Có tình tiết mới để người cao tuổi đề nghị tái thẩm
Pháp luật - Bạn đọc 10/11/2023 16:28
Nội dung vụ án
Tại Bản án số: 30/2016/DS-ST ngày 30/9//2016 của TAND huyện Tân Thành, thể hiện: Nguyên đơn ông Thông và bà Xuân trình bày: Ngày 6/5/1992, vợ chồng ông Thông, bà Xuân có thỏa thuận mua 1 lô đất 2.800m2 đất, tại thôn Chu Hải, xã Tân Hải, huyện Tân Thành của vợ chồng ông Hồng, bà Lực, với giá 16 chỉ vàng. Trên đất sang nhượng có 2 căn nhà gỗ (1 căn nhà ở, 1 căn nhà bếp) cùng một số cây xoài, mít, táo, na, bạch đàn… Vợ chồng ông Hồng, bà Lực nhận 8 chỉ vàng, còn lại 8 chỉ hai bên thỏa thuận sẽ nhận sau 2 tháng. Tuy nhiên, sau đó 2 bên có thỏa thuận lại với nội dung: Không mua bán toàn bộ quyền sử dụng (QSD) 2.800m2 đất mà chỉ mua bán QSD 1.400m2 đất; đồng thời khi nào Nhà nước có chủ trương làm giấy tờ đất thì hai bên cùng nhau đi làm thủ tục để cấp QSDĐ đứng tên cho vợ chồng ông Thông, bà Xuân. Cũng ngay sau khi thỏa thuận sang nhượng đất thì vợ chồng ông Hồng, bà Lực thực hiện giao đất và nhà tại hiện trường cho ông Thông, bà Xuân sử dụng. Kể từ đó ông Thông đã cử người trông coi và canh tác trên đất. Khi Nhà nước có chủ trương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) thì vợ chồng ông Hồng, bà Lực đã kê khai toàn bộ thửa đất, trong đó có cả phần đất đã sang nhượng QSDĐ cho ông Thông, bà Xuân và được cấp GCNQSDĐ; tiếp sau đó đã tiến hành tách thửa chuyển nhượng lại cho nhiều người khác, tự ý chặt phá cây cối trên đất của ông Thông, bà Xuân. Mặc dù vợ chồng ông Thông, bà Xuân có nhiều lần trực tiếp gặp ông Hồng, bà Lực để giải quyết và làm đơn trình báo lên cán bộ địa chính UBND xã Tân Hải để giải quyết, nhưng không có kết quả.
GCNQSDĐ ngày 7/2/2002 cấp cho hộ bà Nguyễn Thị Lực |
Hiện trạng đất hiện nay (thời điểm xét xử ngày 30/9//2016): Phần đất 1.400m2 của ông Hồng bà Lực, thì ông Hồng đã tách thửa sang tên chuyển nhượng hết cho nhiều người. 1.400m2 đất còn lại của ông Thông, bà Xuân đang để trống. Nay ông Thông, bà Xuân yêu cầu: Công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 6/5/1992, để công nhận 1.400m2 đất trên thuộc QSD của ông Thông, bà Xuân; buộc ông Hồng, bà Lực chuyển QSD 1.400m2 đất cho ông Thông; đất hiện chỉ còn lại khoảng 1.000m2.
Bị đơn ông Hồng, bà Lực trình bày: Ngày 6/5/1992, ông Hồng viết giấy tay sang nhượng thửa đất khoảng 2.800m2 đất ở xã Tân Hải, với giá 16 chỉ vàng, nhận trước 8 chỉ, 8 chỉ nhận sau trong vòng 2 tháng. Tuy nhiên, sau này ông Thông không mua nữa. Số vàng 8 chỉ đã nhận ông Hồng đề nghị với ông Thông đóng cửa gỗ để cấn trừ.
Năm 2002, ông Thông gặp ông Hồng để tính tiền cửa gỗ ông Hồng đã đóng, đồng thời yêu cầu sang nhượng 1.400m2 đất, vợ chồng ông Hồng, bà Lực không đồng ý.
Bản án sơ thẩm số: 30/2016/DS-ST 30/9/2016 của TAND huyện Tân Thành (Bản án ST số 30), xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ông Thông, bà Xuân được QSDĐ 982m2 thửa 111 và 157 tờ bản đồ số 21 xã Tân Hải, huyện Tân Thành;
Bản án phúc thẩm số 13/2017/DS-PT ngày 20/2/2017 của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Bản án PT số 13), xử: Công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ (giấy biên nhận viết tay lập ngày 6/5/1992) có hiệu lực pháp luật; ông Thông, bà Xuân được QSDĐ 982m2 thuộc 2 thửa liền kề nhau (111 và 157) tờ bản đồ 21 xã Tân Hải, Tân Thành, vị trí hai thửa đất này theo sơ đồ do Văn phòngđăng kí QSDĐ lập ngày 22/7/2014.
Ngày 2/10/2017, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Văn bản số: 641/CV-DS, đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm, phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm.
Ngày 19/12/2017, Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số: 14/2017/QĐKNGĐT-VKS-DS (Quyết định số 14), kháng nghị đối với bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên, đề nghị TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm.
Quyết định số: 01/QĐ-VKS-DS ngày1/5/2018, của Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh (Quyết định số 01): “Thay đổi Quyết định số 14 đối với Bản án phúc thẩm số 13; đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm vụ án trên theo hướng hủy Bản án phúc thẩm số 13 và Bản án sơ thẩm số 30, giao hồ sơ tòa sơ thẩm giải quyết lại theo quy định. Tạm đình chỉ thi hành Bản án phúc thẩm số 13 cho đến khi có Quyết định giám đốc thẩm”.
Quyết định giám đốc thẩm số: 178/2018/DS-GÐT ngày 16/5/2018 của Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh (Quyết định giám đốc thẩm số 178): Không chấp nhận Quyết định thay đổi Quyết định số 14, theo Quyết định số 01; giữ nguyên Bản án phúc thẩm số 13.
Những tình tiết trong vụ án chưa được xem xét
Một, vụ án thụ lí ngày 27/9/2011 nhưng đến ngày 11/8/2016, mới có quyết định đưa vụ án ra xét xử là có dấu hiệu vi phạm thời hạn xét xử.
Hai, thời điểm năm 1992, pháp luật nghiêm cấm việc mua bán chuyển nhượng QSDĐ dưới mọi hình thức; mặt khác ông Thông cũng chưa thanh toán hết số vàng để nhận chuyển nhượng toàn bộ thửa đất. Tuy nhiên, hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm lại công nhận Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 6/5/1992 giữa vợ chồng ông Thông và vợ chồng ông Hồng.
Ba, vợ chồng ông Hồng có chuyển nhượng lại QSDĐ cho 1 số người khác, nhưng không có bất cứ tranh chấp nào, đến năm 2007, ông Thông mới có khiếu nại tại UBND xã Tân Hải. Tình tiết này, Tòa án chưa xem xét.
Bốn, Quyết định số 14 kháng nghị Bản án phúc thẩm, với lí do: Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa vợ chồng ông Thông và vợ chồng ông Hồng vi phạm cả về hình thức và nội dung; các bên không tiến hành giao đất, ông Thông không trực tiếp sử dụng đất nên không có cơ sở để công nhận hợp đồng chuyển nhượng bằng giấy tay năm 1992 giữa vợ chồng ông Thông và vợ chồng ông Hồng.
Thế nhưng, Quyết định số: 178 nhận định: “Các bên đã nhận vàng, đã tiến hành giao nhận đất và vợ chồng ông Thông đã quản lí, sử dụng; xác định Tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 6/5/1992 giữa vợ chồng ông Thông và vợ chồng ông Hồng là đúng, phù hợp với Nghị quyết số: 02/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao”(?!)
Văn bản của TAND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu gửi ông Hồng, bà Lực. |
Nghị quyết số: 02/NQ-HĐTP, ngày 10/8/2004, điểm b.3, tiểu mục 2.2, mục 2, Phần II. Về tranh chấp liên quan đến QSDĐ của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, quy định: “2.2. Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ được xác lập từ ngày 1/7/1980 (ngày Chính phủ ban hành Quyết định số 201/CP) đến trước ngày 15/10/1993 (ngày Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực). Pháp luật thời kì này nghiêm cấm việc mua, bán phát canh thu tô chuyển nhượng đất đai dưới mọi hình thức. Do đó, khi có tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, Toà án chỉ giải quyết “hợp đồng có hiệu lực” trong trường hợp như sau: “b.3) Bên nhận chuyển nhượng QSDĐ đã xây nhà ở, công trình kiến trúc, trồng cây lâu năm, đầu tư sản xuất, kinh doanh không vi phạm quy định về quy hoạch và bên chuyển nhượng cũng không phản đối khi bên nhận chuyển QSDĐ xây nhà ở, công trình kiến trúc, trồng cây lâu năm, đầu tư sản xuất, kinh doanh trên đất đó”.
Theo quy định trên, Nguyên đơn - vợ chồng ông Thông (Bên nhận chuyển nhượng QSDĐ) phải thoả mãn điều kiện: “Đã xây nhà ở, công trình kiến trúc, trồng cây lâu năm, đầu tư sản xuất, kinh doanh” trên 1.400m2 đất nói trên. Nhưng thực tế, vợ chồng ông Thông - người nhận chuyển nhượng không làm những việc này, thể hiện rõ ràng tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 (ngày 30/9//2016), Nguyên đơn - vợ chồng ông Thông, khai: “Trên đất sang nhượng có 2 căn nhà gỗ (1 căn nhà ở, 1 căn nhà bếp) cùng 1 số cây xoài, mít, táo, na, bạch đàn,...”. Và khai: “Hiện trạng đất hiện nay: Phần diện tích đất của ông Hồng, bà Lực 1.400m2 thì ông Hồng đã tách thửa sang tên chuyển nhượng hết cho nhiều người. Diện tích 1.400m2 còn lại của ông Thông, bà Xuân đang để trống”.
Như vậy, 2 căn nhà gỗ (1 căn nhà ở, 1 căn nhà bếp) cùng một số cây xoài, mít, táo, na, bạch đàn... đã có sẵn, chứ không phải do vợ chồng ông Thông tạo lập như nhận định của các bản án. Và có điều bất ngờ (khó hiểu) là vợ chồng ông Thông khai: “Diện tích 1.400m2 còn lại của ông Thông, bà Xuân đang để trống” (trích bản án số 30) nhưng Tòa án lại nhận định: Bên nhận chuyển nhượng QSDĐ (ông Thông, bà Xuân) đã xây nhà ở, công trình kiến trúc, trồng cây lâu năm, đầu tư sản xuất, kinh doanh). Nếu có thì xây nhà ở nào? Công trình kiến trúc gì? Trồng cây gì lâu năm? Và đầu tư sản xuất, kinh doanh cụ thể như thế nào?
Những tình tiết mới để người cao tuổi đề nghị tái thẩm
Trong đơn đề nghị giải quyết lại vụ án theo thủ tục tái thẩm, ông Hồng, bà Lực trình bày: “Với chứng cứ duy nhất là tờ giấy biên nhận viết tay ngày 6/5/1992, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thông khởi kiện vợ chồng chúng tôi, tạo thành vụ án tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng QSD của 1.400m2/2.800m2 đất thửa số 83, tờ bản đồ số 21, do tôi mua QSDĐ của ông Nguyễn Văn Vinh năm 1990.
Năm 1991- 1992, tôi trồng cây ăn quả và cây tràm bông vàng lấy gỗ. Năm 1993, cha Hiển, giáo xứ Chu Hải kêu gọi hiến đất mở đường vào trường học, tôi hiến hơn 700m2 đất để làm đường.
Sau khi Nhà nước cấp GCNQSDĐ số: 02901/QSDĐ/113-QĐ.UB ngày 7/2/2002 của 1.943,5m2 đất thửa số 83, tờ bản đồ số 21 cho hộ bà Nguyễn Thị Lực, bà Lực tách thửa cho bà Nguyễn Thị Mai (năm 2002), ông Đặng Văn Hậu (năm 2005), riêng ông Hải tự tách thửa.
Việc mua bán QSDĐ ngày 6/5/1992 không thành, đến năm 2010, vợ chồng ông Thông mới khởi kiện tranh chấp “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” với gia đình tôi là không có căn cứ pháp lí (Điều 427 Bộ luật Dân sự năm 2005). Tòa chỉ có thể xử giao dịch vô hiệu và buộc trả lại 8 chỉ vàng cho ông Thông, chứ không thể buộc ông Hồng phải giao 982m2 đất thửa số 111, 157, tờ bản đồ số 21, là phần đất đã có GCNQSDĐ cấp cho hộ bà Lực. Vì, vào thời điểm này (1992), Nhà nước nghiêm cấm mua bán QSDĐ. Hợp đồng ngày 6/5/1992 chỉ có hiệu lực khi ông Thông đã thực hiện các điều kiện như điểm b.3 nêu trên.
Ngày 16/5/2018, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh ra Quyết định số 178, bác kháng nghị của Viện KSND Cấp cao, giữ nguyên Bản án phúc thẩm số 13, là có dấu hiệu không khách quan. Bản án sơ thẩm số 30 và Bản án phúc thẩm số 13 cùng có chung nhận định: ông Thông, bà Xuân trực tiếp sử dụng đất tranh chấp 982m2 thuộc thửa 111 và 157, tờ bản đồ số 21 xã Tân Hải, huyện Tân Thành, là không đúng sự thật (bịa đặt). Bởi thực tế: “Bà Nguyễn Thị Lực được cấp GCNQSDĐ vào năm 2002 đối với thửa đất số 83, tờ bản đồ số 21. Bà Lực sử dụng ổn định từ đó đến nay” (xác nhận ngày 20/5/2018 của Chủ tịch UBND xã Tân Hải).
Vợ chồng ông Hồng, bà Lực không hề đo đạc thực địa và lập biên bản bàn giao đất, nên vợ chồng ông Thông, bà Xuân không thể có đất để mà trực tiếp sử dụng đất. Tòa nhận định có việc bàn giao đất, mà không đưa ra được chứng cứ nào; và cũng không xác minh nội dung này tại địa phương.
Mặt khác, từ ngày Bản án phúc thẩm số 13 có hiệu lực pháp luật đến nay, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Phú Mỹ không thể thi hành án được, vì không có thửa 111, 157 nào như nội dung quyết định của bản án. Sự thật vô lí này thể hiện Thẩm phán Lâm Văn Hùng cố ý “tạo ra”.
Thực tế, vợ chồng ông Hồng vẫn đang giữ GCNQSDĐ số T291094, cấp ngày 7/2/2002 thửa số 83, tờ bản đồ số 21 cấp cho hộ bà Nguyễn Thị Lực; vẫn quản lí, sử dụng đất từ năm 1990 đến nay (năm 2023); bờ rào lưới B40 bị ông Thông thuê người phá, ông Hồng đã xây dựng bờ rào kiên cố, thực hiện nghĩa vụ thuế đất hằng năm (có xác nhận của Chủ tịch UBND xã Tân Hải và Chi cục Thuế thị xã Phú Mỹ).
Chúng tôi xin trình bày vụ án có tình tiết mới sau đây:
Quá trình giải quyết vụ án, các cấp Tòa án chưa xem xét, để có kết luận đúng về sự thật Nguyên đơn - vợ chồng ông Thông có “nhận 1.400m2 đất, sử dụng đất ổn định từ năm 1992 đến nay” hay không? Đây là nhận định theo ý chủ quan của các cấp Tòa án, là tạo cớ để viện dẫn điểm b.3, tiểu mục 2.2, mục 2, phần II Nghị quyết số 02/2004 ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Trong khi, Nguyên đơn - vợ chồng ông Thông không nhận đất, không xây nhà, không xây dựng công trình, không trồng cây lâu năm và không kinh doanh gì ở trên 1.400m2 đất. Do đó, Tòa án áp dụng điểm b3, tiểu mục 2.2, mục 2, phần II Nghị quyết số 02 nói trên để công nhận tờ giấy biên nhận viết tay ngày 6/5/1992 là Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ “có hiệu lực” là thiếu căn cứ pháp luật, đó là tình tiết mới để tái thẩm đối với vụ án.
Chúng tôi là những cán bộ, đảng viên, nay đã ngoài tuổi bảy mươi, kính đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao giải quyết kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với Quyết định Giám đốc thẩm số: 178/2018/DS-GĐT ngày 16/5/2018 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, theo thẩm quyền tại Điều 354 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để phép nước sẽ được giữ nghiêm, pháp luật sẽ được tôn trọng và sẽ làm tăng niềm tin của Nhân dân”.
Thực hiện Điều 5 Luật Người cao tuổi năm 2009, Tạp chí Người cao tuổi đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao giải quyết nguyện vọng của người cao tuổi là vợ chồng ông Nguyễn Hữu Hồng, bà Nguyễn Thị Lực; đồng thời chuyển nội dung vụ việc đến Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xem xét, kiến nghị giải quyết theo thẩm quyền; thông báo kết quả để Tạp chí trả lời người cao tuổi - là vợ chồng ông Hồng, bà Lực và bạn đọc theo quy định.