rồi vô cớ đòi chia thừa kế!
Sau khi cụ Đền qua đời, cụ Thiêm đứng tên QSDĐ, sinh sống cùng vợ chồng con trai là ông P. và bà P’, cháu gái là chị Q. Khoảng thời gian sau do ảnh hưởng của chất độc màu da cam trong chiến tranh, hai mắt của cụ Đền bị mù, nên chỉ nằm một chỗ, người chăm sóc phụng dưỡng cụ Đền đến cuối đời là cụ Thiêm và vợ chồng anh P.
Chị Q. (cháu nội cụ Thiêm) thấy bà nội và cha mẹ phải chịu cảnh nhà tranh vách lá, chị Q. cố gắng làm lụng, dành dụm tiền bạc xây một căn nhà cấp 4 kiên cố, vững chãi để phụng dưỡng ông bà, cha mẹ.
Trường hợp ông H. và ông Th. ở trên đất là cụ Thiêm đồng ý cho ở nhờ, nhưng không cho đất, các ông bà này cũng biết và hiểu điều đó nên từ đó đến nay đất vẫn thuộc sở hữu của hộ cụ Thiêm, không có tranh chấp.
Năm 2020, bà C. có về tâm sự với cụ Thiêm chuyện làm ăn khó khăn, vỡ nợ nên đã phải bán căn nhà và mảnh đất bên chồng để trả nợ, bây giờ không có nơi ở, muốn hỏi xin cụ Thiêm tạm thời cho phép được ở nhờ trên đất phía sau, dựng tạm 1 căn nhà đến khi nào vợ chồng bà C. có tiền thì sẽ kiếm mua đất để dọn đi.
Ngày 13/4/2022, cụ Thiêm xác lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho chị Q. (là cháu nội của cụ Thiêm) được UBND xã Mỹ An Hưng A chứng nhận. Ngày 16/6/2022, chị Q. được Sở Tài nguyên và Môi trường kí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này. Theo cụ Thiêm, cháu gái cụ chưa lập gia đình, thời gian và tiền bạc đi làm dành dụm đều lo cho gia đình. Bây giờ mẹ con cụ đã có căn nhà tiện nghi, kiên cố để an dưỡng tuổi già, nên sau khi nhà cửa tươm tất, cụ Thiêm đã quyết định tặng lại toàn bộ mảnh đất này cho cháu gái là chị Q., coi như của hồi môn sau này.
Bản án sơ thẩm của TAND huyện Lấp Vò |
Tuy nhiên, sau thời điểm này, bà C. (con riêng của cụ Đền) đệ đơn khởi kiện ra Toà yêu cầu được chia quyền thừa kế. Ngay sau đó, tất cả các người con của ông Đền là ông Th., ông T., ông L. cũng đồng loạt có yêu cầu độc lập được chia thừa kế.
Trong khi, lúc này toàn bộ QSDĐ của cụ Đền đã được cụ Đền lập di chúc hợp pháp cho cụ Thiêm; và cụ Thiêm đã xác lập chủ quyền sử dụng đất theo di chúc hợp pháp của cụ Đền.
Xét xử có khách quan, đúng pháp luật?
Tòa án công nhận di chúc có giá trị pháp luật và các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mà Nhà nước đã cấp cho cụ Thiêm và chị Q đều đúng trình tự, thủ tục và các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Tòa án lại xử chấp thuận yêu cầu của Nguyên đơn đòi được ở và được cấp QSDĐ của cụ Thiêm và chị Q (?!)
Theo đơn khởi kiện của bà C (con riêng của cụ Đền) và trong quá trình giải quyết vụ án, bà C. yêu cầu Toà án huỷ GCNQSDĐ của chị Q năm 2022 và các GCNQSDĐ đã cấp cho cụ Thiêm vào các năm 2008, 2013; yêu cầu Toà án chia thừa kế, nhưng yêu cầu chia cho bà C phần đất bà yêu cầu là 204m2 trước. Trường hợp Toà không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế thì bà C yêu cầu vẫn được tiếp tục ở trên diện tích đất 204m2 và lối đi ra lộ công cộng mà không phải trả giá trị đất cho chị Q.
Ông Th cũng có cùng yêu cầu với bà C về việc huỷ các GCNQSDĐ đượcNhà nước đã cấp cho cụ Thiêm và chị Q. Yêu cầu Toà án chia thừa kế, chia cho ông diện tích 94,2m2 đất trước. Trường hợp Toà không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế thì ông Th yêu cầu vẫn được tiếp tục ở trên diện tích đất trên và lối đi ra lộ công cộng mà không phải trả giá trị đất cho chị Q.
Những người có quyền và nghĩa vụ liên quan khác như ông T, ông L cũng yêu cầu Toà huỷ các GCNQSDĐ đã cấp cho cụ Thiêm và chị Q để chia thừa kế.
Theo Bản án dân sự sơ thẩm số: 39/2024/DS-ST ngày 31/5/2024 của TAND huyện Lấp Vò xét xử tranh chấp chia thừa kế và tranh chấp quyền sử dụng đất, giữa nguyên đơn là bà C và bị đơn là chị Q (cháu gái cụ Thiêm) - người đang đứng tên GCNQSDĐ, thể hiện:
Hội đồng xét xử dù công nhận di chúc của cụ Đền là có giá trị pháp luật và các GCNQSDĐ mà Nhà nước đã cấp cho cụ Thiêm và chị Q đều đúng trình tự, thủ tục và các quy định của pháp luật nên không chấp nhận yêu cầu hủy GCNQSDĐ, không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của bà C, ông L, ông Th, ông T. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm lại tuyên: Hộ bà C được quyền sử dụng diện tích đất 204,9m2, hộ ông Th được quyền sử dụng diện tích đất 94,2m2. Hai phần đất này đều thuộc một phần thửa đất số 4, tờ bản đồ số 7, toạ lạc tại ấp An Ninh, xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã được Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp cấp GCNQSDĐ cho chị Q.
Đồng thời, Toà cũng quyết định giao lối đi công cộng có diện tích 44,4m2 cho hộ bà C và ông Th được quyền sử dụng diện tích đất này để làm lối đi chung. Trong bản án, Toà cũng kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi GCNQSDĐ mà Sở TN&MT đã cấp cho chị Q.
Luật sư Đoàn Thị Thanh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Tòa án sơ thẩm đã có những dấu hiệu vi phạm, thiếu sót trong việc thu thập tài liệu, đánh giá chứng cứ và giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện.
Phạm vi xét xử sơ thẩm vụ án dân sự được quy định tại Khoản 1, Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS): “Tòa án chỉ thụ lí giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”.
Trong vụ án này, nguyên đơn (bà C) có đơn khởi kiện yêu cầu Toà: 1/ Huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bị đơn; 2/ Yêu cầu Toà chia thừa kế theo quy định pháp luật. 3/ Trường hợp Toà không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế thì nguyên đơn yêu cầu vẫn được tiếp tục ở trên diện tích đất 204m2 và lối đi ra lộ công cộng với lí do là gia đình nguyên đơn đã xây nhà trên đất.
Có thể thấy, nguyên đơn cũng như người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã xác định là tòa án sẽ không chấp nhận chia thừa kế, nên nguyên đơn chỉ có yêu cầu “được tiếp tục ở trên diện tích đất.
Thế nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại tuyên xử: Nguyên đơn (hộ bà C) được quyền sử dụng diện tích đất 204,9m2, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (hộ ông Th) được quyền sử dụng diện tích đất 94,2m2, giao lối đi công cộng có diện tích 44,4m2 cho hộ bà C và ông Th được quyền sử dụng diện tích đất này để làm lối đi chung: Là có dấu hiệu vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện của đương sự. Và, Tòa án còn kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi GCNQSDĐ mà Sở TN&MT đã cấp cho chị Q.
Theo quy định tại điểm d, Khoản 2, Điều 106 Luật Đất đai năm 2013, Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau: Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.
Việc Tòa án kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi GCNQSDĐ mà Sở TN&MT đã cấp cho chị Q là có dấu hiệu trái với nhận định của chính Tòa án nêu trong Bản án sơ thẩm: “Việc UBND huyện Lấp Vò cấp GCNQSDĐ cho cụ Thiêm và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp cấp GCNQSDĐ cho chị Q là đúng quy định của pháp luật”.
Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã có những dấu hiệu thiếu sót trong việc thu thập tài liệu, đánh giá chứng cứ và giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện; và chấp nhận đơn khởi kiện chia di sản thừa kế là QSDĐ đã được Nhà nước cấp cho cụ Thiêm theo di chúc hợp pháp của cụ Đền; dẫn đến việc ra bản án thiếu khách quan, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự”.
Vụ án đã được thụ lí theo trình tự phúc thẩm. Thực hiện Điều 5 Luật Người cao tuổi năm 2009, Tạp chí Người cao tuổi đề nghị TAND tỉnh Đồng Tháp xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cụ Thiêm, chị Q và các bên liên quan theo đúng quy định của pháp luật.