Lan tỏa tiếng nói từ cơ sở

Sự kiện 25/06/2025 13:40
Các Luật (sửa đổi) được thông qua gồm: Luật Thanh tra; Bộ luật Hình sự; Luật Ngân sách nhà nước; Bộ luật Tố tụng tụng dân sự; Luật Tố tụng hành chính; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật phá sản và Luật hòa giải, đối thoại lại tòa án; Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật thuế giá trị gia tăng… Các Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Bên cạnh đó, Quốc hội thông qua các Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71 của Quốc hội; Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025.
Một luật sửa nhiều luật
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
![]() |
Sáng 25/6, Quốc hội thông qua nhiều Luật sửa đổi, Nghị quyết quan trọng. |
Trong đó, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu như: Luật bổ sung quy định cho phép tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sử dụng toàn bộ hoặc một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước được tự quyết định lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Đối với lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tổ chức, cá nhân chủ trì được phép mua gom trực tiếp hàng hóa, dịch vụ từ hộ gia đình, cá nhân.
Luật cũng sửa đổi khoản 1 Điều 5 theo hướng: Đối với đấu thầu quốc tế, nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước, trừ trường hợp hồ sơ mời thầu quy định khác.
Bên cạnh đó, việc chỉ định thầu được bổ sung áp dụng trong các trường hợp cấp bách như: nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xử lý sự kiện bất khả kháng; bảo vệ tài sản, tính mạng người dân...
Đối với Luật Thuế giá trị gia tăng, sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 9 Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng mở rộng khái niệm hàng hóa xuất khẩu, bao gồm: Hàng hóa tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam; hàng hóa bán vào khu phi thuế quan để phục vụ sản xuất xuất khẩu; hàng hóa bán tại cửa hàng miễn thuế, khu cách ly cho người đã làm thủ tục xuất cảnh; hàng hóa xuất khẩu tại chỗ.
Đối với Luật Đầu tư, luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển; đầu tư xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng di động từ 5G trở lên và hạ tầng số khác; đầu tư trong lĩnh vực công nghệ chiến lược, chuyển đổi số quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đầu tư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đáng chú ý, trong lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất bỏ 8 trên tổng số 18 tội danh có hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Các tội danh này gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Tội gián điệp (Điều 110); Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); + Tội vận chuyển trái phép chất ma tuý (Điều 250); Tội tham ô tài sản (Điều 353); Tội nhận hối lộ (Điều 354); Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).
![]() |
Ông Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo, giải trình trước Quốc hội về Bộ luật Hình sự sửa đổi. |
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, ông Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp lý giải, việc thu hẹp hình phạt tử hình căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội; tầm quan trọng của khách thể được bảo vệ; khả năng khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Căn cứ kết quả tổng kết công tác thi hành Bộ luật Hình sự, nhiều tội danh có quy định về hình phạt tử hình nhưng không áp dụng trên thực tế thời gian qua. Đồng thời, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hiện nay, xu hướng về việc giảm hình phạt tử hình trong quy định của pháp luật cũng như thực tế thi hành trên thế giới là phổ biến.
Theo báo cáo tiếp thu, giải trình, trong 193 quốc gia là thành viên của Liên Hợp Quốc chỉ còn hơn 50 quốc gia quy định về hình phảt tử hình. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của Việt Nam khi là thành viên của các điều ước quốc tế có liên quan, đặc biệt tại khoản 2 Điều 6 Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền dân sự và chính trị xác định: "Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xóa bỏ thì chỉ được phép áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất".
Đồng thời, việc thu hẹp hình phạt tử hình cũng nhằm phục vụ hoạt động hợp tác quốc tế của nước ta, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang mở rộng hợp tác quốc tế một cách sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, việc xây dựng hệ thống pháp luật tương đồng với đa số các nước trên thế giới sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các quan hệ hợp tác ngày càng bền chặt và tin tưởng lẫn nhau.
Đây cũng là, trách nhiệm, năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
Riêng đối với Tội tham ô tài sản và Tội nhận hối lộ, sau khi bỏ hình phạt tử hình, để bảo đảm thu hồi tài sản do phạm tội mà có, đồng thời khuyến khích người phạm tội tích cực khai báo trong quá trình giải quyết vụ án.
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 63 theo hướng: "Người bị kết án tù chung thân về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ chỉ có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn".
Văn bản của chính quyền cấp huyện tiếp tục có hiệu lực đến ngày 28/2/2027
Điểm nổi bật của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, là quy định bổ sung quy định chuyển tiếp về hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật sau sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính. Theo đó, các văn bản của chính quyền cấp huyện sẽ tiếp tục có hiệu lực đến ngày 28/2/2027 để rà soát và quyết định áp dụng phù hợp.
Luật cũng bổ sung thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân và Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong ban hành văn bản phân cấp, cũng như mở rộng phạm vi ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho Hội đồng nhân dân, UBND cấp xã phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương vừa được Quốc hội thông qua ngày 16/6.
Luật đã bỏ quy định về việc UBND cấp xã có thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật phân cấp, thay vào đó, chỉ quy định thẩm quyền phân cấp thuộc về Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Ngoài ra, bổ sung hình thức và thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch UBND cấp tỉnh và mở rộng phạm vi ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, UBND cấp xã phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn tương ứng tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.