Khiếu nại của người cao tuổi là có cơ sở

Pháp luật - Bạn đọc 21/04/2025 09:12
Có thể kể tới vụ đau lòng xảy ra gần đây tại tỉnh Gia Lai. Ngày 30/3/2025, anh Nguyễn Văn Giỏi, ở xã Kon Gang, huyện Đăk Đoa ra thăm vườn thì phát hiện vườn cây chanh dây của gia đình đã bị kẻ xấu chặt phá, gây thiệt hại hàng chục triệu đồng, trong khi thời chanh dây đang được giá, với 30.000 đồng/kg. Qua kiểm đếm, toàn bộ 61 gốc chanh dây bị chặt ngang gốc dẫn đến không có khả năng phục hồi. Khi phát hiện sự việc, vợ chồng anh Giỏi hoang mang, lo lắng và mong muốn cơ quan công an vào cuộc điều tra, truy bắt thủ phạm để trả lại bình yên cho gia đình anh và bà con trong vùng.
Trước đó không lâu, cũng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ngày 26/2/2025, vườn chanh leo của gia đình ông Nguyễn Văn Hải, ở xã Ia Sao, huyện Ia Grai, cũng bị kẻ xấu cắt ngang gốc. Vườn chanh dây này ông Hải đầu tư khoảng 50 triệu đồng, cả công chăm sóc, thuốc, phân bón cũng lên gần 80 triệu đồng. Theo ông Hải, vườn chanh dây khi thu hoạch sẽ đem về cho gia đình khoảng 150 triệu đồng. Tuy nhiên, kẻ gian phá hoại, triệt đường sống của cả gia đình. Nếu cơ quan chức năng không tìm được thủ phạm, thì không chỉ gia đình ông mà bà con trong vùng sẽ còn thấp thỏm, lo lắng!.
![]() |
Vườn chanh dây của gia đình anh Giỏi chuẩn bị thu hoạch thì bị kẻ gian chặt gốc |
Còn nhớ, vào thời điểm cuối năm 2024, trên địa bàn huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, cơ quan công an đã điều tra và bắt giữ một kẻ có hành vi huỷ hoại tài sản của người dân. Được biết, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, đối tượng này đã mua thuốc độc thả xuống ao cá của một gia đình. Số thuốc độc này lan chảy ra 3 ao cá bên cạnh, gây thiệt hại lên tới 1,3 tấn cá.
Trên đây chỉ là các vụ phá hoại cây trồng, vật nuôi xảy ra gần đây. Còn trong quá khứ ở nước ta đã xảy ra rất nhiều vụ việc tương tự. Bản chất đê hèn, dã man, mất nhân tính của các vụ phá hoại cây trồng, vật nuôi thường rất giống nhau, khi những kẻ bất lương đã dùng dao chặt hạ cây trồng, dùng hóa chất độc chuốc chết trâu bò, ao cá, vuông tôm..., sắp tới kì cho thu hoạch.
Như chúng ta đều biết, việc trồng lên được những cây ăn trái đến thời kì cho thu hái là mất cả một quãng thời gian không hề ngắn, thường là dăm bảy năm cho tới cả chục năm. Đó còn chưa kể biết bao công sức chăm bẵm, tiền đầu tư mua cây giống, phân bón... Và khi cây trồng tới ngày thu hái bị chặt phá như vậy thì sự đau sót là tột cùng, khi ai là nạn nhân cũng khóc ròng vì tiếc công tiếc của. Không ít hộ gia đình lo đổ nợ vì tiền của đầu tư vào cây trồng đâu phải ai cũng có sẵn, mà nhiều người phải đi vay đi giật, nên khi muốn có lứa cây trồng mới thay thế, họ lại phải đi vay để tái đầu tư, như thế nợ lại chồng nợ và chẳng bao giờ mới có thể trả được hết nợ (?!)
Để không còn tình trạng chỉ vì xuất phát từ mâu thuẫn, thù tức cá nhân, cạnh tranh không lành mạnh, ganh ghét nhau..., dẫn tới triệt hạ, phá hoại cây trồng vật nuôi; thiết nghĩ, ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền cơ quan chức năng và chính quyền ở các địa phương cần phải có biện pháp ngăn ngừa, trấn an mạnh mẽ. Khi bắt được các đối tượng phá hoại cây trồng, vật nuôi, tuỳ theo mức độ thiệt hại gây ra, thậm chí phải truy tố trước pháp luật.
Mặt khác, khi phát hiện vụ viêc, các cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra đến nơi đến chốn, tìm ra những kẻ mất nhân tính, chứ không thể để “chìm xuồng” như nhiều vụ đã xảy ra. Bởi như vậy những kẻ xấu sẽ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, để rồi chúng lại tiếp tục đi phá hoại tài sản của những người nông dân khác.