Nguyên đơn là người cao tuổi có đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng

Pháp luật - Bạn đọc 08/12/2023 08:41
Cụ Nguyễn Văn Nghĩa, 94 tuổi, khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ, yêu cầu Tòa án hủy các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất: số BH 853208, BH 853209, BH 853210, BH 853211, BH 853212 đối với các thửa đất 327, 343, 354, 501, 572, cùng thuộc tờ bản đồ số 2, tọa lạc tại ấp Bình Tây, xã Tân Bình, do UBND huyện Tân Trụ cấp cùng ngày 30/9/2011 cho bà Sơn.
Bản án hành chính sơ thẩm số: 25/2023/HC-ST ngày 29/3/2023 củaTAND tỉnh Long An (sau đây gọi là: Bản án số 25), xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Nghĩa; Hủy các giấy chứng nhận nói trên.
![]() |
Khuôn viên các thửa đất 327, số 343, số 354, số 572. Đường viền là hàng rào và cổng rào giáp với các con đường và đất hàng xóm. |
Bản án số: 908/2023/HC-PT ngày 2/10/2023 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, xử: Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà Sơn; huỷ Bản án số 25; chuyển hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Long An giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Một, về hợp đồng tặng cho, chỉ có một người đứng tên kí hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất. TAND tỉnh Long An công nhận 5 GCNQSDĐ trên, là tài sản chung của vợ chồng cụ Nghĩa, cụ Hoa trong thời kì hôn nhân. Cụ Hoa không thể hiện ý chí tặng cho nên 5 GCNQSDĐ phải bị hủy. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án thể hiện công nhận này có bất hợp lí.
1) Cụ Nghĩa kí hợp đồng tặng cho QSDĐ ngày 28/7/2011 cho bà Sơn. Giấy đăng kí kết hôn của cụ Nghĩa và cụ Hoa kí ngày 3/8/2011, tại UBND xã Nhơn Thạnh Trung. Điều này thể hiện, thời điểm cụ Nghĩa kí tên hợp đồng tặng cho, cụ Hoa không kí vào hợp đồng tặng cho trên là phù hợp pháp luật.
2) Việc công nhận tài sản nhà đất là của chung do hai vợ chồng cụ Nghĩa, cụ Hoa gây dựng là không hợp lí. Bởi, cụ Hoa và cụ Nghĩa đã sống riêng và quản lí tài sản riêng của mỗi người hơn 30 năm. Cụ Hoa sống tại 144 Nhơn Trị 2, xã Nhơn Thạnh Trung, cụ Nghĩa sống tại 374 ấp Bình Tây, xã Tân Bình. Hộ khẩu của cụ Nghĩa và cụ Hoa chứng minh điều này. Hơn nữa, theo lời chứng của hàng xóm và con cháu, cụ Nghĩa, cụ Hoa đã sống riêng trong thời gian cụ Nghĩa đi lính (1969-1975). Sau đó đã không sống chung từ năm 1978. Sau khi được sang tên chủ QSDĐ, bà Sơn rước cụ Hoa về 374 ấp Bình Tây, xã Tân Bình từ năm 2012, để tiện việc phụng dưỡng.
![]() |
3) Các giấy tờ về đất đai đều ghi tên cụ Nghĩa, không có đề cập tên cụ Hoa. Và cụ Hoa cũng có giấy tờ sử dụng đất đứng tên mình mà không đề cập tên cụ Nghĩa. Các QSDĐ của cụ Hoa chia cho các con trước khi cụ Nghĩa và cụ Hoa đăng kí kết hôn ngày 3/8/2011, cũng không có chữ kí của cụ Nghĩa. Từ đó có thể thấy, cụ Nghĩa và cụ Hoa đã “mặc định” về tài sản của người nào thì người đó đã có toàn quyền định đoạt.
4) Giấy đăng kí kết hôn của cụ Nghĩa và cụ Hoa kí ngày 3/8/2011 có ghi chú:“Hôn nhân thực tế có hiệu lực từ ngày 12/2/1950”, là thể hiện không phù hợp quy định: Hôn nhân thực tế áp dụng trước ngày 3/1/1987. Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, hôn nhân thực tế tính khi hai bên chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 3/1/1987 mà chưa có đăng kí kết hôn. Cụ Nghĩa và cụ Hoa tại thời điểm 3/1/1987, không chung sống với nhau (không sống chung liên tục từ năm 1978 đến 2012). Ngoài ra, cụ Nghĩa, cụ Hoa đã từng lập hôn thú tại xã Nhơn Thạnh Trung ngày 14/1/1970; sau đó, theo Án số 987ND.71 ngày 23/3/1971, Tòa sơ thẩm Long An không công nhận cụ Hoa là vợ cụ Nghĩa nữa. Như vậy, cụ Nghĩa, cụ Hoa chỉ nên được tính là vợ chồng từ ngày kí đăng kí kết hôn (3/8/2011). Những điều trên đây thể hiện việc không có chữ kí của cụ Hoa trong hợp đồng tặng cho là có cơ sở hợp pháp.
5) Trong đơn cấp GCNQSDĐ ngày 21/4/1996 của cụ Nghĩa, có ghi chú các thửa đất trên, có nguồn gốc Nhà nước (chế độ cũ) cấp năm 1960 và đất thừa kế năm 1960. Đất này do mẹ cụ Nghĩa tạo lập, sau đó cụ Nghĩa được tặng cho, thừa kế riêng. Như vậy tài sản (các QSDĐ) của cụ Nghĩa cho bà Sơn là tài sản trước thời kì hôn nhân (1970) cụ Nghĩa được toàn quyền định đoạt.
6) Trong cuộc họp gia đình dịp Tết năm 2008, có 9 người (anh, em, con, cháu), thể hiện cụ Hoa biết và đồng ý việc tặng cho; và lời khai tại Tòa của những người này phù hợp với các chứng cứ là video có trong hồ sơ của vụ án. Do đó cần công nhận những lời khai này là khách quan và có căn cứ xác định cụ Hoa biết và đồng ý việc tặng cho QSDĐ của cụ Nghĩa.
7) Sau khi có QSDĐ năm 2012, vợ chồng bà Sơn về sinh sống tại 374 ấp Bình Tây, xã Tân Bình, có mời cụ Hoa về sống tại địa chỉ này để tiện việc chăm sóc nuôi dưỡng cho tròn chữ Hiếu. Việc này, thể hiện cần áp dụng Án lệ số: 04/2016/AL để công nhận QSDĐ cấp cho bà Sơn.
Nội dung Án lệ số: 04/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 6/4/2016 và được công bố theo Quyết định số: 220/QĐ-CA ngày 6/4/2016 của Chánh án TAND Tối cao: “Trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên kí hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó cho người khác, người còn lại không kí tên trong hợp đồng; nếu có đủ căn cứ xác định bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không kí tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lí, sử dụng nhà đất đó công khai; người không kí tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối gì thì phải xác định là người đó đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất”.
![]() |
Hình chụp từ bên ngoài rào. Bên trong là đất vườn dừa, thiên lí, bông trang, nuôi cá tai tượng, cá koi kiểng và Camera chống trộm cửa rào bị cắt ngày 10/3/2022. |
8) Cần công nhận cho bà Sơn quyền sở hữu căn nhà trên đất có giấy QSDĐ của bà Sơn, theo tinh thần của Án lệ số: 03/2016/AL.
Nội dung Án lệ số: 03/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 6/4/2016 và được công bố theo Quyết định số: 220/QĐ-CA ngày 6/4/2016 của Chánh án TAND Tối cao: “Trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất và vợ chồng người con đã xây dựng, nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp GCNQSDĐ thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho QSDĐ.”
Thực tế, ở địa phương vấn đề hoàn công trong xây dựng không phổ biến; căn nhà cấp 4 được xây dựng từ rất lâu và gắn liền với đất; thời điểm tặng cho có tồn tại căn nhà; bà Sơn đã ở trên căn nhà đó và có công xây dựng, sửa chữa nâng cấp. Hơn nữa, bà Sơn còn xây thêm một căn nhà gắn liền với căn nhà cấp 4 đó, mà từ trước đến nay không có ai tranh chấp hay ý kiến gì. Hoàn toàn có thể áp dụng Án lệ số: 03/2016/AL để công nhận nhà thuộc quyền sở hữu của bà Sơn.
Hai, nhiều dấu hiệu quá thời hạn khởi kiện!
Quyền sử dụng đất (QSDĐ) đã sang tên cho bà Sơn từ năm 2011. Sau đó, vợ chồng bà Sơn chung sống phụng dưỡng cụ Nghĩa tại địa phương cho đến năm 2022 không có tranh chấp. Theo Điều 116 Bộ luật Tố tụng hành chính, thời hiệu khởi kiện hành chính là một năm, ngoại trừ người khởi kiện không biết. Nhưng cụ Nghĩa biết rõ QSDĐ đã là của bà Sơn, bởi các lẽ:
a) Cụ Nghĩa kí giấy tặng cho QSDĐ các phần đất cho bà Sơn tại UBND xã năm 2011; mặc dù cụ Nghĩa tố cáo chữ kí trên Hợp đồng không phải của cụ, nhưng Kết luận giám định chữ kí lại là chữ kí của cụ. Sự thật này thể hiện cụ Nghĩa biết mình đã tặng cho QSDĐ cho bà Sơn.
b) TAND tỉnh Long An (cấp sơ thẩm) nhận định: “Như vậy, việc UBND huyện Tân Trụ cấp GCNQSDĐ, QSHNO và tài sản khác gắn liền với đất cho bà Sơn trên cơ sở hợp đồng tặng cho được công chứng, chứng thực là đúng theo quy định”. Do đó, có thể thấy khi thực hiện cấp GCNQSDĐ cho bà Sơn, UBND huyện cũng đã thực hiện đúng quy trình, như niêm yết công khai. Thời điểm này, cụ Nghĩa đang sống ở địa phương cùng với vợ chồng bà Sơn, nên có cơ sở xác định cụ Nghĩa biết việc cấp sổ cho bà Sơn từ năm 2011.
c) Lời khai của cụ Nghĩa về thời điểm phát hiện QSDĐ cấp cho bà Sơn có nhiều mâu thuẫn. Trong đơn kiện, cụ Nghĩa khai, đến ngày 21/3/2022 (sau khi cắt rào bẻ khóa và đuổi vợ chồng bà Sơn ra đường ngày 10/3/2022), cụ Nghĩa được Chi nhánh Văn phòng Đăng kí đất đai huyện Tân Trụ cung cấp hồ sơ các thửa đất, thì cụ Nghĩa mới biết bà Sơn được cấp GCNQSDĐ. Nhưng, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh (cấp tòa phúc thẩm) có nhận định: “Tuy nhiên, trình bày này mâu thuẫn với chính lời khai của cụ Nghĩa tại Công an xã Tân Bình, cụ Nghĩa xác định ngày 30/4/2021 cụ Nghĩa đã biết 5 GCNQSDĐ trên do bà Sơn đứng tên”. Bằng chính lời khai của cụ Nghĩa, thể hiện rõ ràng việc nộp đơn kiện hành chính ngày 13/6/2022 đã quá thời hiệu khởi kiên.
![]() |
Camera chống trộm cửa rào bị cắt 10/3/2022 |
d) Trong suốt mười mấy năm sinh sống chung với vợ chồng bà Sơn, các giao dịch đất đai với chính quyền đều do bà Sơn kí. Lệ phí trước bạ, thuế đất, điện, nước, internet cũng do vợ chồng bà Sơn nộp. Bà Sơn cũng kí giáp ranh đất với hàng xóm. Năm 2012, chính quyền địa phương vận động hiến đất để mở đường, với tư cách là chủ sử dụng hợp pháp các diện tích đất có giấy chứng nhận, bà Sơn kí tên hiến đất trước nhà để mở rộng đường Giao thông nông thôn. Khi đó, cụ Nghĩa sống tại địa phương và biết được việc này và cũng không có ý kiến gì. Điều này, cũng thể hiện có đủ căn cứ xác định cụ Nghĩa hoàn toàn biết bà Sơn được cấp GCNQSDĐ năm 2011.
e) Vợ chồng bà Sơn sinh sống và làm việc tại địa chỉ trên suốt mười mấy năm nay; có sửa sang nhà cửa rất nhiều; và có xin chính quyền chuyển đổi 2 thửa ruộng trước nhà thành vườn cây lâu năm, lên liếp lập vườn, đào kênh nuôi cá, làm rào làm cổng. Cụ Nghĩa sống chung ở đó mà không có ý kiến phản đối gì, chứng tỏ cụ Nghĩa biết đất đai nhà cửa là thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bà Sơn.
f) Bà Sơn có văn bản nội cuộc gặp mặt gia đình dịp Tết năm 2008, thể hiện có 9 chữ kí của con cháu xác nhận cụ Nghĩa cho bà Sơn các thửa đất trên; và các bằng chứng là video tháng 2/2021, ghi nhận các cuộc nói chuyện của cụ Nghĩa và những người tham dự việc cắt rào bẻ khóa, cũng thể hiện đều thừa nhận QSDĐ của bà Sơn.
Việc xác định thời hiệu khởi kiện chỉ dựa trên lời khai của nguyên đơn là không phù hợp quy định pháp luật, thể hiện làm mất ý nghĩa quy định về thời hiệu khởi kiện; và thể hiện việc niêm yết công bố thông tin khi cấp GCNQSDĐ cho bà Sơn cũng trở nên vô nghĩa. Nếu đơn kiện không còn thời hiệu khởi kiện thì vụ án nên xem xét để được đình chỉ.
Ba, về hành vi thể hiện xâm nhập gia cư, chiếm giữ tài sản, phá hoại tài sản; và việc bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất.
Từ ngày 10/3/2023 đến nay, bà Sơn vẫn đang có QSDĐ hợp pháp (GCNQSDĐ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp). Theo Luật Đất đai năm 2013, bà Sơn được Nhà nước bảo hộ đối với các QSDĐ hợp pháp của bà, quy định tại “Điều 26. Bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất: 1. Bảo hộ QSDĐ và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất.”
Nhưng, mặc dù bà Sơn nhiều lần gửi đơn đến UBND, công an, viện kiểm sát (ở xã, huyện, và tỉnh) để xin được tiếp tục sử dụng đất hợp pháp của mình, không được nơi nào xem xét, giúp đỡ (mà cũng không trả lời lí do). Sau khi đuổi vợ chồng bà Sơn ra ngoài (ngày 10/3/2022), những người thực hiện hành vi nói trên, “xúi” cụ Nghĩa nộp đơn kiện hành chính (ngày 13/6/2022) xin hủy GCNQSDĐ của bà Sơn.
Trong khi, nếu có tranh chấp hành chính đối với các GCNQSDĐ của bà Sơn, thì bà Sơn vẫn là người đang được Nhà nước công nhận QSDĐ. Việc chuyển dịch chủ quyền đối với các GCNQSDĐ của bà Sơn, phải chờ đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật thi hành án; và buộc phải chờ cơ quan thi hành án tổ chức thi hành án theo quy định. Đằng này, những người có hành vi xâm phạm chỗ ở hợp pháp của vợ chồng bà Sơn, cắt khóa, cắt camera chống trộm, đuổi chồng bà ra ngoài lập tức; và chiếm giữ luôn QSDĐ của 4 mảnh đất (1 mảnh đất thổ, 3 mảnh đất nông nghiệp) đang đứng tên bà Sơn; thậm chí còn “tiện tay” chiếm giữ luôn các tài sản (tiền, vàng đồ đạc tích góp) của vợ chồng bà Sơn. Những việc trên, thể hiện dấu hiện có tiền lệ nguy hiểm: Một người bình thường có thể tự ý thay mặt các cơ quan chức năng, tự ý thực hiện việc chiếm giữ tài sản hợp pháp của người khác, trong khi không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền, nhưng lại không bị xem xét, xử lí.
Bốn, về việc quá thời hạn khiếu nại.
Ngày 10/3/2022, vợ chồng bà Sơn gửi đơn tố cáo các hành vi tự ý thực hiện việc chiếm giữ tài sản hợp pháp của bà, trong khi không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đến các cơ quan thẩm quyền. Ngày 12/5/2022, Công an huyện Tân Trụ tiếp nhận giải quyết đơn của bà Sơn. Nhưng ngày 14/9/2022, Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an huyện Tân Trụ chỉ đọc quyết định không khởi tố vụ án, mà không cho bà Sơn nhận quyết định này. Bà Sơn không đồng ý và khiếu nại trong buổi họp (có ghi hình và có sự tham gia của Hội Phụ nữ huyện). Điều này thể hiện không thể nói bà Sơn đã không khiếu nại trong thời hạn quy định. Căn cứ Điều 471, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định tại “Điều 471. Thời hiệu khiếu nại”:
1. Thời hiệu khiếu nại là 15 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật.
2. Trường hợp vì lí do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có lí do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại”.
Ngày 7/10/2022, theo thư mời bà Sơn có mặt tại CSĐT huyện Tân Trụ để nhận thông báo số 146/TB-CQCSĐT, nhưng nội dung thông báo này thể hiện ở phần ghi số của Quyết định không khởi tố vụ án bị bỏ trống; bà Sơn không nhận được Quyết định không khởi tố vụ án này. Và sau này bà Sơn mới được biết đó là Quyết định số: 08/QĐ-CQCSĐT. Đây là lí do khiến bà Sơn gửi đơn khiếu nại chậm trễ. Tuy nhiên, ngày 11/10/2022, bà Sơn cũng đã gửi đơn xem xét quyết định không khởi tố của CSĐT huyện Tân Trụ. Nhưng CSĐT huyện Tân Trụ cho rằng đơn của bà Sơn gửi khi đã hết thời hiệu khiếu nại (15 ngày), nên không xem xét.
![]() |
Bà Sơn làm gia công bông vải |
Bà Sơn cho biết: “Ngày 14/9/2022, tại Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Trụ, tôi được nghe đọc nội dung Thông báo số: 146/TB-CQCSĐT ngày 13/9/2022 “Về việc không khởi tố vụ án hình sự” của Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Trụ, mà không được nhận Quyết định này; sau này tôi mới biết được Quyết định này không có số (theo Thông báo số: 146/TB-CQCSĐT ngày 13/9/2022 “Về việc không khởi tố vụ án hình sự” gửi cho tôi, thể hiện ở dòng 19 (dưới lên) của trang 1, có nội dung thể hiện quyết định không có số). Và việc không giải quyết đơn khiếu nại của bà Sơn với lí do hết thời hiệu, liệu có phải là dấu hiệu không khách quan khi từ chối giải quyết nội dung khiếu nại của tôi?”.
Ngoài ra, tại thời điểm làm đơn khiếu nại vì bị mất chỗ ở ổn định, bị mất tiền bạc, sức khỏe lại không tốt nên bà Sơn phải điều trị bệnh (các đơn thuốc, kết quả xét nghiệm và khám bệnh từ ngày 12/9/2022-10/10/2022) nên các thủ tục khiếu nại kéo dài thêm vài ngày. Điều này thể hiện phù hợp với trở ngại khách quan quy định tại Điều 471. Thời hiệu khiếu nại. Viện KSND huyện Tân Trụ cho rằng, việc điều trị bệnh ngoại trú là không có trở ngại khách quan để từ chối giải quyết đơn của bà Sơn là thể hiện không có căn cứ. Bà Sơn tuổi gần 70, bệnh tật liên tục mà không có con cháu chăm sóc. Bà Sơn lại không nhà cửa, phải mướn phòng trọ 10m2 để ở, lột vỏ hột điều, làm bông giả để kiếm sống vì tiền bạc tài sản bị chiếm giữ. Với khả năng tài chính như vậy thì tiền đâu mà điều trị nội trú? Điều kiện như thế nào mới cho là trở ngại khách quan để chậm một vài ngày?.
![]() |
Một trong những bằng chứng tình trạng sức khỏe trở ngại việc người cao tuổi là bà Sơn làm đơn khiếu nại |
Trong các đơn tố cáo, bà Sơn nêu rõ các hành vi thể hiện dấu hiệu phạm tội “Xâm nhập gia cư bất hợp pháp”, chiếm giữ tài sản, phá hoại tài sản. Đây là các hành vi thể hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, không chỉ xảy tại thời điểm ngày 10/3/2022, mà diễn ra liên tục cho đến nay. Điển hình là việc cắt rào mở thêm cổng hậu, làm cá chết gây ô nhiễm môi trường, đào đất phá hệ thống tưới tiêu tự động đều xảy ra sau ngày 10/3/2022.
Hơn một năm rưỡi qua, bà Sơn (67 tuổi) sống chật vật trông chờ được bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của bà. Ngày 4/5/2023, bà con hàng xóm (hơn 100 người) đồng kí tên vào văn bản gửi cơ quan các cấp thẩm quyền (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) yêu cầu giải thích về hành vi thể hiện chiếm đoạt tài sản của bà Sơn, nhưng đến nay yêu cầu này vẫn chưa được giải quyết?
Nguyện vọng của người cao tuổi
Bà Sơn cho biết: “Vợ chồng tôi đã gần 70, góp sức cả đời xây dựng chế độ mới. Chồng tôi đi thanh niên xung phong rồi làm công nhân cho đến khi về hưu. Tôi làm cô giáo dạy giáo dục công dân. Tôi tốt nghiệp đại học Chính trị. Tôi suốt đời giáo dục thế hệ mới thành công dân tuân thủ luật pháp. Vậy mà bây giờ tôi đang có nguy cơ bị mất hết tài sản, danh dự, cuộc sống chật vật, tuổi già nhục nhã vô cùng. Đến Ngày Phụ nữ (8/3), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), tôi xấu hổ không dám cho học sinh đến thăm”.
Khi nghe tôi nói: “Công an nói là vì anh em ruột nên không xử lẹ được”, bà con lối xóm (có nhiều người cao tuổi) phản ứng: “Chúng tôi cũng là anh em ruột thịt, không đồng ý với quan điểm này. Bởi, “quân pháp bất vị thân” thì dù có là hoàng thân quốc thích cũng không nằm ngoài pháp luật. Đây được coi là nguyên tắc sống còn của pháp luật. Nguyên tắc này đã và luôn được các Nhà nước pháp quyền đề cao. “Quân pháp bất vị thân” như là lời khẳng định sự công bằng trong việc xử lí kẻ phạm tội với tất cả mọi người là như nhau, không thiên vị, kể cả là con vua nếu phạm pháp thì cũng xử như thường dân; và còn như một lời răn dạy của các bậc tiền nhân về những người đứng mũi chịu sào, đứng cân công lí thì nhất định phải minh bạch, công tâm. Với những việc sai trái phải xử lí triệt để, kẻ phạm tội phải được trừng trị thích đáng để góp phần xây dựng một xã hội ngày càng công bằng, văn minh.
“Ông Nguyễn Thiện Chí và 4 người khác có hành vi thể hiện việc lợi dụng tình chị em tin tưởng để có hành vi thể hiện việc chiếm đoạt tài sản đang hợp pháp của vợ chồng bà Sơn, là làm mất thuần phong mĩ tục xã hội; những hành vi này, nếu không nghiêm trị, nhiều kẻ xấu khác sẽ bắt chước theo. Là những công dân đang được luật pháp của Nhà nước ta bảo vệ, chúng tôi muốn biết thông tin về kết quả giải quyết vụ việc của vợ chồng bà Sơn, làm bài học kinh nghiệm cho chính bản thân của mỗi người. Chúng tôi đồng lòng yêu cầu được giải tỏa nỗi oan ức của vợ chồng bà Sơn” (trích nội dung “Đơn phản ánh” đề ngày 5/5/2023 của hơn 100 người là hàng xóm, biết sự việc và yêu cầu giải quyết làm rõ những hành vi chiếm giữ tài sản tại 374 ấp Bình Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An).
“Bản án số: 908/2023/HC-PT ngày 2/10/2023 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, đã xử huỷ Bản án số 25; chuyển hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Long An giải quyết lại vụ án. Tôi tin tưởng Hội đồng xét xử phiên tòa tới đây sẽ xem xét đầy đủ và khách quan đối với toàn bộ nội dung vụ án; đặc biệt quan tâm nhiều tình tiết có trong nội dung vụ án thể hiện thời hiệu khởi kiện đã hết, để tuyên bố đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật”, bà Sơn chia sẻ.