Nguyên đơn là người cao tuổi có đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng

Pháp luật - Bạn đọc 09/04/2025 09:19
Bà Nguyễn Thị Thắm cho biết: Ngày 20/5/1997, bà Thắm cùng 6 cán bộ là công nhân viên của Trường Trung học Nông nghiệp Tô Hiệu Hải Hưng (Trần Thị Nhung, Phạm Thị Thanh, Lê Thị Yên, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Thị Hựu và Phạm Công Hoành) có làm Đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở gửi Sở Địa chính tỉnh Hưng Yên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trường Trung học Nông nghiệp Tô Hiệu trình bày việc gia đình cùng 6 hộ khác đông con cháu khiến sinh hoạt và học tập của các cháu gặp nhiều khó khăn, chồng đều công tác trong cơ quan Nhà nước nên ở nhà tập thể của nhà trường cho mượn vừa thiếu chỗ ở, vừa chật chội.
Từ năm 1976, các cán bộ có nguyện vọng nên được Ban Giám hiệu nhà trường cho 2 khoảnh đất, 1 khoảnh giáp thôn An Bình, 1 khoảnh giáp thôn Yên Lịch thuộc xã Tân Dân, huyện Khoái Châu để ở, trông nom bảo vệ trường và khu vườn vải. Hai khoảnh đất này phần nhiều là thùng vũng, ao chuôm, bờ mương và ven cừ, các hộ gia đình phải tự san lấp để làm nhà ở. Từ đó đến nay, hằng năm, các gia đình đều đóng thuế đất cho Nhà nước đầy đủ và không có tranh chấp.
![]() |
Hiện trạng khu đất 11 hộ gia đình đang sử dụng nằm trong diện thu hồi để nâng cấp đường ĐH.57. |
Ngày 20/5/1997, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh Hưng Yên Phạm Văn Chính xác nhận vào Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận QSDĐ của 7 hộ gia đình: “Tôi là Phạm Văn Chính, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học Nông nghiệp Tô Hiệu, hiện nay là Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường tỉnh Hưng Yên xin xác nhận Đơn đề nghị của các đồng chí cán bộ, nhân viên của Trường Trung học Nông nghiệp Tô Hiệu là đúng sự thật. Đề nghị quý cơ quan quan tâm giúp đỡ xét và cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ gia đình trên để yên tâm công tác”.
Ngoài ra, ông Ngô Hoàng Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học Nông nghiệp Tô Hiệu cũng xác nhận: “Chữ kí trên của ông Phạm Văn Chính, nguyên là Phó Hiệu trưởng, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường tỉnh Hưng Yên là đúng sự thật. Trân trọng đề nghị cơ quan cấp trên xem xét, hết sức giúp đỡ và cấp Giấy chứng nhận QSDĐ ở cho các hộ trên”.
Ngày 15/6/1997, bà Thắm cùng 6 cán bộ tiếp tục có đơn đề nghị gửi Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Trung học Kinh tế Kĩ thuật Tô Hiệu, tỉnh Hưng Yên và được ông Nguyễn Văn Lũy, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học Nông nghiệp Tô Hiệu tỉnh Hải Hưng nhận thực: “Từ những năm 1975 trở đi, do chiến tranh ác liệt của đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc, lại ở trong thời kì bao cấp, kinh phí xây dựng có hạn, không đủ nhà cho cán bộ ở. Ban Giám hiệu nhà trường có nghị quyết cấp đất ở cho một số hộ gia đình ở những thùng vũng ven cừ tự san lấp tự làm nhà để ở, nhà trường không có kinh phí cấp. Vậy, đề nghị các cơ quan nhà nước xét cấp sổ quyền sở hữu cho các gia đình theo Luật Đất đai”.
Đến năm 2008, bà Thắm tiếp tục làm đơn đề nghị gửi UBND huyện Khoái Châu, Đảng ủy xã Dân Tiến, Ban Giám hiệu Trường Trung học Kinh tế Kĩ thuật Tô Hiệu xem xét cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho gia đình và được Hiệu trưởng Đỗ Trọng Hoàn xác nhận. Tuy nhiên, UBND xã Dân Tiến, UBND huyện Khoái Châu không xem xét, giải quyết.
![]() |
. Thông báo của UBND huyện Khoái Châu về việc thu hồi đất đối với hộ bà Nguyễn Thị Thắm. |
Ngày 2/6/2023, UBND huyện Khoái Châu có Thông báo số: 565/TB-UBND thu hồi đất để thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐH.57 huyện Khoái Châu (đợt 2) gửi gia đình bà Thắm. Diện tích dự kiến thu hồi 90,8m2, thửa số 68, tờ bản đồ 18, tỉ lệ 1/2000 xã Dân Tiến, loại đất đang sử dụng: Đất ở nông thôn. Gia đình có trách nhiệm phối hợp với UBND xã Dân Tiến, Ban Quản lí dự án đầu tư xây dựng huyện Khoái Châu điều tra khảo sát, đo đạc xác định diện tích, thống kê tài sản gắn liền với đất để thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và các nhiệm vụ phục vụ giải phóng mặt bằng.
Đặc biệt, thửa đất và căn nhà của gia đình bà Thắm đang sinh sống là căn nhà chính sách (nhà đồng đội) do Bộ Quốc phòng hỗ trợ xây dựng cho quân nhân Nguyễn Hồng Trọng. Quân nhân Nguyễn Hồng Trọng đã ốm chết trong thời gian phục vụ Quân đội. Đây cũng là nơi thờ tự duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Văn Chiểu, hi sinh trong kháng chiến chống Pháp; là nơi cư trú duy nhất của hai con đẻ mồ côi của quân nhân Nguyễn Hồng Trọng và mẹ đẻ, nay đã không còn khả năng lao động và đang trực tiếp nuôi dưỡng hai đứa trẻ mồ côi.
Ngày 7/3/2025, UBND huyện Khoái Châu ra Thông báo số: 54/TB-UBND về việc: Ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND huyện (đồng chí Lê Hải Nam) về công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án Cải tạo, nâng cấp ĐH.57 huyện Khoái Châu kết luận cho rằng, toàn bộ công trình của 11 hộ dân đang sinh sống xây dựng trái phép phải tự tháo dỡ, không có phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư cho người dân khi thực hiện dự án.
Bà Thắm cho rằng: “Chúng tôi luôn mong chính quyền địa phương xem xét lại việc xây dựng áp giá bồi thường; vận dụng tối đa các quy định của pháp luật về đất đai trong việc áp giá bồi thường, đền bù tái định cư. Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên xem xét theo thẩm quyền và áp dụng tính đặc thù theo địa phương và hoàn cảnh các gia đình theo Điều 25 Nghị định số: 47/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ khác đối với người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất quy định: Ngoài việc hỗ trợ quy định tại các Điều 19, 20, 21, 22, 23 và 24 của Nghị định 47, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định biện pháp hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất thu hồi”.
Liên quan đến sự việc, ông Lê Khánh Duy, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Khoái Châu cho biết: Căn cứ theo bản đồ đo đạc bổ sung, bản trích đo địa chính đất năm 2008 thể hiện, khu đất các hộ dân đang ở là đất của Trường Trung học Kinh tế Kĩ thuật Tô Hiệu. UBND huyện Khoái Châu căn cứ quy định, không thể vận dụng được chính sách gì áp dụng cho phía người dân. Trước 30/4/2025, UBND huyện sẽ tiến hành tháo dỡ nếu các hộ dân không đồng ý.
Từ những thông tin trên, nên chăng UBND tỉnh Hưng Yên, UBND huyện Khoái Châu cần xem xét lại việc hỗ trợ đền bù khi Nhà nước thu hồi vì khu đất của 11 hộ dân sinh sống ổn định 50 năm, không có nơi ở nào khác, bảo đảm quyền lợi cũng như nơi ăn chốn ở cho người dân địa phương.